Chuẩn bị đón “đại dự án”
Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá rất cao dự án này, bởi ngoài khía cạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài, việc hình thành cụm đại học quốc tế sẽ góp phần phát triển hoạt động đào tạo nguồn nhân lực cao cấp.
Theo ông Dato Francis Ng Sool Lin, Tổng giám đốc Công ty Berjaya Land Berhad, Dự án được chia làm 4 khu chức năng: giáo dục đại học; đô thị kế cận; trung tâm dịch vụ tổng hợp; khu công viên cây xanh, phúc lợi công cộng, với tổng diện tích xây dựng trên diện tích 880 ha nằm trong Khu đô thị Tây Bắc, cách TP.HCM 19 km. Dự án được bao bọc 3 phía bởi những dòng kênh và rãnh nối tiếp nhau, gồm kênh Thầy Cai và Khu công nghiệp Tân Phú Trung ở phía Tây và Tây Bắc, kênh An Hạ ở phía Đông và Khu công nghiệp Đức Hòa 2 (thuộc tỉnh Long An) ở phía Nam. Hiện nay, khu vực này là một vùng nông nghiệp với các loại cây ăn trái và đồng lúa có sản lượng thấp, thưa dân cư, mật độ hạ tầng thấp, quyền sử dụng đất thuộc Nhà nước quản lý... Chính vì vậy, việc đền bù và giải tỏa sẽ diễn ra một cách nhanh chóng và thuận tiện.
Theo thiết kế, Dự án sẽ bao gồm 6 khu dân cư tập trung và 3 trường đại học liên kết với các khu nhà ở, trung tâm hội nghị, căn hộ biệt lập, khu vui chơi giải trí, mua sắm, văn phòng làm việc. Sau khi được duyệt, Dự án dự kiến sẽ khởi công vào khoảng đầu năm 2008 và hoàn tất trong vòng 10 năm tới.
Ông Tan Srivincent Tan, Chủ tịch Tập đoàn Berjaya Berhad cho biết, điểm đặc biệt của Dự án này là mô hình mới về bất động sản liên hoàn, kết hợp giữa trường đại học và khu đô thị. “Khu đô thị sẽ là điểm nhấn phát triển của TP.HCM, tạo ấn tượng và thu hút cư dân đến sinh sống, học tập, làm việc tại Khu đô thị Tây Bắc”, ông Tan nói.
Mục tiêu của Dự án là nhắm vào việc thành lập một khu đại học đẳng cấp quốc tế và một khu dân cư cao cấp. Một thư viện chung, một trung tâm khoa học và một trung tâm công nghệ thông tin cũng sẽ được thành lập nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu của sinh viên, các nhà chuyên môn và cư dân sống và làm việc trong Khu đô thị Tây Bắc và các vùng lân cận.
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, chủ trương của Thành phố là hình thành một khu đại học quốc tế và khu đô thị mới với các phân khu chức năng, như một khu đại học gồm các học viện với diện tích khoảng 200 ha; khu đô thị với diện tích khoảng 350 - 400 ha, khu vực thương mại - dịch vụ với khoảng 130 ha, hệ thống ao hồ - cây cỏ khoảng 100 ha. Mật độ công trình dự kiến là 30 - 35%.
Một điểm quan trọng nữa là, việc thu hút Berjaya Land Berhad đầu tư vào đây đã giúp Thành phố thực hiện kế hoạch mở rộng phát triển đô thị về hướng Tây Bắc, giúp “cân bằng hóa” việc phát triển đô thị đang có khuynh hướng “nặng” về phía Nam hiện nay.
Tuy nhiên, theo đại diện Berjaya Land Berhad, trở ngại lớn nhất cho việc triển khai Dự án hiện nay là chưa có quy hoạch chi tiết 1/5.000 của Khu đô thị Tây Bắc, dù kế hoạch hình thành khu đô thị này đã có từ cách đây gần 5 năm.
Ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng ban Quản lý Khu đô thị Tây Bắc cho biết, đây là dự án đầu tư nước ngoài thứ hai hoàn tất thỏa thuận ban đầu với Khu đô thị Tây Bắc. Nhà đầu tư đầu tiên (đã được cấp phép) là Tập đoàn GSE&C (Hàn Quốc), với Dự án xây dựng khu phức hợp giải trí, đô thị, câu lạc bộ giải trí, sân golf 36 lỗ trên diện tích 200 ha với tổng vốn đầu tư 42,6 triệu USD, trong đó GES&C cam kết ứng trước 90 tỷ đồng cho đền bù giải tỏa.
Đánh giá về tiến độ triển khai Khu đô thị Tây Bắc, ông Thành cho rằng, chủ trương phát triển Khu đô thị Tây Bắc đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý trong điều chỉnh quy hoạch chung của Thành phố năm 2003. Quan điểm xây dựng Khu đô thị Tây Bắc nhằm tạo động lực phát triển nhanh Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đặc biệt, khu đô thị sẽ thực hiện nhiệm vụ quan trọng là giảm áp lực về chỗ ở cho dân cư, hình thành đô thị vệ tinh khu vực Tây Bắc, tạo ra động lực phát triển khu vực Tây Bắc TP.HCM, gồm các vùng đất lân cận với các tỉnh Bình Dương, Long An, Tây Ninh. (Báo Đầu tư)
Back Top page Print Email |