Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ bẩy, ngày 09 tháng 11 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Tài liệu cơ bản An-ba-ni

Tài liệu cơ bản An-ba-ni

THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ AN-BA-NI

 

I/ Thông tin chung:

 

-      Tên nước: Cộng hòa An-ba-ni (Republic of Albania).

-      Thủ đô: Ti-ra-na (Tirana).

-      Ngày Quốc khánh:  28/11/1912 (ngày độc lập).

-      Vị trí địa lý: Ở Đông-Nam Âu. Phía Bắc giáp Môn-tê-nê-grô, CH Xéc-bi-a. Phía Đông Nam giáp Ma-xê-đô-ni-a và Hy Lạp. Tây và Tây-Nam giáp biển A-đri-a-tích và biển I-ôn.

-      Diện tích: 28.748 km2.

-      Khí hậu: Ôn đới hải dương (khí hậu Địa Trung Hải).

-      Dân số: 3 triệu người; tỷ lệ tăng dân số: 0,267%; tuổi thọ trung bình: 77,4 tuổi; 52% dân số sống ở đô thị; phân bố lao động theo ngành: nông nghiệp 47,8%, công nghiệp 23%, dịch vụ 29,2%. (2014).

-      Dân tộc: Người An-ba-ni chiếm 82,6% dân số, người Hy Lạp 0,9%, còn lại là người gốc Thổ Nhĩ Kỳ, Bun-ga-ri, Di-gan, Xéc-bi-a, Ma-xê-đô-ni-a chiếm 0,6%.

-      Ngôn ngữ:  Tiếng An-ba-ni.

-      Tôn giáo: 70% dân số theo đạo Hồi, 20% theo đạo Cơ đốc, 10% theo đạo Thiên chúa.

-      Đơn vị tiền tệ:  Leke (lếch); 1 USD = 116 Leke (2016).

-      GDP:  12 tỷ USD (2016), trong đó nông nghiệp chiếm 17,5%, công nghiệp: 15,3%, dịch vụ: 67,2%.

-      Thu nhập bình quân đầu người:  5622.2 USD (2016).

-      Lãnh đạo chủ chốt:

o   Tổng thống Bui-a-rơ Ni-sa-ni (Bujar Nishani; thuộc Đảng Dân chủ - DP; từ 6/2012);

o   Thủ tướng E-đi Ra-ma (Edi Rama; thuộc SP; từ 10/9/2013);

o   Chủ tịch Quốc hội I-li-rơ Mê-ta (Ilir Meta; thuộc Phong trào XHCN vì hội nhập - SMI; từ 6/2013);

o   Ngoại trưởng Đi-tơ-mi-rơ Bu-sa-ti (Ditmir Bushati; thuộc SP; từ 10/9/2013).

 

II. Khái quát lịch sử

          An-ba-ni là một nước nhỏ và trong lịch sử luôn bị các nước lớn xâm lược, nhân dân An-ba-ni đã liên tục đứng lên đấu tranh giành độc lập. Từ thế kỷ thứ II trước công nguyên đến thế kỷ thứ IV, An-ba-ni bị đế quốc La-mã đô hộ, sau đó bị đế quốc Bi-dăng-tin (đế quốc Đông La-mã) thống trị. Cuối thế kỷ XIV bị đế quốc Ốt-tô-man (Thổ Nhĩ Kỳ) xâm lược, nhân dân An-ba-ni đã liên tiếp đứng lên đấu tranh, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa do Ca-xtơ-ri-ốt Xken-đê-béc (Kastriot Skenderbeg) lãnh đạo đã giành được độc lập cho đất nước vào năm 1443. Năm 1468, Xken-đê-béc chết, đế quốc Ốt-tô-man trở lại đô hộ An-ba-ni gần 5 thế kỷ. Ngày 28/11/1912 nhân dân An-ba-ni dưới sự lãnh đạo của nhà yêu nước I-xơ-ma-in Kê-man (Ismail Qemal) đã giành lại được độc lập. Ngày 07/4/1939, phát-xít I-ta-li-a và sau đó vào tháng 9/1943 là phát-xít Đức lần lượt chiếm An-ba-ni. Nhân dân An-ba-ni, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản do ông En-ve Hốt-da (Enver Hoxha) đứng đầu đã chiến đấu, giải phóng đất nước vào ngày 29/11/1944 và tiến hành xây dựng CNXH. Từ cuối năm 1990, nhiều cuộc biểu tình của các lực lượng chống đối nổ ra đã làm cho Đảng Lao động An-ba-ni (tức Đảng Cộng sản) mất dần vai trò lãnh đạo đất nước. Trong cuộc bầu cử đa đảng đầu tiên ngày 22/3/1992, Đảng Dân chủ An-ba-ni giành thắng lợi và lên cầm quyền, đưa đất nước đi theo mô hình đa nguyên, đa đảng của phương Tây. Từ đó hai chính đảng lớn là Đảng Dân chủ (cánh hữu) và Đảng XHCN (cánh tả) thay nhau cầm quyền. Ngày 04/04/2008, An-ba-ni đã chính thức gia nhập NATO. Ngày 12/06/2006, An-ba-ni ký Hiệp ước Ổn định và Liên kết (SAA) với EU và kể từ 01/04/2009 trở thành thành viên liên kết của EU. Tiếp đó, ngày 28/04/2009, An-ba-ni đã chính thức nộp đơn xin gia nhập EU. Ngày 08/11/2010, EU đã miễn thị thực nhập cảnh đối với công dân An-ba-ni.

 

III. Thể chế nhà nước, đảng phái chính trị

          Thể chế nhà nước: An-ba-ni theo mô hình Cộng hoà nghị viện. Quốc hội 1 viện có nhiệm kỳ 4 năm và gồm 140 ghế, trong đó 100 ghế được bầu định danh trực tiếp, 40 ghế được bầu theo đảng. Tổng thống do Quốc hội bầu với nhiệm kỳ 5 năm. Thủ tướng do Tổng thống bổ nhiệm theo đề nghị của đảng/liên minh chiếm đa số trong Quốc hội.

          Các đảng phái chính trị lớn tại An-ba-ni: Đảng XHCN (PS - trung tả; Chủ tịch Đảng: Ê-đi Ra-ma - Edi RAMA); Đảng Dân chủ (PD - trung hữu; Chủ tịch Đảng: Xa-li Bê-ri-sa - Sali BERISHA); Phong trào XHCN vì Hội nhập (MSI - trung tả; Chủ tịch Đảng: I-lia-rơ Mê-ta - Ilir META). Số ghế trong Quốc hội (kết quả bầu cử Quốc hội ngày 23/6/2013): PS: 65, PD: 50, MSI: 16...

 

IV. Kinh tế

Trong thời kỳ chế độ XHCN, An-ba-ni đã xây dựng được một số ngành công nghiệp quan trọng như điện lực, dầu khí (tự túc được 100% về khí đốt), khai thác - chế biến đồng... Sau năm 1992, tiến độ cải cách của An-ba-ni chậm so với các nước Đông Âu khác do chính trị mất ổn định, hạ tầng năng lượng và giao thông kém. Giai đoạn 2000-2008, nhờ sự giúp đỡ của quốc tế và lượng kiều hối lớn (bằng khoảng 15% GDP hàng năm) của người An-ba-ni ở Hy lạp và I-ta-li-a gửi về, kinh tế An-ba-ni bắt đầu tăng trưởng trung bình 6%/năm, tuy nhiên đời sống nhân dân còn khó khăn, phân hoá giàu nghèo sâu sắc. Do khủng hoảng tài chính toàn cầu, từ năm 2009 trở lại đây, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế An-ba-ni đã giảm mạnh.

Một số số liệu kinh tế năm 2016

Tăng trưởng GDP: 2,7%

Thất nghiệp: 17,3%

Lạm phát: 2,2%

Thâm hụt ngân sách: 4,8% GDP

Nợ công: 73,3% GDP

Nợ nước ngoài: 8,9 tỷ USD

Dự trữ ngoại tệ: 2,85 tỷ USD

FDI lũy kế: 5,56 tỷ USD

Xuất khẩu đạt 1,01 tỷ USD với các mặt hàng xuất chủ yếu là: dệt may, giày da, nhựa đường, kim loại và quặng kim loại, dầu thô, rau quả, thuốc lá nguyên liệu... Các đối tác chủ yếu là: I-ta-li-a (51,1%), Tây Ban Nha (9,2%), Thổ Nhĩ Kỳ (6,3%), Hy Lạp (4,4%)...

Nhập khẩu đạt 3,6 tỷ USD với các mặt hàng chủ yếu là: máy móc, thiết bị, thực phẩm, dệt may, hóa chất... Các đối tác chủ yếu là: I-ta-li-a (31,9%), Hy Lạp (9,5%), Trung Quốc (6,4%), Đức (6%), Thổ Nhĩ Kỳ (5,7%)...

 

V. Chính sách đối ngoại:

An-ba-ni ưu tiên hội nhập châu Âu và phát triển quan hệ với Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, I-ta-li-a; chú trọng quan hệ với các nước láng giềng và các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ma-lay-xi-a.

An-ba-ni là thành viên các tổ chức khu vực và quốc tế sau: BSEC (Tổ chức Hợp tác kinh tế Biển Đen), EBRD (Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu), FAO (Tổ chức Nông lương thế giới), IAEA (Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế), ICAO (Tổ chức Hàng không quốc tế), IMF, Interpol, IPU (Liên minh Bưu chính quốc tế), ISO (Tổ chức Tiêu chuẩn quốc tế), ITU (Liên minh Viễn thông quốc tế), NATO, OIF (Tổ chức quốc tế Pháp ngữ), OSCE (Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu), SECI (Sáng kiến Hợp tác Đông Nam Âu), Liên hợp quốc, UNESCO,  WHO (Tổ chức Y tế thế giới), WTO...

 

QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM - AN-BA-NI

 

Việt Nam và An-ba-ni thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 11/02/1950.

 

I. Chính trị - ngoại giao:

          An-ba-ni đã ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam. Từ năm 1954 đến 1975, Bạn đã viện trợ không hoàn lại cho ta 16,1 triệu rúp bằng hàng hoá và viện trợ nhân dân 1,5 triệu rúp. Ngoài ra, Bạn đào tạo giúp ta hàng trăm sinh viên. Từ khi An-ba-ni thay đổi chế độ chính trị (3/1992) đến nay, quan hệ hai nước được duy trì ở mức trao đổi điện mừng nhân dịp có lãnh đạo mới hoặc nhân dịp Quốc khánh v.v… Ngày 24/6/1992, An-ba-ni đóng cửa Sứ quán ở Hà Nội và cử Đại sứ thường trú tại Ma-lay-xi-a kiêm nhiệm Việt Nam. Ngày 09/7/1992, ta đóng cửa Sứ quán tại Ti-ra-na và cử Đại sứ ở Hung-ga-ri kiêm nhiệm An-ba-ni. Năm 2009, Bạn đã bổ nhiệm ông Cu-xtim Gia-ni (Kujtim Xhani) làm Đại sứ An-ba-ni tại Việt Nam (thường trú tại Ti-ra-na). Đến năm 2011, Đại sứ Gia-ni được bổ nhiệm làm Đại sứ An-ba-ni tại Trung Quốc nên hiện nay ông thường trú tại Bắc Kinh. Về trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao giữa hai nước, Thủ tướng An-ba-ni Xa-li Bê-ri-sa đã gặp song phương với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhân dự khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh (8/2008) và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhân dự Hội nghị thượng đỉnh Copenhagen về biến đổi khí hậu (COP 15, tháng 1/2010). Ngoài ra, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao An-ba-ni Ét-mông Ha-gi-na-xtô đã thăm chính thức Việt Nam ngày 24/11/2011 và đã ký Thoả thuận hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao.

         

II. Kinh tế - thương mại – đầu tư:

          Gần 2 thập kỷ qua, hai nước hầu như không có buôn bán trực tiếp, kim ngạch thương mại hàng năm chỉ khoảng 2-3 triệu USD. Tháng 1/1996, ta đã cử một đoàn công tác thăm An-ba-ni, nhân dịp này, hai bên đã ký tắt Hiệp định hợp tác Kinh tế và Hiệp định hợp tác Văn hoá, Khoa học - Kỹ thuật, tuy nhiên, các văn bản này đã cũ và cần được đàm phán lại để sớm ký chính thức.

 

III. Các lĩnh vực khác:

          Năm 1995, Bộ Ngoại giao hai nước đã trao đổi công hàm khẳng định lại việc miễn thị thực cho công dân hai nước mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ.
 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer