TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ NƯỚC CỘNG HÒA BU-RUN-ĐI VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM

A. THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ NƯỚC CỘNG HOÀ BU-RUN-ĐI
Tên nước: Cộng hòa Bu-run-đi (Republic of Burundi)                            
Thủ đô: Gi-tê-ga (Gitega)
Quốc khánh: 01/7/1962                             
Vị trí địa lý: nằm hoàn toàn trong đất liền, nằm ở khu vực Trung Phi, Đông và Nam giáp Tanzania, Tây giáp CHDC Congo và hồ Tanganyika, Bắc giáp Ru-an-đa
Diện tích: 27.650 km2                              
Khí hậu: Nóng ẩm                               
Dân số: 12,5 triệu (2021, theo Ngân hàng Thế giới)                               
Ngôn ngữ: tiếng Pháp và tiếng Ki-run-đi                              
Đơn vị tiền tệ: Franc Bu-run-đi (FB) (1 USD = 2069 FB)                              
GDP: 2,9 tỷ USD (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
GDP/đầu người: 236,8 USD (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
Tôn giáo: Thiên chúa giáo (67% trong đó Thiên chúa giáo La mã 62%, Tin lành 5%), Tín ngưỡng bản địa (23%), Hồi giáo (10%).                            
Cơ cấu hành chính: 18 tỉnh và 119 huyện.                         
Lãnh đạo chủ chốt:    
- Tổng thống: Ê-va-rít Đây-si-mi-ê (Evariste Ndayishimiye) (từ tháng 6/2020);
- Thủ tướng: A-lanh Ghi-ôm Bu-ni-ô-ni (Alain-Guillaume Bunyoni) (từ tháng 7/2020);
- Chủ tịch Hạ viện: Giê-la-dơ Nờ-đa-bi-ráp (Gélase Ndabirabe) (từ tháng 8/2020);
- Chủ tịch Thượng viện: Ê-ma-nuy-en Xin-dô-ha-giê-ra (Emmanuel Sinzohagera) (từ tháng 8/2020);
- Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác phát triển: An-be Sin-gi-rô (Albert Shingiro) (từ tháng 7/2020).                      
II. Khái quát lịch sử
Nhà nước phong kiến Bu-run-đi hình thành từ đầu thế kỷ XVI. Năm 1890, Đức chiếm Bu-run-đi và nước Rwanda láng giềng. Năm 1899, Đức sáp nhập 2 nước này thành thuộc địa Rwanda-Urundi. Tháng 7/1922, Hội Quốc Liên đặt Rwanda - Urundi dưới sự uỷ trị của Bỉ. Năm 1946, Liên hợp quốc lại giao Rwanda-Urundi cho Bỉ uỷ thác. Từ năm 1955, dưới sự lãnh đạo của Hoàng tử Lu-i Ru-ga-xô-rê (Louis Rwagasore), lãnh tụ Liên minh vì Tiến bộ dân tộc (UPRONA), nhân dân Bu-run-đi đã đứng lên đấu tranh đòi độc lập. Ngày 23/6/1962, Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết trao trả độc lập cho Rwanda-Urundi và tách thành hai nước như cũ. Ngày 01/7/1962, Bu-run-đi tuyên bố độc lập, lấy tên là Vương quốc Bu-run-đi do nhà Vua Mơ-oa-but-xa (Mwanbutxa) (người Tutsi) trị vì. Ngày 28/11/1966, Thủ tướng, Đại uý Mi-sen Mi-côm-bê-rô (Michel Micombero) thực hiện đảo chính, thành lập nước Cộng hoà Bu-run-đi do ông làm Tổng thống.
Từ năm 1976 đến 1996 đã diễn ra 7 cuộc đảo chính tranh giành quyền lực giữa bộ tộc Hutu và Tutsi khiến hàng chục nghìn người bị chết và hàng trăm nghìn người đi lánh nạn sang các nước láng giềng.
Tại Hòa ước Arusa (ký kết tại Tanzania) năm 2000, các bên tranh chấp cam kết thành lập một chính phủ chuyển tiếp trong thời hạn 3 năm và thiết lập nền cộng hòa đa đảng. Tháng 7/2005, Bu-run-đi đã bầu Hạ viện và Thượng viện theo chế độ đa đảng lần đầu tiên. Ngày 19/8/2005, Hạ viện đã bầu ông Pi-e N-ku-run-di-da (Pierre Nkurunziza) làm Tổng thống, đánh dấu giai đoạn cuối cùng của tiến trình hòa bình tại Bu-run-đi,
III. Thể chế nhà nước, chế độ chính trị, đảng phái chính trị
- Bu-run-đi theo chế độ Cộng hoà Tổng thống, Tổng thống đứng đầu Nhà nước và Chính phủ. Chức vụ Thủ tướng được phục hồi năm 2020  với nhiệm vụ điều hành Chính phủ và thi hành các pháp lệnh của Tổng thống.
- Cơ cấu nghị viện: Gồm Thượng viện và Hạ viện. Thượng viện có 39 ghế với nhiệm kỳ 5 năm, mỗi tỉnh được phân bổ hai ghế (1 cho người Hutu và 1 cho người Tutsi), 3 ghế còn lại dành cho người Twa; Hạ viện có 100 ghế và được bầu trực tiếp với nhiệm kỳ 5 năm.
- Các đảng phái chính: Bu-run-đi có 34 đảng phái chính trị hợp pháp, một số đảng chính trị chính gồm:
+ Hội đồng Quốc gia Bảo vệ Dân chủ - Lực lượng Bảo vệ Dân chủ (CNDD-FDD): CNDD-FDD thành lập năm 1998, là lực lượng nổi dậy chủ chốt trong nội chiến Bu-run-đi (1993 - 2005), sau đó trở thành đảng cầm quyền và chi phối nền chính trị Bu-run-đi.  Chủ tịch Đảng là ông Révérien Ndikuriyo.
+ Đảng Tập hợp Quốc gia vì Tự do (CNL): Đảng đối lập chính, thành lập năm 2018, chủ tịch Đảng là ông Agathon Rwasa.
IV. Tình hình
1. Chính trị nội bộ
Tổng thống Pi-e N-ku-run-di-da nắm quyền ba nhiệm kỳ liên tiếp sau khi được Hạ viện bầu làm Tổng thống năm 2005, tái đắc cử các cuộc bầu cử năm 2010 và 2015. Tháng 6/2020, ông Ê-va-rít Đây-si-mi-ê (Evariste Ndayishimiye), người thân cận của Tổng thống Nkurinziza, thắng cử trong cuộc bầu cử Tổng thống và nhậm chức sớm do Tổng thống Nkurinziza đột ngột qua đời ngày 8/6/2020.
2. Kinh tế - Xã hội
- Bu-run-đi là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Đây cũng là quốc gia có mật độ dân số đông thứ 2 châu Phi với tỷ lệ 470 người/km2.
 + Các sản phẩm xuất khẩu chính: vàng, cà phê, chè, bột mỳ.
+ Các sản phẩm nhập khẩu chính: xăng, gạch nung, xi măng.
+ Các đối tác thương mại chính: Ả rập Xê út, Trung Quốc, UAE.
 - Bu-run-di xếp thứ 185/189 về chỉ số phát triển con người năm 2020. Tỷ lệ thất nghiệp là 1.79%,tỷ lệ biết chữ đạt khoảng 70%. Tỷ lệ bác sĩ trên 10000 dân là khoảng 1%.
3. An ninh-Quốc phòng
Từ 2015, Bu-run-đi và Ru-dan-đa đã đóng cửa biên giới giữa hai nước do các cáo buộc chứa chấp và hỗ trợ các nhóm phiến quân chống lại nhau. Hiện nay, nhiều nước châu Phi đang tham gia các chiến dịch chống phiến quân ở Bu-run-đi, giúp tăng cường an ninh cho khu vực.
V. Chính sách đối ngoại
- Bu-run-đi thực hiện đường lối đối ngoại đa dạng hóa quan hệ, trong đó ưu tiên quan hệ với EU để tranh thủ viện trợ về vốn và kỹ thuật.
- Bu-run-đi là thành viên của Liên hợp quốc (LHQ), Phong trào Không liên kết, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF), FAO, UNESCO, Interpol, Liên minh châu Phi (AU), Cộng đồng Đông Phi (EAC)…
B. QUAN HỆ VIỆT NAM – BU-RUN-ĐI
I. Quan hệ chính trị
- Thiết lập quan hệ ngoại giao: Việt Nam và Bu-run-đi thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 16/4/1975.
- Cơ quan đại diện: Hai nước chưa mở Đại sứ quán tại thủ đô của nhau. Hiện nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Tanzania kiêm nhiệm Bu-run-đi. Đại sứ quán Bu-run-đi tại Trung Quốc kiêm nhiệm Việt Nam.
-  Hoạt động trao đổi đoàn:
+ Đoàn Việt Nam thăm Bu-run-đi: Thứ trưởng Nguyễn Xuân, đặc phái viên Chính phủ ta thăm Bu-run-đi (11/1976)
 + Đoàn Bu-run-đi thăm Việt Nam: Thủ tướng Bu-run-đi Pascal-Firmin Ndimira dự hội nghị cấp cao Pháp ngữ tại Hà Nội (11/1997).
II. Hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư
1. Thương mại
Kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước đạt 2,17 triệu USD năm 2020.
 2. Đầu tư
 Tháng 6/2014, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel bắt đầu triển khai dự án đầu tư tại Bu-run-đi với tên gọi Lumitel (khai trương mạng di động vào tháng 5/2015). Hiện tại, Lumitel hoạt động tốt, đứng đầu về thị phần tại Bu-run-đi, đóng góp tích cực vào việc tạo việc làm cho người lao động sở tại cũng như hỗ trợ các hoạt động xã hội (cung cấp internet miễn phí cho trường học, bệnh viện, cầu truyền hình; hỗ trợ khám chữa bệnh cho các hộ nghèo tại Bu-run-đi …).
III. Hợp tác trong các lĩnh vực khác
Hợp tác trên các diễn đàn đa phương: Hai nước thường phối hợp, ủng hộ lẫn nhau trên diễn đàn LHQ và các tổ chức quốc tế. Gần đây, Bu-run-đi ủng hộ Việt Nam là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
IV. Các Hiệp định, thoả thuận hợp tác đã ký kết
Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ (6/2022).
V. Thông tin cơ quan đại diện
Đại sứ quán Việt Nam tại Tanzania
Plot 15 Bongoyo Road, Oysterbay, PO box 9724 Dar es Salaam
ĐT: +255 222 664 535
Fax: +255 222 664 537
Email: vnemb.tz@mofa.gov.vn; vnemb.taz2009@yahoo.com.vn
Đại sứ quán Burundi tại Bắc Kinh kiêm nhiệm Việt Nam
Địa chỉ: 25 Guang Hua Lu; Beijing 100600-P.R.China
Điện thoại: (86) 10 65321801/65322328; Fax: (86) 10 65322381
Email: ambbubei@yahoo.fr

Tháng 8/2022


Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn