TÀI LIỆU CƠ BẢN NƯỚC CỘNG HOÀ SINGAPORE
NƯỚC CỘNG HOÀ SINGAPORE
------
I. KHÁI QUÁT CHUNG:
1. Tên nư¬ớc: Cộng hoà Singapore
(Republic of Singapore)
Quốc kỳ:
2. Thủ đô: Singapore
3. Vị trí địa lý: nằm ở Cực Nam Bán đảo Mã Lai, giáp Malaysia, ngăn cách với Indonesia bằng Eo biển Malacca.
4. Diện tích: 692,7 km2, gồm 64 đảo: 1 đảo lớn và 63 đảo nhỏ.
5. Khí hậu: Nhiệt đới, nóng, ẩm và mưa nhiều.
6. Tài nguyên thiên nhiên: Thủy sản, các cảng nước sâu.
7. Quy mô GDP hàng năm: 297 tỉ USD (5/2014)
8. Thu nhập bình quân đầu người: 56.700 USD (2014)-đứng thứ 3 thế giới.
9. Đơn vị tiền tệ: Dollar Singapore (SGD).
10. Dân số: 5,47 triệu (6/2014).
11. Dân tộc: gốc Trung Quốc – 78,6 %, gốc Ma-lay – 13,9 %, gốc Ấn Độ - 7,9 %, một số dân tộc khác chiếm 1,4 %.
12. Tôn giáo: Phật giáo (43%), Hồi giáo (15%), Cơ đốc giáo (15%), Đạo giáo (8,5%) và Đạo Hinđu (4%).
13. Ngôn ngữ: Tiếng Anh, tiếng Hoa, tiếng Mã Lai và tiếng Tamil (Nam Ấn Độ).
14. Ngày quốc khánh: 09/8/1965.
15. Thể chế nhà nước: Singapore theo chế độ Cộng hòa, đa đảng. Tổng thống hiện nay là Tony Tan Keng Yam. Thủ tướng là Lý Hiển Long (Lee Hsien Loong). Quốc hội khóa 12 của Singapore hiện có 97 nghị sỹ: 81 đại biểu thuộc Đảng Hành động của Nhân dân(PAP), 6 đại biểu thuộc Đảng Công nhân, 1 đại biểu của Đảng Liên minh Dân chủ và 9 đại biểu chỉ định. Chủ tịch Quốc hội là Bà Halimah Jacob, được bầu làm Chủ tịch Quốc hội Khóa 12 từ ngày 14/01/2013.
II. QUAN HỆ NGOẠI GIAO, KINH TẾ VỚI VIỆT NAM:
1. Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam: 01/8/1973.
2. Quan hệ chính trị: Tháng 12/1991, Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore và tháng 9/1992, Đại sứ quán Singapore tại Hà Nội được thành lập. Trong chuyến thăm chính thức Singapore của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng (16 – 17/1/1978), hai nước ra Tuyên bố chung khẳng định những nguyên tắc chỉ đạo quan hệ.
Kể từ năm 1991, đặc biệt là từ khi Việt Nam trở thành thành viên ASEAN (1995), quan hệ hai nước phát triển nhanh chóng. Singapore coi trọng quan hệ với Việt Nam và Việt Nam trở thành một trong những thị trường chính về thương mại, đầu tư của Singapore ở Đông Nam Á.
Năm 2004, hai nước đã ký "Tuyên bố chung về Khuôn khổ Hợp tác Toàn diện trong thế kỷ 21", tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.
Tháng 9/2013, nhân chuyến thăm của Thủ tướng Lý Hiển Long tới Việt Nam và kỉ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hai bên đã ra Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Singapore.
Tham khảo chính trị thường niên cấp Thứ trưởng Ngoại giao: Cơ chế này giúp tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa hai Bộ Ngoại giao, tạo cơ hội để hai bên trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm và hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao. Hai bên đã luân phiên tổ chức phiên họp vào các năm 2003, 2004, 2005, 2007, 2009, 2012, 2013. Từ năm 2009, hai bên kết hợp tham khảo chính trị với giao lưu hai Bộ Ngoại giao gồm các hoạt động tọa đàm chuyên môn, giao lưu thể thao.
Hội Hữu nghị Việt Nam – Singapore được chính thức thành lập ngày 18/9/2014.
3. Quan hệ kinh tế thương mại:
- Về thương mại, từ 1996 đến nay, Singapore luôn là một trong những đối tác lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai nước tăng theo từng năm: năm 2005 - 6,4 tỷ; năm 2006 - 7,7 tỷ USD; năm 2007 - 9,8 tỷ USD; năm 2008 - 12 tỷ USD; năm 2009 - 5,8 tỷ USD; năm 2010 - 6,2 tỷ USD; năm 2011 - 8,7 tỷ USD; năm 2012 - 9,6 tỷ USD; năm 2013 đạt gần 9 tỷ USD; năm 2014 đạt xấp xỉ 9,8 tỉ USD. Ta luôn nhập siêu. Các sản phẩm chủ yếu giữa hai nước là xăng dầu (ta xuất dầu thô, nhập xăng dầu thành phẩm), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại (các mặt hàng này chiếm khoảng 50-60% tổng kim ngạch hai nước); ngoài ra, ta xuất các sản phẩm thủy sản, cà phê, hạt tiêu, rau quả… nhưng thị phần không lớn.
- Đầu tư trực tiếp từ Singapore vào Việt Nam liên tục tăng từ năm 1998. Tính đến hết 2014, Singapore đã có 1351 dự án với tổng vốn đầu tư 32,7 tỷ USD, đứng thứ 3 trong số các nước/vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam (sau Hàn Quốc và Nhật Bản). Singapore chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng. Khu Công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) là một biểu tượng cho tính hiệu quả của các dự án đầu tư của Singapore, đã hoạt động được hơn 11 năm với 4 khu: VSIP 1 và VSIP 2 tại Bình Dương, VSIP 3 tại Bắc Ninh (12/2007), VSIP 4 tại Hải Phòng (01/2010); VSIP 5 tại Quảng Ngãi (9/2013).
Hiệp định khung về Kết nối Việt Nam – Singapore: Ngày 06/12/2005 tại Singapore, Bộ trưởng Công thương Singapore Lim Ưng Ki-ang và Bộ trưởng Thương mại Việt Nam Trương Đình Tuyển đã ký chính thức Hiệp định Khung về Kết nối Việt Nam – Singapore và 06 phụ lục kết nối (6 lĩnh vực). Theo thoả thuận, các cuộc họp cấp Bộ trưởng Công Thương được tổ chức định kỳ (8 tháng) và luân phiên tại mỗi nước để rà soát tình hình triển khai Hiệp định và hoạch định phưong hướng hợp tác tiếp theo. Cho tới nay đã họp được 10 kỳ (trong đó kỳ gần nhất họp tháng 4/2014 tại Singapore).
4. Hợp tác giáo dục, văn hóa, thể thao và du lịch:
Hợp tác giáo dục-đào tạo: Hai nước ký Bản Ghi nhớ về Hợp tác Giáo dục (4/2007); thành lập Trung tâm Đào tạo Việt Nam - Singapore (VSTC) tại Hà Nội (11/2001), hoạt động theo kinh phí của Chính phủ Singapore; thành lập Trung tâm Đào tạo chất lượng cao tại Học viện Quản lý Giáo dục Việt Nam (03/2008), hoạt động bằng nguồn kinh phí do Quỹ Temasek (Singapore) tài trợ. Hàng năm, Chính phủ Singapore cấp khoảng 15 suất học bổng cho sinh viên Việt Nam học đại học tại Singapore. Bộ Ngoại giao hai nước đã ký Thỏa thuận về Chương trình đào tạo dành cho cán bộ trung, cao cấp Đảng Cộng sản Việt Nam tại Singapore giai đoạn 2011-2013 và Thỏa thuận về Chương trình đào tạo chuyên đề cho cán bộ cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam giai đoạn 2013-2015. Năm 2014, Singapore đứng thứ 5 trong top các điểm đến du học của sinh viên Việt Nam với khoảng 8500 sinh viên.
Hợp tác văn hóa, du lịch: Trong lĩnh vực văn hóa, hai bên chủ yếu hợp tác theo khuôn khổ của Ủy ban Văn hóa Thông tin ASEAN (ASEAN – COCI), tích cực ủng hộ lẫn nhau. Hợp tác du lịch giữa hai nước tương đối hiệu quả. Singapore là thị trường du lịch quan trọng của Việt Nam, đồng thời là địa điểm du lịch hấp dẫn của du khách Việt Nam. Khách du lịch từ Singapore đến Việt Nam trong năm 2014 đạt 202.436 người (tăng khoảng 4% so với 2013), đứng thứ 13 trong tổng số các nước có khách du lịch đến Việt Nam. Năm 2013, lượng khách du lịch Việt Nam đến Singapore đạt 380.000 người, tăng 4% so với 2012, đứng thứ 10 trong tổng số các nước có khách du lịch đến Singapore.
5. Về an ninh - quốc phòng:
Hợp tác quốc phòng: Bộ Quốc phòng hai nước đã ký Bản Ghi nhớ về Hợp tác Quốc phòng (9/2009); hai bên trao đổi nhiều chuyến thăm cấp Bộ trưởng. Hợp tác hải quân hai nước phát triển tốt, hai bên thường xuyên tiến hành giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm. Từ năm 2009 trở lại đây, tàu Hải quân Singapore đều ghé thăm giao lưu với Hải quân ta. Hai bên đã kí Thỏa thuận về chia sẻ thông tin hàng hải phi quân sự và Thỏa thuận về cứu hộ tàu ngầm tháng 9/2013.
Hợp tác an ninh: Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Singapore đã ký Thỏa thuận Hợp tác (12/2006); hàng năm hai Bộ tổ chức họp cấp Thứ trưởng Thường trực. Hai bên duy trì trao đổi các đoàn lãnh đạo: Bộ trưởng Trần Đại Quang thăm Singapore 22-23/2/2012 và 23-26/9/2014; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nội vụ Tiêu Chí Hiền thăm Việt Nam vào tháng 8/2012 và ký gia hạn hạn Thỏa thuận hợp tác về phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia.
6. Về các hợp tác khác:
Hợp tác pháp luật, tư pháp: Tháng 3/2008, Bộ trưởng Tư pháp hai nước đã ký Bản ghi nhớ hợp tác Pháp luật và Tư pháp. Để triển khai Bản Ghi nhớ, Bộ Tư pháp hai nước đã tổ chức 02 Phiên họp Ủy ban Hỗn hợp về Pháp luật và Tư pháp tại Hà Nội (tại Hà Nội tháng 2/2009 và tại Singapore tháng 2/2011).
Tháng 1/2015, đoàn Chánh án TAND tối cao Việt Nam Trương Hòa Bình thăm Singapore, dự lễ khai mạc năm tư pháp Singapore 2015, lễ công bố thành lập Tòa án Thương mại quốc tế Singapore và chuẩn bị thiết lập quan hệ hợp tác song phương giữa Tòa án Tối cao hai nước.
7. Trao đổi đoàn cấp cao:
a. Các chuyến thăm Singapore của lãnh đạo ta:
+ Tổng Bí thư Đỗ Mười (10/1993); Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (9/2012);
+ Chủ tịch Trần Đức Lương (4/1998); Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (11/2009); Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (9/2011);
+ Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt (11/1991 và 5/1994); Thủ tướng Phan Văn Khải (3/2004); Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (8/2007, 01/2010, và dự Đối thoại Shangri La lần thứ 12 tháng 5/2013);
+ Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh (9/1995); Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Văn An (12/2003); Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên (4/2009);
+ Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Nguyễn Thiện Nhân thăm Singapore (27-30/3/2014);
+ Phó Thủ tướng Phan Văn Khải (10/1992), Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (3/2001; 7/2004; và 12/2005); Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng (3/2008); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm (5/2008); Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (8/2009); Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh (11/2013-thăm theo Chương trình “Người bạn của S R Nathan”)
+ Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (2/1995); Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên (4/2000 và 01/2004); Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh (6/2011); Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang (12/2011); Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (2/2012); Trưởng Ban Đối ngoại Trung Ương Hoàng Bình Quân (11/2010).
b. Các chuyến thăm Việt Nam của lãnh đạo Singapore:
+ Tổng thống S R Nathan (2/2001 và 2/2008); Tổng thống Tony Tan Keng Yam (4/2012);
+ Thủ tướng Gô Chốc Tông (3/1994; 12/1998; và 3/2003); Thủ tướng Lý Hiển Long (dự ASEM 10/2004; 12/2004; 9/2006; dự APEC 11/2006; 01/2010; 9/2013);
+ Phó Thủ tướng Lý Hiển Long (4/2000); Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng quốc phòng Tony Tan (11/1996); Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Nội vụ Wong Kan Seng (12/2006); Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Điều phối an ninh quốc gia và Bộ trưởng luật pháp S. Jayacuma (8/2007); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Tiêu Chí Hiền (9/2009; 5/2010 và 10/2010); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nội vụ Wong Kan Seng (4/2010);
+ Chủ tịch Quốc hội Apdulah Tamudi (7/2004);
+ Bộ trưởng Cao cấp Lý Quang Diệu (4/1992, 11/1993, 3/1995, 11/1997, 1/2007 và 4/2009); Bộ trưởng Cao cấp Gô Chốc Tông (12/2007, 9/2014);
+ Bộ trưởng Ngoại giao Wong Kan Seng (10/1992); Bộ trưởng Ngoại giao S. Jayacuma (8/1996 và 11/2001); Bộ trưởng Ngoại giao George Yeo (5/2009); Bộ trưởng Ngoại giao K Shanmugam (9/2011).
8. Các hiệp định, thoả thuận, bản ghi nhớ giữa hai nước:
- Hiệp định Hàng hải Thương mại (16/4/1992);
- Hiệp định Vận chuyển Hàng không (20/4/1992);
- Hiệp định Thương mại (24/9/1992);
- Hiệp định về Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư (29/10/1992);
- Hiệp định Hợp tác trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ môi trường (14/5/1993);
- Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần (02/3/1994); sửa đổi 9/2012;
- Hiệp định Hợp tác về Du lịch (26/8/1994);
- Tuyên bố chung về Khuôn khổ hợp tác toàn diện Việt Nam – Singapore trong thế kỷ 21 (08/3/2004);
- Hiệp định khung về Kết nối Việt Nam – Singapore (6/12/2005);
- Bản Ghi nhớ về Hợp tác, Xúc tiến Đầu tư (16/10/2003);
- Bản Ghi nhớ về Hợp tác Giáo dục và Đào tạo (25/4/2007);
- Bản Ghi nhớ về Hợp tác trong lĩnh vực Tư pháp và Pháp luật (3/2008);
- Bản Ghi nhớ về Hợp tác Quốc phòng (9/2009);
- Bản Ghi nhớ về thành lập Trung tâm đào tạo Việt Nam – Singapore tại Hà Nội (VSTC) (11/2001);
- Bản Ghi nhớ về Hợp tác Tài chính (9/2012);
- Thỏa thuận về Chương trình đào tạo dành cho cán bộ trung, cao cấp Đảng Cộng sản Việt Nam tại Singapore giai đoạn 2011-2013 (11/2010);
- Thỏa thuận về Chương trình đào tạo chuyên đề cho cán bộ cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam giai đoạn 2013-2015 (9/2012);
- Bản Ghi nhớ về chia sẻ thông tin hàng hải phi quân sự và Bản ghi nhớ về Hợp tác cứu hộ tàu ngầm (9/2013);
- Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – Singapore (9/2013)./.
Back Top page Print Email |
Related news: |
|