Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ bẩy, ngày 28 tháng 09 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Tài liệu cơ bản về Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và quan hệ Việt Nam - Triều Tiên


TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN TRIỀU TIÊN

I. Các vấn đề chung

Tên nước: Cộng hoà Dân chủ nhân dân Triều Tiên (Democratic People's Republic of Korea).

Tên thường gọi là Triều Tiên, không sử dụng tên gọi “Bắc Triều Tiên”.

Thủ đô: Bình Nhưỡng (Pyong Yang, 2,5 triệu dân).

Vị trí địa lý: Nằm ở nửa Bắc Bán đảo Triều Tiên; Đông và Tây giáp biển; Bắc giáp Trung Quốc (1.300 km) và Nga (16 km); phía Nam là giới tuyến quân sự với Hàn Quốc chạy theo vĩ tuyến 380 Bắc.

Khí hậu: Ôn đới.

Diện tích: 122.762 km2 (toàn bán đảo: 222.209 km2).

Dân số: 24,72 triệu người (năm 2013).

Dân tộc: Một dân tộc Triều Tiên.

Ngôn ngữ: Tiếng Triều Tiên.

Tôn giáo: Có đạo Phật, đạo Thiên chúa, Thanh đạo giáo.

Tiền tệ: Đồng Won Triều Tiên

Quốc khánh: 09/09/1948.

Tên các vị lãnh đạo chủ chốt hiện nay:

- Kim Châng Ưn (Kim Jong Un): Bí thư thứ 1 Đảng Lao động Triều Tiên, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Chủ tịch Quân ủy Trung ương và Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc phòng Triều  Tiên (4/2012), Nguyên soái, là con trai thứ 3 của cố Chủ tịch Kim Châng In.

- Kim Yêng Nam (Kim Yong Nam): Chủ tịch Uỷ ban thường vụ Hội nghị Nhân dân tối cao, đại diện Nhà nước về đối ngoại, tương đương Chủ tịch nước (từ tháng 9/1998).

- Chuê The Bốc (Choe Thae Bok): Chủ tịch Hội nghị Nhân dân tối cao (Quốc hội) (từ tháng 9/1998).

- Pác Bông Chu (Pak Pong Ju): Thủ tướng Nội các (từ tháng 4/2013). 

- Ri Su Yông (Ri Su Yong): Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (từ tháng 4/2014).

II. Khái quát lịch sử, chữ viết

1. Lịch sử

Dân tộc Triều Tiên có khoảng 5.000 năm lịch sử.

Năm 2333 trước Công nguyên, nước Ko-Choson (Cổ Triều Tiên) ra đời, bao gồm cả vùng Mãn Châu, Hoa Đông (nay thuộc Trung Quốc) và Bán đảo Triều Tiên. Nhà nước này tồn tại khoảng 1.000 năm, liên tiếp bị nhà Chu, nhà Hán (Trung Quốc) xâm lược.

Từ năm 57 trước Công nguyên, ba nhà nước phong kiến mới lần lượt hình thành là Ko-Guryo (Cao Cú Lệ) bao gồm phía Bắc Bán đảo và vùng Mãn Châu, Paekche (Bách Tế) và Shilla (Tân La) ở phía Nam Bán đảo, còn được gọi là thời kỳ Tam quốc. Năm 668, Shilla thôn tính Kokuryo và Paekche, lập nên triều đại Shilla thống nhất bán đảo, kéo dài gần 3 thế kỷ (668-918). Từ 918-1392, vua Wang Kon lập ra nước Koryo (Cao Ly, nhà Vương), lấy Thủ đô là Kae-Seong (Khai Thành). Từ 1392-1910, vua Lee Song Gye lập ra nước Choson (Triều Tiên, nhà Lý), rời đô về Seoul (1394), vua Sejong (triều vua thứ 4) đã sáng tạo ra bảng chữ cái mà ngày nay vẫn đang dùng. Năm 1910, Nhật Bản thôn tính Bán đảo Triều Tiên.

