Tài liệu cơ bản và quan hệ Việt Nam - Xéc-bi-a
BỘ NGOẠI GIAO Vụ Châu Âu |
|
THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ CỘNG HÒA XÉC-BI-A
VÀ QUAN HỆ VIỆT NAM – XÉC-BI-A
I. Thông tin cơ bản:
- Tên nước: Cộng hòa Xéc-bi-a (Republic of Serbia)
- Thủ đô: Ben-grát (Belgrade, có dân số 1,115 triệu người)
- Ngày Quốc khánh: 15/2 (Ngày nổ ra cuộc khởi nghĩa lần thứ I của người Xéc-bi chống ách đô hộ của Thổ Nhĩ Kỳ - 15/02/1804. Năm 2001, Quốc hội Xéc-bi-a tuyên bố ngày 15/2 là Quốc lễ).
- Vị trí địa lý: Ở Đông - Nam Âu, trên bán đảo Ban-căng, có chung đường biên giới với Bun-ga-ri, Ru-ma-ni, Hung-ga-ri, Crô-a-ti-a, Bô-xni-a và Héc-dê-gô-vi-na, Ma-xê-đô-ni-a, Môn-tê-nê-grô và An-ba-ni.
- Diện tích: 88.407 km2
- Khí hậu: Khí hậu ôn đới lục địa.
- Dân số: 7,12 triệu người[1]; 56% sống ở thành thị; tỷ lệ tăng dân số: -0,46%; tuổi thọ trung bình: 74,8 tuổi; phân bố lao động theo lĩnh vực: nông nghiệp 22%, công nghiệp 19,5%, dịch vụ 58,5% (2016).
- Dân tộc: Người Xéc-bi chiếm 83%, người Hung-ga-ri 4%, người Bô-xni-ắc 1,8%, người Di-gan 1,4%, người Môn-tê-nê-grô 1%, còn lại là các dân tộc khác...
- Tôn giáo: Đa số theo Cơ đốc giáo Chính thống (85%), còn lại theo đạo Thiên chúa (5,5%), Tin lành (1,1%) và đạo Hồi (3,2%)…
- Ngôn ngữ chính thức: Tiếng Xéc-bi
- Cơ cấu hành chính: Xéc-bi-a được chia thành 5 vùng hành chính là Vôi-vô-đi-na; Bê-ô-grát; Xu-ma-đi-a và Tây Xéc-bi-a; Đông Nam Xéc-bi-a; Cô-xô-vô và Mê-tô-hi-a; bao gồm 27 tỉnh, 150 xã và 24 thành phố.
- Đơn vị tiền tệ: Đi-na; 01 USD = 87,71 Đi-na (2018)
- GDP: 42,65 tỷ USD (2018), trong đó, dịch vụ chiếm 62,2%, công nghiệp 32,9% và nông nghiệp 9,1%.
- Thu nhập bình quân đầu người: 5.990 USD (2018)
- Lãnh đạo chủ chốt:
o Tổng thống: A-lếch-xan-đa Vu-chích (Alexandar Vucic; thuộc Đảng Tiến bộ Xéc-bi-a; từ 02/4/2017).
o Chủ tịch Quốc hội: Mai-a Gôi-cô-vích (Maja Gojkovic; từ 3/2014).
o Thủ Tướng: Ana Brnabic (A-na Bờ-rơ-na-bích, được Tổng thống bổ nhiệm từ ngày 16/6/2017).
o Phó Thủ tướng thứ nhất, Bộ trưởng Ngoại giao: I-vi-xa Đa-chích (Ivica Dacic; Chủ tịch Đảng Xã hội Xéc-bi-a; từ 4/2014, được bầu lại sau kỳ bầu cử Quốc hội trước thời hạn tháng 4/2016).
II. Khái quát lịch sử, văn hóa
Người Xéc-bi (thuộc chủng Xla-vơ) di cư từ Bắc Cáp-ca-dơ đến Xéc-bi-a ngày nay từ đầu thế kỷ VI đến thế kỷ VIII sau Công nguyên. Công quốc đầu tiên của người Xéc-bi được lập ra vào thế kỷ VIII và đến giữa thế kỷ X bị đế chế Đông La Mã đô hộ. Năm 1040, Xéc-bi-a giành được độc lập nhưng đến cuối thế kỉ 15 lại bị Ốt-tô-man (Thổ Nhĩ Kỳ) đô hộ. Năm 1815, cuộc khởi nghĩa của người Xéc-bi thắng lợi và đạt thỏa hiệp với Ốt-tô-man. Năm 1867, Ốt-tô-man phải rút khỏi Xéc-bi-a. Năm 1876, Xéc-bi-a đứng về phía Nga tuyên chiến với Ốt-tô-man và giành lại được Bô-xni-a. Năm 1878, Hội nghị Béc-lin về chấm dứt chiến tranh đã công nhận nền độc lập của Xéc-bi-a, tuy nhiên, lại đặt Bô-xni-a dưới sự chiếm đóng của đế quốc Áo-Hung. Trong Chiến tranh Ban-căng lần thứ I (1912), Xéc-bi-a chiếm lại Ma-xê-đô-ni-a và Cô-xô-vô từ tay Ốt-tô-man. Trong Chiến tranh thế giới thứ I, quân đội Xéc-bi-a phải rút sang Hy Lạp và đảo Co-rơ-phu (1915) nhưng cuối cùng đã giải phóng được Xéc-bi-a vào cuối năm 1918. Ngày 01/12/1918, “Vương quốc của người Xéc-bi, người Crô-át và người Xlô-ven” được thành lập và đến năm 1929 đổi thành Vương quốc Nam Tư. Trong Thế chiến II, Nam Tư bị phát-xít Đức, Ý, Hung-ga-ri và Bun-ga-ri chiếm đóng. Cuối năm 1944, lực lượng du kích cộng sản Nam Tư đã giải phóng đất nước và thành lập Cộng hòa Liên bang Nhân dân Nam Tư vào ngày 29/11/1945 (đến năm 1963 đổi thành CHXHCN Liên bang Nam Tư). Đầu thập niên 1990, các nước cộng hòa Xlô-vê-ni-a, Crô-a-ti-a, Bô-xni-a và Héc-dê-gô-vi-na, Ma-xê-đô-ni-a lần lượt tuyên bố độc lập, tách khỏi Nam Tư. Tháng 4/1992, hai nước cộng hòa Xéc-bi-a và Môn-tê-nê-grô thành lập Cộng hòa Liên bang Nam Tư[2] (đến năm 2003 đổi thành Xéc-bi-a và Môn-tê-nê-grô). Ngày 03/06/2006, Môn-tê-nê-grô tuyên bố độc lập. Hai ngày sau, Xéc-bi-a cũng tuyên bố độc lập và kế thừa Nam Tư.
Tại tỉnh Cô-xô-vô, từ năm 1996, người An-ba-ni bắt đầu tấn công các lực lượng Chính phủ. Từ ngày 24/03–10/06/1999, NATO đã không kích ồ ạt Nam Tư nhằm buộc nước này rút quân khỏi Cô-xô-vô. Với sự trung gian của Nga, Nam Tư đã đạt thỏa thuận với NATO và rút quân khỏi Cô-xô-vô. Ngày 10/06/1999, Hội đồng Bảo an LHQ ra Nghị quyết 1244[3] đặt Cô-xô-vô dưới sự quản lý của chính quyền quá độ của LHQ (UNMIK). Ngày 17/02/2008, Cô-xô-vô đã đơn phương tuyên bố độc lập nhưng cho đến nay chưa được Xéc-bi-a công nhận.
III. Thể chế nhà nước
Cộng hòa Xéc-bi-a theo mô hình nhà nước cộng hòa nghị viện – tổng thống. Tổng thống do dân bầu trực tiếp, nhiệm kỳ 5 năm và có quyền được tái đắc cử 1 lần. Quốc hội một viện (National Assembly) gồm 250 đại biểu, do dân bầu trực tiếp, nhiệm kỳ 4 năm. Tổng thống bổ nhiệm Thủ tướng sau khi được Quốc hội thông qua. Bầu cử Quốc hội gần đây nhất vào tháng 4/2016.
IV. Giới thiệu về kinh tế
Thời kỳ nằm trong Liên bang Nam Tư, kể từ năm 1945 đến đầu thập niên 1980, Xéc-bi-a đã đạt được những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội. Cuối thập niên 1980, Xéc-bi-a bắt đầu chuyển đổi từ nền kinh tế chỉ huy sang nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, đã phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của chiến tranh và sự trừng phạt kinh tế của phương Tây (1992-2000)[4]. Từ năm 2001, nền kinh tế Xéc-bi-a dần hồi phục, GDP tăng trưởng trung bình 4,45% giai đoạn 2001-2008. Tuy nhiên, chủ yếu dựa vào xuất khẩu và đầu tư trực tiếp của nước ngoài, khu vực kinh tế nhà nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn (năng lượng, viễn thông, đường sắt…). Xéc-bi-a đã ký FTA với EU, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Khối mậu dịch tự do Trung Âu CEFTA, được hưởng GSP của Mỹ và hiện đang đàm phán gia nhập WTO.
Những ngành công nghiệp chủ yếu của Xéc-bi-a là sản xuất ô tô, khai mỏ, luyện kim màu, hóa dầu, chế biến thực phẩm, điện tử, dược, may mặc. Xéc-bi-a đứng thứ 7 châu Âu về sản lượng than đá, thứ 3 về sản lượng đồng; tự chủ được 43% nhu cầu về dầu lửa, 17% nhu cầu về khí đốt, phần còn lại được nhập khẩu chủ yếu từ Nga. Về nông nghiệp, Xéc-bi-a có sản lượng mận đứng thứ 2 và mâm xôi thứ 3 thế giới; là một trong những nước cung cấp hoa quả đông lạnh hàng đầu cho EU (thứ 1 tại Pháp, thứ 2 tại Đức). Xéc-bi-a có một số công ty lớn như: NIS (dầu khí)[5], Srbijagas (khí đốt), EPS (điện lực), Zastava (ô tô), Yugoimport SDPR (công nghiệp quốc phòng), Galenika (dược phẩm)… Những năm gần đây Xéc-bi-a đã tiếp nhận nhiều dự án FDI lớn của các tập đoàn nước ngoài như: Fiat của Ý[6]; US Steel, Coca Cola, Microsoft của Mỹ; Bosch, Siemens, Stada của Đức; Nestlé, Michelin của Pháp; Heineken của Hà Lan; Carlsberg của Đan Mạch; Panasonic của Nhật; Lukoil, Gazprom[7] của Nga...
Năm 2009, Xéc-bi-a bị ảnh hưởng mạnh bởi khủng hoảng kinh tế toàn cầu, GDP giảm 3%. Từ năm 2010, kinh tế Xéc-bi-a phục hồi và tăng trưởng dần đều, GDP mỗi năm tăng khoảng 1,5%. Với mục tiêu phát triển kinh tế nhằm tiến tới gia nhập EU, Chính phủ Xéc-bi-a đã và đang áp dụng một gói biện pháp mạnh bao gồm: giảm 20-25% lương của 70 vạn lao động thuộc khu vực công; tăng thuế VAT từ 8% lên 10% đối với hàng hóa phi thực phẩm; tư nhân hóa 180 doanh nghiệp và tái cơ cấu các tập đoàn lớn; cải cách luật lao động; chuyển đổi hướng đầu tư theo mô hình đối tác công-tư; đàm phán vay vốn IMF.
V. Chính sách đối ngoại
Về đối ngoại, hiện Xéc-bi-a đang tập trung vào 2 mục tiêu lớn là hội nhập EU và giải quyết vấn đề Cô-xô-vô, đồng thời, ưu tiên quan hệ với Nga, Trung Quốc để cân bằng ảnh hưởng với EU và Mỹ. Trong chuyến thăm Nga của Tổng thống T. Nikolic (24/05/2013), hai bên đã ký Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược[8]. Nhân chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nikolic (28/08/2013), hai bên đã ký Tuyên bố chung về sâu sắc hóa quan hệ Đối tác chiến lược.
Hiện Xéc-bi-a là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế như: FAO, IAEA, ICAO, ICC, ILO, IMF, Interpol, IOC, NAM (Phong trào không liên kết – quan sát viên), OSCE, Liên hợp quốc, UNCTAD, UNESCO, UNHCR, UNIDO, WTO (quan sát viên)…
QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM
I. QUAN HỆ CHÍNH TRỊ
Việt Nam và Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Liên bang Nam Tư thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 10/03/1957. Xéc-bi-a tuyên bố kế thừa Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Liên bang Nam Tư và Liên bang Xéc-bi-a – Môn-tê-nê-grô nên ngày này cũng là ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Xéc-bi-a.
Đầu thập niên 1990, quan hệ Việt Nam – Nam Tư không có tiến triển đáng kể do chiến tranh Nam Tư kéo dài. Tháng 10/1992, Việt Nam đã rút Đại sứ quán tại Ben-grát và cử Đại sứ tại Ru-ma-ni kiêm nhiệm. Tháng 01/2002, Bạn đóng cửa Đại sứ quán tại Hà Nội và cử Đại sứ tại In-đô-nê-xi-a kiêm nhiệm Việt Nam. Gần đây quan hệ giữa ta và Xéc-bi-a có những tiến triển tích cực[9], hai bên đang xem xét việc mở lại Đại sứ quán tại Hà Nội và Ben-grát[10].
Tình hình trao đổi đoàn:
Năm |
Đoàn ra |
Đoàn vào |
2000 |
|
Bộ trưởng Ngoại giao Di-va-đin I-ô-va-nô-vích (6/2000) |
2008 |
|
Bộ trưởng Ngoại giao Vúc Giê-rê-mích (3/2008) |
2011 |
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm(4/2011)[11] |
Bộ trưởng Ngoại giao Vúc Giê-rê-mích (2/2011) |
2013 |
|
Bộ trưởng Ngoại giao I-van Mơ-rơ-kích (27/02-02/03/2013)[12] |
2017 |
|
Đặc phái viên của Thủ tướng Goran Aleksic (22/5/2017). |
|
|
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao I-vi-ca Đa-chích (7-11/9/2017) |
Về hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao, ta đã cử đoàn cấp Thứ trưởng và Tổng vụ trưởng sang tham vấn chính trị với Bộ Ngoại giao Bạn vào các năm 2007 và 2012. Thứ trưởng Ngoại giao Lê Lương Minh đã có cuộc tiếp xúc với Bộ trưởng Ngoại giao Xéc-bi-a bên lề Hội nghị cấp Bộ trưởng Phong trào Không liên kết được tổ chức tại Ai Cập (07-10/05/2012).
Tại các tổ chức và diễn đàn quốc tế, hai bên phối hợp chặt chẽ và hiệu quả. Xéc-bi-a đã ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016 và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Ta đã ủng hộ ứng cử viên của Xéc-bi-a là ông Vúc Giê-rê-mích làm Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 67. Trong vấn đề Biển Đông, Bạn khẳng định ủng hộ quan điểm của Việt Nam về việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.
II. QUAN HỆ KINH TẾ VÀ CÁC LĨNH VỰC KHÁC
Trong những năm gần đây, quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Xéc-bi-a từng bước được khôi phục và phát triển. Việt Nam chủ yếu xuất thủy sản, giầy dép, điện thoại, điện tử, hàng dệt may. Phần lớn hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào Xéc-bi-a thông qua các nước láng giềng như Bungari, Rumani, Hungary… Việt Nam nhập từ Xéc-bi-a lúa mì, gỗ, máy móc, thiết bị.
Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Xéc-bi-a
Đơn vị: triệu USD
Năm |
2011 |
2012 |
2013 |
2014 |
2015 |
2016 |
2017 |
2018 |
Xk |
7.77 |
11.5 |
11.8 |
18.2 |
17.3 |
15.5 |
16.9 |
17.2 |
Nk |
0.12 |
0.4 |
0.8 |
1.4 |
0.6 |
9.9 |
9.7 |
9.8 |
Tổng |
7.89 |
11.9 |
12.6 |
19.6 |
17.9 |
25.4 |
26.6 |
27 |
Hai bên cũng đã nhất trí thúc đẩy ký kết Hiệp định Hợp tác kinh tế và Hiệp định Khuyến khích, bảo hộ đầu tư và tránh rủi ro phi thương mại
Về giáo dục, Bạn đang dành cho ta 2 suất học bổng/năm (thông qua Bộ Ngoại giao) và mong muốn hai bên sớm ký Hiệp định Hợp tác văn hóa và giáo dục (hai bên đang trao đổi dự thảo).
Về quốc phòng, Bạn tỏ sẵn sàng tăng cường hợp tác chuyển giao công nghệ bảo trì, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị quân sự và đề xuất hai bên sớm ký Thỏa thuận Hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng (Bạn đã trao dự thảo cho ta tháng 6/2013; Bộ Quốc phòng ta đề xuất sẽ ký vào thời điểm phù hợp).
Về lãnh sự, hai bên đã ký Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ năm 2000. Bạn đã đề nghị ta chấp thuận để Đại sứ quán Bạn tại In-đô-nê-xi-a đại diện quyền lợi lãnh sự của các công dân Bô-xni-a và Héc-dê-gô-vi-na có mặt tại Việt Nam, trên cơ sở Hiệp định hỗ trợ lãnh sự giữa Bạn và nước này.
III. CÁC HIỆP ĐỊNH KHUNG ĐÃ KÝ GIỮA HAI NƯỚC
STT |
Tên hiệp định |
Năm ký |
1 |
Hiệp định về hợp tác khoa học - kỹ thuật |
1974 |
2 |
Hiệp định về vận tải hàng không dân dụng (hai bên đang chuẩn bị đàm phán ký mới) |
1978 |
3 |
Hiệp định về hợp tác văn hóa |
1982 |
4 |
Hiệp định về Thương mại và hệ thống thanh toán |
1988 |
5 |
Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ |
2000 |
6 |
Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao |
2011 |
7 |
Hiệp định tránh đánh thuế trùng |
2013 |
8 |
Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về quy chế kinh tế thị trường |
2013 |
[1] Chưa bao gồm tỉnh ly khai Cô-xô-vô.
[2] Liên bang Nam Tư lần thứ 3.
[3] Nghị quyết 1244 quy định Cô-xô-vô có quyền tự trị trong Nam Tư và khẳng định toàn vẹn lãnh thổ của Nam Tư.
[4] GDP năm 1999 chỉ bằng ½ GDP năm 1990, sản lượng công nghiệp năm 2013 chỉ bằng ½ của năm 1989.
[5] Đã bán cho Gazprom của Nga năm 2008.
[6] Đóng góp 2 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
[7] Đã hoàn thành dự án hiện đại hóa nhà máy lọc dầu Pan-chê-vô công suất 4,8 triệu tấn/năm, trị giá 700 triệu USD và đang chuyển đổi tổ hợp lọc dầu Nô-vi Xát thành nhà máy sản xuất dầu nhớt; sở hữu 334 trạm xăng ở Xéc-bi-a (74% thị phần nội địa), 36 trạm ở Bô-xni-a và Héc-dê-gô-vi-na, 31 trạm ở Bun-ga-ri, 28 trạm ở Ru-ma-ni và đường ống dầu dài 155km từ Pan-chê-vô đến Nô-vi Xát (là một phần của đường ống dầu xuyên quốc gia Adria).
[8] Nga cam kết tài trợ xây dựng đoạn đường ống Dòng chảy phương Nam chạy qua Xéc-bi-a trị giá 1,7 tỷ euro.
[9] Tổng thống Bạn dự định thăm Việt Nam vào đầu tháng 4/2014 nhưng sau đó phải hoãn.
[10] Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý.
[11] Nhân dịp này, Tổng thống Bô-rít Ta-đích bày tỏ mong muốn nâng quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược.
[12] Bạn khẳng định Việt Nam là một đối tác quan trọng đặc biệt của Xéc-bi-a tại Đông Nam Á. Nhân dịp này, hai bên đã ký Hiệp định tránh đánh thuế trùng và Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về quy chế kinh tế thị trường.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |