Tài liệu cơ bản và quan hệ Việt Nam - Lát-vi-a
I. Thông tin cơ bản
- Tên nước: Cộng hòa Lát-vi-a (Republic of Latvia)
- Thủ đô: Ri-ga (Riga)
- Ngày Quốc khánh: 18/11 (1918), Ngày tuyên bố độc lập: 21/8/1991
- Vị trí địa lý: Phía Bắc giáp E-xtô-ni-a, phía Đông giáp Nga và Bê-la-rút, phía Nam giáp Lít-va, phía Tây giáp biển Ban-tích. Địa hình chủ yếu là đồng bằng.
- Diện tích: 64.589 km2
- Khí hậu: biển, ôn đới, ẩm, nhiệt độ trung bình tháng 7 là 180C, tháng 1 là -2 đến -70C.
- Dân số: 1.953.200 người (2017), trong đó người Lát-vi-a chiếm 62%; người Nga 25,4%; người Bê-la-rút 3,3%; người U-crai-na 2,2%; người Ba Lan 2,1%; người Lít-va 1,1%; các dân tộc khác 4,8%.
- Tôn giáo: Tin lành dòng Lu-tơ (34.3%), Thiên chúa (25.1%), Cơ đốc giáo chính thống (19,4%), các tôn giáo khác (21.2%).
- Ngôn ngữ chính thức: Tiếng Lát-vi-a.
- Cơ cấu hành chính: Cả nước chia thành 26 hạt và 7 thành phố tự trị.
- Đơn vị tiền tệ: Euro (từ 01/01/2014).
- GDP: 50,65 tỉ USD (2017), trong đó nông nghiệp chiếm 4,8%, công nghiệp 24,8% và dịch vụ 70,4%.
- Tăng trưởng GDP: 4,5% (2017).
- GDP bình quân đầu người: 25.700 USD (2017).
- Lãnh đạo chủ chốt:
+ Tổng thống: Rai-môn Vê-iô-ních (Raimonds Vejonis), nhậm chức từ 08/7/2015.
+ Chủ tịch Quốc hội: Bà I-na-ra Mu-nhi-xe (Inara Murniece); từ 04/11/2014.
+ Thủ tướng: Cờ-ri-xia-nhít Ca-rin (Krisjanis Karins); từ 24/01/2019.
+ Ngoại trưởng: Ết-ga Rin-Kê-vích (Edgars Rinkevics); tái bổ nhiệm 24/01/2019.
II. Khái quát lịch sử
Tổ tiên của người Lát-vi-a là những bộ lạc Ban-tích cổ đã cư trú tại phía Đông bờ biển Ban-tích từ thiên niên kỷ III tr.CN. Trong các thế kỷ 10-13, trên lãnh thổ Lát-vi-a đã hình thành các quốc gia phong kiến đầu tiên của người Lát-vi-a. Trong các thế kỷ 13-16, người Cơ đốc giáo Đức đã xâm chiếm Lát-vi-a. Năm 1562, đế chế Ba Lan và Thuỵ Điển phân chia lãnh thổ Lát-vi-a. Năm 1795, đế chế Nga xâm chiếm Lát-vi-a. Ngày 18/11/1918, nước Cộng hòa Lát-vi-a chính thức được thành lập.
Sau khi Liên Xô và Đức ký Hiệp ước Mô-lô-tốp – Ri-ben-tơ-rốp (8/1939), Liên Xô đã đưa quân vào Lát-vi-a, sau đó nước CHXHCN Xô-viết Lát-vi-a được thành lập và gia nhập Liên bang Xô-viết (05/8/1940). Trong chiến tranh thế giới thứ II, Lát-vi-a bị phát-xít Đức chiếm đóng (1941-1944). Chiến tranh kết thúc, Lát-vi-a tiếp tục là một nước cộng hòa thuộc Liên Xô.
Ngày 21/8/1991, Lát-vi-a tuyên bố độc lập. Ngày 04/9/1991, Liên Xô đã công nhận nền độc lập của Cộng hòa Lát-vi-a. Lát-vi-a đã chính thức gia nhập NATO ngày 02/04/2004 và EU ngày 01/05/2004.
III. Thể chế nhà nước, chế độ chính trị, đảng phái chính trị
Lát-vi-a theo mô hình nhà nước cộng hoà nghị viện. Quốc hội - cơ quan lập pháp của Lát-vi-a có 1 viện với 100 đại biểu, được bầu bởi phổ thông đầu phiếu, nhiệm kỳ bốn năm. Tổng thống do Quốc hội bầu (phải được ít nhất 51/100 phiếu) và cũng có nhiệm kỳ bốn năm (không được quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp). Tổng thống chỉ định Thủ tướng, sau đó Thủ tướng đứng ra thành lập Chính phủ và phải được Quốc hội thông qua.
Trong cuộc bầu cử Quốc hội gần đây nhất diễn ra vào 10/2018, Đảng Harmony đã chiến thắng với 23/100 ghế, Đảng Bảo thủ mới được 16 ghế, Đảng Phát triển được 13 ghế; Liên minh Xanh và Nông dân giành được 11 ghế, Liên minh Dân tộc cực hữu được 13 ghế…Sau 3 tháng đàm phán, Chính phủ liên minh cầm quyền do các đảng cánh hữu bao gồm Bảo thủ, Phát triển, Liên minh Dân tộc, Ai sở hữu quốc gia và Liên minh mới kết hợp. Thủ tướng là ông Cờ-ri-xia-nhít Ca-rin (Liên minh mới), Chủ tịch Quốc hội vẫn là bà I-na-ra Mu-nhi-xe (Đảng Dân tộc).
IV. Kinh tế
Lát-vi-a có nền kinh tế mở dựa vào xuất khẩu. Các ngành dịch vụ vận chuyển hàng hóa, khai thác và chế biến gỗ, nông nghiệp và chế biến thực phẩm, sản xuất thiết bị máy móc, điện tử và du lịch phát triển mạnh. Lát-vi-a đã chính thức gia nhập Eurozone từ 01/01/2014 và OECD vào năm 2016.
Kinh tế Lát-vi-a đã tăng trưởng trên 10% /năm trong giai đoạn 2006-2007, nhưng suy thoái trầm trọng trong giai đoạn 2008-2010 (GDP đã giảm 18% năm 2009). Nhờ thực hiện các chính sách khắc khổ và tăng cường xuất khẩu, đồng thời được nhận khoản cứu trợ 10,3 tỷ USD từ IMF, EU và các nhà tài trợ quốc tế khác, từ năm 2011, nền kinh tế Lát-vi-a bắt đầu tăng trưởng tốt (năm 2014 đạt 2%, năm 2015 đạt 2,75%, năm 2016 đạt 2,1%, năm 2017 đạt mức kỷ lục 4,5%).
Các mặt hàng xuất khẩu chính là thực phẩm, đồ gỗ, sắt thép, máy móc sang thị trường Lít-va (17.8%), Nga (11,4%), Estonia (11,1%), Đức (6,3%). Lát-vi-a chủ yếu nhập thiết bị, hàng tiêu dung, hóa phẩm, xăng dầu từ Lít-va (16,9%), Đức (11,3%), Ba Lan (10,5%), Nga (8,2%).
V. Chính sách đối ngoại
Lát-vi-a ưu tiên hội nhập sâu vào EU; tăng cường quan hệ với Mỹ, NATO; chú trọng củng cố cộng đồng các nước Ban-tích.Với Nga, để tranh thủ Mỹ và Tây Âu, Lát-vi-a đã từng bước hạn chế quan hệ và đã thông qua một số đạo luật hạn chế quyền lợi của người Nga sinh sống ở Lát-vi-a. [1]
Gần đây, Lát-vi-a cũng bắt đầu quan tâm đến khu vực châu Á -Thái Bình Dương, Đông Nam Á.
Hiện Lát-vi-a là thành viên của các tổ chức khu vực và quốc tế: EU, FAO, IAEA, ICAO, IMF, IMO, Interpol, IOM, NATO, OSCE, PCA, Schengen, UN, UNCTAD, UNESCO, WHO, WTO….
THÔNG TIN CƠ BẢN
VỀ QUAN HỆ VIỆT NAM – LÁT-VI-A
I. QUAN HỆ CHÍNH TRỊ
Trong khuôn khổ quan hệ với Liên Xô cũ, ta và Lát-vi-a đã có quan hệ hữu nghị hợp tác tốt. Bạn giúp ta đào tạo cán bộ, sinh viên, nhận lao động ta sang làm việc, có quan hệ kết nghĩa, hợp tác trực tiếp với một số địa phương và cơ sở sản xuất của ta (Thủ đô Ri-ga dưới thời Liên Xô cũ đã nhiều năm kết nghĩa với tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng).
Ngày 12/02/1992 tại Mát-xcơ-va, hai Bên đã ký Nghị định thư về việc thiết lập quan hệ ngoại giao. Hiện nay, Đại sứ ta tại Thụy Điển kiêm nhiệm Lát-vi-a, Đại sứ Lát-vi-a tại Bắc Kinh kiêm nhiệm Việt Nam.
Trao đổi đoàn giữa hai nước:
Năm |
Đoàn ra |
Đoàn vào |
11/1995 |
Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh |
|
11/1996 |
|
Bộ trưởng Ngoại giao Lát-vi-a |
2004 |
|
Thủ tướng Lát-vi-a dự ASEM-5 |
10/2017 |
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh |
|
Hợp tác trên các diễn đàn đa phương: Việt Nam và Lát-vi-a đã nhiều lần ủng hộ nhau vào các cơ quan của LHQ: hai bên ủng hộ lẫn nhau vào Hội đồng Kinh tế và Xã hội ECOSOC (bạn nhiệm kỳ 2011-2013, ta 2016-2018), vào Hội đồng Nhân quyền (bạn nhiệm kỳ 2015-2017; ta nhiệm kỳ 2014-2016), vào Ủy ban Di sản thế giới (ta nhiệm kỳ 2013-2017, bạn nhiệm kỳ 2015-2019.
Hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao: Trong chuyến thăm Việt Nam (1996) của Bộ trưởng Ngoại giao Lát-vi-a, hai bên đã ký Nghị định thư về hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao. Đến nay, ta đã tiến hành tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao tại Lát-vi-a (6/2012) và tại Hà Nội (6/2018), cấp Vụ trưởng khu vực tại Lát-vi-a (7/2011) và Hà Nội (11/2012).
II. QUAN HỆ HỢP TÁC KINH TẾ
Kim ngạch thương mại song phương:
(Đơn vị: Triệu USD)
Năm |
2011 |
2012 |
2013 |
2014 |
2015 |
2016 |
2017 |
2018 |
Tổng |
41,78 |
73,50 |
105,24 |
139,33 |
145,39 |
161 |
166,1 |
186,1 |
Nguồn: TCHQ Việt Nam
Các mặt hàng chính Việt Nam xuất sang Lát-vi-a (năm 2018 đạt 177.7 triệu USD): hải sản, hạt điều, cà phê, hạt tiêu, sản phẩm chất dẻo, sản phẩm mây tre đan, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng dệt may, giày dép. Việt Nam nhập từ Lát-vi-a (năm 2018 đạt 9.5 triệu USD): cao su, gỗ và sản phẩm gỗ, bông, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt may - da giày, máy móc, thiết bị.
Về đầu tư, tính đến nay mới có một dự án của Lát-vi-a tại Việt Nam trị giá 10.000 USD đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2016 trong lĩnh vực công nghệ thông tin
III. CỘNG ĐỒNG: Cộng đồng ta tại Lát-vi-a có khoảng 250 người, trong đó có hơn 15 gia đình sang Lát-vi-a trong vòng 3-4 năm trở lại đây theo các chương trình đầu tư định cư.
IV. CÁC HIỆP ĐỊNH KHUNG ĐÃ KÝ GIỮA HAI NƯỚC
- Hiệp định hợp tác kinh tế - thương mại (ký tháng 11/1995 nhưng đã hết hiệu lực theo yêu cầu của phía Lát-vi-a kể từ khi nước này gia nhập EU ngày 01/05/2004).
- Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (11/1995).
- Hiệp định hợp tác văn hoá - khoa học (11/1996) .
- Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (10/2017).
Hai bên đàm phán tiến tới ký kết Hiệp định hợp tác giáo dục và công nhận văn bằng tương đương; Hiệp định nhận trở lại công dân và Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao…../.
[1] Sau khi Lát-vi-a tuyên bố độc lập, Nga đã cho Lát-vi-a hưởng chế độ ưu đãi về thương mại và cung cấp năng lượng. Ngày 28/6/1996, Nga đã ký với Lát-vi-a Hiệp định về biên giới biển. Từ năm 1999, quan hệ Lát-vi-a - Nga có chiều phức tạp hơn, thậm chí có lúc Lát-vi-a tuyên bố coi Nga là mối đe doạ đối với an ninh quốc gia. Dưới thời Thủ tướng Kan-vi-ti-xơ, quan hệ hai nước đã được cải thiện. Ngày 18/12/2007, nhân chuyến thăm Lát-vi-a của Ngoại trưởng Nga, hai bên đã ký Hiệp định phân định biên giới.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |