Tài liệu cơ bản về Thụy Điển và quan hệ Việt Nam - Thụy Điển
THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ VƯƠNG QUỐC THỤY ĐIỂN
I. ĐỊA LÝ, DÂN SỐ, VĂN HÓA, XÃ HỘI VÀ LỊCH SỬ
- Thủ đô: Xtốc-khôm (Stockholm) khoảng trên 1,5 triệu dân (cả ngoại ô)
- Ngày Quốc khánh: 6/6 (Ngày lễ cờ)
- Vị trí địa lý: Nằm trên bán đảo Xờ-can-đi-na-vi, Tây và Bắc giáp Na Uy, Đông giáp Phần Lan, Nam giáp biển Ban-tích và Đan Mạch.
- Diện tích: 449.964 km2.
- Khí hậu: Tuy nằm ở gần Bắc cực, nhưng do ảnh hưởng của hải lưu nóng Gulf Stream nên khí hậu tương đối ôn hòa. Mùa hè nhiệt độ trung bình từ 150C - 170C. Mùa Đông ở miền Bắc trung bình -140C, miền Nam -10C.
- Dân số: Gần 9,5 triệu người, trong đó 1,2 triệu là người nhập cư nước ngoài.
- Dân tộc: Người Thụy Điển chiếm 81,9%, người Phần Lan khoảng 5%, các nhóm dân tộc khác là 13%, trong đó người Láp (còn gọi là người Sam) có khoảng 150.000 người.
- Ngôn ngữ: Tiếng Thụy Điển. Ngoại ngữ thông dụng nhất là tiếng Anh.
- Tôn giáo: Đạo Tin lành dòng Lu-thơ chiếm 85% dân số, còn lại là các tôn giáo khác.
- Lãnh đạo chủ chốt:
+ Nhà Vua Carl XVI Gustaf (Can Gút-xtáp 16, lên ngôi ngày 15/9/1973).
+ Thủ tướng Ông Stefan Löfven (Xtê-phan Lếp-ven), Chủ tịch Đảng Dân chủ Xã hội, được bầu ngày 2/10/2014 .
+ Chủ tịch Quốc hội Ông Urban Ahlin (U-ban A-lin), Đảng Dân chủ Xã hội, được bầu 29/9/2014.
+ Bộ trưởng Ngoại giao Bà Margot Wallström (Ma-gốt Van-xtờ-rêm), Đảng Dân chủ Xã hội, được bổ nhiệm ngày 3/10/2014.
- Số liệu kinh tế:
+ Đơn vị tiền tệ: Đồng Cua-ron (SEK). Tỉ giá 1 USD = 6,48 SEK (tính đến ngày 14/02/2015)
+ GDP năm 2014 đạt 2,1% (năm 2013: 1,2%) theo báo cáo công bố của OECD
II. KHÁI QUÁT LỊCH SỬ
800 – 1050 Thời kỳ Viking
1280 Hình thành Vương quốc
1397 – 1523 Liên hiệp Kalmar, Thụy Điển dưới quyền cai trị của Đan Mạch
1523 Vua Gustaf Vasa lên ngôi, thực hiện chế độ quân chủ. Thụy Điển trở thành quốc gia độc lập và bước vào thời kỳ phát triển hưng thịnh.
1648 Mở đầu thời kỳ “Đế chế Thụy Điển”
1700 – 1721 Chiến tranh “Great Northern War”, Thụy Điển thua trận và chấm dứt thời kỳ Đế chế
1803 – 1815 Thụy Điển tham gia các cuộc chiến tranh Napoleon
1809 Nhượng lại Phần Lan cho Nga
1814 Na Uy sáp nhập vào Thụy Điển
1905 Na Uy tách khỏi Thụy Điển
1814 Thực hiện chính sách trung lập, không tham gia các cuộc chiến tranh thế giới
19/11/1946 Gia nhập LHQ
1/1/1995 Gia nhập EU
III. THỂ CHẾ NHÀ NƯỚC, CHẾ ĐỘ CHÍNH TRỊ, ĐẢNG PHÁI CHÍNH TRỊ, LÃNH ĐẠO CHỦ CHỐT
1. Thể chế và tổ chức bộ máy nhà nước:
a/ Thể chế nhà nước
Thụy Điển theo chế độ quân chủ lập hiến với hình thức dân chủ nghị viện. Vua là nguyên thủ quốc gia nhưng không tham gia chính trị và không có quyền lực chính trị mà chỉ tham gia các hoạt động có tính chất lễ nghi. Quyền lực chính trị chủ yếu thuộc Quốc hội và Chính phủ.
b/ Cơ quan lập pháp
Quốc hội là cơ quan lập pháp cao nhất thông qua các đạo luật và các quyết định có tính chất chính sách. Hiến pháp đầu tiên được thông qua vào năm 1809 và được sửa đổi năm 1886. Năm 1971, Thụy Điển thực hiện chế độ một viện, bỏ Thượng viện, chỉ còn Hạ viện hay Quốc hội (Riksdag) với 349 ghế, nhiệm kỳ 4 năm, bỏ phiếu theo chế độ phổ thông đầu phiếu. Một đảng phải giành được tối thiểu 4% số phiếu bầu trong cả nước mới có đại diện trong Quốc hội.
Quốc hội hiện có 16 ủy ban chuyên trách, phụ trách các vấn đề liên quan đến Hiến pháp, ngân sách, tài chính, thuế khóa và các vấn đề chủ yếu khác của các cơ quan cấp Bộ. Quốc hội bỏ phiếu thông qua thành phần Chính phủ mới, bỏ phiếu bất tín nhiệm Thủ tướng/Bộ trưởng nếu có 1/3 số nghị sỹ yêu cầu.
c/ Cơ quan hành pháp: bao gồm Chính phủ trung ương và các chính quyền địa phương.
- Chính phủ: nhiệm kỳ 4 năm
Đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng. Thủ tướng là người được Chủ tịch Quốc hội đề nghị đứng ra thành lập Chính phủ mới. Thủ tướng được chỉ định tiến hành bổ nhiệm các thành viên trong chính phủ. Sau đó Quốc hội thông qua thành phần Chính phủ mới theo nguyên tắc đa số phiếu tán thành.
Chính phủ hoạt động với nhiệm kỳ 4 năm hoặc khi Thủ tướng đương nhiệm từ chức do mất tín nhiệm hoặc vì lý do cá nhân. Chính phủ có quyền đề nghị giải tán Quốc hội và tiến hành bầu cử trước thời hạn. Song Quốc hội được bầu lại chỉ tồn tại đến hết thời gian còn lại của nhiệm kỳ.
- Chính quyền địa phương gồm:
+ Chính quyền cấp tỉnh: cả nước có 21 tỉnh, đứng đầu mỗi tỉnh là một thống đốc do Chính phủ chỉ định.
+ Chính quyền cấp địa phương: 290 thành phố/quận. Cơ quan hành chính cấp thành phố/địa phương gọi là Hồi đồng thành phố do dân bầu. Mỗi đảng phải đạt ít nhất 3% tổng số phiếu bầu mới có đại diện trong Hội đồng.
d/ Cơ quan tư pháp:
- Hệ thống pháp luật bao gồm: Luật về tổ chức Quốc hội (sửa đổi năm 1974); Luật về tổ chức Chính phủ (sửa đổi năm 1974); Luật về kế vị ngôi Vua (sửa đổi năm 1979); Luật về tự do ngôn luận (sửa đổi năm 1983); Luật về các quyền cơ bản của con người (sửa đổi năm 1979) và Luật về nhà thờ (thông qua năm 1982).
- Hệ thống tòa án hoạt động độc lập với cơ quan lập pháp và hành pháp, được chia làm 3 cấp: trung ương, tỉnh và quận. Chánh án tòa án tối cao do Chính phủ bổ nhiệm có nhiệm vụ giám sát việc thực hiện các đạo luật đã được ban hành. Các quy định về xét xử chung như các hành vi phạm tội do tòa án cấp quận xét xử. Tòa án phúc thẩm xét phúc tra và cuối cùng trình lên tòa án tối cao quyết định. Các hành vi vi phạm khác về thuế, phúc lợi xã hội và các vấn đề thuộc Hội đồng cấp quận, thành phố do tòa án địa phương, tòa hành chính phúc thẩm và tòa hành chính tối cao xét xử. Các lĩnh vực đặc biệt như thị trường lao động do các tòa án chuyên ngành xét xử.
- Thanh tra Quốc hội (Ombudsman) gồm thanh tra tư pháp được Quốc hội bổ nhiệm để giám sát việc thực hiện luật pháp và các quy định khác trong khu vực dịch vụ công cộng. Chính phủ bổ nhiệm các thanh tra khác để giám sát các vấn đề như bình đẳng nam nữ, phân biệt sắc tộc và tự do báo chí.
2. Các đảng phái chính trị hiện nay (nhiệm kỳ 2014-2018):
2.1 Liên minh cầm quyền
- Đảng DCXH: (113 ghế) thành lập năm 1889, tiền thân là đại diện những người lao động, là đảng chính trị lớn nhất ở Thụy Điển, nắm quyền lãnh đạo đất nước trong một thời gian dài và có những đóng góp to lớn trong việc xây dựng thành công mô hình nhà nước phúc lợi.
Sau thất bại bầu cử 2006 và 2010, đảng DCXH có nhiều nỗ lực đổi mới đảng về tổ chức, đường lối và nhân sự nhằm giành lại vai trò lãnh đạo và đã giành lại được quyền lãnh đạo Thụy Điển trong cuộc bầu cử 2014. Chủ tịch đảng hiện nay là ông Stefan Lofven, nguyên là lãnh đạo công đoàn (từ 2/2012).
- Đảng Môi trường (Đảng Xanh): (25 ghế) thành lập năm 1981 từ phong trào phản đối năng lượng hạt nhân, bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên; hiện là đảng lớn thứ 3 trong Quốc hội. Đảng Xanh ủng hộ việc giảm dần sử dụng năng lượng hạt nhân, tăng thuế môi trường, đánh thuế cao các sản phẩm không thân thiện với môi trường, ủng hộ hợp tác ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu.
2.2 Các đảng đối lập
- Đảng Cánh tả: (21 ghế) thành lập năm 1917, do nhóm cánh tả của đảng DCXH tách ra. Năm 1921, đảng đổi tên là đảng Cộng sản Thụy Điển. Năm 1967 đổi thành đảng Cộng sản Cánh tả và năm 1990 đổi thành đảng Cánh tả. Khi mới thành lập, đảng lấy CN Mác-Lê nin làm nền tảng tư tưởng, dần dần theo con đường cải lương, chủ nghĩa dân túy. Đảng Cánh tả phản đối tư nhân hóa, chống việc Thụy Điển gia nhập euro.
- Đảng Bảo thủ (Ôn hòa): (84 ghế) thành lập năm 1904, đại diện cho quyền lợi của tầng lớp đại tư bản công nghiệp và giáo hội theo tư tưởng cực hữu, chống chủ nghĩa cộng sản, ủng hộ mạnh tư nhân hóa, thị trường tự do, giảm thuế, ủng hộ tự do cá nhân, hôn nhân đồng tính.
- Đảng Tự do: (19 ghế) thành lập năm 1902, đại diện cho tầng lớp trí thức, viên chức theo khuynh hướng trung hữu, hiện là đảng lớn thứ 4 trong Quốc hội. Đảng tự do ủng hộ người nhập cư, nới lỏng các chính sách đối với người nhập cư vì lý do kinh tế, ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO.
- Đảng Trung tâm: (22 ghế) thành lập năm 1913, đại diện quyền lợi của tầng lớp tư bản trong nông nghiệp theo khuynh hướng trung hữu. Những năm 1970 và đầu năm 1980 là đảng lớn nhất trong các đảng cánh hữu. Đảng Trung tâm có quan điểm ủng hộ người nhập cư, chính sách viện trợ cho các nước nghèo.
- Đảng Dân chủ thiên chúa giáo: (17 ghế) thành lập năm 1964, là đảng chính trị nhỏ đại diện quyền lợi cho những người theo đạo Thiên chúa, bảo vệ các ý tưởng của tôn giáo, tự do, nhân quyền; ủng hộ chăm sóc người già, giảm thuế, phản đối việc công nhận Palestine.
- Đảng những người dân chủ Thụy Điển: (49 ghế) thành lập năm 1988 đại diện cho tầng lớp theo chủ nghĩa dân tộc cực hữu, bài ngoại; hội viên của đảng đa số là thanh niên, sinh viên có tư tưởng cực đoan trong chính sách đối với người tị nạn, chống nhập cư, tham gia EU; bảo vệ các giá trị truyền thống của xã hội Thụy Điển. Trong cuộc bầu cử năm 2010, lần đầu tiên đảng này được tham gia Quốc hội. Trong cuộc bầu cử T9/2014, đảng đã được gấp đôi phiếu bầu so với bầu cử năm 2010, trở thành đảng lớn thứ ba trên chính trường Thụy Điển.
Ngoài ra còn có một số đảng nhỏ khác như Đảng Cộng sản theo đường lối Mác-xít và Đảng Cộng sản Thụy Điển.
IV. GIỚI THIỆU VỀ KINH TẾ
Với nền kinh tế tri thức hướng tới công nghệ cao và một hệ thống phúc lợi xã hội toàn diện, Thụy Điển là một trong các quốc gia có mức sống cao nhất thế giới. Thụy Điển có ba nguồn tài nguyên chính là rừng, quặng sắt và thủy điện.
- Cơ cấu kinh tế:
Dịch vụ (71,6% GDP)-Công nghiệp (26,7% GDP)- Nông nghiệp (1,6% GDP).
- Các ngành công nghiệp chính:
- Công nghiệp chế tạo; công nghiệp hóa chất; công nghiệp khai khoáng và luyện kim; công nghiệp giấy và gỗ.
Thụy Điển là nước sớm và đi đầu trong nghiên cứu, ứng dụng và sử dụng công nghệ xanh, công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái sinh. Theo đánh giá của tổ chức Innovation Union Scoreboard năm 2013, Thụy Điển là nước đứng đầu về đổi mới sáng tạo. Thụy Điển cũng được đứng hàng thứ 2 thế giới về hệ thống giáo dục có chất lượng tốt. Trong năm 2014, Thụy Điển là một trong ít nước khu vực châu Âu không bị suy thoái nặng do Chính phủ đã thực hiện một số biện pháp hiệu quả, trong đó đã xử lý tốt việc điều chỉnh tỷ giá đồn cu-ron với đồng USD, siết chặt quản lý nợ công, đổi mới doanh nghiệp cổ phần Nhà nước, tăng cường thị trường lao động, đẩy mạnh xuất khẩu. Do kinh tế Thụy Điển có độ mở lớn, xuất khẩu chiếm 55% GDP và hơn 50% thương mại là với EU nên khi EU vẫn còn khó khăn, xuất khẩu của Thụy Điển, chủ yếu là máy móc, thiết bị điện tử, viễn thông, giấy, dược phẩm, sản phẩm dầu, sắt, thép và thực phẩm, tiếp tục bị ảnh hưởng. Hàng xuất khẩu Thụy Điển đang nỗ lực thúc đẩy hợp tác thương mại tại các thị trường mới nổi (Trung Quốc, Brazin, Ấn Độ, Myanmar và Việt Nam), thúc đẩy tiến trình đàm phán FTA với Mỹ và một số nước khác để bổ sung cho sự thiếu hụt của thị trường nội địa và khu vực EU.
- Chính sách HTPT:
Mục tiêu chính của các dự án hợp tác phát triển Thụy Điển là nhằm cải thiện cuộc sống của con người, do vậy nhiều dự án hợp tác phát triển tập trung vào xóa đói giảm nghèo và cải thiện dân chủ, nhân quyền trên thế giới. Ba nội dung được ưu tiên trong hợp tác phát triển là: 1. Dân chủ và nhân quyền; 2. Bình đẳng giới và vai trò của phụ nữ trong công cuộc phát triển; 3. Khí hậu và môi trường. Hiện các đối tác ưu tiên trong HTPT của Thụy Điển là khu vực Châu Phi; châu Á có hai nước là Cam-pu-chia và Băng-la-dét.
V. CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI
Thụy Điển đã có những sửa đổi hiến pháp sâu rộng nhất kể từ 1974 đến nay nhằm tạo thêm cơ sở pháp lý cho nhất thể hóa trong EU. Thực tế, trong thời gian qua Thụy Điển tiếp tục đẩy mạnh hợp tác khu vực Bắc Âu, ưu tiên quan hệ hợp tác toàn diện với EU và Mỹ, tăng cường tham gia các hoạt động quân sự theo hướng liên kết ngày càng mạnh hơn với NATO (dù chưa là thành viên chính thức) và duy trì hỗ trợ các mặt cho chính quyền thân Mỹ và phương Tây ở Irắc. Về chính sách an ninh, Thụy Điển tiếp tục nhấn mạnh sự chủ động và liên kết với các nước Bắc Âu và EU. Thụy Điển sẽ không thụ động nếu một nước thành viên EU hoặc Bắc Âu gặp thảm họa hoặc bị tấn công, đồng thời mong muốn các nước này có hành động tương tự đối với Thụy Điển. Bên cạnh đó, Thụy Điển tiếp tục quan tâm thúc đẩy quá trình dân chủ hóa và hợp tác với các nước Ban-tíc, đồng thời có cố gắng điều chỉnh, cải thiện quan hệ với Nga. Ở Châu Á, Thụy Điển tập trung tăng cường hợp tác với Trung Quốc và phần nào là Hàn Quốc và Nhật Bản.
Ngay sau khi được nhậm chức, Thủ tướng Stefan đã có bài phát biểu về chính sách đối ngoại của Chính phủ Thụy Điển với nội dung đáng chú ý là Thụy Điển sẽ: 1. công nhận Nhà nước Palestin và cho rằng xung đột giữa Israel và Palestin chỉ có thể được giải quyết bằng giải pháp hai Nhà nước thông qua đàm phán, dựa trên nguyên tắc tuân thủ luật pháp quốc tế; 2. không gia nhập Nato vì cho rằng chính sách không liên minh quân sự tiếp tục có lợi cho Thụy Điển.
Ngày 30/10/2014, Thụy Điển đã chính thức công nhận Nhà nước Palestin vì cho rằng Palestine hội tụ đủ các yếu tố của một Nhà nước đó là có “lãnh thổ, người dân và Chính phủ”. Thụy Điển là nước Tây Âu đầu tiên trong liên minh châu Âu công nhận Nhà nước Palestin cùng 134 nước khác trên thế giới .
QUAN HỆ VIỆT NAM – THỤY ĐIỂN
I. QUAN HỆ CHÍNH TRỊ NGOẠI GIAO:
- Thụy Điển là nước phương Tây đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (11/1/1969). Thụy Điển cũng là nước phương Tây có phong trào ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam mạnh nhất, sớm nhất (8/1966). Tháng 10/1968, Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam lập phòng thông tin tại Stockholm.
Tháng 6/1970, Thụy Điển lập Đại sứ quán tại Hà Nội và tháng 7/1970, ta lập Đại sứ quán tại Stockholm. 4/9/1982, Đảng ta chính thức quyết định đặt quan hệ với Đảng XHDC Thụy Điển. Tháng 12/2010, Chính phủ Thụy Điển, với lý do cắt giảm ngân sách, đã quyết định đóng cửa 5 sứ quán Thụy Điển trên thế giới vào năm 2011, trong đó có Sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội. Tuy nhiên, ngày 2/8/2011, sau khi thỏa thuận được vấn đề ngân sách với liên minh đối lập, Chính phủ Thụy Điển tuyên bố giữ lại ĐSQ tại Việt Nam. Ngày 3/8/2012, ta chấp thuận bà Camilla Mellander là đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam.
Đầu tháng 11/2012, ĐSQ Thụy Điển tại Hà Nội xin phép mở thêm Văn phòng Thương mại trực thuộc Cơ quan xúc tiến thương mại – đầu tư Thụy Điển “Business Sweden” nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước. Giữa tháng 9/2013, Văn phòng Thương mại chính thức đi vào hoạt động.
Ngày 18-19/3/2014, Thụy Điển lần đầu tiên tổ chức Hội nghị các Đại sứ Thụy Điển tại Châu Á tại Hà Nội do Thứ trưởng Ngoại giao Frank Belfrage chủ trì. Đây là một sự kiện quan trọng của ngành ngoại giao Thụy Điển diễn ra vào đúng thời điểm hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập QHNG.
1. Trao đổi các đoàn cấp cao giữa 2 bên:
+ Lãnh đạo cấp cao Thụy Điển thăm Việt Nam:
Thủ tướng Carl Bildt (1994); Chủ tịch Quốc hội Birgiha Dahl (1995); Nhà Vua Thụy Điển Carl XVI Gusstaf và Hoàng hậu (2004); Thủ tướng Thụy Điển Goran Persson và Ngoại trưởng Laila Freivals dự Hội nghị thượng đỉnh ASEM 5 tại Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Carl Bildt dự Hội nghị FMM 9 (2009), tháng 10/2012: Bộ trưởng phụ trách người già và trẻ em Maria Larsson; tháng 2/2013: Bộ trưởng Tư pháp Beatrice Ask sang ký Hiệp định phòng chống tội phạm có tổ chức; 9/2013: Thứ trưởng Thương mại Gunnar Oom; 3/2014: Thứ trưởng Ngoại giao Frank Belfrage (chủ trì Hội nghị các Đại sứ Thụy Điển khu vực Châu Á tại Hà Nội); Chủ tịch Quốc hội Urban Ahlin thăm chính thức tháng 4/2015.
+ Lãnh đạo cấp cao Việt Nam thăm Thụy Điển: Thủ tướng Phạm Văn Đồng (1974), Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh (1993), Thủ tướng Võ Văn
Kiệt thăm chính thức Thụy Điển (1995), Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu (1999), Thủ tướng Phan Văn Khải (1999), Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên (2002), Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng (2008), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên (4/2010), Trưởng ban đối ngoại Hoàng Bình Quân (9/2012), Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu (12/2013), Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh (4/2014).
Thụy Điển là nước phương Tây đi đầu trong việc hỗ trợ Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới ngay từ những năm đầu tiên trong các lĩnh vực cải cách kinh tế; tài chính; ngân hàng; quản lý kinh tế; hành chính; luật pháp,… và tích cực hỗ trợ Việt Nam khai thông quan hệ với các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế (IMF, WB...). Tháng 01/2014, Quốc hội Thụy Điển đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam – EU (PCA).
II. QUAN HỆ HỢP TÁC KINH TẾ:
1. Thương mại:
Cùng với sự phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, quan hệ thương mại 2 nước cũng ngày càng tăng lên.
Năm 2014, tổng kim ngạch hai chiều đạt trên 1,2 tỉ USD, tăng khoảng 7% so với năm 2013. Các sản phẩm xuất khẩu chính của Thụy Điển sang Việt Nam là máy móc và phụ tùng cho ngành công nghiệp và viễn thông. Các sản phẩm nhập khẩu chính của Thụy Điển từ Việt Nam là nông sản, giày dép, dệt may, đồ gỗ, điện thoại các loại và linh kiện.
2. Đầu tư:
Đầu tư Thụy Điển vào Việt Nam còn thấp, mới ở mức 69,4 triệu USD, đứng thứ 47/101 nước và vùng lãnh thổ hiện đang đầu tư tại Việt Nam. Vốn trung bình một dự án khoảng 1,29 triệu USD, thấp hơn nhiều so với các nước lớn như Mỹ (15,8 triệu USD). Thụy Điển quan tâm tới lĩnh vực dịch vụ với 1 dự án, tổng vốn 40 triệu USD (chiếm 60% tổng vốn đầu tư), tiếp đến là công nghiệp chế biến, chế tạo với 16 dự án, tổng vốn 18,85 triệu USD. Số còn lại là các dự án trong các lĩnh vực khác nhưng không có dự án nào trong lĩnh vực nông nghiệp.
Thụy Điển đầu tư chủ yếu theo hình thức liên doanh (7 dự án với tổng vốn đầu tư 44,66 triệu USD) và 100% vốn nước ngoài (28 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 21 triệu USD). Dự án của Thụy Điển có mặt tại 7 tỉnh thành là Hà Nội, Bình Dương, T.P Hồ Chí Minh, Long An, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng và Hưng Yên. Nhiều tập đoàn kinh tế lớn của Thụy Điển sớm có mặt tại Việt Nam như Ericsson, ABB, IKEA, Electrolux…
III. HỢP TÁC PHÁT TRIỂN :
Thụy Điển là nước Tây Bắc Âu viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam (bắt đầu từ 1967), tổng viện trợ trên 3 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực: y tế, cải cách kinh tế, xây dựng thể chế, cải cách hành chính, luật pháp, phát triển nguồn nhân lực, môi trường và biến đổi khí hậu, chống tham nhũng, nhà nước pháp quyền,….
Tại Hội nghị CG tháng 12/2012, Thụy Điển cam kết dành 11,295 triệu USD cho Việt Nam (Năm 2011 Thụy Điển không cam kết cung cấp ODA cho Việt Nam). Sau năm 2013, Thụy Điển chấm dứt cung cấp viện trợ phát triển song phương cho Việt Nam, quan hệ hợp tác phát triển giữa hai nước chuyển sang quan hệ hợp tác đối tác bình đẳng trên cơ sở đôi bên cùng có lợi. Tuy nhiên, Thụy Điển sẽ vẫn tiếp tục viện trợ thông qua các tổ chức đa phương như LHQ, WB… để hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ ứng phó với biến đổi khí hậu, bình đẳng giới,…
IV. HỢP TÁC VĂN HÓA - GIÁO DỤC – KHOA HỌC CÔNG NGHỆ
Trước đây, với sự hỗ trợ của Sida, hợp tác văn hóa, giáo dục và khoa học công nghệ hai nước phát triển mạnh. Thụy Điển là một trong những nước cung cấp viện trợ phát triển nhiều nhất và có hiệu quả nhất cho ngành văn hóa VN với những dự án trong các lĩnh vực bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, nâng cao kỹ năng và nghiệp vụ trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình và báo viết của VN. Hai bên đã ký 2 Hiệp định hợp tác trên các lĩnh vực văn hóa và truyền thông. Hợp tác trong lĩnh vực âm nhạc, phim ảnh, nhạc kịch cũng đạt được những kết quả tích cực (Viện âm nhạc quốc gia VN kết hợp với các trường âm nhạc TĐ trong việc đào tạo âm nhạc truyền thống VN, tổ chức các khóa đào tạo viết kịch bản, đạo diễn và sản xuất phim, nâng cao kỹ năng đội ngũ giảng viên của VN…). Trên cơ sở chính sách viện trợ phát triển quốc tế mới của TĐ, văn hóa không còn là lĩnh vực ưu tiên của Sida. Do đó, hợp tác văn hóa hai nước trong thời gian tới sẽ tập trung thông qua kênh hợp tác trực tiếp giữa các cơ sở văn hóa nghệ thuật của hai nước và mang tính đối tác bình đẳng hơn với sự đóng góp nguồn lực của hai phía.
Về giáo dục – đào tạo, Thụy Điển đã giúp ta đào tạo chuyên gia, kỹ sư, tiến sĩ trong các ngành lâm nghiệp, giấy, năng lượng (thủy điện, nhiệt điện, năng lượng hạt nhân…), công nghệ sinh học, y học, báo chí. Các trường ĐH, viện nghiên cứu hai nước thiết lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ trong việc đào tạo và trao đổi sinh viên, nghiên cứu sinh, học thuật (Đại học Y Hà Nội, Viện Karolinska, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Công nghệ Hoàng gia Stockholm, Đại học Lund, Đại học Umea, Đại học hàng hải Malmo…); các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật (điện ảnh, hội họa, ba lê, văn học…) diễn ra rất tích cực. Tuy nhiên, những năm gần đây, hợp tác trong các lĩnh vực này có chiều hướng chững lại và suy giảm. Đặc biệt là sau khi Thụy Điển bỏ chế độ miễn học phí cho các sinh viên ngoài EU nên không còn hấp dẫn với sinh viên Việt Nam. Cuối năm 2013, Thụy Điển tuyên bố ưu tiên dành học bổng đào tạo đại học và sau đại học cho Việt Nam, mở ra cơ hội cho các sinh viên Việt Nam sang Thụy Điển học tập và nghiên cứu. Theo đó, một số trường ĐH lớn của Thụy Điển như trường ĐH Uppsala liên kết với trường ĐH Quốc gia Hà Nội mở các khóa đào tạo tại Việt Nam.
V. NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Hai nước có quan hệ hợp tác lâu dài và truyền thống. Trong thập niên 70, Thụy Điển giúp xây dựng dự án Nhà máy giấy Bãi Bằng – một trong những nhà máy giấy lớn nhất và hiện đại nhất Việt Nam; chương trình “rừng, cây và con người” cuối thập niên 80 góp phần tạo ra vùng nguyên liệu với hàng trăm hec-ta rừng, phát triển kinh tế - xã hội 5 tỉnh vùng trung tâm miền núi phía Bắc. Khi Việt Nam bước sang thời kỳ đổi mới, hỗ trợ TĐ luôn gắn liền với ưu tiên chiến lược, chuyển dần từ hỗ trợ kỹ thuật sang nâng cao năng lực xây dựng và thực thi chính sách phát triển ngành với phương thức tiếp cận mới phù hợp với nền kinh tế thị trường.
Thông qua dự án “Đổi mới chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 1991-1995”, TĐ đã giúp VN tiến hành thí điểm việc giao đất lâm nghiệp theo Luật Đất đai sửa đổi năm 1993, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm áp dụng cho việc triển khai rộng rãi chính sách “giao đất giao rừng”. Lần đầu tiên, ngành lâm nghiệp thay đổi chiến lược từ tập trung khai thác rừng tự nhiên sang bảo vệ rừng và phủ xanh đất trống đồi trọc.
Giai đoạn 1996-2001, Thụy Điển hỗ trợ dự án “Lâm nghiệp trang trại” để giúp phát triển kinh tế trang trại, mô hình nông lâm kết hợp làm cơ sở thúc đẩy phát triển sản xuất nông-lâm nghiệp theo hướng hàng hóa; Chương trình “Phát triển nông thôn miền núi Việt Nam” tại 5 tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang và Phú Thọ-là một trong những chương trình thí điểm triển khai chủ trương “phát huy nội lực của người dân” trong xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Chương trình “Chia sẻ” hỗ trợ công cuộc xóa đói giảm nghèo của VN, theo đó nhiều chính sách hỗ trợ nông dân như: chính sách phát triển tổ hợp tác của nông dân, hướng dẫn hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao trình độ sản xuất cho đồng bào các dân tộc và chính sách tiêu thụ nông sản hỗ trợ giảm nghèo; xây dựng hệ thống thông tin thị trường nông sản tại địa bàn các tỉnh thuộc chương trình; hỗ trợ tập huấn kỹ năng lập kế hoạch phát triển nông nghiệp sử dụng khung logic; phân tích và dự báo kinh tế phục vụ lập kế hoạch phát triển nông nghiệp gắn với xóa đói giảm nghèo; theo dõi và giám sát đói nghèo…
Ngoài ra, TĐ còn hỗ trợ thử nghiệm các hình thức tiếp nhận viện trợ mới theo tinh thần của Tuyên bố Paris nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng viện trợ. TĐ là một trong những đối tác đầu tiên ủng hộ sáng kiến thành lập Nhóm hỗ trợ quốc tế ISG để giúp ngành nông nghiệp điều phối các khoản viện trợ quốc tế theo ưu tiên của ngành; hỗ trợ thành lập các đối tác ngành như Đối tác hỗ trợ ngành lâm nghiệp, Đối tác giảm nhẹ thiên tai, Đối tác nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Năm 2004, TĐ cùng Hà Lan, Phần Lan và Thụy Sĩ thành lập Quỹ ủy thác ngành lâm nghiệp – là loại hình tài trợ hoàn toàn mới theo hình thức “hùn vốn” của các nhà tài trợ vào một quỹ và do VN quản lý. Quỹ này được đánh giá hoạt động có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cấp bách của ngành lâm nghiệp, đặc biệt liên quan đến vấn đề rừng và biến đổi khí hậu.
VI. CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT TẠI THỤY ĐIỂN:
Theo Cục Thống kê Thụy Điển (SCB), cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Điển tính đến tháng 12/201 có khoảng 15.175 người (năm 2010 là 14.584 người). Nhìn chung đại bộ phận người Việt tại Thụy Điển thuộc diện bình dân, làm nghề buôn bán nhỏ lẻ và sống hòa nhập với xã hội sở tại.
VII. CÁC VĂN KIỆN ĐÃ KÝ KẾT
- Hiệp định về nguyên tắc và thủ tục chung cho hợp tác Việt Nam – Thụy Điển
- Hiệp định tránh đánh thuế song trùng (1994)
- Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (1993)
- Các Hiệp định khung về HTPT theo từng giai đoạn
- Hiệp định hợp tác văn hóa
- Hiệp định hợp tác về khoa học kỹ thuật
- Hiệp định hợp tác vận tải hàng không (1997)
- Hiệp định con nuôi (ký năm 2005, Thụy Điển đơn phương chấm dứt năm 2008)
- Hiệp định nhận trở lại công dân (2008)
- Hiệp định phòng chống tội phạm (2/2013)
Tháng 5/2015
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |