Thông tin cơ bản về Cộng hòa Bê-nanh và Quan hệ với Việt Nam
A. THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ CỘNG HÒA BÊ-NANH
I. Thông tin chung
Tên nước: Cộng hoà Bê-nanh (Republic of Benin)
Thủ đô: Póc-tô Nô-vô (Porto-Novo)
Quốc khánh: 01/8/1960 (ngày Pháp trao trả độc lập)
Vị trí địa lý: Nằm ở Vịnh Bê-nanh thuộc Tây Phi; phía Bắc giáp Niger và Burkina Faso; phía Đông giáp Nigeria; phía Tây giáp Togo; phía Nam giáp Đại tây Dương.
Diện tích: 110.620 km2
Khí hậu: Nhiệt đới, nóng, ẩm.
Dân số: 12,4 triệu người (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
Ngôn ngữ: tiếng Pháp
Đơn vị tiền tệ: đồng Franc CFA (1 USD = 554.92 CFA)
GDP: 17,79 tỷ USD (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
GDP/đầu người: 1.260 USD (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
Tôn giáo: Tín ngưỡng cổ truyền: 50%; đạo Hồi: 20%; Thiên chúa: 30%.
Cơ cấu hành chính: gồm 6 khu hoặc tỉnh.
Lãnh đạo chủ chốt:
+ Tổng thống: Pa-tơ-ri-xơ Ta-lông (Patrice Talon) (từ 03/2016 , tái đắc cử tháng 4/2021);
+ Phó Tổng thống: Ma-ri-am Cha-bi ta-la-ta (Mariam Chabi Talata) (tháng 5/2021);
+ Chủ tịch Quốc hội: Lu-i Vơ-la-vô-nu (Louis Vlavonou) (từ tháng 5/2019);
+ Bộ trưởng Ngoại giao, Hội nhập châu Phi, Cộng đồng Pháp ngữ và kiều dân Bê-nanh: Au-rê-li-en Ác-be-nông-xi (Aurelien Agbenonci) (từ tháng 4/2016).
II. Khái quát lịch sử
Vương quốc Dahomey (1600 – 1904) của người Fon có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, phát triển quan hệ thương mại sớm với châu Âu. Từ giữa những năm 1800, Vương quốc dần suy giảm sức mạnh và thất bại trong cuộc chiến chống Pháp. Behanzin, vị vua cuối cùng của Vương quốc này, đã đấu tranh chống thực dân Pháp và thất bại năm 1893, kết thúc 3 thế kỷ tồn tại của Vương quốc. Từ đó, Dahomeu bị Pháp xâm chiếm. Đến năm 1899, vùng đất Dahomey thuộc Pháp được sát nhập vào Tây Phi thuộc Pháp.
Ngày 12/11/1958, Pháp thiết lập Cộng hòa Dahomey tự trị, thuộc Cộng đồng Pháp. Đến ngày 01/8/1960, Pháp trao trả độc lập hoàn toàn cho Cộng hòa Dahomey. Ngày 26/10/1972, tướng Methieu Kerekou tiến hành đảo chính quân sự, nắm quyền kiểm soát đất nước, trở thành Tổng thống.
Ngày 30/11/1975, Đảng Cách mạng Nhân dân Bê-nanh được thành lập (Đảng cầm quyền duy nhất) do Tổng thống Mathieu Kérékou đứng đầu và đổi tên nước Cộng hoà Dahomey thành Cộng hoà Nhân dân Bê-nanh, phát triển đất nước theo xu hướng XHCN.
Do áp lực mạnh mẽ của các thế lực đối lập, Đại hội Quốc dân được triệu tập vào ngày 19/2/1990. Đại hội quyết định giải tán Đảng Cách mạng Nhân dân, thực hiện chế độ đa đảng, thành lập Chính phủ quá độ 12 tháng, sửa đổi Hiến pháp, bầu Quốc hội mới, đổi tên nước thành Cộng hoà Bê-nanh, lấy lại Quốc kỳ Dahomey và ngày Pháp trao trả độc lập (01/8/1960) làm ngày kỷ niệm Quốc khánh hàng năm. Tháng 12/1990, Bê-nanh tổ chức trưng cầu dân ý thông qua Hiến pháp mới. Tháng 3/1991, Bê-nanh tiến hành tổng tuyển cử tự do đa đảng đầu tiên.
III. Thể chế nhà nước, chế độ chính trị, đảng phái chính trị
- Thể chế nhà nước: Cộng hoà Tổng thống. Tổng thống là người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ, được bầu theo phổ thông đầu phiếu, nhiệm kỳ 5 năm, cầm quyền không quá 2 nhiệm kỳ.
- Cơ cấu nghị viện: Quốc hội đơn viện là cơ quan lập pháp của Bê-nanh. Quốc hội Bê-nanh hiện tại có 83 thành viên được bầu trực tiếp thông qua hệ thống đại diện theo tỷ lệ theo danh sách đảng và có nhiệm kỳ 5 năm.
- Các đảng phái chính: Bê-nanh có khoảng 24 đảng phái chính trị, các đảng phái chính ở Bê-nanh gồm:
+ Đảng Liên minh Tiến bộ: được thành lập năm 2018 do ông Bruno Amoussou làm Chủ tịch . Hiện Phó Tổng thống Marian Talata là thành viên đảng này.
+ Đảng Khối Cộng hòa (RB): được thành lập năm 2018 do ông Abdoulaye Bio Tchané làm Chủ tịch. Cả 2 chính đảng lớn nhất tại Bê-nanh đều liên minh với Tổng thống Patrice Talon.
IV. Tình hình
1. Chính trị nội bộ
Tại bầu cử Tổng thống diễn ra cuối tháng 3/2016, doanh nhân Patrice Talon đã giành chiến thắng trước đương kim Thủ tướng Lionel Zinsou, trở thành Tổng thống tiếp theo của Bê-nanh. Tại lần tái tranh cử nhiệm kỳ 2 vào tháng 4/2021, ông Patrice Talon liên danh với bà Mariam Talata (cho chức Phó Tổng thống) giành chiến thắng. Đây là lần đầu tiên Bê-nanh có chức danh Phó Tổng thống liên danh tranh cử với Tổng thống. Về cơ bản, tình hình chính trị - an ninh tại Bê-nanh ổn định.
2. Kinh tế - Xã hội
- Bê-nanh có tài nguyên thiên nhiên gồm sắt (trữ lượng 1 tỷ tấn), phốt phát, vàng, đá trắng và dầu lửa ở thềm lục địa. Nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, chiếm 80% thu nhập quốc dân. Nông nghiệp Bê-nanh phát triển hạn chế, sản phẩm chủ yếu là lương thực và bông ngoài ra còn có dầu cọ, ngô, lạc, kê, ca cao v.v... Ngành trồng bông chiếm tới 40% GDP và 80% thu xuất khẩu. Ngành chăn nuôi có cừu, dê. Bê-nanh vẫn phải nhập phần lớn lương thực. Công nghiệp Bê-nanh chủ yếu là ngành công nghiệp ép dầu cọ và khai thác sắt. Cảng Cotonu là bến quá cảnh của nhiều nước trong vùng Vịnh Bê-nanh đã tạo nguồn thu ngoại tệ lớn cho Bê-nanh.
+ Các sản phẩm xuất khẩu chính: bông, các sản phẩm từ cọ, dừa
+ Các sản phẩm nhập khẩu chính: thực phẩm, các sản phẩm dầu lửa, thiết bị.
+ Các đối tác thương mại chính: Pháp, trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Thái Lan…
- Bê-nanh xếp hạng 158/189 về chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2020. Tỷ lệ thất nghiệp những năm gần đây dao động 1,6%.
3. An ninh-quốc phòng
Khoảng 20 cuộc tấn công khủng bố được ghi nhận nhằm vào quân đội Bê-nanh đóng quân tại miền Bắc đất nước diễn ra từ tháng 12/2021 tới tháng 5/2022. Các nhóm vũ trang nhiều khả năng có liên kết với al-Qaeda và ISIL (ISIS) tràn sang từ nước láng giềng khu vực Sahel.
V. Chính sách đối ngoại:
Bê-nanh là ưu tiên hợp tác khu vực, coi trọng quan hệ với phương Tây, nhất là Pháp, Trung Quốc và các tổ chức quốc tế, tài chính quốc tế để tranh thủ vốn và kỹ thuật. Về hợp tác quốc phòng và gìn giữ hòa bình trong khu vực, Bê-nanh hiện góp 503 người, và chỉ đứng thứ 40 về góp quân so với các nước châu Phi khác. Bê-nanh là thành viên Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết, ) Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF), FAO, IMF, WTO, Cộng đồng kinh tế Tây Phi (ECOWAS) và nhiều tổ chức quốc tế và khu vực khác.
B. QUAN HỆ VIỆT NAM – BÊ-NANH
I. Quan hệ chính trị
- Thiết lập quan hệ ngoại giao: Việt Nam và Bê-nanh lập quan hệ ngoại giao ngày 14/3/1973.
- Cơ quan đại diện: Hai nước chưa mở Đại sứ quán tại thủ đô của nhau. Hiện nay, Đại sứ quán Bê-nanh tại Trung Quốc kiêm nhiệm Việt Nam; Đại sứ quán Việt Nam tại Maroc kiêm nhiệm Bê-nanh.
- Hoạt động trao đổi đoàn:
+ Đoàn Việt Nam thăm Bê-nanh: Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ (1978), Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1980), Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ tại Bê-nanh (1995), Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh (1996), Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa (2003).
+ Đoàn Bê-nanh thăm Việt Nam: Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác Pierre Osho (1997), Tổng thống Mathieu Kérékou dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ tại hà Nội (11/1997), Bộ trưởng Ngoại giao (2006), Tổng thống Boni Yayi (11/2006), Đặc phái viên Tổng thống (5/2008), Bộ trưởng Nông nghiệp, Chăn nuôi và Nghề cá (8/2008)...
II. Hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư
Thương mại: Kim ngạch thương mại song phương năm 2021 ước tính đạt 159.5 triệu USD trong đó Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng chính như gạo, linh kiện, phụ tùng xe máy… và nhập các mặt hàng chính như hạt điều, bông… Việt Nam là một trong những bạn hàng quan trọng của Bê-nanh trong lĩnh vực bông và hạt điều.
III. Hợp tác trong các lĩnh vực khác
Hợp tác trong các vấn đề khu vực và đa phương: Việt Nam và Bê-nanh phối hợp tốt trên các diễn đàn đa phương. Gần đây, Bê-nanh ủng hộ Việt Nam là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
IV. Các Hiệp định, thoả thuận đã ký kết giữa hai nước:
Hiệp định khung về hợp tác Kinh tế, Thương mại, Văn hoá, Khoa học-Kỹ thuật (1996), Hiệp định về tham khảo chính trị và ngoại giao giữa BNG hai nước Việt Nam-Bê-nanh (2003, mặc nhiên gia hạn 5 năm/lần), Biên bản giữa hai Bộ Nông nghiệp về việc Bê-nanh mời 16 chuyên gia và kỹ thuật viên nông nghiệp Việt Nam sang giúp bạn phát triển ngành trồng lúa (2008).
V.Thông tin cơ quan đại diện
Đại sứ quán Việt Nam tại Ma-rốc kiêm nhiệm Bê-nanh:
Địa chỉ: Số 27 Phố Mezzouda, Souissi – Rabat, Vương quốc Ma-rốc
Điệnthoại: + (212) 537 65 92 56
Email : vnambassade@yahoo.com.vn
Đại sứ quán Bê-nanh tại Bắc Kinh kiêm nhiệm Việt Nam:
Địa chỉ: 38, Guang Hua Lu, Jian Guo Men Wai, Beijing 100600, China
Điện thoại: (+86) (10) 6532 2741 2302
Fax: (+86) (10) 6532 5103
Email: ambeninbj@yahoo.fr ; am.beninbj@yahoo.fr
Tháng 8/2022
![]() ![]() ![]() ![]() |