Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thư tư, ngày 16 tháng 04 năm 2025 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Tài liệu cơ bản về Triều Tiên và quan hệ Việt Nam - Triều Tiên


KHÁI QUÁT CHUNG

1. Tên nước: Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên (Democratic People's Republic of Korea, viết tắt là DPRK); tên thường gọi là Triều Tiên, không gọi là “Bắc Triều Tiên” trong giao tiếp chính thức.

2. Các ngày lễ lớn:
- Quốc khánh: 9/9/1948
- Ngày Thái Dương (sinh nhật của Chủ tịch Kim Nhật Thành): 15/4/1912
- Ngày Quang Minh (sinh nhật của Chủ tịch Kim Châng In): 16/2/1941
- Ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên: 10/10/1945
- Ngày thành lập Quân đội nhân dân Triều Tiên: 8/2/1932

3. Thủ đô: Bình Nhưỡng (Pyongyang)

4. Vị trí địa lý: Nằm ở nửa Bắc Bán đảo Triều Tiên; phía Đông và Tây giáp biển; phía Bắc giáp Trung Quốc (1.300 km) và Nga (16 km); phía Nam là giới tuyến quân sự với Hàn Quốc chạy theo vĩ tuyến 38 độ Bắc. Khí hậu: Ôn đới.

5. Diện tích: 122.762 km2.

6. Dân số: 26,3 triệu người (tháng 2/2019).

7. Dân tộc: Một dân tộc Triều Tiên (Hàn Quốc gọi là dân tộc Hàn).

8. Hành chính: Gồm thủ đô Bình Nhưỡng, 2 thành phố đặc biệt (Nampo và Rason), 9 tỉnh. Các cấp hành chính gồm: Tỉnh/thành phố, quận,/huyện, xã/phường.

9. Tôn giáo: Phật giáo, Thiên chúa giáo, Thanh đạo giáo.

10. Ngôn ngữ: Tiếng Triều Tiên, lấy giọng Bình Nhưỡng làm chuẩn.

11. Chế độ chính trị:
- Triều Tiên là nước xã hội chủ nghĩa. Triều Tiên có 03 chính đảng là Đảng Lao động, Đảng Thanh hữu Thiên đạo giáo Triều Tiên và Đảng Dân chủ Xã hội nhưng chỉ có Đảng Lao động Triều Tiên là đảng cầm quyền.

- Phiên họp toàn thể Ban Chấp hành trung ương Đảng Lao Động Triều Tiên khóa VI (31/3/2013)thông qua đường lối “Song tiến” (vừa xây dựng kinh tế, vừa phát triển hạt nhân). Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII Đảng Lao động Triều Tiên (ngày 06 - 09/5/2016), Triều Tiên tuyên bố tiếp tục kiên trì chế độ xã hội chủ nghĩa, lấy tư tưởng Chủ thể làm tư tưởng chỉ đạo, lấy lý tưởng của Chủ nghĩa Kim Nhật Thành - Kim Châng In và đường lối “Song tiến” của Chủ tịch Kim Châng Ưn làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động. Đến Hội nghị Trung ương 3 khóa 7 Đảng Lao động Triều Tiên (20/4/2018), Triều Tiên tuyên bố đã thực hiện thành công chiến lược “Song tiến”, hoàn thành tiềm lực hạt nhân quốc gia, sẽ dừng các hoạt động thử hạt nhân và tên lửa liên lục địa, đóng cửa bãi thử hạt nhân phía Bắc để đảm bảo minh bạch trong việc dừng thử hạt nhân; đề ra nhiệm vụ hiện nay là tập trung tổng lực xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa, phù hợp với yêu cầu mới.

- Tại kỳ họp thứ nhất Hội nghị nhân dân tối cao khóa X (tháng 9/1998), Triều Tiên sửa Hiến pháp, suy tôn Chủ tịch Kim Nhật Thành là Chủ tịch nước vĩnh viễn. Tại Hội nghị đại biểu Đảng Lao động lần thứ IV (ngày 11/4/2012), Triều Tiên suy tôn Tổng bí thư Kim Châng In là Tổng Bí thư vĩnh viễn của Đảng Lao động Triều Tiên.

- Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII Đảng Lao động Triều Tiên (ngày 06 - 09/5/2016) suy tôn Kim Châng Ưn làm Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên. Tại kỳ họp thứ 4 Hội nghị nhân dân tối cao khóa XIII (29/6/2016), Triều Tiên sửa đổi Hiến pháp, lập mới Ủy ban Quốc vụ thay thế Ủy ban Quốc phòng, suy tôn Chủ tịch Kim Châng Ưn là Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ. Tại kỳ họp thứ nhất Hội nghị nhân dân tối cao khóa XIV (11-12/4/2019), Triều Tiên tiếp tục suy tôn Chủ tịch Kim Châng Ưn là Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ, lãnh đạo tối cao của Nhà nước, người đại diện tối cao của toàn thể nhân dân và Tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang nhân dân Triều Tiên.

- Các cơ quan lãnh đạo gồm:
+ Uỷ ban Quốc vụ: Được thành lập tháng 6/2016 thay cho Ủy ban Quốc phòng, là cơ quan Nhà nước cao nhất chỉ đạo toàn diện; có nhiệm vụ và quyền hạn: (i) Giám sát, xây dựng biện pháp nhằm thực hiện mệnh lệnh của Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ, quyết định và chỉ thị của Ủy ban Quốc vụ; (ii) Bãi bỏ các quyết định, chỉ thị của các cơ quan nhà nước không còn phù hợp với mệnh lệnh của Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ và các quyết định, chỉ thị của Ủy ban Quốc vụ. Kỳ họp thứ nhất Hội nghị nhân dân tối cao khóa 14 đã suy tôn Kim Jong Ưn là Chủ tịch, bầu 02 Phó Chủ tịch và 11 Ủy viên.
+ Hội nghị Nhân dân tối cao: Là cơ quan lập pháp cao nhất (Quốc hội); Uỷ ban thường vụ Hội nghị Nhân dân tối cao là cơ quan cao nhất của Hội nghị nhân dân tối cao.
+ Nội các: Là cơ quan hành pháp.
+ Toà án Trung ương và Viện Kiểm sát Trung ương: Là các cơ quan tư pháp cao nhất.

12. Lãnh đạo chủ chốt hiện nay:
- Kim Jong Un (Kim Châng Ưn): Nguyên thủ, Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên (từ tháng 5/2016), Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị (từ tháng 4/2012), Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ (từ tháng 6/2016, tiếp tục suy tôn tháng 4/2019), Chủ tịch Quân ủy Trung ương (từ tháng 4/2012), Nguyên soái (từ tháng 7/2012), Người đại diện tối cao của toàn thể nhân dân (từ tháng 4/2019), Lãnh đạo tối cao của Nhà nước (từ tháng 4/2019), Tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang nhân dân (từ tháng 4/2019).

- Choe Ryong Hae (Chuê Ri-ông He): Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị (từ tháng 4/2012), Chủ tịch Uỷ ban thường vụ Hội nghị Nhân dân tối cao (thực hiện một số chức năng về đối ngoại thay Chủ tịch nước) (từ tháng 4/2019).

- Kim Jae Ryong (Kim Che Ri-ông): Ủy viên Bộ chính trị (từ tháng 4/2019), Thủ tướng Nội các (từ tháng 4/2019), Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ (từ tháng 6/2016, tái bầu tháng 4/2019).

- Pak Thae Song (Pắc The Sâng): Ủy viên Bộ Chính trị (từ tháng 10/2017), Chủ tịch Hội nghị Nhân dân tối cao (tương đương chức danh Chủ tịch Quốc hội của Việt Nam) (từ tháng 4/2019).

- Ri Yong Ho (Ri I-ông Hô): Ủy viên Bộ chính trị (tháng 10/2017), Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (từ tháng 5/2016, tái bổ nhiệm tháng 4/2019), Ủy viên Ủy ban Quốc vụ (từ tháng 6/2016).

TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

Sau khi kết thúc chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953), Triều Tiên duy trì và phát triển nền kinh tế tập trung xã hội chủ nghĩa, thu được nhiều thành tựu trong thập kỷ 60 và 70 của thế kỷ 20, nhất là phát triển cơ sở hạ tầng, khai khoáng, công nghiệp nặng... Sau khi Chủ nghĩa xã hội tại Liên Xô và Đông Âu tan rã, Triều Tiên gặp nhiều khó khăn, nhất là về năng lượng và lương thực.

Chủ tịch Kim Châng Ưn đề ra Chiến lược phát triển mới (Song tiến) với 02 trọng tâm là phát triển kinh tế kết hợp tăng cường tiềm lực hạt nhân quốc gia. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII Đảng Lao động Triều Tiên (ngày 06 - 09/5/2016) nhấn mạnh tập trung tổng lực để xây dựng cường quốc kinh tế; đề ra Chiến lược phát triển đất nước 5 năm giai đoạn 2016 - 2020, phấn đấu đưa Triều Tiên trở thành “cường quốc kinh tế” tự lực, tự cường, lấy khoa học công nghệ làm đòn bẩy với một số chính sách kinh tế lớn.

Hội nghị trung ương 3 khóa 7 Đảng Lao động Triều Tiên (20/4/2018) tuyên bố hoàn thành chính sách “Song tiến”, xác định nhiệm vụ hiện nay là tập trung tổng lực xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa, nâng cao hơn nữa đời sống nhân dân.

Tại kỳ họp thứ nhất Hội nghị nhân dân tối cao khóa 14 (12/4/2019), Chủ tịch Kim Châng Ưn phát biểu chỉ đạo nhấn mạnh tiếp tục cải tiến công tác kế hoạch phù hợp với yêu cầu cơ bản của kinh tế xã hội chủ nghĩa; giải quyết các vấn đề cốt lõi của quản lý kinh tế (giá cả, tài chính, tiền tệ) phù hợp với quy luật kinh tế và thực tiễn nhằm khuyến khích doanh nghiệp và người sản xuất; tập trung vào các nhiệm vụ: (i) nâng cao năng lực sản xuất điện hiện có, nghiên cứu phát triển thêm các nguồn năng lượng khác như điện gió, thủy điện, hạt nhân; (ii) cơ giới hóa ngành khai thác mỏ; (iii) quan tâm đặc biệt tới vấn đề giống, phân bón, nước và bảo đảm diện tích canh tác, ứng dụng khoa học trong nông nghiệp; (iv) đổi mới thiết kế và phương pháp xây dựng, mở rộng năng lực sản xuất xi măng; (v) đầu tư phát triển các ngành công nghiệp kỹ thuật cao như công nghiệp chế tạo máy, công nghiệp điện tử, công nghiệp thông tin, công nghệ nano, sinh học; (vi) coi nhân tài và khoa học kỹ thuật là động lực cơ bản của phát triển kinh tế tự chủ, trong đó tập trung phát triển văn hóa – xã hội mang màu sắc Triều Tiên.

CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI

Đường lối đối ngoại do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII Đảng Lao động Triều Tiên (5/2016) đề ra là : Triều Tiên sẽ tiếp tục kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, xứng tầm với vị thế và hình ảnh của một cường quốc hạt nhân; tích cực tham gia Phong trào Không liên kết, bảo vệ hòa bình khu vực và thế giới; sẵn sàng quan hệ hợp tác hữu nghị với tất cả các nước tiến bộ trên thế giới trên cơ sở tôn trọng quyền tự chủ của Triều Tiên; sẵn sàng cải thiện, bình thường hóa và đa dạng hóa quan hệ với tất cả các nước, kể cả nước từng có quan hệ thù địch với Triều Tiên.

Hội nghị Trung ương 3 khóa 7 Đảng Lao động Triều Tiên (tháng 4/2018) tuyên bố: nỗ lực tạo môi trường quốc tế có lợi cho xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa; tích cực hòa giải, đối thoại với các nước xung quanh và cộng đồng quốc tế để bảo vệ hòa bình, ổn định trên Bán đảo Triều Tiên và thế giới.

Triều Tiên hiện đang nỗ lực mở rộng quan hệ đối ngoại, cải thiện quan hệ với Hàn Quốc, củng cố quan hệ với Trung Quốc và Nga, thúc đẩy quan hệ với các nước ASEAN và các nước bạn bè truyền thống, đẩy mạnh đối thoại với Mỹ trong đó đáng chú ý là việc hai nước Triều - Mỹ tổ chức 2 lần Hội nghị Thượng đỉnh mang tính lịch sử tại Singapore (12/6/2018) và Hà Nội (27-28/2/2019).

QUAN HỆ VIỆT NAM - TRIỀU TIÊN

1. Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao: 31/01/1950

2. Khuôn khổ quan hệ: Quan hệ hữu nghị truyền thống. Triều Tiên là một trong những nước đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

3. Giao lưu trao đổi đoàn:

Các đoàn ta thăm Triều Tiên có: Chủ tịch Hồ Chí Minh (08 - 12/7/1957), Thủ tướng Phạm Văn Đồng (6/1961), Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công (9/1988), Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (5/1997), Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Di Niên (8/2000), Chủ tịch nước Trần Đức Lương (5/2002), Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc của Quốc hội Tráng A Pao (12/2003), Trưởng Ban đối ngoại TW Đảng Nguyễn Văn Sơn (7/2006), Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt (9/2007), Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (16 - 18/10/2007), Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh (10/2008), Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân (10/2011); Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Mặt trận tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm (9/2012), Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Trần Quốc Vượng (7/2013), Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn (7/2015); Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng (9/2015); Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Hà Thị Khiết (10/2015); Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn (9/2018), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (12-14/2/2019), Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Phuông (11-16/4/2019).

Các đoàn Triều Tiên thăm ta có: Thủ tướng Kim Nhật Thành (28/11 - 2/12/1958; tháng 11/1964), Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Kim Yong Nam (tháng 01/1992), Phó Thủ tướng Công Chin The (tháng 4/1997), Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pec Nam Sun (3/2000), Chủ tịch Hội nghị nhân dân tối cao Chuê The Bốc sang dự Đại hội IX Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 4/2001), Chủ tịch Ủy ban thường vụ Hội nghị nhân dân tối cao Triều Tiên Kim Yong Nam (tháng 7/2001, tháng 8/2012), Thủ tướng nội các Kim Yong Il (tháng 10/2007); Bộ trưởng Bộ bảo vệ an ninh nhân dân Triều Tiên (tháng 6/2008); Bộ trưởng Ngoại giao Park Ui Chun (26-28/7/2008); Bộ trưởng Ngoại giao Ri Su Yông (tháng 8/2014); Bộ trưởng Kinh tế Đối Ngoại Triều Tiên (10/2015), Bộ trưởng Bộ Các lực lượng vũ trang Triều Tiên (tháng 11/2015), Phó Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên Chuê The Bốc (tháng 6/2016), Bộ trưởng Ngoại giao Ri Yong Ho (29/11-02/12/2018); Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch Liên minh Phụ nữ XHCN Triều Tiên Jang Chun Sil thăm Việt Nam (03 - 06/11/2018), Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên Kim Châng Ưn thăm hữu nghị chính thức Việt Nam (1-2/3/2019).

4. Các cơ chế hợp tác quan trọng:
Hai bên duy trì cơ chế Trao đổi chính sách luân phiên cấp Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Triều Tiên từ năm 2008, phiên Trao đổi chính sách gần đây nhất tổ chức tại Hà Nội năm 2/2015; cơ chế Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật Việt Nam - Triều Tiên (từ những năm 80), lần gần đây nhất là kỳ họp lần thứ 9 tổ chức vào tháng 11/2014 tại Hà Nội.

5. Các hiệp định hai nước đã ký kết:
Hai nước đã ký nhiều Hiệp định như: Hiệp định hợp tác văn hóa (11/1957), Hiệp định hợp tác Khoa học kỹ thuật (10/1958), Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và CHDCND Triều Tiên (1961), Hiệp định thương mại và hàng hải (12/1962), Hiệp định hỗ tương y tế (12/1966), Hiệp định hợp tác vận tải hàng không dân dụng (01/1977), Hiệp định vận tải biển (6/2002), Hiệp định thương mại (5/2002), Hiệp định tương trợ tư pháp (5/2002), Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (5/2002), Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (5/2002).

6. Hợp tác về kinh tế:
- Về thương mại: Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Triều Tiên năm 2010 đạt trên 16 triệu USD, năm 2011: 10 triệu USD, năm 2012: 15 triệu USD, năm 2013 đạt khoảng 12,4 triệu USD; kim ngạch thương mại 2 chiều năm 2014 đạt 8 triệu USD, năm 2015 đạt 11,6 triệu USD (trong đó xuất khẩu sang Triều Tiên: 6,13 triệu USD, nhập khẩu từ Triều Tiên: 5,47 triệu USD), năm 2016 đạt 2,99 triệu USD (toàn bộ là kim ngạch xuất khẩu của ta sang Triều Tiên). Năm 2017, Việt Nam xuất siêu sang Triều Tiên 7,322 triệu USD (chủ yếu là thực phẩm, bánh kẹo). Theo thống kê 9 tháng đầu năm 2018, Việt Nam xuất sang Triều Tiên 497.000 USD và không có số liệu nhập khẩu từ Triều Tiên. Do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan, quy mô giao dịch nhỏ, không ổn định.

- Về hợp tác liên doanh: Giữa năm 1993 khánh thành giai đoạn 1 Nhà máy ươm tơ tằm (vốn khoảng 3,5 triệu USD) ở Hải Dương, với nguyên liệu do ta cung cấp và máy móc (nhập từ Nhật Bản) do phía Triều Tiên cung cấp. Năm 1994, phía Việt Nam rút khỏi liên doanh, chỉ còn phía Triều Tiên kinh doanh độc lập. Năm 2001 Triều Tiên đã bán Nhà máy cho phía Việt Nam. Việt Nam không có dự án đầu tư tại Triều Tiên.

- Về viện trợ của Việt Nam cho Triều Tiên: Năm 1995: 100 tấn gạo, năm 1997: 13.000 tấn gạo, năm 2000: 1.000 tấn gạo, năm 2001: 5.000 tấn gạo, năm 2002: 5.000 tấn gạo, năm 2005: 1.000 tấn gạo và 5 tấn cao su nguyên liệu, năm 2007: 50.000 USD (viện trợ khẩn cấp) và 2.000 tấn gạo, năm 2009: 3.000 tấn gạo, năm 2010: 500 tấn, năm 2011: 200 tấn và năm 2012: 5.000 tấn, năm 2016: 70.000 USD (viện trợ lũ lụt).

7. Hợp tác văn hóa, giáo dục: Trong những năm 60 và 70 của thế kỷ trước Triều Tiên đã giúp ta đào tạo hàng trăm sinh viên. Ủy ban Giáo dục Triều Tiên và Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam vẫn đang thúc đẩy ký Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực giáo dục. Từ 2013, 2 năm 1 lần, Bộ Văn hoá của Việt Nam đều cử đoàn nghệ thuật sang Triều Tiên dự Liên hoan nghệ thuật mùa xuân tháng 4 tổ chức tại Bình Nhưỡng. Đoàn Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam sang thăm Triều Tiên và biểu diễn hữu nghị (10-16/4/2019)./.

Tháng 5 năm 2019
 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer

EMC Đã kết nối EMC