Quan hệ hữu nghị Việt Nam-Thụy Sĩ
Hà Nội (TTXVN) - Liên bang Thụy Sĩ nằm ở Trung Âu, rộng trên 41.293km2, có 7.261.200 dân (năm 2002), là đất nước của đồi núi, có dãy núi Alps ở phía Nam, dãy núi Jura ở phía Bắc. Miền Trung Thụy Sĩ là vùng cao nguyên có nhiều đồi, có đồng bằng và nhiều hồ lớn.
Tuy là nước có ít tài nguyên thiên nhiên, song Thụy Sĩ là nước công nghiệp phát triển cao ở Châu Âu, trong đó có nhiều ngành đạt trình độ hàng đầu trên thế giới như: cơ khí chính xác, điện cơ, hóa chất, dược phẩm, tài chính, ngân hàng, du lịch, dịch vụ và bảo hiểm… Ngoại thương đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Tỷ trọng các ngành kinh tế của Thụy Sĩ năm 2004 là: Nông nghiệp (4,80%); Công nghiệp (24,9%); Các ngành dịch vụ (70,40%). Thu nhập quốc dân theo đầu người là 34.206,8 USD (năm 2003).
Nói đến Thụy Sĩ, người ta liên tưởng ngay đến các loại đồng hồ sang trọng và đắt tiền. Quốc gia nhỏ bé chưa đầy chục triệu dân này thu về 17 tỷ USD trong ngành kinh doanh đồng hồ và chiếm lĩnh 2/3 thị phần đồng hồ trên thế giới. Thành phố Giơnevơ của Thụy Sĩ là một trong những trung tâm lớn ở Châu Âu về tổ chức các hội nghị và hội chợ quốc tế trên nhiều lĩnh vực và là một trung tâm giao dịch, quản lý về các hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa sang các thị trường trên thế giới, đặc biệt là thị trường ở Châu Âu và Châu Phi.
Quan hệ Chính trị-Ngoại giao:
Ngày 11/10/1971, Việt Nam và Thụy Sĩ đã thiết lập quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ. Hai nước đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao sang thăm lẫn nhau:
Về phía Thụy Sĩ:
- Năm 1994, Bộ trưởng Kinh tế Jean-Pascal Delamuraz thăm Việt Nam
- Tháng 11/1997, Phó Tổng thống kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Flavio Cotti thăm hữu nghị chính thức Việt Nam (từ 2 - 4/11/1997)
- Tháng 11/1997, Tổng thống Arnold Koller sang Việt Nam dự Hội nghị cấp cao lần thứ 7 các nước sử dụng tiếng Pháp kết hợp thăm Việt Nam (ngày 14/11/1997).
- Tháng 3/1999, Chủ tịch Thượng nghị viện René Rhinow thăm Việt Nam.
- Tháng 6/2001, Quốc vụ khanh Hợp tác Kinh tế David Syz cùng 21 đại diện doanh nghiệp thăm Việt Nam.
- Tháng 10/2002, Phó Tổng thống kiêm Bộ trưởng Kinh tế Liên bang Pascal Couchepin thăm Việt Nam.
Về phía Việt Nam:
- Tháng 10/1994, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm thăm Thụy Sĩ.
- Tháng 3/1998, Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm dự Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos (Đavốt) kết hợp thăm Thụy Sĩ.
- Tháng 2/1999, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm dự Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos kết hợp thăm Thụy Sĩ.
- Tháng 7/1999, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên thăm Thụy Sĩ
- Tháng 10/2000, Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan thăm Thụy Sĩ.
- Tháng 10/2000, Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Nguyễn Thị Hằng thăm Thụy Sĩ.
- Tháng 11/2000, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Đình Bin khai trương Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Thụy Sĩ.
- Tháng 2/2001, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm dự Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos kết hợp thăm Thụy Sĩ.
- Tháng 4/2002, Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm thăm Thụy Sĩ.
- Tháng 6/2002, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá thăm Thụy Sĩ.
- Tháng 9/2002, Bộ trưởng Nội vụ Đỗ Quang Trung thăm Thụy Sĩ.
- Tháng 1/2003, Phó Thủ tướng Vũ Khoan dự Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Đavốt, kết hợp thăm Thụy Sĩ.
- Tháng 1/2003, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em Lê Thị Thu thăm Thụy Sĩ.
- Tháng 8/2003, Phó Thủ tướng Vũ Khoan dự Hội nghị hợp tác phát triển hàng năm của Thụy Sĩ mang chủ đề "Việt Nam - Một con rồng mới ở Châu Á - Những thách thức trong thời kỳ quá độ”.
Quan hệ kinh tế: Cho đến nay, Việt Nam và Thụy Sĩ đã ký một số hiệp định song phương nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc phát triển quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước:
- Hiệp định Hợp tác Bưu điện (1975)
- Hiệp định Hợp tác Vận tải Hàng không (1979)
- Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư (tháng 7/1992)
- Hiệp định Hợp tác Kinh tế-Thương mại (tháng 7/1993)
- Hiệp định Tín dụng hỗn hợp lần thứ nhất (1993)
- Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (tháng 5/1996)
- Hiệp định bảo hộ sở hữu trí tuệ và hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (tháng 5/1999)
- Hiệp định khung về hợp tác phát triển (tháng 6/2002)
- Hiệp định Tín dụng hỗn hợp lần thứ hai (tháng 10/2002)
- Tháng 10-2001, tại Hà Nội, Việt Nam và Thụy Sĩ đã tiến hành đàm phán vòng 1 Hiệp định nhận trở lại công dân Việt Nam cư trú bất hợp pháp ở Thụy Sĩ.
Về thương mại: Từ 1990, sau khi Thụy Sĩ lập Đại sứ quán thường trú tại Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán tại Thành phố Hồ Chí Minh, quan hệ trao đổi thương mại giữa hai nước phát triển rất nhanh. Năm 1994, Thụy Sĩ đưa Việt Nam vào nhóm các nước được hưởng ưu tiên trong quan hệ, trao đổi thương mại với Thụy Sĩ với những chương trình khuyến khích, hỗ trợ như:
- Hỗ trợ, giúp Việt Nam hội nhập nền kinh tế thế giới thông qua hợp tác, trao đổi thương mại.
- Trao đổi, hợp tác thương mại với Việt Nam nhằm hỗ trợ Việt Nam thực hiện thắng lợi chương trình xóa đói giảm nghèo.
Năm 2003, kim ngạch buôn bán hai chiều đạt 303 triệu euro, trong đó Việt Nam đạt 59 triệu euro kim ngạch xuất khẩu và 244 triệu euro kim ngạch nhập khẩu. Bảy tháng đầu năm 2004, kim ngạch buôn bán hai chiều đạt 507 triệu euro; trong đó Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu 68 triệu euro và kim ngạch nhập khẩu 439 triệu euro.
Việt Nam xuất khẩu sang Thụy Sĩ chủ yếu là đồ dùng vệ sinh gốm sứ, các sản phẩm bằng da, giả da, giày dép, hàng may mặc, cà phê, cao su, quế, hạt tiêu, hải sản và nhập từ Thụy Sĩ chủ yếu là dược phẩm, hóa chất, máy công cụ, trang thiết bị cơ khí, nồi hơi, sợi Filament tổng hợp hoặc nhân tạo, gốm tự nhiên.
Về đầu tư: Thụy Sĩ là nhà đầu tư Châu Âu lớn thứ ba (sau Anh, Pháp) và thứ 15 trong tổng số các nước và vùng lãnh thổ, có vốn đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với 28 dự án trị giá 626 triệu USD. Trong đó phải kể đến những tập đoàn lớn như Nestlé: Thực phẩm; Novartis:/Ciba-Sandoz: Hóa dược; Roche: Dược phẩm; Holcim: xi măng; ABB: thiết bị điện; Sulzer: Cơ khí, thiết bị điện; Ringier: in ấn; SGS: Giám định v.v…
Về viện trợ phát triển: Cùng với sự phát triển quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước là sự hỗ trợ phát triển của Chính phủ Thụy Sĩ dành cho Việt Nam. Hai cơ quan thực thi là Cơ quan phát triển và hợp tác quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Liên bang Thụy Sĩ (SDC) và Cục Kinh tế (SECO) thuộc Bộ Kinh tế Liên bang. Từ năm 1993, Thụy Sĩ xếp Việt Nam vào danh sách 17 nước thuộc diện ưu tiên được nhận viện trợ phát triển hàng năm của Thụy Sĩ. Hoạt động hợp tác tập trung vào năm lĩnh vực mà Thụy Sĩ có thể chuyển giao những kinh nghiệm tốt, trong đó quan trọng nhất là vấn đề quản lý đô thị, cơ sở hạ tầng.
Nổi lên trong các dự án giúp đỡ của Việt Nam của Thụy Sĩ là Trung tâm dịch vụ công một cửa, một mô hình cải thiện việc cung cấp các dịch vụ hành chính cho nhân dân tại tất cả các cấp tỉnh, huyện, xã. SDC hiện hỗ trợ để thiết lập 4 Trung tâm Dịch vụ công một cửa tại tỉnh Quảng Bình và một trung tâm tại thành phố Nam Định, nhằm xây dựng và khuyến khích dịch vụ công cũng như tăng cường hợp tác kinh tế Nhà nước và kinh tế tư nhân.
Hoạt động hỗ trợ còn tập trung vào lĩnh vực quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên thông qua các dự án nâng cao năng lực và tăng cường nghiên cứu thanh tra môi trường. Từ năm 1998, Thụy Sĩ và UNIDO, cơ quan Liên Hợp Quốc về phát triển công nghiệp thành lập Trung tâm sản xuất sạch hơn, do trường Đại học Bách khoa chủ trì.
Trọng tâm thứ ba hướng vào lĩnh vực giáo dục với chương trình phát triển năng lực đào tạo Thạc sĩ quản trị kinh doanh. Một thành công khác là dự án hỗ trợ 23 Trung tâm dạy nghề trong cả nước được tiến hành từ năm 1995 giúp tạo thêm cơ hội tìm việc làm cho những người có trình độ phổ thông. Năm 2003, trong khuôn khổ hợp tác song phương giữa Chính phủ hai nước Việt Nam và Thụy Sĩ, Chính phủ Thụy Sĩ thông qua SDC tài trợ cho Học viện Hành chính Quốc gia thực hiện dự án "Xây dựng năng lực cho phát triển quản lý Nhà nước ở Việt Nam giai đoạn chuyển tiếp sang giai đoạn hai” nhằm hiện đại hoá và cải tiến chương trình giảng dạy đáp ứng nhu cầu cải cách hành chính ở nước ta. Trong giai đoạn một của dự án, 60 lượt cán bộ được tham gia các khoá đào tạo nâng cao năng lực góp phần đổi mới nội dung và chương trình giảng dạy. Đó được coi là thành công ban đầu của dự án.
Cho đến nay, tổng vốn ODA Thụy sĩ dành cho Việt Nam được giải ngân là 95,6 triệu USD. Trong đó, viện trợ không hoàn lại: 50 triệu USD; Lãi xuất thương mại 50% và cho không 50%: 45,6 triệu USD. Với việc nhận 65% tổng ODA của Thụy Sĩ dành cho khu vực Mê Công, Việt Nam hiện là nước nhận được nhiều nhất sự hợp tác của Thụy Sĩ tại Đông Nam Á./.
Back Top page Print Email |