Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ sáu, ngày 27 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ LIÊN BANG THỤY SỸ VÀ QUAN HỆ VIỆT NAM – THỤY SỸ


          

THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ LIÊN BANG THỤY SỸ
 
 

I. THÔNG TIN CHUNG:
Tên nước: LIÊN BANG THỤY SỸ (The Confederation of Switzerland);
Là thành viên Shengen;
Thủ đô: Bern (Bơn);
Ngày quốc khánh: Ngày 01 tháng 8;
Vị trí địa lý: Nằm ở Trung Âu (Phía Bắc giáp Đức, Nam giáp Ý, Tây giáp Pháp, Đông giáp Áo và Lích-ten-xờ-ten);
Diện tích: 41.290 km2;
Khí hậu: Ôn đới, nhiệt độ trung bình 12oC;
Dân số: 8,03 triệu người. Thành phần dân số: Do hoàn cảnh lịch sử, Thụy Sỹ có 4 cộng đồng dân tộc chính: Cộng đồng nói tiếng Đức chiếm 2/3 dân số, sống ở miền Đông (vùng Luzern, Zurich, Basel …), giáp Đức và Áo. Cộng đồng nói tiếng Pháp chiếm 1/3 dân số, sống chủ yếu ở phía Tây Thụy Sỹ (vùng Lausanne và Genève), giáp biên giới Pháp. Khoảng 10% dân số nói tiếng Ý và số còn lại khoảng 7% dân số nói tiếng Roman, sống tại miền Nam giáp Ý.
GDP: khoảng 701.04 tỷ USD (2015), Tăng trưởng kinh tế: 1,5% (2016)
GDP/ đầu người: khoảng trên 58.996 USD (2015)
Đơn vị tiền tệ: Francs; (tỷ giá tháng 2/2016 so với USD: 1 Franc ≈ 1,01148 USD)
Tôn giáo: Thiên chúa giáo La mã (42 %); Tin lành (35 %); Đạo Hồi (4%);
Ngôn ngữ: tiếng Đức (63,7 %); tiếng Pháp (20,4 %); tiếng Ý (6,5 %); các ngôn ngữ khác (9,4 %).
Cơ cấu hành chính: 26 bang (Aargau, Appenzell Ausser-Rhoden, Appenzell Inner-Rhoden, Basel-Landschaft, Basel-Stadt, Bern, Fribourg, Geneve, Glarus, Graubunden, Jura, Luzern, Neuchatel, Nidwalden, Obwalden, Sankt Gallen, Schaffhausen, Schwyz, Solothurn, Thurgau, Ticino, Uri, Valais, Vaud, Zug, Zurich);
 Lãnh đạo chủ chốt nhiệm kỳ 2017:
- Tổng thống Doris Leuthard (là thành viên của Hội đồng Liên bang - tương đương với Chính phủ, nhiệm kỳ một năm, luân phiên với 6 thành viên khác); Phó Tổng thống Alain Berset;
- Quốc hội gồm hai viện: Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (Thượng viện) Ivo Bischofberger; Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Liên bang (Hạ viện) Jurg Stahl;
- Bộ trưởng Ngoại giao Didier Burkhalter. 

II. KHÁI QUÁT LỊCH SỬ:
- Vào thế kỷ XI, Thụy Sỹ là bộ phận của Đế quốc La Mã.
- Năm 1291, ba khu vực lãnh thổ địa phương và một số vùng rừng thuộc   vùng Schwyz (thuộc bang Schwyz ngày nay) liên kết với nhau và gia nhập liên minh chống lại Đế quốc Habsburg. Liên minh chính thức ra đời ngày 1/8/1291 trên cơ sở các Minh ước quân tử, vì thế ngày này được chọn làm ngày quốc khánh của Thụy Sỹ. 
- Đến năm 1513, Liên minh lớn mạnh với 13 vùng và một số lãnh thổ độc lập. Trong thế kỷ 16 có nhiều biến động xảy ra như: chiến tranh tôn giáo, các thành phố Zurich, Badel, Bern và Schaffhausen chuyển sang theo đạo Tin lành, nhưng Liên minh vẫn tồn tại và được giữ vững. 
- Trong thời kỳ Cách mạng Pháp, Cộng hòa Hen-ve-tic (Thụy Sỹ ngày nay) được thành lập, nhưng sau đó bị Napoleon giải tán vào năm 1803 và bị biến thành một nước đồng minh của Pháp. 
- Tại Đại hội Viên năm 1815, quy chế “Trung lập vĩnh viễn” và đường biên giới của Thụy Sỹ được công nhận và tồn tại cho đến ngày nay.
- Đầu thế kỷ 19, tình hình chính trị Thụy Sỹ diễn ra căng thẳng, khiến một số vùng rút khỏi Liên bang. Tuy nhiên, nhờ có bản Hiến pháp mang tính thỏa hiệp được ban hành năm 1848, mâu thuẫn giữa chính quyền các tiểu bang và chính quyền trung ương được dung hòa, thể chế liên bang được duy trì cho đến ngày nay. 

III. THỂ CHẾ NHÀ NƯỚC:
Chế độ nhà nước: Thụy Sỹ theo chế độ cộng hòa với mô hình nhà nước liên bang. Cấu trúc nhà nước liên bang được phân thành ba cấp như sau: chính quyền liên bang (confederation), chính quyền bang (canton) và chính quyền xã (commune).
Mọi sửa đổi trong Hiến pháp của liên bang hay của các bang phải được thực hiện thông qua trưng cầu dân ý. 
1/ Cơ quan lập pháp:
Quốc hội Thụy Sỹ theo chế độ lưỡng viện, gồm Hội đồng Nhà nước (council of states) tương đương Thượng viện và Hội đồng quốc gia (national council) tương đương Hạ viện.
- Hội đồng Nhà nước (Thượng viện) là cơ quan đại diện cho 26 bang (canton) tại Liên bang, gồm 46 nghị sỹ được bầu trực tiếp từ các bang theo quy định của từng bang với nhiệm kỳ 3 hoặc 4 năm. Trong số 46 ghế trong Hội đồng Nhà nước, 40 ghế phân cho 20 bang (mỗi bang hai ghế), 6 ghế còn lại phân đều cho 6 phân bang (half-canton). Các phân bang gồm: Obwalden, Nidwalden, Appenzell Innerrrhoden, Appenzell Ausserrhoden, Basel-Landschaft và Basel-Stadt.
- Hội đồng Quốc gia (Hạ viện) gồm 200 nghị sỹ được bầu bằng tuyển cử phổ thông đầu phiếu theo quy định của Luật liên bang, với nhiệm kỳ 4 năm. Số nghị sỹ được bầu từ mỗi bang tỷ lệ thuận với dân số của bang đó.
Mỗi năm Quốc hội họp 4 kỳ, mỗi kỳ kéo dài khoảng 3 tuần. Trong trường hợp cần thiết, Quốc hội có thể triệu tập phiên họp bất thường. Cứ vào dịp cuối mỗi năm, Quốc hội bầu Tổng thống cho năm sau.
2/ Cơ quan hành pháp:
Cơ quan hành pháp của Thụy Sỹ là Hội đồng Liên bang (federal council) với chức năng như Chính phủ, có nhiệm kỳ 4 năm, gồm 7 thành viên (được Quốc hội bầu chọn trong số các ứng cử viên của 4 đảng chính trị giành số phiếu cao nhất trong bầu cử Quốc hội), đồng thời là 7 Bộ trưởng phụ trách các lĩnh vực ngoại giao; nội vụ; tư pháp và công an; quốc phòng, bảo vệ dân sự và thể thao; tài chính; kinh tế; môi trường, vận tải, năng lượng và thông tin. Thụy Sỹ không có chức danh tương tự Thủ tướng.
Các thành viên của Hội đồng Liên bang sẽ lần lượt làm Tổng thống với nhiệm kỳ 1 năm, bắt đầu từ ngày 1/1 hàng năm. Tổng thống chỉ làm chức năng đại diện Nhà nước về mặt nghi lễ (đón tiếp người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ nước ngoài; chủ trì, dự hội nghị quốc tế...).
Theo luật pháp Thụy Sỹ, Hội đồng Liên bang phụ trách chung các vấn đề về đối ngoại, quốc phòng, an ninh của cả liên bang. Tất cả các quyết định quan trọng đều phải được 7 thành viên của Hội đồng Liên bang xem xét và chấp thuận. Trường hợp không đạt được sự thống nhất giữa 7 thành viên này, thì các quyết định sẽ phải trình lên Quốc hội xem xét, quyết định. Chính quyền của các bang có thẩm quyền quyết định các vấn đề về kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục... của bang mình.

3/ Các đảng phái chính trị:
Từ năm 1959 đến nay, các đảng Dân chủ xã hội (SPS), Dân chủ tự do (FDP), Dân chủ Thiên chúa giáo (CVP) và Nhân dân (SVP) luôn là 4 đảng mạnh nhất trong Quốc hội và chia nhau 7 ghế trong Chính phủ theo công thức 2-2-2-1 (Công thức thần kỳ).
Ngày 18/10/2015, Thuỵ Sỹ đã tổ chức bầu cử Quốc hội nhiệm kỳ 4 năm 2015 - 2019. Đảng Nhân dân Thụy Sỹ (cực hữu) được 65 ghế (tăng 11 ghế), Đảng XHDC được 43 ghế (giảm 3 ghế), Đảng Dân chủ Tự do (trung hữu) được 33 ghế (tăng 3 ghế), Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (trung hữu) được 27 ghế (giảm 1 ghế), Đảng Xanh (cánh tả) được 11 ghế (giảm 4 ghế), Đảng Tự do Xanh (tách ra từ đảng Xanh) được 7 ghế (giảm 5 ghế), Đảng Dân chủ Bảo thủ (tách ra từ Đảng Nhân dân Thuỵ Sỹ) được 7 ghế (giảm 2 ghế) và các đảng nhỏ được 7 ghế.
Thụy Sỹ hiện nay có 11 đảng có đại biểu trong Quốc hội trong đó có 5 đảng có ghế trong Chính phủ Liên bang là Đảng Nhân dân Thụy Sỹ, Đảng XHDC, Đảng Dân chủ Tự do, Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo và Đảng Dân chủ Bảo thủ theo công thức 1-2-2-1-1.

IV. KINH TẾ:
Tình hình kinh tế hiện nay: Mặc dù là nước không có nhiều tài nguyên thiên nhiên, địa hình chủ yếu là đồi núi, diện tích nhỏ, dân số ít, nhưng Thụy Sỹ là một trong những nước có nền sản xuất công nghiệp phát triển cao và có mức sống cao nhất thế giới. Cơ cấu các ngành kinh tế của Thụy Sỹ phân chia như sau: dịch vụ chiếm 71 %, công nghiệp 27,7 % và nông nghiệp 1,3 %.
Thụy Sỹ nổi tiếng là một trong những trung tâm ngân hàng, bảo hiểm lớn của thế giới. Phần lớn các ngân hàng lớn, các hãng bảo hiểm nổi tiếng tập trung tại thành phố Zurich. Công nghiệp của Thụy Sỹ phát triển ở trình độ cao, tập trung vào các ngành cơ khí chế tạo (tuốc-bin thuỷ điện, đồng hồ tinh xảo), dệt, chế biến thực phẩm, dược, hóa chất, chế biến gỗ. Bơ, sữa và cỏ khô cho gia súc là những sản phẩm nông nghiệp quan trọng. Ngành du lịch và thuế thu từ các tổ chức quốc tế đóng trụ sở tại Thụy Sỹ cũng mang lại cho Thụy Sỹ nguồn thu đáng kể.
Kinh tế đối ngoại: Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Thụy Sỹ bao gồm thiết bị máy móc, hóa chất, kim khí, đồng hồ... Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của Thụy Sỹ đạt hơn 360 tỷ USD. Khách hàng chính của Thụy Sỹ gồm Đức (19,7 %), Mỹ (11,1 %), Ý (8,8 %), Pháp (8,6 %), Anh (4,8 %).
Thụy Sỹ nhập khẩu thiết bị máy móc, ô tô, dệt may, các sản phẩm nông nghiệp..., chủ yếu từ các nước Đức (31,7 %), Ý (10,6 %), Pháp (10 %), Mỹ (6,2 %), Hà Lan (4,7 %), Áo (4,3 %).

VI. CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI: 
Trọng tâm chính sách đối ngoại: Thụy Sỹ theo đuổi chính sách đối ngoại trung lập nhằm giữ độc lập và bảo vệ lợi ích dân tộc, tăng cường vị thế trên thế giới. Chính sách đối ngoại trung lập là công cụ quan trọng, xuyên suốt và là nội dung chủ yếu của nền ngoại giao Thụy Sỹ từ 1815 tới nay.
Thụy Sỹ nhấn mạnh chính sách đối ngoại phải dựa trên luật pháp. Luật pháp quốc tế là công cụ để bảo vệ quyền lợi các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia nhỏ và quan hệ quốc tế cần được tiến hành trên các quy định của luật pháp quốc tế. Do đó, việc tôn trọng pháp luật quốc tế là điểm đặc trưng và nguyên tắc trong chính sách đối ngoại của Thụy Sỹ.
Thụy Sỹ không thực hiện chính sách đối ngoại trung lập theo một định chế cứng nhắc mà vận dụng chính sách này như một công cụ mềm dẻo, thích hợp trong từng thời kỳ để bảo vệ lợi ích quốc gia. Chính phủ Thụy Sỹ cho rằng chiến tranh lạnh đã kết thúc, nhưng tình hình chính trị, an ninh thế giới vẫn căng thẳng, mất ổn định, nguy hiểm, do đó chính sách trung lập vẫn là một công cụ thích hợp cho việc thực thi chính sách đối ngoại và đảm bảo an ninh của mình. Thụy Sỹ cam kết không đứng vào bên nào trong các cuộc xung đột theo trách nhiệm và nghĩa vụ luật quốc tế quy định đối với các quốc gia trung lập. Mặc dù là nơi đặt trụ sở lớn thứ hai của Liên Hợp Quốc (sau New York), đến năm 2002, Thụy Sỹ mới gia nhập tổ chức này. Những mục tiêu chủ yếu trong chính sách đối ngoại của Thụy Sỹ:
- Cùng tồn tại hòa bình giữa nhân dân các dân tộc;
- Thúc đẩy và tôn trọng nhân quyền;
- Phát triển môi trường bền vững;
- Đại diện cho lợi ích của doanh nghiệp Thụy Sỹ ở nước ngoài;
- Chống đói nghèo trên thế giới.
Thụy Sỹ có quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước trên thế giới và tham gia vào nhiều Tổ chức quốc tế và khu vực như: Liên Hợp quốc (UN), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE),...
Cho đến nay Thụy Sỹ chưa gia nhập EU, nhưng EU là đối tác quan trọng nhất của Thụy Sỹ cả về chính trị và kinh tế, gắn bó với EU bằng sự gần gũi về địa lý và văn hóa. 60% xuất khẩu của Thụy Sỹ là vào EU và nhập khẩu từ EU chiếm 80% kim ngạch nhập khẩu. Thụy Sỹ đã ký với EU nhiều Hiệp định song phương quan trọng, bao trùm hầu hết các lĩnh vực kinh tế, thuế quan, an ninh, nông nghiệp, tự do đi lại, thông tin, môi trường... Từ tháng 12/2008, Thụy Sỹ chính thức gia nhập Hiệp ước Schengen, đánh dấu mốc mới trong quá trình hội nhập của Thụy Sỹ vào châu Âu thời kỳ sau chiến tranh lạnh./.
 
  BỘ NGOẠI GIAO
        


GIỚI THIỆU QUAN HỆ VIỆT NAM – THỤY SỸ
 

I. QUAN HỆ CHÍNH TRỊ:
Ngày 11/10/1971, Việt Nam Dân chủ cộng hoà và Liên bang Thụy Sỹ thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp Đại sứ. Tháng 2/1973, Thụy Sỹ mở Đại sứ quán tại Hà Nội và tháng 3/1994 mở Lãnh sự quán tại TP. Hồ Chí Minh.
Ngày 3/7/1984, Việt Nam mở Lãnh sự quán tại Giơ-ne-vơ và nâng cấp lên Tổng lãnh sự quán vào ngày 15/12/1994. Ngày 28/1/2000, Việt Nam chính thức khai trương Đại sứ quán tại thủ đô Bern.
Trao đổi đoàn cấp cao:
Các đoàn cấp cao Thụy Sỹ thăm Việt Nam: Phó Tổng thống kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Flavio Cotti (tháng 11/1997); Tổng thống Arnold Koller dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 7 tại Hà Nội (tháng 11/1997); Chủ tịch Thượng viện René Rhinow (tháng 3/1999); Phó Tổng thống kiêm Bộ trưởng Kinh tế Liên bang Pascal Couchepin (tháng 10/2002); Tổng thống Thụy Sỹ Pascal Couchepin (tháng 8/2008), Bộ trưởng kinh tế, du lịch và nghiên cứu Thụy Sỹ thăm Việt Nam (tháng 10/2013); Bộ trưởng Ngoại giao Didier Burkhalter (6/2015).
Các đoàn cấp cao Việt Nam thăm Thụy Sỹ: Phó Thủ t¬ướng Vũ Khoan dự Hội nghị hợp tác phát triển với chủ đề "Việt Nam - một con rồng mới ở Châu Á” (tháng 8/2003); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An (tháng 3/2005); Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự WEF tại Davos (tháng 1/2007); Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được (tháng 5/2007); Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa (tháng 6/2007); Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn (tháng 9/2008); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân (tháng 2/2009); Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự WEF tại Davos (tháng 1/2009); Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (tháng 5/2010); Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dự WEF tại Davos (tháng 1/2011); Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thăm Thụy Sỹ (tháng 9/2011); Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm Thụy Sỹ (cuối T8, đầu T9/2012); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dự WEF tại Davos (tháng 1/2014) và gặp Phó Tổng thống, Bộ trưởng kinh tế, du lịch và nghiên cứu Thụy Sỹ; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thăm Thụy Sỹ (tháng 3/2014), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp xúc song phương Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sỹ bên lề HNCC ASEM 10 (tháng 10/2014); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dự WEF (tháng 1/2015); Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh (tháng 9/2015); Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh (tháng 6/2016); Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng (tháng 10/2016).
II. QUAN HỆ HỢP TÁC KINH TẾ:
1. Về thương mại:
Việt Nam tiếp tục được hưởng các quy chế ưu đãi về thương mại của Thụy Sỹ, như Quy chế tối huệ quốc (MFN) theo Hiệp định thương mại song phương (1994) và Chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) theo quyết định đơn phương của Thụy Sỹ từ năm 1972 dành cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. 
Các mặt hàng Việt Nam thường xuất sang Thụy Sỹ là giày dép (chiếm khoảng 25%), hải sản (24,25 %), cà phê, dệt may, sản phẩm túi xách, ô dù và đồ dùng nội thất. Trong số các sản phẩm xuất khẩu có kim ngạch lớn, chỉ có giày dép, cà phê, hải sản có kim ngạch tăng so với cùng kỳ năm trước, các mặt hàng còn lại giảm đáng kể. Cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Thụy Sỹ tuy đã bắt đầu trải rộng (trên 300 mặt hàng), nhưng kim ngạch vẫn tập trung chủ yếu vào những mặt hàng quen thuộc kể trên.
Việt Nam nhập khẩu từ Thụy Sỹ các mặt hàng như kim loại quý, máy móc thiết bị, phụ tùng, hóa chất, tân dược, sản phẩm và nguyên liệu chất dẻo phục vụ cho sản xuất và gia công hàng hóa trong nước.  
Thụy Sỹ là thị trường cao cấp “khó tính” nên đòi hỏi chất lượng sản phẩm nhập khẩu rất cao. Ngoài ra, xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là nông sản, vào Thụy Sỹ còn phải chịu chế độ cấp phép rất chặt chẽ nhằm đảm bảo yêu cầu về sức khỏe, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là một rào cản thương mại lớn đối với hàng hóa chất lượng vừa và thấp của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Thụy Sỹ những năm gần đây đã có những bước phát triển vượt bậc, nhất là kể từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Theo số liệu báo cáo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam và Thụy Sỹ năm 2015 đạt 667 triệu USD, tăng 6,7% so với 2014 (trong đó xuất khẩu của ta sang Thụy Sỹ đạt 230 triệu USD, nhập khẩu đạt 437 triệu USD); 7 tháng đầu năm 2016 đạt 731 triệu USD (tăng 85% so với cùng kỳ năm 2015).
 
Năm 2012 2013 2014 2015 8/2016
VN xuất 795.845 289.500 263.000 230 520
VN nhập 397.725 410.800 362.000 437 291
Kim ngạch XNK 1.193.570 700.300 625.280 667 811
(Đơn vị 1.000 USD – nguồn Tổng Cục Hải quan)

2. Về đầu tư:
Tính đến tháng 20/7/2016, Thụy Sỹ có 117 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 2,42 tỷ USD, đứng thứ 17 trong số 115 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.
Đầu tư của Thụy Sỹ chủ yếu tập trung vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa. Hiện có khoảng 90 doanh nghiệp Thụy Sỹ đang hoạt động ở Việt Nam, đầu tư của Thụy Sỹ có mặt tại 12 địa phương. Đa số các nhà đầu tư Thụy Sỹ lựa chọn hình thức công ty 100% vốn nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam. Trong số các tập đoàn lớn của Thụy Sỹ đầu tư tại Việt Nam, có thể kể đến Nestlé (thực phẩm, đồ uống), Novatis/Ciba - Sandoz (hóa dược), Roche (dược phẩm), Holcim (xi măng), ABB (thiết bị điện, xây dựng trạm biến thế), Sulzer (cơ khí, thiết bị điện), SGS (giám định), Escatec (thiết bị điện tử), Ringier (in ấn), André/ CIE (thương mại) v.v..
III. HỢP TÁC PHÁT TRIỂN:
Việt Nam là một trong 8 nước tiếp tục được Thụy Sỹ ưu tiên dành viện trợ phát triển. Viện trợ phát triển của Thụy Sỹ dành cho Việt Nam được cung cấp từ hai nguồn chính:
- Cơ quan Hợp tác Phát triển (SDC), thuộc Bộ Ngoại giao Thụy Sỹ, phụ trách và cấp vốn cho các dự án sử dụng viện trợ không hoàn lại thuộc các lĩnh vực bảo vệ môi trường, cải cách hành chính, hỗ trợ phát triển nông nghiệp, giáo dục... Các dự án  tiêu biểu gồm: Dự án Quản lý chất thải nguy hại tại Nam Định giai đoạn 2 từ 2007 – 2009 (1,25 triệu USD); Chương trình không khí sạch Việt Nam - Thụy Sỹ từ 2005 – 2008 (3,5 triệu CHF); Dự án sản xuất gạch bền vững từ 2005 – 2008 (1,6 triệu CHF); Dự án cải cách hành chính tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2 từ 2007 – 2010 (3,2 triệu CHF); Dự án quản lý chất thải PCB từ 2007 – 2008 (0,6 triệu USD); Dự án thiết lập hệ thống đánh giá và giám sát phục vụ công tác quản lý ngành nông nghiệp – giai đoạn I từ 2006 – 2008 (1 triệu USD); Dự án hỗ trợ kinh doanh nông sản vùng cao từ 2008 – 2009 (0,5 triệu USD); Chương trình cải thiện cung cấp dịch vụ công trong nông nghiệp và phát triển nông thôn từ 2008 – 2010 (6,56 triệu USD) v.v.. 
Các dự án song phương hiện đang thực hiện gồm: 1) Giảm nghèo thông qua phát triển chăn nuôi-giai đoạn 3. Thời gian thực hiện 2011-2013. Tổng giá trị viện trợ 1,2 triệu EURO. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là chủ dự án; 2) Chương trình cải thiện cung cấp dịch vụ công trong nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình. Thời gian thực hiện 2011 – 2015. Tổng giá trị viện trợ là 5,47 triệu USD; 3) Chương trình cải thiện cung cấp dịch vụ công trong nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng. Thời gian thực hiện 2011 – 2015. Tổng giá trị viện trợ là 4,2 triệu USD.
- Cục Hợp tác kinh tế (SECO) thuộc Bộ Kinh tế Liên bang chủ yếu quản lý các dự án cho lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng sử dụng nguồn vốn hỗn hợp (một nửa là vốn vay của các ngân hàng Thụy Sỹ và một nửa là viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Thụy Sỹ) và một số dự án kỹ thuật song phương và đa phương (thông qua các tổ chức Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế, Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc... ). Các dự án sử dụng vốn hỗn hợp do SECO quản lý với tổng vốn 32 triệu CHF, gồm: Nâng cấp hệ thống thông tin tín hiệu một số ga đường sắt Vinh – Sài Gòn (16 triệu CHF); Nâng cấp hệ thống nước thải và xử lý nước thải cho thị xã Bà Rịa tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (10 triệu CHF); Nâng cấp bệnh viện huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hoá và Bệnh viện huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Cạn (6 triệu CHF). Các dự án sử dụng vốn không hoàn lại do SECO quản lý gồm: Xây dựng năng lực thể chế và hỗ trợ kỹ thuật cho ngành ngân hàng từ 2007 – 2009 (4,86 triệu CHF); Dự án về sở hữu trí tuệ từ 2007 – 2009 (1,3 triệu CHF); Dự án tăng cường năng lực cho cơ quan cạnh tranh của Việt Nam thuộc Bộ Thương mại từ 2007 – 2009 (0,9 triệu CHF) v.v..
Cho đến nay tổng giá trị viện trợ phát triển Thụy Sỹ dành cho Việt Nam vào khoảng 360 triệu USD, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực môi trường, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, phát triển đô thị, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, phát triển nông thôn. Năm 2012, Thụy Sỹ cam kết viện trợ cho Việt Nam 21,84 triệu USD, bằng 76% so với năm 2011. Tháng 9/2013, Thụy Sỹ công bố Chiến lược Hợp tác phát triển mới của Thụy Sỹ với Việt Nam giai đoạn 2013-2016 trong đó tăng mạnh ngân sách hỗ trợ cho Việt Nam lên 123 triệu CHF (khoảng 136 triệu USD) cho giai đoạn  2013-2016, tăng 50% so với giai đoạn cùng kỳ 4 năm trước. Năm 2016, Thụy Sỹ cam kết cấp 90 triệu USD viện trợ ODA cho ta vay trong giai đoạn 2017 – 2020.
Nhìn chung, các dự án ODA của Thụy Sỹ dành cho Việt Nam được đánh giá hiệu quả, thiết thực, đóng góp tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, cải thiện cơ sở hạ tầng của Việt Nam.

IV. GIÁO DỤC – ĐÀO TẠO, VĂN HÓA – DU LỊCH, KHOA HỌC – KỸ THUẬT:
Về giáo dục - đào tạo: Thụy Sỹ nổi tiếng là trung tâm đào tạo có uy tín trong lĩnh vực ngân hàng, du lịch, bảo hiểm và công nghệ cao. Hiện nay có khoảng 150 thực tập sinh, sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang theo học tại các trường đại học Thụy Sỹ. Thụy Sỹ tích cực giúp đỡ Việt Nam thông qua các dự án hỗ trợ giáo dục về môi trường, quản lý và các dự án đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ các chuyên ngành tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh. Chương trình hợp tác liên kết đào tạo thạc sỹ tài chính ngân hàng đầu tiên giữa Trường Đại học Ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh và Đại học Khoa học ứng dụng Tây Bắc Thụy Sỹ (bắt đầu từ 2007) đã mang lại những thành công bước đầu. Các thỏa thuận đào tạo tiến sỹ Việt Nam đạt được giữa Trường Đại học Bách khoa Tp. Hồ Chí Minh và Viện công nghệ Liên bang Thụy Sỹ Lausanne, giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Geneva trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pascal Couchepin vào tháng 8/2008 và chuyến thăm Thụy Sỹ của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân vào tháng 2/2009 đã tạo đà quan trọng cho sự phát triển quan hệ hợp tác giáo dục đào tạo giữa hai nước trong thời gian qua. Hai nước đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác giáo dục đào tạo trong chuyến thăm Thụy Sỹ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết năm 2010.  
Về văn hóa - du lịch: Hai nước đã có nhiều hoạt động giao lưu, trao đổi văn hóa tại mỗi nước, như mời nghệ sỹ cello của Thụy Sỹ sang giảng dạy và biểu diễn tại Việt Nam, phối hợp với nước sở tại tổ chức một số hoạt động giao lưu, giới thiệu văn hóa và biểu diễn văn nghệ truyền thống Việt Nam tại Thụy Sỹ. Số lượng khách du lịch Thụy Sỹ vào Việt Nam tương đối ổn định (2011: khoảng 26.000 khách; năm 2012: 28.740 khách; năm 2015: 28.750 khách).
Về khoa học - kỹ thuật: Hai nước đã ký Hiệp định về bảo hộ sở hữu trí tuệ và hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, triển khai Chương trình hợp tác đặc biệt Việt Nam - Thụy Sỹ về sở hữu trí tuệ (SPC) và Dự án hợp tác về sở hữu trí tuệ (SVIP).

V. CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT NAM TẠI THỤY SỸ
Theo số liệu của Cơ quan Di trú Liên bang Thụy Sỹ, số lượng Việt kiều hiện sinh sống tại Thụy Sỹ khoảng 8.000 người, có mặt ở hầu hết các bang, nhưng tập trung đông ở các thành phố lớn như Geneva, Zurich, Bern, Basel, Lausanne, Luzren và Fribourg. Nhìn chung, cộng đồng người Việt hoà nhập tốt với xã hội Thụy Sỹ, chăm chỉ và chấp hành tốt luật pháp, được chính quyền sở tại đánh giá cao. 

VI. CÁC HIỆP ĐỊNH ĐÃ KÝ GIỮA HAI NƯỚC:
- Hiệp định hợp tác bưu điện (1975)
- Hiệp định hợp tác vận tải hàng không (1979)
- Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (1992)
- Hiệp định hợp tác kinh tế - thương mại (1993)
- Hiệp định viện trợ tài chính hỗn hợp thứ I (1993)
- Hiệp định tránh đánh thuế song trùng và ngăn ngừa trốn lậu thuế (1996)
- Hiệp định bảo hộ sở hữu trí tuệ và hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ  (1999)
- Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi (2000);
- Hiệp định khung về hợp tác phát triển (2002)
- Hiệp định viện trợ tài chính hỗn hợp thứ II (2002)
- Hiệp định nhận trở lại người Việt Nam nhập cư bất hợp pháp (2006)
- Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao (2009)
- Hiệp định về việc cho phép thân nhân cán bộ cơ quan đại diện được phép lao động có thu nhập tại nước sở tại (2010).
- Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao (2011)
- Bản ghi nhớ hợp tác tăng cường năng lực phân tích và dự báo kinh tế vĩ mô (2011)
- Bản ghi nhớ hợp tác về lao động và việc làm (2011)

Tháng 01/2017


 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer