Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Sunday, ngày 05 tháng 01 năm 2025 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Thông Tin Cơ Bản Về Niu Di-lân Và Quan Hệ Việt Nam - Niu Di-lân


 

KHÁI QUÁT CHUNG

1. Tên quốc gia: Niu Di-Lân (New Zealand)

2. Thủ đô: Oe-linh-tơn (Wellington)

3. Quốc kỳ:

New Zealand

4. Quốc khánh: 06/02/1840

5. Diện tích: 271.000 km2

6. Dân số: 4,8 triệu người (5/2020)

7. Vị trí địa lý: Nằm cách Ô-xtrây-li-a (Australia) khoảng 2.000 km về phía Đông-Nam, qua biển Tasman; và gần với các quốc đảo Nam Thái Bình Dương như Phi-gi (Fiji),Tông-ga (Tonga) và Niu Ca-lê-đô-ni-a (New Caledonia).

8. Đơn vị tiền tệ: đô-la Niu Di-lân ($), 1 USD = 1,53 NZD (8/2020)

9. Thu nhập bình quân đầu người: 40.942 USD/năm (2019)

10. Dân tộc: Dân cư phần lớn gốc Người Châu Âu chiếm 74%; người Maori 14,9% người Châu Á chiếm 11,9%; người các nước đảo Nam Thái Bình Dương chiếm 7,4%.

11. Tôn giáo: Người theo đạo Cơ đốc chiếm 55,6% dân số; đạo Hindu chiếm 1,5%; đạo Phật 1,3%; đạo Hồi 0,8% và 34,7% không theo tôn giáo nào.

12. Ngôn ngữ: tiếng Anh, tiếng Maori và ngôn ngữ cử chỉ Niu Di-lân (dành cho cộng đồng người điếc)

TÌNH HÌNH CHÍNH TRỊ - KINH TẾ - XÃ HỘI

1. Chính trị:

- Người đứng đầu Nhà nước Niu Di-Lân là Nữ hoàng Anh, được đại diện bởi Toàn quyền Niu Di-Lân. Toàn quyền được Nữ hoàng Anh bổ nhiệm trên cơ sở kiến nghị của Thủ tướng, có nhiệm kỳ 5 năm; có quyền hạn mang tính nghi lễ, không tham dự vào chính trị; kiêm chức Tổng tư lệnh danh dự các lực lượng vũ trang.

- Thủ tướng và Nội các nắm quyền hành pháp. Thủ tướng là người có thực quyền cao nhất trong hệ thống cơ quan hành pháp. Chính phủ được hình thành từ đảng chính trị hoặc liên minh đảng giành được đa số ghế tại Quốc hội thông qua tổng tuyển cử.

- Quốc hội nắm quyền lập pháp, chỉ có 01 viện là Viện Dân biểu, gồm 121 ghế (trong đó có 07 ghế dành riêng cho người Maori), được bầu 3 năm một lần. Có nhiều đảng đăng ký hoạt động chính thức, trong đó các đảng chủ chốt hiện tham gia Quốc hội gồm các Đảng: Lao động (Đảng cầm quyền hiện nay); Dân tộc (là đảng đối lập chính); Đảng Xanh; Niu Di-Lân trước hết (New Zealand First); Hành động và một số đảng nhỏ khác.

- Niu Di-Lân không có Hiến pháp chính thức bằng văn bản (các quy định của Hiến pháp được điển hóa trong nhiều đạo luật khác nhau, nhất là Đạo luật về Hiến pháp năm 1986).

- Hệ thống tư pháp và tòa án là cơ quan quyền lực quan trọng, được chia thành 04 cấp: (i) Tòa án Tối cao là cấp cao nhất và cũng là cấp phúc thẩm cuối cùng, chính thức thành lập từ 01/01/2004; (ii) Tòa phúc thẩm; (iii) Tòa Thượng thẩm; (iv) Tòa án Quận. Ngoài 4 loại Tòa án có thẩm quyền chung nói trên, còn có các Tòa án chuyên ngành như: Tòa án lao động, Tòa án môi trường, Tòa án Maori và Tòa phúc thẩm Maori, các Tòa án Quân sự và các cơ quan tài phán khác.

- Các lãnh đạo New Zealand hiện nay:

+ Toàn quyền: Bà Đam Pat-ty Ret-đi (Dame Patsy Reddy).

+ Thủ tướng: Bà Jacinda Ardern, Lãnh tụ Công Đảng (Gia-xin-đa A-đơn)

+ Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao: Ông Winston Peters (Guyn-xần Pi-tơ)

+ Chủ tịch Quốc hội: Ông Trevor Mallard (Tre-vờ Ma-lat)

+ Lãnh tụ đối lập: Ông Todd Muller (Tot Mun-lơ)

2. Kinh tế-xã hội:

Niu Di-Lân tiếp tục giữ được đà tăng trưởng tốt. GDP năm 2013 đạt 2,7%, năm 2014 là 3,7%, 2015 đạt 2,4%, 2016 đạt 2,6%, 2017 là 2,8% và dự đoán sẽ giữ mức trung bình 2,7% - 2,8%/năm trong 5 năm tới. Các đối tác thương mại chính trong năm 2019 là Trung Quốc (19 tỷ USD); Úc (17 tỷ USD); EU (15 tỷ NZD); Mỹ (11,5 tỷ USD); ASEAN (11 tỷ USD). Ngày 25/ 10/2018, Quốc hội Niu Di-Lân đã thông qua Hiệp định CPTPP, trở thành quốc gia thứ 5 thông qua Hiệp định này.

QUAN HỆ VIỆT NAM – NIU DI-LÂN

1. Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam: 19/6/1975.

2. Khuôn khổ quan hệ: Đối tác Chiến lược (7/2020).

3. Những mốc lớn trong quá trình phát triển quan hệ:

- Tháng 11/1995, Đại sứ quán Niu Di-Lân tại Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán tại TP. Hồ Chí Minh được thiết lập.

- Tháng 5/2003, Việt Nam lập Đại sứ quán tại Niu Di-Lân.

 - Năm 2005, Việt Nam mở Văn phòng Thương vụ tại thành phố Óc-lần, đến cuối 2007 chuyển về Thủ đô Oe-linh-tơn.

- Tháng 9/2009, Việt Nam và Niu Di-Lân thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện (9/2009);

- Năm 2013, hai nước ký Chương trình Hành động giai đoạn 2013-2016 triển khai quan hệ Đối tác Toàn diện.

- Tháng 3/2015, hai nước ra Tuyên bố chung nhất trí tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác Toàn diện hướng tới Đối tác Chiến lược.

- Tháng 11/2017, hai bên  ký Chương trình Hành động giai đoạn 2017-2020 bên lề Hội nghị Cấp cao APEC 2017.

- Tháng 7/2020, tại hội đàm cấp cao trực tuyến, hai nước ra Tuyên bố chung chính thức nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Chiến lược.

4. Quan hệ trên các lĩnh vực cụ thể:

- Chính trị: Những năm gần đây quan hệ hai nước phát triển nhanh, mạnh. Niu Di-Lân coi trọng quan hệ với Việt Nam và coi Việt Nam là nhân tố quan trọng trong chính sách đối với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Hai nước thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao.

- Kinh tế: Kim ngạch thương mại hai chiều tăng đều qua các năm, từ 300 triệu USD năm 2009 tới 750 triệu USD năm 2013 (tốc độ tăng bình quân khoảng 20%/năm). Năm 2014 đạt hơn 800 triệu USD, 2015 đạt hơn 700 triệu USD, 2016 đạt xấp xỉ 707 triệu USD, và 2017 hơn 906 triệu USD tăng 26,6% so với năm 2016 (nếu tính cả thương mại dịch vụ, đạt 1,2 tỷ USD trong năm 2017); 2018 đạt gần 1 tỷ USD; 2019 đạt gần 1,1 tỷ USD (tăng 10% so với 2018); 3 tháng đầu năm 2020 đạt 268,7 triệu USD và hướng tới mục tiêu 1,7 tỷ USD năm 2020. Việt Nam là đối tác có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 16 của Niu Di-Lân.

 - Văn hóa: quan hệ hợp tác về văn hóa giữa Việt Nam và Niu Di-Lân thời gian qua vẫn còn hạn chế do cách xa về địa lý.

- Các lĩnh vực khác: : Hai bên duy trì hợp tác chia sẻ thông tin trên các lĩnh vực như an ninh-quốc phòng, nông nghiệp, lao động...

Tháng 6/2020

 

 

 

 

 
Back Top page Print Email

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer

EMC Đã kết nối EMC