Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thursday, ngày 26 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ NƯỚC CỘNG HOÀ XINH-GA-PO VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM


 CỘNG HOÀ XINH-GA-PO (SINGAPORE)
 
I.     Khái quát chung:

- Tên nước:     Cộng hoà Xinh-ga-po (Republic of Singapore)
- Vị trí địa lý: nằm ở cực Nam Bán đảo Mã Lai, phía Bắc giáp Ma-lai-xi-a, Đông – Nam giáp In-đô-nê-xia, nằm giáp eo biển Ma-lắc-ca, trên đường từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương.
- Diện tích: 692,7 km2, gồm 64 đảo, 1 đảo lớn và 63 đảo nhỏ.
- Khí hậu: nhiệt đới, nóng, độ ẩm cao và lượng mưa nhiều do vị trí của đảo nằm ngoài hải dương và gần đường xích đạo. Nhiệt độ trung bình: 26,70C; độ ẩm trung bình: 84,4%, lượng mưa trung bình trong năm: 2,359 mm.
- Địa hình: thấp, cao nguyên nhấp nhô trong đó có phần lưu vực và những khu bảo tồn thiên nhiên.
- Tài nguyên thiên nhiên: cá, cảng nước sâu.
- Dân số: 4,83 triệu  (tính đến hết năm 2008).
- Cơ cấu dân số: người Trung Quốc – 78,6 %, người Malay – 13,9 %, người Ấn Độ - 7,9 % và một số dân tộc khác chiếm 1,4 %.
- Tôn giáo: Đạo Phật (43%), Đạo Hồi (15%), Cơ đốc giáo (15%), Đạo giáo (8,5%) và Đạo Hinđu (4%).
- Ngôn ngữ: Tiếng Anh, tiếng Hoa, tiếng Mã Lai và tiếng Tamil (Nam Ấn Độ), trong đó tiếng Mã được coi là quốc ngữ.
- Đơn vị tiền tệ: Đô la Xinh-ga-po (S$).
- GDP đầu người năm 2008:  38.972 USD (Số liệu IMF).

II.    Lịch sử phát triển :

    - Trong lịch sử, Xinh-ga-po đã bị nhiều đế quốc đô hộ: Bồ Đào Nha (đầu thế kỷ 16 đến cuối thế kỷ 17); Hà Lan (đầu thế kỷ 17 đến 1819); năm 1819 Anh giành lại quyền khai thác Xinh-ga-po. Từ 1824, Xinh-ga-po trở thành thuộc địa của Anh. Từ đó, Anh dùng Xinh-ga-po làm cửa biển buôn bán, chuyển khẩu quan trọng ở Viễn Đông và là căn cứ quân sự chủ yếu của Anh ở Đông Nam Á. Nhật Bản chiếm đóng Xinh-ga-po từ 1942 đến 1945. Sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai, Anh trở lại chiếm Xinh-ga-po. Trước phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân Xinh-ga-po, nhà đương cục Anh sau ba lần đàm phán với đại diện các chính đảng của Xinh-ga-po đã phải đồng ý cho Xinh-ga-po thành lập bang tự trị ngày 03/6/1959. Tuy nhiên, Xinh-ga-po chỉ được tự trị về đối nội, còn Anh vẫn nắm giữ các hoạt động về quốc phòng và ngoại giao.
    -  Ngày 16/9/1963, Xinh-ga-po gia nhập liên bang Ma-lai-xi-a.
    - Ngày 09/8/1965, Xinh-ga-po tách khỏi Ma-lai-xi-a và thành lập nước Cộng hoà độc lập.
    - Ngày 21/9/1965, Xinh-ga-po gia nhập Liên Hiệp quốc.

    III.    Thể chế chính trị:

- Ngày quốc khánh: 9/8/1965.
- Lãnh đạo nhà nước hiện nay:
+ Tổng thống:  S. R. Na-than (S. R. Nathan), nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai ngày 01/9/2005, nhiệm kỳ 6 năm.
    + Thủ tướng: Lý Hiển Long (Lee Hsien Loong), làm Thủ tướng Xinh-ga-po từ ngày 12/8/2004 đến nay (giữ chức Bộ trưởng Tài chính từ năm 2001 đến 12/2007). 
    + Chủ tịch Quốc hội (Speaker of Parliament): Ap-đu-la Ta-mu-di (Abdullah Tarmugi) được bầu lại làm Chủ tịch Quốc hội Xinh-ga-po khóa 11 từ ngày 02/11/2006.
    + Bộ trưởng Cao cấp (Senior Minister):
    * Gô Chốc Tông (Goh Chok Tong) nhậm chức ngày 30/5/2006 (làm Thủ tướng từ năm 1990 – 2004), kiêm Chủ tịch Cơ quan tiền tệ Xinh-ga-po (MAS).
    * S. Jayakumar (Giay-a-ku-ma) nhậm chức từ ngày 1/4/2009, kiêm Bộ trưởng Điều phối An ninh Quốc gia.
    + Bộ trưởng Cố vấn (Minister Mentor): Lý Quang Diệu (Lee Kuan Yew) từ 30/5/2006 (làm Thủ tướng Xinh-ga-po từ năm 1965 - 1990) kiêm Chủ tịch Tập đoàn đầu tư Chính phủ Xinh-ga-po (GIC).
    - Thể chế chính trị: Xinh-ga-po theo chế độ đa đảng. Từ khi giành độc lập đến nay, Đảng Hành động Nhân dân (People's Action Party – PAP) liên tục cầm quyền. Trong Quốc hội hiện nay có 94 đại biểu (82 đại biểu thuộc Đảng Nhân dân hành động, 2 đại biểu thuộc Đảng Công nhân, 1 đại biểu của Liên minh Dân chủ và 9 đại biểu chỉ định). Lý Quang Diệu là cựu Tổng thư ký của Đảng. Từ tháng 12/1992 đến 12/2004, Tổng thư ký Đảng là Gô Chốc Tông. Từ 12/2004 đến nay, Tổng Thư ký Đảng PAP là Thủ tướng Lý Hiển Long.

    IV.    Kinh tế - xã hội:
    
    Xinh-ga-po hầu như không có tài nguyên, nguyên liệu đều phải nhập từ bên ngoài, hàng năm phải nhập lương thực, thực phẩm để đáp ứng nhu cầu ở trong nước.
    Xinh-ga-po có cơ sở hạ tầng và một số ngành công nghiệp phát triển cao hàng đầu Châu Á và thế giới như: cảng biển, công nghiệp đóng và sửa chữa tàu, công nghiệp lọc dầu, chế biến, điện tử và lắp ráp máy móc tinh vi. Xinh-ga-po có 12 khu vực công nghiệp lớn, trong đó lớn nhất là Khu công nghiệp Du-rông (Jurong). Xinh-ga-po là nước hàng đầu về sản xuất ổ đĩa máy tính điện tử và hàng bán dẫn. Xinh-ga-po còn là trung tâm lọc dầu và vận chuyển quá cảnh hàng đầu ở Châu Á.
    Nền kinh tế Xinh-ga-po chủ yếu dựa vào buôn bán và dịch vụ (chiếm 40% thu nhập quốc dân). Kinh tế Xinh-ga-po từ cuối những năm 1980 đạt tốc độ tăng trưởng vào  loại cao nhất thế giới: 1994 đạt 10%, 1995 là 8,9%. Tuy nhiên từ cuối 1997, do ảnh hưởng của khủng hoảng tiền tệ, đồng đô-la Xinh-ga-po đã bị mất giá 20% và tăng trưởng kinh tế năm 1998 giảm mạnh chỉ còn 1,3%. Từ 1999, Xinh-ga-po bắt đầu phục hồi nhanh: Năm 1999 tăng trưởng 5,5%, và năm 2000 đạt hơn 9%. Do ảnh hưởng của sự kiện 11/9, suy giảm của kinh tế thế giới và sau đó là dịch SARS, kinh tế Xinh-ga-po bị ảnh hưởng nặng nề: Năm 2001 tăng trưởng kinh tế chỉ đạt -2,2%, 2002, đạt 3% và 2003 chỉ đạt 1,1%. Từ 2004, tăng trưởng mạnh: năm 2004 đạt 8,4%; 2005 đạt 5,7%; năm 2006 đạt 7,7% và năm 2007 đạt 7,5%. Năm 2009, GDP chỉ tăng 1,2 % do tác động của khủng hoảng kinh tế.
    Xinh-ga-po cũng được coi là nước đi đầu trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức. Xinh-ga-po đang thực hiện kế hoạch đến năm 2018 sẽ biến Xinh-ga-po thành một thành phố hàng đầu thế giới, một đầu mối của mạng lưới mới trong nền kinh tế toàn cầu và Châu Á và một nền kinh tế đa dạng nhạy cảm kinh doanh.

    V. Chính sách đối ngoại:

Chính sách đối ngoại của Xinh-ga-po dành ưu tiên cho việc tạo dựng môi trường hoà bình ổn định tại Đông Nam Á và Châu Á – Thái Bình Dương; duy trì hệ thống thương mại đa phương tự do – mở, sẵn sàng hợp tác với bất kỳ quốc gia nào vì lợi ích chung và duy trì một nền kinh tế mở.
Nhằm đảm bảo môi trường hoà bình ổn định phục vụ cho nhu cầu giao lưu thương mại và phát triển kinh tế, Xinh-ga-po đặt ưu tiên hàng đầu cho việc tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực. Xinh-ga-po là một trong năm nước sáng lập ASEAN và chủ trương xây dựng một ASEAN đoàn kết, hợp tác và phát triển và ngày càng tích cực phát huy vai trò trong ASEAN. Xinh-ga-po đã đưa ra sáng kiến Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và chủ trương đẩy AEC theo mô hình 2 + X. Xinh-ga-po và Thái Lan sẽ thực hiện trước trong khi chờ các nước ASEAN khác tham gia.
Xinh-ga-po đang tích cực nâng cao vai trò, là nước đề xướng tiến trình hợp tác Á – Âu (ASEM) (10/1994 – 03/1996), là Điều phối viên ASEM (02/1997 – 4/1998), là nước đưa ra sáng kiến thành lập Quỹ Á – Âu (ASEF) đồng thời là trụ sở của Quỹ; Xinh-ga-po đă tích cực thúc đẩy sáng kiến hình thành diễn đàn Đông Á –Mỹ La tinh (EALAF).
Xinh-ga-po ủng hộ mạnh mẽ việc tự do hoá thương mại toàn cầu và khu vực, ủng hộ WTO, GATT, APEC; là nước đi đầu trong việc đẩy mạnh quá trình thực hiện AFTA (vào năm 2003). Xinh-ga-po hoan nghênh việc lập khu vực thương mại tự do APEC và cam kết bỏ hàng rào quan thuế vào năm 2010 theo tinh thần tuyên bố Bogor 11/1994. Hiện nay, Ban thư ký của APEC đóng tại Xinh-ga-po.
Xinh-ga-po đã được bầu là thành viên không thường trực HĐBA/LHQ khoá 2001 – 2002. Ngoài ra, Xinh-ga-po còn là thành viên của Khối thịnh vượng chung (Common Wealth), Phong trào Không liên kết (NAM)...

VI.    Quan hệ với Việt Nam:

1.     Về chính trị:

Việt Nam và Xinh-ga-po thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 01/8/1973. Tháng 12/1991, Đại sứ quán Việt Nam tại Xinh-ga-po và tháng 9/1992, Đại sứ quán Xinh-ga-po tại Hà Nội được thành lập.
Sau khi Việt Nam tham gia Hiệp ước Bali (7/1992) và trở thành thành viên đầy đủ của ASEAN tháng 7/1995, quan hệ hai nước chuyển sang một giai đoạn phát triển mới về chất. Xinh-ga-po rất coi trọng phát triển quan hệ hợp tác với Việt Nam và Việt Nam trở thành một trong những thị trường chính về hợp tác thương mại, đầu tư của Xinh-ga-po ở Đông Nam Á.
Đặc biệt, trong chuyến thăm làm việc Xinh-ga-po của Thủ tướng Phan Văn Khải (3/2004), hai bên đã ký "Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác toàn diện trong thế kỷ 21", tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.
- Các chuyến thăm Xinh-ga-po của lãnh đạo ta:
+ Tổng Bí thư Đỗ Mười (10/1993); Chủ tịch Trần Đức Lương (4/1998); Thủ tướng Võ Văn Kiệt (11/1991) và (5/1994); Thủ tướng Phan Văn Khải (10/1992, với tư cách Phó Thủ tướng) và thăm làm việc (3/2004); Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh (9/1995); Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Văn An (12/2003); Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội thảo: “Việt Nam, nơi đến của các nhà đầu tư” ngày 15/3/2001 và dự Chương trình giao lưu Lý Quang Diệu 26-29/7/2004; thăm làm việc và ký kết Hiệp định khung về kết nối Việt Nam – Xinh-ga-po (5 – 7/12/2005); Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (2/1995); Bộ trưởng Quốc phòng Đoàn Khuê (3/1995); Bộ trưởng Quốc phòng Phạm Văn Trà (2 – 4/4/2004); Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên (4/2000 – 1/2004); Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh (29/3 – 31/3/2005); Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân (24 – 26/4/2007); Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (13 - 14/8/2007); Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dự Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN (11/2007); Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng thăm làm việc Xinh-ga-po (11-13/3/2008); Đại tướng Lê Hồng Anh, Bộ trưởng Bộ Công an thăm chính thức (3/2008); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm thăm chính thức kết hợp dự Khai mạc Lễ hội Việt Nam tại Xinh-ga-po (20-21/5/2008); Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên (4/2009); Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh dự Hội nghị Shang-ri La tại Xinh-ga-po (tháng 6/2009); Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thăm chính thức Xinh-ga-po (29/7 – 1/8/2009); Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm cấp Nhà nước kết hợp dự HNCC APEC 17 tại Xinh-ga-po (16-17/11/2009).

- Các chuyến thăm Việt Nam của lãnh đạo Xinh-ga-po:

+ Tổng thống S R Na-than (2/2001); Thủ tướng Gô Chốc Tông (3/1994; 12/1998 và thăm làm việc 3/2003); Thủ tướng Lý Hiển Long thăm Việt Nam với tư cách Phó Thủ tướng (4/2000), dự Hội nghị ASEM 5 (10/2004), thăm chính thức (6-7/12/2004), dự lễ kỷ niệm 10 năm VSIP (9/2006), dự Hội nghị APEC 14 (11/2006); Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng quốc phòng Tô-ni Tân (11/1996); Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Nội vụ Ông Can Xinh (4-7/12/2006); Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Điều phối an ninh quốc gia và Bộ trưởng luật pháp S. Giay-a-cu-ma (16 - 18/8/2007); Bộ trưởng cao cấp Lý Quang Diệu (4/1992, 11/1993, 3/1995 , 11/1997, 1/2007 và 4/2009);  Bộ trưởng Ngoại giao Ông Can Xinh (10/1992); Bộ trưởng Ngoại giao S. Giay-a-cu-ma (8/1996 và 11/2001); Bộ trưởng Quốc phòng Tiêu Chí Hiền (12/2003 và 9/2007); Chủ tịch Quốc Hội Ap-đu-la Ta-mu-di (19-21/7/2004); Trung tướng I-at Chung, Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng Xinh-ga-po (18–21/4/2005); Bộ trưởng Giáo dục Xinh-ga-po (9/2007); Bộ trưởng Cao cấp Gô Chốc Tông (10 - 15/12/2007); Tổng thống S R Nathan (2/2008); Bộ trưởng Cố vấn Lý Quang Diệu (4/2009); Bộ trưởng Ngoại giao Gióc I-ô (5/2009); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Tiêu Chí Hiền (9/2009).

2. Về hợp tác cụ thể: 

- Quan hệ thương mại - đầu tư: Từ 1996 đến nay, Xinh-ga-po luôn là một trong những đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của Việt Nam. Tổng kim ngạch hai chiều năm 2000 đạt 3,25 tỷ; năm 2001 đạt hơn 3 tỷ; năm 2002 đạt 3,2 tỷ; năm 2003 đạt 3,9 tỷ USD; năm 2004 đạt 4,9 tỷ USD; năm 2005 đạt 6,4 tỷ USD; năm 2006 đạt 7,7 tỷ USD; năm 2007 đạt 9,8 tỷ USD; năm 2008 đạt hơn 12 tỷ USD. Trong 10 tháng đầu năm 2009, do tác động của khủng hoảng kinh tế, thương mại hai chiều chỉ đạt khoảng 5 tỷ USD. Ta nhập của Xinh-ga-po chủ yếu là: xăng dầu các loại, chất dẻo nguyên liệu, kim loại, máy vi tính, sản phẩm điện tử, máy móc thiết bị, hóa chất… và chủ yếu xuất sang Xinh-ga-po: dầu thô, hải sản, cà phê, sản phẩm điện tử…
+ Từ 1998 đến nay, đầu tư trực tiếp của Xinh-ga-po vào Việt Nam liên tục tăng. Tính đến tháng 10/2009, Xinh-ga-po có 758 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với số vốn đăng ký khoảng 17 tỷ USD (vốn thực hiện 5,4 tỷ USD, chiếm tỷ lệ 35,2%). Vốn đầu tư của Xinh-ga-po trải đều trong nhiều lĩnh vực: khu công nghiệp, các ngành dịch vụ, cơ sở hạ tầng, công nghiệp xây dựng, bất động sản... Nhìn chung, các dự án đầu tư của Xinh-ga-po hoạt động có hiệu quả cao, đóng góp đáng kể cho giải quyết việc làm, xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
 + Khu công nghiệp Việt Nam – Xinh-ga-po (VSIP) là một trong những khu công nghiệp thành công và hiệu quả nhất Việt Nam. Hai cổ đông chính là SembCorp phía Xinh-ga-po và Becamex phía Việt Nam cùng hợp tác điều hành Khu công nghiệp. Sau hơn 11 năm phát triển, dự án VSIP tại tỉnh Bình Dương đã mở rộng diện tích ban đầu từ 500 hecta lên 845 hecta và thu hút thành công hơn 347 nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong chuyến thăm Việt Nam (12/2007), Bộ trưởng Cao cấp Gô Chốc Tông đã tham dự Lễ Khởi công Khu Công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ tại Bắc Ninh (rộng 700 hecta). Đây là VSIP đầu tiên tại miền Bắc và là dự án thứ ba tại Việt Nam (tiếp theo VSIP 1 và 2 tại tỉnh Bình Dương). Dự kiến VSIP 4 tại Hải Phòng (diện tích khoảng  1.500 hecta) sẽ được động thổ trong đầu năm 2010.
- Quan hệ giáo dục và văn hoá ngày càng được tăng cường và mở rộng. Xinh-ga-po tích cực giúp đỡ Việt Nam trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, phát triển nhân lực, mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực Xinh-ga-po có thế mạnh như tài chính, du lịch, nhân hàng, hoạch định chính sách trong quá trình chuyển sang kinh tế thị trường và chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế.
+ Từ năm 2000, hàng năm Xinh-ga-po cung cấp cho ta khoảng từ 150 - 200 học bổng các loại (dài hạn, ngắn hạn) về đào tạo tiếng Anh, chuyên ngành trong khuôn khổ song phương và ASEAN với nước thứ ba. Ngoài ra, số đi học tự túc tại Xinh-ga-po cũng ngày càng tăng. Ước tính đến năm 2009 có khoảng 7.000 du học sinh Việt Nam đang học tập tại Xinh-ga-po. Thông qua Quỹ hỗ trợ Đông Dương (10 triệu USD) trong đó phần lớn dành cho Việt Nam, Xinh-ga-po đã tích cực giúp Việt Nam đào tạo quản lý và tiếng Anh.
+ Ngay sau khi ký Hiệp định Kết nối Việt Nam-Xinh-ga-po, số lượng học bổng Chính phủ Xinh-ga-po dành cho học sinh phổ thông Việt Nam đã được nâng lên 25 học bổng/năm dựa vào kết quả kiểm tra của học sinh. Ngoài ra, Bạn còn cấp mỗi năm 15 học bổng đại học. Nhiều hình thức hợp tác đã được triển khai như: chương trình kết nghĩa các trường học, học bổng học tập, đào tạo ngôn ngữ, trại hè học sinh, trao đổi giáo viên, học sinh, hội thảo...
+ Tháng 28/11/2001, Trung tâm Đào tạo Việt Nam – Xinh-ga-po (VSTC) được thành lập theo sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI) của Thủ tướng Gô Chốc Tông và do Chính phủ Xinh-ga-po tài trợ kinh phí. Mục tiêu của IAI là hỗ trợ đào tạo về nhân sự cho các thành viên mới của ASEAN để giúp họ hội nhập với ASEAN. Từ khi thành lập, VSTC đã tổ chức đào tạo cho hơn 2.500 cán bộ Việt Nam về nhiều lĩnh vực: tiếng Anh, thương mại, du lịch, tài chính, hành chính công, WTO và luật pháp quốc tế…, trong đó có 20 giáo viên tiếng Anh.
+ Tháng 4/2007, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân sang thăm Xinh-ga-po ký Bản Ghi nhớ giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục Xinh-ga-po về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục (25/4/2007). Cũng trong khuôn khổ Bản Ghi nhớ trên, Học viện Giáo dục Quốc gia Xinh-ga-po (NIE) và Học viện Quản lý Giáo dục Xinh-ga-po đã ký kết thoả thuận thành lập một Trung tâm Đào tạo chất lượng cao tại Học viện Quản lý Giáo dục nhằm tăng cường chất lượng đội ngũ giáo viên của Việt Nam. Trung tâm này đã được khai trương tháng 3/2008 nhân chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Giáo dục Xinh-ga-po. Tính đến nay, Trung tâm đã đào tạo được 150 nhà lãnh đạo và 330 giáo viên theo hình thức hợp tác đào tạo tại Trung tâm ở Việt Nam và tại Học viện Giáo dục Quốc gia Xinh-ga-po, bằng nguồn kinh phí do Quỹ Temasek tài trợ.

+ Nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ Ngoại giao, từ tháng 5 – 8/2008, Hội đồng Di sản Quốc gia Xinh-ga-po đã tổ chức Lễ hội Việt Nam tại Xinh-ga-po, bao gồm nhiều hoạt động văn hoá như: triển lãm trưng bày các hiện vật về nền văn minh Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử; đặt Bảng đồng kỷ niệm Bác Hồ đến Xinh-ga-po 75 năm trước; triển lãm hội hoạ, tem và áp phích phim Việt Nam; chiếu phim Việt Nam và tổ chức Lễ hội ẩm thực Việt Nam.
- Hợp tác về pháp luật và tư pháp: Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã thăm Xinh-ga-po tháng 3/2008 và chứng kiến hai Bộ trưởng Tư pháp ký MOU về hợp tác pháp luật và tư pháp giữa hai nước.
     - Về du lịch : Hai phía phối hợp tổ chức các buổi tiếp xúc giữa các lữ hành lớn, đón khách du lịch tàu biển của Việt Nam với hiệp hội hãng tàu biển, doanh nghiệp kinh doanh du lịch tàu biển của Xinh-ga-po nhằm phát triển hình thức du lịch tàu biển. Ngoài ra, hai bên sẽ tiếp tục tổ chức, trao đổi các đoàn cho các hãng lữ hành lớn, báo chí có uy tín của hai nước để tìm hiểu, tuyên truyền và quảng bá cho du lịch của Xinh-ga-po và Việt Nam, xem xét tăng cường quảng bá du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng của cả hai nước.
  - Về y tế, Bộ trưởng Y tế Việt Nam thăm chính thức Xinh-ga-po (tháng 9/2008) nhằm thảo luận việc phát triển hệ thống y tế, kiểm soát các bệnh truyền nhiễm, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực... Tổng Công ty Sản xuất – nhập khẩu Bình Dương và Tập đoàn Y tế Quốc tế Thomson International Health Service đang hợp tác xây dựng Bệnh viện Phụ sản – Nhi Quốc tế Hạnh phúc tại tỉnh Bình Dương đạt tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên và chuyên nghiệp nhất tại Việt Nam. Tổng vốn đầu tư ban đầu của bệnh viện lên đến 28 triệu USD.
- Về an ninh, quốc phòng: Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn cấp Bộ trưởng Quốc phòng, An ninh và một số đoàn cấp Lãnh đạo các lực lượng vũ trang và An ninh: Đại tướng Lê Hồng Anh, Bộ trưởng Bộ Công an thăm chính thức Xinh-ga-po (3/2008); Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Trung Kiên đã tham dự Đối thoại Shangrila lần thứ 7 tại Xinh-ga-po (từ 30/5-1/6/2008), Bộ trưởng Quốc phòng Xinh-ga-po Tiêu Chí Hiền thăm Việt Nam (12/2003 và 9/2007); Trung Tướng Dexmon Kuech, Tư lệnh lực lượng quốc phòng Xinh-ga-po thăm chính thức Việt Nam từ 2-4/4/2008, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh tham dự Hội nghị Shangri La lần thứ 8 tại Xinh-ga-po (tháng 6/2009). Hai bên đã ký MOU hợp tác quốc phòng nhân chuyến thăm Việt Nam của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Tiêu Chí Hiền trong tháng 9/2009.


3. Các Hiệp định, Thoả thuận đã ký:

- Hiệp định hàng hải thương mại (16/4/1992); Hiệp định về vận chuyển hàng không (20/4/1992); Hiệp định thương mại (24/9/1992); Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư (29/10/1992); Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ môi trường (14/5/1993); Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (02/3/1994); Hiệp định hợp tác về du lịch (26/8/1994); Tuyên bố chung về Khuôn khổ hợp tác toàn diện Việt Nam – Xinh-ga-po trong thế kỷ 21 (08/3/2004); Hiệp định khung về kết nối Việt Nam – Xinh-ga-po (6/12/2005); Bản Ghi nhớ hợp tác giáo dục và đào tạo (25/4/2007); Bản Ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực Tư pháp và Pháp luật (3/2008); MOU hợp tác quốc phòng (9/2009).
- Ngoài ra còn có một số thoả thuận hợp tác trên một số lĩnh vực như: thanh niên (3/1995), báo chí (1/1996), văn hoá thông tin (4/1998), cung cấp tín dụng (3/2004), tiếp vận hàng hoá (3/2004), sửa chữa tầu thuỷ (3/2004), phần mềm điện thoại di động (3/2004) và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (3/2004). Hai nước đã ký kết MOU về thành lập Trung tâm đào tạo Việt Nam – Xinh-ga-po tại Hà Nội (VSTC) (tháng 11/2001), Bản ghi nhớ về hợp tác, xúc tiến đầu tư (16/10/2003)./.

Tháng 12 năm 2009

 
Back Top page Print Email

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer