Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Tài Liệu Cơ Bản Cộng Hòa Liên Bang Mi-an-ma

Tài Liệu Cơ Bản Cộng Hòa Liên Bang Mi-an-ma
TÀI LIỆU CƠ BẢN
CỘNG HÒA LIÊN BANG MI-AN-MA
------

I. KHÁI QUÁT CHUNG:
1. Tên nư¬ớc: Cộng hoà Liên bang Mi-an -an (the Republic of the Union of Myanmar)
                 
      Quốc kỳ:    
2. Thủ đô: Nây-pi-tô (Nay Pyi Taw).
3. Vị trí địa lý: Mi-an-an nằm ở Đông Nam Á, có biên giới chung với Trung Quốc (2.185 km), Lào (235 km), Thái Lan (1.800 km), Ấn Độ (1.463 km), và Băng-la-đét (193 km) và bờ biển dài 2.276 km với biển An-đa-man (Andaman) và Vịnh Ben-gan (Bengal).
4. Diện tích: 676.577 km2.
5. Khí hậu: khô nóng, có 2 mùa: mùa mưa và mùa khô.
6. Tài nguyên thiên nhiên: rất giàu có. Với hơn 50% diện tích là rừng, mỗi năm Mi-an-ma cung cấp cho thế giới khoảng 40 triệu m3 gỗ, trong đó có 30% là gỗ tếch (chiếm 75% lượng gỗ tếch xuất khẩu của thế giới). Về đá quý, Mi-an-ma tự hào với vị trí cao nhất trong các nước Châu Á sản xuất đá quý với sự đa dạng về thể loại. Mi-an-ma cũng dồi dào các khoáng sản khác như vàng, sắt thép và đồng; có trữ lượng dầu và khí tự nhiên rất lớn, đứng thứ 10 trên thế giới với trữ lượng dầu khoảng 3,2 tỷ thùng và khí ước tính 89,7 nghìn tỷ m3.
7. Thu nhập bình quân đầu người: khoảng 1.000 USD (2013)
8. Đơn vị tiền tệ: chạt (kyat) (MMK) (1 USD ≈ 979 MMK).
9. Dân số: 51,4 triệu (5/2014).
10. Dân tộc: Gồm 135 dân tộc và bộ tộc, trong đó người Miến Điện (Burma) chiếm 68%, người Xan (Shan) chiếm 9%, người Ca-ren (Karen) chiếm 7%, người Ra-khai (Rakhine) chiếm 4%, người Hoa chiếm 3%, người Ấn chiếm 2%, người Mon chiếm 2% và các dân tộc khác chiếm 5%.
11. Tôn giáo: Phật giáo (89,3%), Hồi giáo (4%), Thiên chúa giáo (4%) và các tôn giáo khác.
12. Ngôn ngữ: Tiếng Miến Điện.
13. Ngày độc lập (Quốc khánh): 04/01/1948.
14. Thể chế nhà nước:
- Mi-an-ma theo chế độ Cộng hòa với 7 Bang (Shan, Chin, Kachin, Rakhine, Mon, Kayin, Kayah) và 7 Khu hành chính (tương đương bang) (Yangon, Mandalay, Bago, Magwe, Ayeyarwady, Tanninthayi, Sagaing).
- Lãnh đạo nhà nước hiện nay:
+ Nguyên thủ Quốc gia: Tổng thống Thên Xên (Thein Sein);
+ Phó Tổng thống thứ nhất: Sai Mốc Kham (Sai Mauk Kham);
+ Phó Tổng thống thứ hai: Ni-an Tun (Nyan Tun);
+ Chủ tịch Hạ viện (đồng thời là Chủ tịch Quốc hội): Thu-ra Xuề Man (Thura Shwe Mann);
+ Chủ tịch Thượng viện: Khin Ong Min (Khin Aung Myint).
II. QUAN HỆ VIỆT NAM - MI-AN-MA
1. Ngày thiết lập quan hệ Ngoại giao với Việt Nam: 28/5/1975.
2. Quan hệ chính trị: Mi-an-ma có quan hệ rất sớm với ta. Năm 1947, ta đặt Cơ quan thông tin tại Yangon, sau được nâng cấp lên thành Cơ quan đại diện chính phủ (1948). Chính phủ và nhân dân Mi-an-ma luôn dành cho nhân dân Việt Nam sự ủng hộ trong hai cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc hiện nay. Sau khi ta giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hai nước đã nâng quan hệ Tổng Lãnh sự lên quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ (28/5/1975). Năm 2010, hai bên cũng đã trọng thể kỷ niệm 35 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (28/5/1975-28/5/2010); trong năm nay (2015) hai bên sẽ kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (28/5/1975-28/5/2015).
3. Quan hệ kinh tế thương mại:
a. Về thương mại: Hàng năm, hai bên tổ chức các hội chợ thương mại tại mỗi nước để giới thiệu sản phẩm và thu hút các doanh nghiệp đầu tư. Năm 2007 kim ngạch thương mại hai chiều đạt 97,2 triệu USD; năm 2008 đạt 108,2 triệu USD; năm 2009, đạt 99 triệu USD (do khủng hoảng kinh tế); năm 2010 đạt 152,3 triệu USD ; năm 2011 đạt 167,6 triệu USD ; năm 2012 đạt 227,3 triệu USD; năm 2013 đạt 451, 7 triệu USD, tăng 98% so với năm 2012. Năm 2014, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 475 triệu USD tăng 35% so với năm 2013.
b. Về đầu tư: Đầu tư của ta vào Bạn có tổng vốn 513,18 triệu USD (đứng thứ 8/33 quốc gia đầu tư vào Mi-an-ma với 7 Dự án). Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác to lớn giữa hai nước. Đầu tư của Việt Nam vào Mi-an-ma vẫn còn khiêm tốn, mới chiếm khoảng 1,27% tổng giá trị đầu tư nước ngoài vào Mi-an-ma, chưa có nhiều dự án lớn. Hợp tác về trồng cao su, cà phê, nuôi trồng thủy sản, chế biến nông sản, viễn thông, ngân hàng, giáo dục đào tạo còn chưa đáp ứng được mong muốn của Lãnh đạo cấp cao hai nước.
Ta đã tiến hành mở đường bay trực tiếp Hà Nội-Yangon, Tp. Hồ Chí Minh-Yangon; Văn phòng đại diện Hàng không Việt Nam tại Yangon; Văn phòng đại diện BIDV tại Yangon; Công ty Đầu tư và Phát triển Mi-an-ma (MIDC); Văn phòng đại diện Tổng Công ty Viettel tại Yangon, Văn phòng của Dầu khí Việt Nam, Phòng trưng bày sản phẩm của Viglacera... Hai bên thường xuyên thúc đẩy tổ chức các hội chợ thương mại tại mỗi nước nhằm tạo điều kiện cho hàng hóa đến với người dân của hai nước. Tháng 8/2013, hai nước đã tổ chức thành công kỳ họp thứ 7 Tiểu ban Hỗn hợp Thương mại tại Mi-an-ma, mở ra nhiều triển vọng mới cho hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư giữa hai nước. Kỳ họp thứ 8 sẽ tổ chức tại Mi-an-ma vào tháng 3/2015.
4. Quan hệ an ninh quốc phòng:
- Về an ninh, hai bên tiếp tục triển khai hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định song phương về phòng chống tội phạm (2004), INTERPOL và ASEANAPOL. Phiên đối thoại lần thứ hai cơ chế đối thoại an ninh cấp Thứ trưởng giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Mi-an-ma đã được tổ chức tại Mi-an-ma vào tháng 12/2014. Ngoài ra, hai nước cũng đang xúc tiến việc xây dựng dự thảo, đàm phán tiến tới ký kết các Hiệp định về tương trợ tư pháp hình sự, dẫn độ, chuyển giao người bị kết án phạt tù, bảo vệ thông tin mật…
- Về quốc phòng, hai nước đã chính thức thiết lập quan hệ tùy viên quốc phòng từ năm 1996. Thời gian qua, hai bên tiến hành trao đổi nhiều đoàn cấp cao để tăng cường quan hệ, chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu khả năng hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng… Hai bên cũng đã có hợp tác trong lĩnh vực đào tạo quốc phòng, một số cán bộ Việt Nam đã sang Mi-an-ma học tập và ngược lại, một số cán bộ Mi-an-ma đã sang Việt Nam học tập. Năm 2011, hai bên đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác giữa các lực lượng vũ trang hai nước (2011).
5. Hợp tác trong lĩnh vực khác (giáo dục, văn hóa, thể thao và du lịch, công nghiệp, nông nghiệp, viễn thông, giao thông vận tải, lao động, y tế…):
Mặc dù hai bên đã ký các hiệp định hoặc thỏa thuận hợp tác nhưng kết quả hợp tác cũng còn nhiều hạn chế, triển khai vẫn chưa được nhiều, hai bên chủ yếu vẫn hợp tác qua hình thức trao đổi đoàn chuyên gia, chia sẻ kinh nghiệm. Hai nước ký Hiệp định Hợp tác Du lịch năm 1994, nhưng việc triển khai cũng hạn chế, lượng khách du lịch giữa hai nước tuy có tăng theo từng năm nhưng còn ít. Phấn đấu đến năm 2015 lượng khách du lịch Việt Nam sang Mi-an-ma đạt 35.000 lượt khách, đạt mức tăng trưởng bình quân 30%/năm.
Mi-an-ma coi trọng và đánh giá cao hợp tác nông nghiệp với ta. Quốc hội và Chính phủ Mi-an-ma đã xác định ưu tiên hợp tác nông nghiệp và thủy sản với Việt Nam. Sau chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (12/2011), ta và Mi-an-ma đã ký thêm được 02 Bản ghi nhớ (Bản Ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn và Bản Ghi nhớ viện trợ kỹ thuật không hoàn lại trị giá 250.000 USD của Ngân hàng BIDV cho Bộ Nông nghiệp và Thủy lợi Mi-an-ma).
Hai bên cũng đang thúc đẩy việc hợp tác kết nghĩa giữa các tỉnh/thành phố hai nước nhằm đẩy mạnh hợp tác kinh tế giữa các địa phương trong các lĩnh vực lợi thế của mỗi bên. Ngoài ra, hai đã ký kết Bản Ghi nhớ về thiết lập quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai thành phố Hồ Chí Minh và Yangon (3/2012).
6. Trao đổi đoàn cấp cao:
- Phía ta có các đoàn của: Chủ tịch Hồ Chí Minh (1958); Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt (5/1994); Tổng Bí thư Đỗ Mười (5/1997); Thủ tướng Phan Văn Khải (5/2000); Chủ tịch nước Trần Đức Lương (5/2002); Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (8/2007, 4/2010 và 12/2011); Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thăm (6/2011); Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm cấp Nhà nước (29/11-01/12/2012); Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á và hội kiến Tổng thống Thein Sein (06/6/2013); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thăm (7/2013);  
- Phía bạn có các đoàn của: Thủ tướng U Nu (1954); Chủ tịch Than Suề (3/1995 và 3/2003); Thủ tướng Khin Nhun (8/2004); Thủ tướng Xô Uyn (4/2005); Thủ tướng Thên Sên (11/2007); Tổng thống Thên Sên (3/2012); Chủ tịch Thượng viện (đồng thời là Chủ tịch Quốc hội) Khin Ong Min thăm chính thức (20-24/6/2012); Phó Tổng thống Ni-an Tun thăm chính thức (19-23/3/2013); Chủ tịch Quốc hội Thura U Shwe Mann thăm chính thức (9/2014).
7. Hiệp định, thỏa thuận, bản ghi nhớ (MOU) giữa hai nước:
- Hiệp định vận chuyển hàng không dân dụng (8/1977);
- Hiệp định Thành lập UBHH về Hợp tác song phương giữa hai nước (5/1994);
- Hiệp định Thương mại (5/1994);
- Hiệp định Hợp tác Du lịch (5/1994);
- Hiệp định Vận chuyển hàng không (10/1995);
- Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần (5/2000);
- Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư (5/2000);
- Hiệp định hợp tác Văn hóa (5/2000);
- Hiệp định trong lĩnh vực phòng chống tội phạm (8/2004);
- Hiệp định về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu phổ thông (10/2013);
- MOU về Chương trình Hợp tác 6 năm (1994-2000) giữa hai Bộ Nông nghiệp (8/1994);
- MOU về Hợp tác trong lĩnh vực Lâm nghiệp (3/1995);
- MOU về Hợp tác Phòng chống ma túy (3/1995);
- Thỏa thuận về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ (8/1998);
- MOU về hợp tác giữa Ủy ban Dân tộc và Miền núi Việt Nam và Bộ Biên giới, Dân tộc và Phát triển Mi-an-ma (7/2000);
- MOU thành lập Ủy ban Hợp tác chung về Thương mại (5/2002);
- MOU về Hợp tác giữa hai Phòng Thương mại và Công nghiệp (5/2002);
- Thỏa thuận hợp tác về Thể dục thể thao giữa Ủy ban Thể dục thể thao Việt Nam và Bộ Thể thao Mi-an-ma (1/2005);
- Thỏa thuận hợp tác giữa Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam và Bộ Tôn giáo Liên bang Mi-an-ma (12/2009);
- Tuyên bố chung về hợp tác trong 12 lĩnh vực ưu tiên  (Nông nghiệp, cây công nghiệp, thủy sản, ngân hàng-tài chính, hàng không, viễn thông, Dầu khí, khoáng sản, Sản xuất thiết bị điện, sản xuất lắp ráp ô tô, xây dựng, hợp tác thương mại và đầu tư) (4/2010);
- MOU về hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Mi-an-ma (4/2010);
- MOU về xúc tiến đầu tư giữa Việt Nam và Mi-an-ma (4/2010);
- MOU về hợp tác giữa hai Ngân hàng trung ương Việt Nam và Mi-an-ma (4/2010);
- MOU về Thủy sản giữa Việt Nam và Mi-an-ma  (4/2010);
- MOU về Chăn nuôi giữa Việt Nam và Mi-an-ma (6/2011);
- MOU về Hợp tác phát triển giữa hai Bộ Tài chính Việt Nam và Mi-an-ma (6/2011);
- Thỏa thuận về Hợp tác quốc phòng giữa Lực lượng vũ trang Việt Nam và Mi-an-ma (11/2011);
- MOU về thiết lập quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai thành phố Hồ Chí Minh và Yangoon (3/2012);
- MOU về Hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn (12/2011);
- MOU về viện trợ kỹ thuật không hoàn lại trị giá 250.000 USD của Ngân hàng BIDV cho Bộ Nông nghiệp và Thủy lợi Mi-an-ma (12/2011).
8. Địa chỉ Đại sứ quán, Lãnh sự quán của hai nước:
a. Đại sứ quán Việt Nam tại Mi-an-ma:
Tòa nhà số 70-72, đường Thanlwin, quận Bahan, thành phố Yangon.
b. Đại sứ quán Mi-an-ma tại Việt Nam:
    289A Kim Mã, Quận Ba Đình, Hà Nội.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Các tin liên quan:

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer