Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Monday, ngày 23 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

TÀI LIỆU CƠ BẢN QUAN HỆ VIỆT NAM -MONACO


TÀI LIỆU CƠ BẢN QUAN HỆ VIỆT NAM - MÔ-NA-CÔ


THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ CÔNG QUỐC MÔ-NA-CÔ
---*---

I. Thông tin cơ bản:
Tên nước: Công Quốc Mô-na-cô  (The Principality of Monaco)
Thủ đô: Mô-na-cô
Quốc khánh: 19 tháng 11
Diện tích:  1,95 km2 (Quốc gia nhỏ thứ 2 thế giới, sau Vatican)
Khí hậu: Ôn đới
Dân số (2015): 37.731
Dân tộc: 47% người Pháp, 16% người Mô-nê-gát, 16% người Ý, 21% các dân tộc khác
Ngôn ngữ: Tiếng Pháp (ngôn ngữ chính thức), Môn-nê-gát (ngôn ngữ quốc gia), Anh và Ý
Đơn vị tiền tệ: đồng Eu-rô (Euro)
GDP (2013): 6,6 tỷ USD 
GDP/người (2013):  
 173.4000 USD/người
Tôn giáo: Thiên chúa giáo (90%)
Cơ cấu hành chính: 4 khu (Fontvieille, La Condamine, Monaco-Ville, Monte-Carlo)
Gia nhập LHQ:      28/5/1993
Lãnh đạo chủ chốt:
• Hoàng thân An-be đệ nhị (Albert II), nhậm chức tháng 4/2005
• Bộ trưởng Nhà nước: Séc-gơ Te-lơ (Serge Telle), nhận chức tháng 02/2016
• Chủ tịch Hội đồng Nhà nước: Lô-răng Nu-vi-ông (Laurent Nouvion), nhận chức tháng 2/2013
• Cố vấn Chính phủ về quan hệ đối ngoại: Gi-lơ Tô-nê-li (Gilles Tonelli), nhậm chức tháng 02/2015
II. Khái quát lịch sử: 
 Mô-na-cô là một công quốc lâu đời ở châu Âu. Từ thế kỷ XIII, Mô-na-cô phụ thuộc vào các vương triều ở Pháp và Bắc Italia. Từ năm 1918, theo thoả thuận ký với Pháp, Mô-na-cô trao cho Pháp quyền đại diện ngoại giao; Pháp bảo hộ nền kinh tế - tài chính, quốc phòng, an ninh.
 Gia đình Grimaldi cai trị Mô-na-cô từ năm 1297. Mô-na-cô sáp nhập vào Pháp năm 1793 và tách ra vào năm 1814 dưới sự bảo trợ của vua Sardinia. Mô-na-cô giành được độc lập chủ quyền dưới sự bảo trợ của Pháp từ năm 1861.
III. Thể chế nhà nước và đảng phái chính trị:
 1. Thể chế nhà nước: 
 Từ năm 1911, Mô-na-cô theo chế độ quân chủ lập hiến, cha truyền con nối. Hiến pháp năm 1962 quy định quyền lập pháp thuộc về Hoàng thân và Hội đồng Nhà nước (bao gồm 24 thành viên được bầu cử trực tiếp, nhiệm kỳ 5 năm). Quyền hành pháp được Hoàng thân giao cho Bộ trưởng Nhà nước và 5 cố vấn về nội vụ; các vấn đề xã hội và y tế; kinh tế và tài chính; quan hệ đối ngoại; môi trường và đô thị. Quyền tư pháp do Hoàng thân ủy nhiệm cho Cơ quan Tư pháp; các thẩm phán do Hoàng thân bổ nhiệm trên cơ sở đề cử của Hội đồng Nhà nước.
 2. Các đảng phái chính trị:
 - Đảng Chân trời Monaco (là liên minh giữa Đảng Tập hợp và Thách thức, Đảng Liên minh vì Mô-na-cô và Đảng Sức mạnh chung Monaco): là đảng trung hữu và cầm quyền, chiếm 20/24 ghế trong Hội đồng Nhà nước;
- Đảng Liên minh người dân Mô-na-cô (UDM): là đảng trung hữu, chiếm 3/24 ghế trong Hội đồng Nhà nước;
- Đảng Phục hưng (RE): là đảng cánh hữu, chiếm 1/24 ghế trong Hội đồng Nhà nước.
IV. Giới thiệu về kinh tế:
Thu nhập chính của Mô-na-cô là từ các ngành dịch vụ, thuế VAT, thương mại, bất động sản. Nguồn thu từ du lịch chỉ đứng thứ ba trong tổng thu nhập quốc gia (chiếm 11% tổng sản lượng quốc gia), trong đó các sòng bạc chỉ đóng góp khoảng 4% vào tổng sản lượng quốc gia.
Từ năm 1963, Mô-na-cô và Pháp có chung hệ thống thuế giá trị gia tăng. Mô-na-cô thu thuế VAT trên lãnh thổ của mình, nộp lại cho Pháp và Pháp sẽ chuyển lại một phần cho Mô-na-cô. Năm 2007, thu nhập từ thuế VAT chiếm 18% ngân sách nhà nước.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (2015) đạt 2,187 triệu euro (tăng 14% so với 1,022 triệu euro năm 2009; giảm 1% so với 2,206 triệu euro năm 2014), trong đó xuất khẩu đạt 1,061 triệu euro, tập trung vào công nghiệp hóa chất (24%), thiết bị vận tải (17%), nguyên liệu thực phẩm (15%) và nhập khẩu 1,127 triệu euro tập trung vào thiết bị vận tải (22%), sản phẩm chế biến (17%), sản phẩm nhựa (14%). Trao đổi thương mại của Mô-na-cô chủ yếu với các nước chau Âu (71%; 53% là trong nội khối Liên minh châu Âu chiếm).
                     Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu
                   (đơn vị: triệu euro)
 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014 2015
XK 688 564 545 804 721 1,089 1,102 1,061
NK 633 458 633 839 782 1,085 1,104 1,126
XNK 1,321 1,022 1,178 1,643 1,503 2,174 2,206 2,187
V. Quan hệ Việt Nam - Mô-na-cô:
Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao cấp đại sứ với Mô-na-cô ngày 29/11/2007 và quan hệ thực chất chưa nhiều ngoài hợp tác trong khuôn khổ khối Pháp ngữ. Hoàng thân Albert II đã thăm Việt Nam năm 1997 nhân Hội nghị cấp cao 7 nước nói tiếng Pháp.
Tháng 4/2016, Văn phòng Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Công quốc Monaco chính thức đi vào hoạt động; hiện ông Roland de Rechniewski là Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Monaco. Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp, kiêm nhiệm Monaco.
 Với đặc điểm chung là có đường bờ biển dài (Mô-na-cô có 4,1 km đường bờ biển, Việt Nam có hơn 3.200 km đường bờ biển), cùng nhiều thắng cảnh và bãi biển đẹp, Việt Nam và Mô-na-cô có nhiều tiềm năng để phát triển hợp tác, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch nói chung và du lịch biển nói riêng, khách sạn, tài chính, ngân hàng và công nghiệp dược. Việt Nam và Mô-na-cô đang nghiên cứu khả năng ký một Tuyên bố chung về hợp tác du lịch./. 

Tạo bởi chauau
Cập nhật 06-05-2016
 
Back Top page Print Email

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer