Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Saturday, ngày 28 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Một bước ngoặt lớn

Tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN ở Manila (Philippines), bản dự thảo Hiến chương ASEAN đầu tiên đã được trình lên hội nghị. Hiến chương mới sẽ biến ASEAN thành một khối liên kết dựa trên luật lệ, giống như hoạt động của Liên minh châu Âu.

Sau đó, bản dự thảo sẽ được đưa ra thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN vào tháng 11 tới và dự kiến các nước thành viên phê chuẩn vào cuối năm 2008. Việc ra đời của Hiến chương sẽ là sự khởi động cho một bước ngoặt lớn của ASEAN kể từ khi thành lập cách đây 40 năm.

Bản dự thảo Hiến chương do Nhóm Những người nổi tiếng (EPG - gồm các cựu quan chức và các quan chức đương nhiệm hàng đầu của ASEAN) nghiên cứu xây dựng. Tháng 12/2006, EPG đã công bố một loạt khuyến nghị về Hiến chương ASEAN. Đáng chú ý là việc thành lập Hội đồng ASEAN để thay thế Hội nghị Cấp cao ASEAN như tổ chức cao nhất của Hiệp hội. Hiến chương cũng gồm một số vấn đề chủ chốt khác, như các mục tiêu và nguyên tắc cơ bản của ASEAN, nhất là nguyên tắc ra quyết định, vấn đề thành viên, tổ chức bộ máy Hiệp hội trong tương lai, vai trò của Chủ tịch ASEAN và của Tổng thư ký ASEAN… EPG đã đề xuất những biện pháp mạnh nhằm biến ASEAN thành một tổ chức chặt chẽ hơn.

Tổng thư ký ASEAN Keng Yong cho biết, Hiến chương của ASEAN sẽ không quy định các biện pháp trừng phạt các nước thành viên, nhưng ASEAN sẽ tìm các biện pháp để giải quyết những vấn đề ảnh hưởng tới vị thế của khối, bằng những điều khoản cho phép các nhà lãnh đạo có hành động thiết thực trong trường hợp xảy ra việc không tuân thủ. Trong lịch sử 40 năm tồn tại và phát triển, ASEAN đã cho ra đời rất nhiều tuyên bố, hiệp định và các thoả thuận, song luôn thiếu các điều lệ để thực thi. Dự thảo Hiến chương lần này đề nghị tiến hành bỏ phiếu và lấy theo đa số đối với một số quyết định chung nội khối, chứ không áp dụng hình thức đồng thuận như trước. Như vậy, bản Hiến chương mới sẽ biến ASEAN thành một khối liên kết dựa trên luật lệ, giống như hoạt động của Liên minh châu Âu.

Bản Hiến chương cũng đặt mục đích hàng đầu của ASEAN là thương mại tự do và hội nhập kinh tế. Hiến chương còn kêu gọi thành lập một quỹ giúp thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế giữa các nước thành viên và quy định các thành viên phải có một quan điểm chung trước mối đe doạ an ninh và các vấn đề vượt ra khỏi biên giới, trong đó có chủ nghĩa khủng bố. Tuy nhiên, bất đồng đã nảy sinh xung quanh một số điều khoản của bản Hiến chương. Ví dụ như việc thành lập Ủy ban Nhân quyền của ASEAN. Trong khi Philippines lập luận rằng, Ủy ban này sẽ làm cho ASEAN “đáng tin cậy hơn trong cộng đồng quốc tế”, thì Myanma lại phản đối mạnh mẽ.
Việc cho ra đời Hiến chương ASEAN trong thời điểm hiện nay là một nhu cầu xuất phát tự sự phát triển vượt bậc của nội khối ASEAN, và cũng xuất phát từ những thách thức của toàn cầu hoá. Với vị trí là cửa ngõ vào đại lục châu Á, là cầu nối giữa Đông Á và Nam Á, ASEAN đã thể hiện vai trò trung tâm trong các quan hệ hợp tác liên khu vực. Điều này được khẳng định qua Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện với Trung  Quốc, cũng như trong các mối quan hệ liên khu vực trong khuôn khổ hợp tác ASEAN + 3, qua các hiệp định mà ASEAN đã ký với Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc. Những năm qua, một vài quốc gia phát triển hơn trong ASEAN đã ký kết nhiều hiệp định song phương với các cường quốc kinh tế. Thế nhưng, để thực sự trở thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, không gì khác hơn là phải tăng cường sức mạnh nội khối, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên, xử lý tốt các vấn đề thuộc ASEAN trong tiến trình toàn cầu hoá.

Hiện ASEAN đang đàm phán để ký FTA với Ấn Độ, Nhật Bản và đang bắt đầu khởi động đàm phán với Liên minh châu Âu về một hiệp định FTA lớn nhất thế giới gồm 37 nền kinh tế. Một bản Hiến chương chung được thực thi sẽ là bước cải tiến lớn nhất từ trước tới nay của ASEAN, tạo cho hiệp hội một khung pháp lý vững mạnh để các quốc gia Đông Nam Á liên kết chặt chẽ, từ đó có tiếng nói chung mạnh hơn trong các vấn đề khu vực và quốc tế./. (VOV)

 
Back Top page Print Email

Related news:

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer