Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thursday, ngày 10 tháng 04 năm 2025 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Thông tin cơ bản về Ma-lai-xi-a và quan hệ Việt Nam - Ma-lai-xi-a


BỘ NGOẠI GIAO
VỤ ĐNA-NA- NTBD
*******
                                            TÀI LIỆU CƠ BẢN MA-LAI-XI-A
 

I. KHÁI QUÁT CHUNG:
1. Tên nư­ớc: Ma-lai-xi-a (Ma-lai-xi-a)
                
2. Thủ đô: Ku-a-la Lăm-pơ (Kuala Lumpur)
Thủ đô hành chính: Pu-tra-day-a (Putrajaya)
3. Vị trí địa lý: Ma-lai-xi-a nằm ở vùng Đông Nam Á, có diện tích 329.847 km2.
4. Khí hậu: Nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình từ 21-320C, độ ẩm cao.
5. Dân số: 32.150.135 người (2018).
6. Dân tộc: người Mã-lai (50,4%); người Hoa (23,7%); người Ấn Độ (7,1%); thổ dân (11%),  các dân tộc khác (7,8%).
7. Tôn giáo: Đạo Hồi (60,4%); Phật giáo (19,2%); Thiên chúa giáo (9,1%), Hin-đu (6,3%); các tôn giáo khác (5,0%).
8. Ngôn ngữ: Tiếng Mã-lai (quốc ngữ); tiếng Hoa; tiếng Anh (được sử dụng rộng rãi), tiếng Ta-min (Tamil) và một số ngôn ngữ địa phương khác.
9. Ngày Quốc khánh: 31/8/1957.
10. Đơn vị tiền tệ: Ring-gít Ma-lai-xi-a (Ringgit Ma-lai-xi-a - RM).
11. Thu nhập bình quân đầu người: Hơn 10.800 USD (2016); phấn đấu đạt 15.000 USD vào năm 2020.
12. Thể chế Nhà nước: Nhà nước Ma-lai-xi-a là nhà nước quân chủ lập hiến, đứng đầu là Quốc Vương do Hội đồng Tiểu vương bầu ra và được lựa chọn trong số 9 Tiểu vương của 9 bang theo nhiệm kỳ 5 năm.
Các lãnh đạo chủ chốt hiện nay:
- Quốc vương Muhammad V (Mu-ha-mát đệ ngũ) là Quốc vương thứ 15 của Ma-lai-xi-a, nhậm chức ngày 13/12/2016, lễ lên ngôi chính thức tổ chức ngày 24/4/2017.
- Thủ tướng Tun Ma-ha-thia Mô-ha-mét (Tun Mahathir Mohamad), được bầu ngày 10/5/2018 (từng làm Thủ tướng Ma-lai-xi-a giai đoạn 1981 - 2003). 
- Bộ trưởng Ngoại giao Sai-phu-đin Áp-đu-la (Saifuddin Abdullah), nhậm chức ngày 02/7/2018.
- Chủ tịch Thượng viện Xa-nát-xi Vi-nét-oa-ran (Sanasee Vigneswaran), nhậm chức ngày 26/4/2016.
- Chủ tịch Hạ viện Mô-ha-mét A-ríp Bin Md Giu-sốp (Mohamad Aiff Bin Md Yusof), nhậm chức ngày 16/7/2018.
II. TÌNH HÌNH MA-LAI-XI-A
1.     Tình hình chính trị:
Tình hình Ma-lai-xi-a trong năm 2018 có nhiều diễn biến mới. Sau tổng tuyển cử ngày 10/5, phe đối lập PH giành đa số ghế để thành lập Chính phủ; Liên minh BN (cầm quyền liên tục trong 60 năm kể từ khi Ma-lai-xi-a giành độc lập) của Thủ tướng Najib bị thất bại. Ngày 10/5, ông Ma-ha-thia, chủ tịch PH, cựu Thủ tướng Ma-lai-xi-a (1983-2004) đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng thứ 7 của Ma-lai-xi-a. Ngày 02/7, Nội các được hoàn thiện, gồm 27 người (Thủ tướng, 01 Phó Thủ tướng và 25 Bộ trưởng). Lãnh đạo 03 đảng trong liên minh PH giữ các vị trí quan trọng là Bộ trưởng Nội vụ, Tài chính và Quốc phòng. Ngày 13/10, cuộc bầu cử bổ sung đã diễn ra tại khu vực Port-Dicson, bang Negeri Sembilan với 58,25% trên tổng số 68.317 cử tri đi bầu, sau khi một thành viên của Đảng PKR, ông Danyal-Balagopal-Abdullah thuộc khu vực Bầu cử Port-Dicson xin rút lui khỏi hạ viện. Kết quả, ông An-oa I-bờ-ra-him giành chiến thắng với 31.016 số phiếu, và trở thành Nghị sỹ Quốc hội, chính thức khôi phục con đường chính trị sau 20 năm vắng mặt do bị kết án quan hệ đồng giới. Theo dự kiến, ông Anwar sẽ nhận chuyển giao quyền lực từ ông Ma-ha-thia trong vòng 02 năm tới theo đúng lộ trình.
Ngay sau khi lên nắm quyền, ông Ma-ha-thia thi hành một số cam kết bầu cử như xóa bỏ thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) và khôi phục lại thuế buôn bán và dịch vụ (SST), cải cách các cơ quan gọn nhẹ, trong sạch, quyết liệt chống tham nhũng. Cựu Thủ tướng Najib bị bắt, phong tỏa và lục soát nhà ở, thu giữ nhiều tài sản giá trị và phải ra điều trần tại Ủy ban chống tham nhũng; Tổng chưởng lý (người từng tuyên bố không có bằng chứng cáo buộc ông Najib tham nhũng) bị sa thải; mở lại điều tra các vụ bê bối ở Quỹ 1MDB, Felda, Mara… (Giám đốc Ủy ban chống tham nhũng và Chủ tịch cơ quan phát triển đất liên bang Felda đều đã từ chức). Tuy vậy, việc xây dựng một Ma-lai-xi-a mới cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có những thách thức xuất phát từ chính nội bộ Liên minh PH cầm quyền; một số chủ trương mới kinh tế-xã hội, nhất là những vấn đề liên quan đến địa vị của người Mã lai bị đối lập lợi dụng, đẩy thành vấn đề tôn giáo, sắc tộc, có nguy cơ gây bất ổn xã hội.
2. Về kinh tế:
Sự thay đổi chính phủ sau Tổng tuyển cử 14 đã có những tác động lên kinh tế Ma-lai-xi-a. Việc bỏ thuế hàng hóa và dịch vụ (GST), khôi phục thuế buôn bán và dịch vụ (SST); khôi phục trợ cấp một số mặt hàng xăng dầu; hoãn, điều chỉnh hoặc hủy các dự án hạ tầng lớn, như dự án đường sắt cao tốc Kuala Lumpur – Singapore, dự án MRT 3, dự án đường sắt bờ biển phía Đông, 2 dự án đường ống dẫn dầu; các nhà đầu tư ngoại thoái vốn khỏi thị trường chứng khoán; đồng Ring-git mất giá… đã làm giảm nguồn thu ngân sách, tăng trưởng GDP chậm lại, dự kiến chỉ còn 4,8% năm 2018 (năm 2017 là 5,7%).
Chính phủ đã đệ trình Quốc hội Báo cáo kiểm điểm giữa kỳ Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm lần thứ 11, với một số điều chỉnh như: Điều chỉnh mục tiêu GDP từ 5-6% xuống còn 4,5-5,5%; thay thế mục tiêu ngân sách cân bằng sang thâm hụt linh hoạt 3% năm 2020; thắt chặt đầu tư và cắt giảm chi tiêu chính phủ và chi tiêu công; cắt giảm chi tiêu cho phát triển 15% từ 260 tỷ RM xuống còn 220 tỷ RM.
3. Về đối ngoại: Ma-lai-xi-a duy trì chính sách mềm dẻo và thực dụng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền, cân bằng quan hệ với Mỹ và Trung Quốc; ưu tiên phát triển quan hệ với ASEAN, các nước lớn như Nga, Nhật Bản và Ấn Độ và các nước Hồi giáo. Ma-lai-xi-a đã đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2015, Ủy viên Không thương trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2014-2015 và tích cực thúc đẩy hình thành Cộng đồng ASEAN.
Với Mỹ: Hai bên đã nâng cấp quan hệ thành Đối tác toàn diện trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Obama tới Ma-lai-xi-a (4/2014). Thủ tướng Ma-ha-thia không mặn mà trong quan hệ với Mỹ, hai bên chưa có nhiều hoạt động đối ngoại kể từ khi Ma-lai-xi-a có Chính phủ mới.
Với Trung Quốc: Ma-lai-xi-a chú trọng tăng cường quan hệ với Trung Quốc. Hai bên nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện nhân chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Najib (6/2014). Thủ tướng Ma-ha-thia thăm chính thức (17-21/8/2018), chứng kiến lễ ký 12 thỏa thuận và bản ghi nhớ trong nhiều lĩnh vực. Ông khẳng định Chính phủ mới của Ma-lai-xi-a coi trọng và không thay đổi chính sách đối với Trung Quốc nhưng đồng thời cũng thông báo Ma-lai-xi-a tạm dừng hai đại dự án hạ tầng với tổng giá trị lên tới 23 tỷ USD. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Ma-lai-xi-a kể từ 2009, cũng là nhà đầu tư lớn nhất của Ma-lai-xi-a hiện nay. Về quốc phòng, nhân chuyến thăm, hai bên ký Bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng, trong đó Ma-lai-xi-a sẽ mua 4 tàu tuần duyên biển của Trung Quốc. Hải quân hai nước cũng tiến hành tập trận chung thường niên cứu hộ, cứu nạn, chống cướp biển tại eo Malacca từ năm 2015.
Với Nhật Bản: Thủ tướng Ma-ha-thia coi trọng quan hệ với Nhật Bản, như một phần trong chính sách hướng Đông. Từ khi lên nắm quyền, ông Ma-ha-thia đã thăm Nhật Bản 3 lần. Trong các chuyến thăm, hai nhà Lãnh đạo đều khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với Malaysia để làm sống lại “Chính sách Hướng Đông” Malaysia từng áp dụng trong thời gian ông Ma-ha-thia làm Thủ tướng trước đây. Hai bên cũng nhất trí mở rộng hợp tác giáo dục, chuyển giao công nghệ, cho đây là ưu tiên hàng đầu của Chính sách Hướng Đông. Về các vấn đề khu vực và quốc tế, hai bên trao đổi về thúc đẩy tự do hóa thương mại trong khu vực, hợp tác phòng chống thiên tai trên biển Thái Bình Dương, Biển Đông và vấn đề Triều Tiên, theo đó hai bên cho rằng cần thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên; Thủ tướng Ma-ha-thia bày tỏ ủng hộ Nhật Bản trong vấn đề Bắc Triều Tiên bắt cóc công dân Nhật Bản.
Với ASEAN, Ma-lai-xi-a duy trì quan hệ tốt trên cả bình diện song phương và đa phương; đóng góp tích cực vào việc xây dựng Cộng đồng ASEAN thông qua các biện pháp kinh tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hệ thống giáo dục, y tế…; nỗ lực duy trì đoàn kết và tiếng nói chung toàn khối. Chính phủ mới của Ma-lai-xi-a có xu hướng điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng độc lập hơn trong quan hệ với nước lớn, tăng cường hợp tác ASEAN, hợp tác Nam - Nam. Kể từ khi nhậm chức, Thủ tướng Ma-ha-thia đã thăm chính thức Indonesia, Thái Lan (2 lần), Singapore, Brunei.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, quan hệ Ma-lai-xi-a và Singapore nổi lên căng thẳng xung quanh vấn đề hải phận, không phận. Ngày 25/10/2018, Chính phủ Ma-lai-xi-a ra Công báo về điều chỉnh ranh giới cảng Giô-ho Ba-ru[1]_ftnref1 về phía Đông và bắt đầu đưa tàu thuyền vào hoạt động tại khu vực mở rộng này. Xinh-ga-po phản ứng mạnh trước việc Ma-lai-xi-a mở rộng ranh giới cảng Giô-ho Ba-ru.
4. Về Biển Đông:
- Lập trường chung của Ma-lai-xi-a là: không công nhận “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, nhấn mạnh lập trường kiềm chế, không làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử (COC). Gần đây nhất, trong cuộc trả lời phỏng vấn dành riêng cho tờ South China Morning Post (19/6/2018), Thủ tướng Ma-lai-xi-a Ma-ha-thia cho rằng để duy trì hòa bình trên vùng Biển Đông còn tranh chấp thì cần loại bỏ các tầu chiến ra khỏi khu vực, thay vào đó là các tầu tuần tra chung loại nhỏ của các nước quanh khu vực này, khẳng định muốn Ma-lai-xi-a tiếp tục chiếm đóng các đảo còn tranh chấp mà hiện nước này đang nắm giữ để giữ cho biển được an toàn khỏi nạn cướp biển và các vấn đề khác.
5. Về Hiệp định CPTPP:
- Tình hình phê chuẩn CPTPP của Ma-lai-xi-a hiện chưa rõ ràng sau khi nước này có Chính phủ mới. Gần đây, Thủ tướng Ma-ha-thia đã kêu gọi các nước CPTPP cân nhắc xem xét lại Hiệp định này vì ông cho rằng các nền kinh tế nhỏ hơn như Ma-lai-xi-a sẽ gặp nhiều bất lợi theo các điều khoản hiện hành.
III. QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM:
1. Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao: 30/3/1973.
2. Quan hệ chính trị:
- Quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao, gần đây là chuyến thăm Việt Nam của Quốc vương Mu-ha-mát đệ ngũ (3/2009, 9/2013); Thủ tướng Na-díp Tun Ra-dắc (4/2014); và các chuyến thăm Ma-lai-xi-a của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (9/2011) và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (8/2015).
- Hai nước ra Tuyên bố chung về khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược nhân chuyến thăm chính thức Ma-lai-xi-a của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (8/2015); thông qua Chương trình Hành động triển khai Đối tác Chiến lược (3/2017). Năm 2018, hai bên đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
3. Hợp kinh tế - thương mại – đầu tư:
- Về thương mại: Hai nước là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của nhau (Ma-lai-xi-a là đối tác thương mại thứ 8 của Việt Nam). Kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng trưởng tốt: năm 2017 đạt hơn 10 tỷ USD (ta xuất 4,2 tỷ, nhập gần 5,9 tỷ USD), tăng 19,06 % so với 2016, 9 tháng đầu năm đạt 9,65 tỷ USD, tăng 16,91% so với cùng kỳ 2017, dự kiến cả năm 2018 đạt 12 tỷ USD, hướng tới mục tiêu 15 tỷ USD năm 2020. Ta xuất chủ yếu sang Ma-lai-xi-a dầu thô, gạo, cà phê, hải sản; nhập chủ yếu sắt thép, xăng dầu, dầu mỡ động thực vật, chất dẻo nguyên liệu, máy móc thiết bị, máy vi tính và sản phẩm điện tử. 
- Về đầu tư: Tính đến tháng 10/2018, Ma-lai-xi-a có 582 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt 12,4 tỷ USD, đứng thứ 8/129 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam (chủ yếu dự án bất động sản và công nghiệp chế biến). Ta có 19 dự án đầu tư sang Ma-lai-xi-a với tổng vốn đầu tư đạt 1,53 tỷ USD, trong đó có 2 dự án trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí với tổng vốn đầu tư 558 triệu USD (dầu khí, thông tin - truyền thông…).
5. Hợp tác lao động: Hiện có khoảng 29.000 lao động hợp pháp Việt Nam tại Ma-lai-xi-a, chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp, thủy sản… Tháng 11/2018, hai bên đã họp Nhóm công tác chung (JWG) lần thứ nhất bên lề Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN lần thứ 25 tại Kuala Lumpur để triển khai thực hiện Bản ghi nhớ về hợp tác lao động (ký năm 2015).
6. Hợp tác giáo dục: Hiện đang có khoảng 700 sinh viên Việt Nam du học tại Ma-lai-xi-a.
7. Hợp tác dầu khí: Petro Việt Nam và Petronas Ma-lai-xi-a có quan hệ hợp tác từ năm 1991 trên tất cả các lĩnh vực của ngành công nghiệp dầu khí từ tìm kiếm thăm dò đến chế biến, dịch vụ. Hai bên đang triển khai 10 dự án hợp tác với tổng trữ lượng khoảng 72.000 thùng dầu/ngày.
8. Hợp tác khu vực và quốc tế: Hai nước thường xuyên phối hợp và ủng hộ nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế nhất là ASEAN và Liên hợp quốc (Ma-lai-xi-a ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021). Hai nước đang phối hợp tốt trong thúc đẩy phát triển Cộng đồng ASEAN.
9. Cộng đồng người Việt tại Ma-lai-xi-a: Hiện có khoảng 65.000 người, sinh sống rải rác tại 13 bang, trong đó phần lớn là người lao động, ngoài ra còn 7.200 cô dâu và 700 sinh viên.
10. Về ngư dân, tàu cá: tiếp tục là vấn đề nổi cộm trong quan hệ hai nước vài năm gần đây. Mặc dù ta đã có nhiều biện pháp ngăn chặn tình trạng tàu cá Việt Nam đi đánh bắt trái phép ở nước ngoài, nhưng số vụ vi phạm ở địa bàn Ma-lai-xi-a vẫn khá cao (tính đến tháng 11/2018, có 83 tàu cá, 1071 ngư dân bị Ma-lai-xi-a bắt giữ). Trong các cuộc tiếp xúc gần đây giữa lãnh đạo hai nước, hai bên đã thảo luận xem xét xay dựng một thỏa thuận về hợp tác biển và nghề cá, xúc tiến thiết lập đường dây nóng chống đánh bắt cá bất hợp pháp.
 

Tháng 12 năm 2018


--------------------------------------------------------------------------------

[1]_ftn1 Cảng Giô-ho Ba-ru nằm giữa eo biển Giô-ho, khu vực ngăn cách giữa Ma-lai-xi-a và Xinh-ga-po.

 
Back Top page Print Email

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer

EMC Đã kết nối EMC