Đầu tư vào Lào: “Doanh nghiệp Việt còn tự phát”
Nội dung cuộc trò chuyện với ông Vũ Đình Tích, Tham tán kinh tế - văn hoá Việt Nam tại Lào.
Xin ông cho biết vài nét chính về tình hình các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào thời gian qua?
Theo thông tin chưa đầy đủ, hiện có khoảng 80 doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động tại Lào dưới các hình thức công ty liên doanh, văn phòng đại diện, cửa hàng, siêu thị... với số vốn đăng ký hơn 1 tỷ USD.
Các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư trong hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế của Lào như nông nghiệp, công nghiệp, thủ công nghiệp, viễn thông, thuỷ điện, chế biến gỗ, khai khoáng, thương mại, khách sạn-nhà hàng, ngân hàng...
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính từ tháng 8/1993 đến hết tháng 3/2007, Việt Nam đã cấp phép cho 70 dự án đầu tư sang Lào với số vốn 461 triệu USD. Riêng 6 tháng đầu năm (tính theo năm của Lào: 10/2006-3/2007), đã có 20 dự án đầu tư sang Lào với số vốn 83 triệu USD, đứng thứ ba trong số các quốc gia đầu tư vào Lào, sau Thái Lan và Trung Quốc. Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Lào trong 4 tháng đầu năm 2007 đạt 92,3 triệu USD.
Bên cạnh thuận lợi trên, các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Lào hiện đang gặp những khó khăn và hạn chế gì, thưa ông?
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam sang Lào làm ăn nhưng lại không nắm chắc pháp luật và chính sách của Lào, hoạt động còn mang tính tự phát, rất dễ xảy ra tranh chấp. Hiện tượng này trong thời gian gần đây tuy đã giảm bớt nhưng vẫn còn. Khi tranh chấp xảy ra thì việc xử lý rất khó khăn, phức tạp, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh.
Trước đây, các doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng đến việc thúc đẩy quan hệ đầu tư thương mại, cung cấp thông tin, nghiên cứu thị trường mà mới chỉ tập trung vào khâu bán hàng. Gần đây, tình hình này mới được khắc phục. Một số doanh nghiệp đã thành công trong xây dựng mạng lưới tiêu thụ hàng hoá ổn định trên thị trường Lào và mở rộng sang thị trường Thái Lan.
Về quản lý Nhà nước, hiện cũng chưa có cơ quan có đủ thẩm quyền, điều kiện và năng lực triển khai quản lý, theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của tất cả các doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động tại Lào, cũng như chưa có sự chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ trong quản lý, chưa làm rõ nội dung quản lý, từ khâu thẩm định tư cách pháp nhân, thẩm định năng lực của các doanh nghiệp đến khâu giám sát hoạt động.
Trong khi đó, Lào là địa bàn đặc biệt, có biên giới chung với Việt Nam hơn 2.000 km, việc giao lưu qua lại dễ dàng. Hiện tượng có hàng ngàn lao động sang làm việc tại Lào trong đó có khá nhiều người không đăng ký hoặc làm thủ tục, đang gây nhiều rắc rối cho công tác xử lý.
Thế còn công việc hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư tại Lào đang được thực hiện ra sao, thưa ông?
Hiện công tác thông tin và tư vấn cho các doanh nghiệp còn rất nhiều hạn chế, chưa có giải pháp hữu hiệu để thu thập, biên dịch, in ấn cung cấp các văn bản pháp luật của cả Việt Nam và Lào tới các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào cũng chưa được tổ chức trong một tổ chức, chưa có sự gắn bó hỗ trợ nhau dưới sự chỉ đạo và bảo trợ thống nhất của hai Nhà nước.
Về việc này, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào đã dự thảo Đề án thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Lào, đang vận động thành lập, song vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ.
Ông đánh giá như thế nào về triển vọng đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào?
Hai Chính phủ khuyến khích hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc tất cả các thành phần kinh tế của Việt Nam sang Lào đầu tư sản xuất kinh doanh. Các lĩnh vực được ưu tiên khuyến khích đầu tư gồm: trồng cây cao su, các loại cây công nghiệp, cây nguyên liệu; xây dựng các nhà máy thuỷ điện; thăm dò và khai thác khoáng sản; sản xuất và phân phối hàng tiêu dùng; kinh doanh du lịch và dịch vụ...
Mặc dù kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và Lào năm 2006 mới chỉ đạt 260 triệu USD trong đó Việt Nam xuất sang Lào chỉ đạt 97 triệu USD, nhưng trong các năm tới, với việc triển khai xây dựng nhanh các nhà máy thủy điện lớn như Xêcaman 3 (vốn đầu tư 273 triệu USD), Xêcaman 1 (vốn đầu tư 535 triệu USD) và nhiều dự án lớn khác, khối lượng vật tư hàng hoá giao lưu hai chiều được dự đoán là sẽ tăng lên mạnh.
Việc tăng cường đầu tư được xem là yếu tố quyết định đến tăng cường thương mại. Mục tiêu phấn đấu trong vài năm tới là đưa vốn đầu tư thực hiện của Việt Nam tại Lào từ 500 triệu USD lên 1 tỷ USD và đạt kim ngạch 1 tỷ USD vào năm 2010 và 2 tỷ USD vào năm 2015.
Các ông có kiến nghị gì để thúc đẩy và tăng cường hiệu quả hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào?
Theo chúng tôi, Nhà nước Việt Nam cần có sự hỗ trợ nhiều mặt bao gồm: nghiên cứu và ban hành chính sách ưu đãi cụ thể cho các doanh nghiệp đầu tư sang Lào; nghiên cứu và ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn riêng áp dụng cụ thể cho địa bàn Lào; nghiên cứu ban hành quy chế quản lý các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động tại Lào; tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam được tiếp xúc và đối thoại định kỳ hàng năm với các cơ quan quản lý nhà nước của Lào.
Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác kinh tế giữa các tỉnh, thành phố kết nghĩa, các tỉnh có chung biên giới, khuyến khích phát triển thương mại biên giới; tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại; triển khai mạnh cuộc vận động thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Lào; tăng cường công tác cung cấp thông tin quản lý và thông tin thị trường cho các doanh nghiệp...(VnEconomy)
Back Top page Print Email |
Related news: |
|