Năm 1945, Chiến tranh thế giới lần thứ 2 kết thúc, Bán đảo Triều Tiên được giải phóng khỏi ách thống trị của Nhật Bản và bị chia cắt, hình thành hai nhà nước theo hai chế độ chính trị - xã hội khác nhau lấy vĩ tuyến 38o Bắc làm ranh giới: phía Nam là Đại Hàn Dân Quốc (thường gọi là Hàn Quốc, tên tiếng Anh là Republic of Korea) và phía Bắc là CHDCND Triều Tiên (tên thường gọi là Triều Tiên, tên tiếng Anh là Democratic People’s Republic of Korea).

Tháng 9/1948: Chủ tịch Kim Nhật Thành sáng lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Ngày 25/6/1950 nổ ra cuộc chiến tranh Triều Tiên, lúc đầu là giữa hai miền Triều Tiên và sau đó là sự tham chiến của quân đội Mỹ và một số lực lượng đồng minh, rồi đến sự tham chiến của quân đội Trung Quốc. Chiến tranh kết thúc năm 1953; Mỹ và CHDCND Triều Tiên ký Hiệp định đình chiến. Chủ tịch Kim Nhật Thành nắm quyền lãnh đạo đất nước.

2. Chữ viết

Tiếng Triều thuộc dòng ngôn ngữ An-tai (altais), gồm 10 nguyên âm và 14 phụ âm, là một loại chữ riêng của dân tộc Triều Tiên do vua Sejong phát minh vào năm 1446. Trước năm 1446, Triều Tiên dùng chữ Hán, sau đó, dựa trên chữ Hán, Triều Tiên sử dụng chữ Ri-tu (tương tự như kiểu chữ Nôm của Việt Nam).

III. Chính trị

1. Thể chế nhà nước

Triều Tiên theo chế độ xã hội chủ nghĩa. Đảng Lao động Triều Tiên là đảng duy nhất cầm quyền, lấy tư tưởng Chủ thể làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động. Kỳ họp thứ nhất Hội nghị nhân dân tối cao khóa 10 tháng 9/1998 đã sửa Hiến pháp suy tôn Chủ tịch Kim Nhật Thành là Chủ tịch nước vĩnh viễn. Tại Hội nghị Đại biểu Đảng Lao động lần thứ 4 (11/4/2012 và Kỳ họp thứ 5 Hội nghị nhân dân tối cao Triều Tiên khóa 12 (13/4/2012) Tổng Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên Kim Châng In đã được suy tôn là Tổng Bí thư vĩnh viễn của Đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch vĩnh viễn của Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên; Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Kim Châng Ưn được suy tôn là Bí thư thứ 1 Đảng Lao động Triều Tiên, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Chủ tịch Quân ủy Trung ương và Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc phòng. Trung ương Đảng Lao động, Quân ủy Trung ương, Ủy ban Quốc phòng, Ủy ban thường vụ Hội nghị nhân dân tối cao Triều Tiên đã quyết định phong danh hiệu Nguyên soái cho Tư lệnh tối cao quân đội nhân dân Triều Tiên Kim Châng Ưn.

Các cơ quan lãnh đạo nhà nước gồm:

+ Uỷ ban Quốc phòng: Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Nhà nước Kim Châng In giữ vai trò lãnh đạo tối cao của đất nước, đã qua đời ngày 17/12/2011 và được suy tôn là Chủ tịch vĩnh viễn của Ủy ban quốc phòng Triều Tiên. Hiện tại Kim Châng Ưn giữ chức Chủ tịch thứ nhất Ủy ban quốc phòng Triều Tiên.

+ Nhà nước: Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Hội nghị Nhân dân tối cao đại diện cho Nhà nước về mặt đối ngoại.

+ Hội nghị Nhân dân tối cao là cơ quan lập pháp cao nhất, tương đương với Quốc hội.

+ Nội các là cơ quan hành pháp.

+ Toà án Trung ương và Viện Kiểm sát Trung ương là các cơ quan tư pháp cao nhất.

2. Các đảng phái chính trị

Chỉ có 1 đảng cầm quyền duy nhất là Đảng Lao động Triều Tiên đang cầm quyền, được thành lập ngày 10/10/1945. Ngoài Đảng Lao động, Triều Tiên còn có hai đảng khác là Đảng Thanh hữu Thiên đạo giáo Triều Tiên và Đảng Dân chủ Xã hội nhưng chỉ về mặt hình thức. Đảng Lao động Triều Tiên đã họp 6 phiên Đại hội (lần thứ nhất: 8/19456; lần thứ hai: 3/1948; lần thứ ba: 4/1956; lần thứ tư: 9/1961; lần thứ năm: 11/1970; lần thứ sáu: 10/1980), 4 phiên Hội nghị đại biểu Đảng toàn quốc (lần thứ nhất: 3/1958; lần thứ hai: 10/1966; lần thứ ba: 9/2010; lần thứ tư: 4/2012). Hội nghị đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ 3 đã sửa đổi Điều lệ (đưa nội dung về Chủ tịch Kim Châng In và đường lối “Chính trị ưu tiên quân sự” vào Điều lệ Đảng), kiện toàn tổ chức và Ban lãnh đạo cao nhất của Đảng, bầu lại Kim Châng In làm Tổng Bí thư, bầu bổ sung TƯ, Thường vụ Bộ Chính trị, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quân ủy TƯ và các Ban của Đảng.

IV. Kinh tế

Từ năm 1960-1990, Triều Tiên tranh thủ sự hỗ trợ của Liên Xô (cũ) và Trung Quốc, ưu tiên phát triển công nghiệp nặng. Sau khi Liên Xô tan rã, Triều Tiên gặp nhiều khó khăn, nhất là về năng lượng, lương thực 

Triều Tiên về cơ bản theo nguyên tắc quản lý kinh tế Xã hội chủ nghĩa và kế hoạch hóa, thận trọng với cải cách, mở cửa, ưu tiên khắc phục tình trạng thiếu lương thực, nâng cao đời sống nhân dân, phát triển công nghiệp nhẹ, đồng thời tăng cường hợp tác kinh tế đối ngoại nhằm phá vỡ cấm vận của cộng đồng quốc tế, hỗ trợ nền kinh tế trong nước. Triều Tiên duy trì ưu tiên hàng đầu phát triển công nghiệp quốc phòng và nâng cao năng lực sản xuất 4 ngành công nghiệp mũi nhọn: than, điện, luyện kim, vận tải đường sắt.

Tình hình kinh tế gần đây tiếp tục còn nhiều khó khăn, đặc biệt là trong bối cảnh Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tiếp tục bổ sung cấm vận với Triều Tiên và do hạn hán, thiên tai xẩy ra liên tục trong những năm gần đây. Tháng 12/2009, Triều Tiên đã tiến hành đổi tiền, tỷ lệ 100 won cũ lấy 1 won mới. Tuy nhiên, sau khi đổi tiền, kinh tế Triều Tiên chuyển biến xấu đi, giá cả leo thang, lạm phát trầm trọng (có tin tính tới thời điểm cuối tháng 11, lạm phát của Triều Tiên đã lên tới 4.000%) khiến Triều Tiên buộc phải có biện pháp làm an lòng dân chúng như cách chức một số cán bộ chủ trì việc đổi tiền, thậm chí có tin Triều Tiên đã tử hình cựu Trưởng ban Kế hoạch Tài chính Trung ương.

Kinh tế đối ngoại, thu hút đầu tư, nhất là vào các đặc khu kinh tế được quan tâm thúc đẩy nhưng chưa mang lại kết quả đáng kể. Trung Quốc và Hàn Quốc là hai đối tác thương mại chính của Triều Tiên. Tuy nhiên, do những căng thẳng trong quan hệ liên Triều, Triều Tiên ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế. Kim ngạch thương mại với Trung Quốc đã tăng từ 1 tỷ USD năm 2005 lên 5,1 tỷ USD vào năm 2011 và đạt 6,03 tỷ USD năm 2012, mức cao nhất từ trước tới nay. Trong khi đó, kim ngạch thương mại giữa Triều Tiên và Hàn Quốc trong năm 2011 là 1,7 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2010, năm 2012 đạt 1,98 tỷ USD, tăng 15,8% so với năm 2011. Theo thống kê của Hàn Quốc, kim ngạch thương mại Triều-Trung hiện chiếm 67,2% kim ngạch xuất khẩu và 61,6% kim ngạch nhập khẩu của Triều Tiên. Có tin cho rằng, hiện Trung Quốc cung cấp 90% nhiên liệu, 80% hàng tiêu dùng và 45% thực phẩm cho Triều Tiên. Hiện có khoảng 200 công ty Trung Quốc đang hoạt động tại Triều Tiên, trong đó 70% là các công ty khai khoáng. Theo số liệu thống kê của hải quan Trung Quốc giao dịch thương mại Triều Trung trong tháng 1/2014 đạt 540 triệu USD tăng 15,9% trong đó tổng xuất khẩu của Triều Tiên sang Trung Quốc đạt 223 triệu USD tăng 18% và nhập khẩu là 323 triệu USD tăng 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên hoạt động xuất khẩu than của Triều Tiên sang Trung Quốc đã bị sụt giảm mạnh do lệnh hạn chế xuất khẩu của Bình Nhưỡng. Có tin, xuất khẩu khoáng sản và hàng hóa của Triều Tiên sang Trung Quốc trong tháng 1 đã giảm 60-70% so với tháng trước đó, nhất là than đá, quặng sắt. Trong khi đó Bộ thương mại Mỹ cho biết giao dịch thương mại Mỹ Triều Tiên tháng 2/2014 đạt 1,200,000 USD tăng gấp 20 lần so với cùng kỳ năm trước (62000USD). Mỹ hầu như không nhập khẩu gì từ Triều Tiên, số hàng hóa trị giá trên chủ yếu là hàng hóa viện trợ nhân đạo của Mỹ xuất sang Triều Tiên như: gia cầm (51000USD), giầy dép (8000USD), chế phẩm nhựa Plastic (6000USD).

Về tình hình lương thực, theo báo cáo về triển vọng lương thực mà tổ chức Nông lương của Liên hợp quốc (FAO) công bố trên trang web chính thức của mình ngày 13/5 dự đoán trong năm 2014 Triều Tiên sẽ sản xuất được 1,9 triệu tấn gạo tương đương với năm 2013. Trong vòng một năm từ mùa thu năm nay, dự đoán lượng tiêu thụ gạo bình quân đầu người tại Triều Tiên sẽ là 67,8kg tăng nhẹ so với năm 2013 là 65,4kg. FAO dự đoán sản lượng ngô năm 2014 của Triều Tiên sẽ đạt khoảng 2,3 triệu tấn tăng 100.000 tấn so với mức dự đoán năm 2013. 

 

QUAN HỆ VIỆT NAM - TRIỀU TIÊN

 

I. Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao: 31/01/1950.

II. Những mốc lớn trong quan hệ hai nước

Các chuyến thăm Triều Tiên của lãnh đạo và nhân sự cao cấp Việt Nam:

Chủ tịch Hồ Chí Minh (08-12/7/1957); Thủ tướng Phạm Văn Đồng (6/1961); Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công dự Quốc khánh Triều Tiên và trao Huân chương Sao vàng cho Chủ tịch Kim Nhật Thành (09/9/1988); Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (5/1997); Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên (8/2000); Chủ tịch nước Trần Đức Lương (5/2002); Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Quốc hội Tráng A Pao (12/2003); Trưởng Ban đối ngoại TW Đảng Nguyễn Văn Son (7/2006); Ủy viên Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Đinh Thế Huynh (4/2007); Chủ tịch Mặt trận tổ quốc Phạm Thế Duyệt (9/2007); Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (16-18/10/2007); Đại tướng Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ chính trị, Bộ trưởng Công an (6-9/10/2008); Thứ trưởng Công Thương Bủi Xuân Khu (22-28/10/2010), Trung tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị (25/8-1/9/2010), Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam (17-23/10/2010), Ủy viên TW Đảng, Giám đốc Học viện chính trị hành chính quốc gia Hồ Chí Minh (8-11/12/2010), Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công An Lê Hồng Anh thăm Triều Tiên (13-16/4/2011), Vụ trưởng Thông tin Báo chí, Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga (17-23/7/2011), Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh (15-20/8/2011), Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng (4-12/9/2011), Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Bá Trình (6-13/9/2011), Ủy viên Trung Ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân (18-21/10/2011), Trung tướng Trần Hoa, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (14-21/10/2011), Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Vũ Xuân Hồng đi công tác Triều Tiên (8-17/4), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn thăm Triều Tiên (15-19/7/2012), Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên thăm Triều Tiên (26-31/8/2012), Bí thư TW Đảng, Chủ tịch Mặt trận tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm thăm Triều Tiên (6-9/12/2012), Bí thư TW Đảng, Chánh văn phòng Trung ương Trần Quốc Vượng thăm Triều Tiên (25-31/7/2013).

Các chuyến thăm Việt Nam của lãnh đạo và nhân sự cao cấp Triều Tiên:

Thủ tướng Kim Nhật Thành (27/11-3/12/1958); Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Kim Yong Nam (01/1992); Bộ trưởng chủ nhiệm Ủy ban kinh tế đối ngoại Ly Sơng Te (4/1996); Phó Thủ tướng Công Chin The (4/1997); Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Triều Tiên Pec Nam Sun (3/2000); Uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội nghị nhân dân tối cao Chuê The Bốc sang dự Đại hội IX Đảng Cộng sản Việt Nam (4/2001); Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Hội nghị nhân dân tối cao Triều Tiên Kim Yong Nam (7/2001); Thủ tướng nội các Triều Tiên Kim Yong Il (10/2007); Bộ trưởng Bộ Bảo vệ an ninh nhân dân Chu Sang Sâng (25-27/6/2008); Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pac Ưi Chun (26-28/7/2008); Phó Chủ nhiệm thứ nhất Tổng Cục chính trị Quân đội nhân dân Kim Châng Gak (28/4-01/5/2009), Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Park Ưi Chun (21-25/7/2010), Thứ trưởng Ngoại thương Triều Tiên Ry Myong San (22-26/11/2010), Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban Quốc tế Kim Yêng In (8-10/12/2010). Đoàn Phó Tổng Biên tập báo Rodong Sinmun Triều Tiên Kim Won Sok (15-20/7/2011), Thứ trưởng Bộ Ngoại thương Triều Tiên Ri Miêng San (Chủ tịch Phân ban Triều Tiên trong Ủy ban liên chính phủ Việt - Triều (13/7-22/8/2011), Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội phụ nữ dân chủ Triều Tiên Ro Song Sil (10-15/9/2011), Thượng tướng Ô Chôn San, Chính ủy Quân chủng Hải quân quân đội nhân dân Triều Tiên (10/2011), Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Quốc tế Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yêng In (9-13/6/2012), Chủ tịch Ủy ban thường vụ Hội nghị nhân dân tối cao Triều Tiên Kim Yêng Nam (5-7/8/2012) thăm Việt Nam.

1. Về chính trị: Hai bên duy trì giao lưu nhân sự ở các cấp, các ngành. Năm 2008, hai bên đã thiết lập cơ chế tham khảo chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao, cuộc họp gần đây nhất được tổ chức tháng 7/2012 tại Bình Nhưỡng.

2. Về kinh tế: Ủy ban liên Chính phủ hợp tác kinh tế khoa học kỹ thuật Việt Nam - Triều Tiên được lập lại tháng 9/2000, họp vòng thứ 4 tại Bình Nhưỡng từ 15-18/10/2001, vòng thứ 5 tại Hà Nội ngày 19-20/11/2003, vòng thứ 6 tại Bình Nhưỡng từ 27/8-02/9/2006, vòng thứ 7 tại Hà Nội ngày 01-02/4/2009 và gần đây nhất là vòng 8 tại Bình Nhưỡng từ 26-31/8/2012. Quan hệ thương mại hai bên còn ở mức khiêm tốn, năm 2011 đạt 10 triệu USD, năm 2012 đạt 15 triệu USD, năm 2013 ước đạt khoảng 5 triệu.

3. Hợp tác liên doanh: Giữa năm 1993 khánh thành giai đoạn 1 Nhà máy ươm tơ tằm (vốn khoảng 3,5 triệu USD) ở Hải Dương, với nguyên liệu do ta cung cấp và máy móc (nhập từ Nhật) do bạn cung cấp. Năm 1994, phía Việt Nam rút khỏi liên doanh, chỉ còn phía Triều Tiên kinh doanh độc lập. Năm 2001 Triều Tiên đã bán Nhà máy cho phía Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Công thương Bùi Xuân Khu thăm Triều Tiên (2008), hai bên đã ký 5 MOU về hợp tác khai khoáng và trao đổi kỹ thuật liên quan. Các đoàn chuyên gia của ngành dầu khí, nông nghiệp hai bên cũng đã qua lại thăm và học tập kinh nghiệm của nhau. Năm 2009 quan hệ hai nước tiếp tục phát triển và mở rộng theo hướng tăng cường giao lưu, trao đổi đoàn, thúc đẩy hợp tác kinh tế. Tại kỳ họp thứ 8 Ủy ban Liên Chính phủ tại Triều Tiên, hai bên đã thỏa thuận tăng cường phối hợp, khắc phục những hạn chế về cơ chế, thông tin, tạo cơ hội cho doanh nghiệp 2 nước gặp gỡ, tìm hiểu đối tác; cụ thể hóa một số thỏa thuận về hợp tác đầu tư, thương mại, nghiên cứu KHKT.

Hai nước đã ký nhiều Hiệp định quan trọng như: Hiệp định hợp tác văn hóa (11/1957), hiệp định hợp tác Khoa học kỹ thuật (10/1958), Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và CHDCND Triều Tiên (1961), Hiệp định thương mại và hàng hải (12/1962), Hiệp định hỗ tương y tế (12/1966), Hiệp định miễn thị thực cho hộ chiếu ngoại giao và công vụ (9/1969), Hiệp định hợp tác vận tải hàng không dân dụng (1/197),Hiệp định vận tải biển (3/6/2002), Hiệp định thương mại (3/5/2002), hiệp định tương trợ tư pháp (3/5/2002), hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (3/5/2002), Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (3/5/2002).

4. Về viện trợ của Việt Nam cho Triều Tiên: năm 1995: 100 tấn gạo, năm 1997: 130000 tấn gạo, năm 2000: 1000 tấn gạo, năm 2001: 5000 tấn gạo, năm 2002: 5000 tấn gạo, năm 2005: 1000 tấn gạo và 5 tấn cao su nguyên liệu, năm 2007: 50000USD (viện trợ khẩn cấp) và 2000 tấn gạo, năm 2009: 3000 tấn gạo, năm 2010: 500 tấn, năm 2011: 200 tấn và năm 2012: 5000 tấn.

5. Về văn hoá - giáo dục: Trong những năm 60 và 70 Triều Tiên đã giúp đào tạo hàng trăm sinh viên của ta. Hàng năm, Bộ Văn hoá của Việt Nam đều cử đoàn nghệ thuật sang Triều Tiên dự Liên hoan nghệ thuật mùa xuân tháng 4 tổ chức tại Bình Nhưỡng.

                                                                              (Cập nhật đến tháng 6/2014)

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer