Thông tin cơ bản về Cộng hòa quần đảo Mác-san Và quan hệ Việt Nam - Mác-san

KHÁI QUÁT CHUNG

  

1. Tên quốc gia: Nước Cộng hòa Quần đảo Mác-san (Republic of the Marshall Islands)

2. Thủ đô: Ma-giu-rô (Majuro)               

3. Quốc kỳ:

Cờ Quần đảo Marshal

4. Quốc khánh: 01/05/1979

5. Diện tích: 181,43 km2

6. Dân số: 59.145 người (5/2020)

7. Vị trí địa lý: Bao gồm 29 đảo san hô, 5 đảo lớn và hơn 1.000 tiểu đảo hình thành một khu vực quần đảo có tổng diện tích đất liền 180 km2, nằm ở Tây Nam Thái Bình Dương, phía Nam giáp Na-u-ru (Nauru) và Ki-ri-ba-ti (Kiribati), phía Tây giáp Mai-cờ-rô-nê-xia (Micronesia).

8. Đơn vị tiền tệ: Đô-la Mỹ

9. Thu nhập bình quân đầu người: 3.254 USD (2018)

10. Dân tộc: Chủ yếu là người Mác-san (92,1%), người lai Mác-san (5,9%), một số ít (2%) từ Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Phi-líp-pin và các quốc đảo Thái Bình Dương khác

11. Tôn giáo: Chủ yếu là Thiên chúa giáo

12. Ngôn ngữ: Tiếng Mác-san và Tiếng Anh

TÌNH HÌNH CHÍNH TRỊ - KINH TẾ - XÃ HỘI:

1. Chính trị:

- Mác-san theo chế độ Cộng hòa. Quốc hội nắm quyền lập pháp, Tổng thống điều hành đất nước thông qua nội các. Mác-san không có đảng chính trị chính thức. Bầu cử được tiến hành bốn năm một lần theo hình thức phổ thông đầu phiếu (tổng tuyển cử gần nhất diễn ra vào tháng 11/2019). Mỗi một đơn vị bầu cử trong tổng số 24 đơn vị có thể được bầu hơn một đại diện (được gọi là thượng nghị sĩ) vào cơ quan lập pháp chính là Hạ viện. Các đơn vị bầu cử được chia tương ứng trên cơ sở các đảo/rạn san hô có người cư trú. Thủ đô Ma-giu-rô được bầu 5 thượng nghị sĩ. Các thượng nghị sĩ sẽ là những người bầu chọn ra Tổng thống.

- Lập pháp: gồm Thượng viện và Hạ viện. Quyền lực lập pháp nằm trong tay Hạ viện (Nitijela). Thượng viện hay còn gọi là Hội đồng Iroji-một cơ quan tư vấn bao gồm mười hai tù trưởng bộ tộc. 

- Hành pháp: Theo Hiến pháp, Chính phủ quốc gia Mác-san hoạt động theo một hệ thống chính trị hỗn hợp giữa đại nghị chế (hệ thống quản trị dân chủ của một nước trong đó nhánh hành pháp của chính quyền phụ thuộc vào sự hậu thuẫn trực tiếp hoặc gián tiếp của quốc hội, có sự phân biệt rõ ràng giữa chức danh đứng đầu chính phủ và chức danh đứng đầu nhà nước) và tổng thống chế (hệ thống chính phủ mà trong đó người đứng đầu chính phủ cũng là người đứng đầu nhà nước, lãnh đạo nhánh hành pháp tách biệt hẳn khỏi lập pháp). Bộ máy hành pháp do hành pháp bổ nhiệm với sự chấp thuận của Hạ viện. 

Các Lãnh đạo chủ chốt hiện nay:

+ Tổng thống (đồng thời là người đứng đầu Chính phủ): Ông David Kabua (Đa-vit Ca-bua)

+ Bộ trưởng Ngoại giao: Ông Casten Nemra (Cat-tần Nem-ra).

2. Kinh tế-xã hội:

Tuy là nước nhỏ nhưng Mác-san có tiềm năng lớn về biển. Chính phủ Mác-san cho phép tầu các nước đăng ký treo cờ của Mác-san; hiện số tầu này lên tới 1400 chiếc, là đội tầu lớn thứ 4 trên thế giới và đem lại cho Mác-san gần 1 triệu USD lệ phí mỗi năm. Ngoài ra, Mác-san có nguồn thu lớn khác từ việc cấp giấy phép cho nước ngoài đánh bắt cá ngừ trên vùng biển của Mác-san (hiện tàu cá của Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc và Ốt-xtrây-lia đang hoạt động nhiều ở Mác-san). Tuy nhiên, theo Hiệp ước ký kết giữa hai bên, kinh tế Mác-san phụ thuộc vào Mỹ, với trên 80% ngân sách chính phủ được cung cấp bởi các nguồn viện trợ của Mỹ.

III. QUAN HỆ VIỆT NAM – MÁC-SAN:

1. Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam: 01/7/1992

2. Khuôn khổ quan hệ: quan hệ ngoại giao

3. Những mốc lớn trong quá trình phát triển quan hệ:

- Quan hệ Việt Nam và Mác-san chưa phát triển nhiều, mới chỉ dừng lại ở trao đổi đoàn, chủ yếu từ phía Mác-san: Chủ tịch Quốc hội Mác-san Kessai H.Note thăm chính thức (10-13/11/1994), Bộ trưởng Ngoại giao Mác-san Tom Kijiner thăm chính thức (14-17/4/1993). Năm 2008 và 2015, Bộ trưởng Ngoại giao Mác-san Tony DeBrum dự kiến thăm Việt Nam, nhưng không thực hiện.

- Tháng 3/2004, ông Yong Yi Ji, Đại sứ lưu động của Mác-san thăm Việt Nam. Bạn tỏ mong muốn lập Đại sứ quán tại Hà Nội để kiêm nhiệm các nước Đông Nam Á khác và Hàn Quốc (Mác-san cũng từng có ý định mở Tổng Lãnh sự quán tại Tp. Hồ Chí Minh), nhưng sau đó không thấy đề cập lại.

- 06/03/2014, ông Tom Kijiner, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Mác-san tại Nhật Bản trình Quốc thư lên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, trở thành Đại sứ Mác-san kiêm nhiệm Việt Nam.

- 6/2018: Tổng thống Hila Heine đã tham dự Đại hội đồng Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF 6) được tổ chức tại Đà Nẵng.

Tháng 6/2020

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn