Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ hai, ngày 14 tháng 04 năm 2025 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ BUỐC-KI-NA PHA-XÔ VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM



BỘ NGOẠI GIAO


      ---oOo---


 


TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ BUỐC-KI-NA PHA-XÔ


 VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM


 




  1. Khái quát


    • Tên nước: Buốc-ki-na Pha-xô (Burkina Faso)

    • Thủ đô: U-a-ga-đu-gu (Ouagadougou)

    • Vị trí địa lý: Buốc-ki-na Pha-xô nằm ở khu vực Tây Phi, giáp Ni-giê (Niger), Ma-li (Mali), Cốt-đi-voa (Côte D’Ivoire), Ga-na (Ghana), Tô-gô (Togo) và Bê-nanh (Benin). Buốc-ki-na Pha-xô không giáp biển.

    • Khí hậu: Nhiệt đới

    • Diện tích: 273.800 km2

    • Dân số: 20,1 triệu người (2017)

    • Tôn giáo: Đạo Hồi 61,6%, Đạo Thiên chúa 23,2%, Tín ngưỡng dân gian 7,3%.

    • Ngôn ngữ: Tiếng Pháp là ngôn ngữ chính thức.

    • Đơn vị tiền tệ: Đồng Franc-CFA.

    • Quốc khánh: 11/12/1958 (ngày thành lập Nhà nước tự trị).

    • Ngày độc lập (thoát ách thống trị của thực dân Pháp): 5/8/1960

    • Tổng thống: Rốc Mác Ca-bo-rê (Roch Marc Kaboré, từ 12/2015)

    • Thủ tướng: Pôn Ca-ba Ti-ê-ba (Paul Kaba Thieba, từ 1/2016)

    • Bộ trưởng Ngoại giao, Hợp tác và người Buốc-ki-na Pha-xô ở nước ngoài: An-pha Ba-ri (Alpha Barry, từ 1/2016).

  1. Lịch sử

    • Ngày 23/12/1896, thực dân Pháp chiếm đóng lãnh thổ nay là Buốc-ki-na Pha-xô, Buốc-ki-na Pha-xô thừa nhận sự bảo hộ của Pháp. Năm 1919, thuộc địa đổi tên thành Thượng Volta (hay còn gọi là Tây Phi thuộc Pháp) bao gồm cả vùng phía Bắc Xê-nê-gan, Ni-giê và Bờ Biển Ngà hiện nay. Thượng Volta giải thể năm 1932 và sau Thế chiến II lại tái lập, thuộc Liên minh Pháp. Năm 1958, Thượng Volta trở thành thuộc địa tự trị với tên nước Cộng hòa Thượng Volta thuộc Cộng đồng Pháp và giành độc lập hoàn toàn ngày 5/8/1960. Ngày 4/8/1984, Thượng Volta đổi tên thành Buốc-ki-na Pha-xô.   

    • Tổng thống đầu tiên của Buốc-ki-na Pha-xô Maurice Yaméogo được bầu năm 1960 và tái cử năm 1965 nhưng bị buộc phải từ chức năm 1966 trước áp lực dân chúng phản đối mạnh mẽ các chính sách ông này đưa ra. Trung tá Aboubacar Lamizana tiếp quản chính quyền và duy trì chế độ độc tài quân sự, cấm các đảng phái chính trị hoạt động, chấm dứt nền Cộng hòa thứ Nhất tại Buốc-ki-na Pha-xô. Cuộc bầu cử Quốc hội năm 1970 mở ra triển vọng tái lập nền Cộng hòa thứ Hai tuy nhiên sau đó đã bị Trung tá Lamizana đảo chính, hủy bỏ Hiến pháp. Năm 1977, Hiến pháp mới được thông qua, lập nền Cộng hòa thứ Ba, Trung tá Lamizana trúng cử Tổng thống năm 1978 nhưng bị đảo chính quân sự lật đổ vào năm 1980.

    • Chính trường Buốc-ki-na Pha-xô giai đoạn 1980-1987 bị xáo trộn bởi một loạt các cuộc đảo chính. Năm 1987, Blaise Compaoré đảo chính, khôi phục chế độ đa đảng và được bầu làm Tổng thống năm 1991, sau đó tái cử liên tiếp vào các năm 1998, 2005 và 2010.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                          

      3. Chính trị

      a. Đối nội

    • Thể chế chính trị: Cộng hoà Tổng thống.

    • Buốc-ki-na Pha-xô thực hiện chế độ đa đảng. Các Đảng phái chính gồm :

      + Phong trào nhân dân vì sự tiến bộ (MPP của Tổng thống Kaboré) ;

      + Liên minh vì sự tiến bộ và thay đổi (UPC) ;

      + Tập hợp vì dân chủ và tiến bộ (CDP) ;

      + Liên minh vì sự tái sinh – Phong trào Sankarist (UNIR-MS)…

    • Quốc hội gồm 127 ghế được dân bầu trực tiếp, nhiệm kỳ 5 năm. Tổng thống được dân bầu trực tiếp, nhiệm kỳ 5 năm, có thể tái cử thêm 1 nhiệm kỳ. Chính phủ do Tổng thống bổ nhiệm trên cơ sở đề cử của Thủ tướng.

    • Đầu năm 2011, do hậu quả của khủng hoảng kinh tế, nạn tham nhũng, quản lý yếu kém trong ngành khai khoáng và việc Tổng thống Compaoré nắm giữ quyền lực quá lâu đã dẫn đến cuộc biểu tình, binh biến chống chính phủ, tuy nhiên sau đó đã bị dập tắt. Tháng 8/2014, hàng vạn người đã tuần hành ở thủ đô Ouagadougou để phản đối Tổng thống Compaoré dự kiến trưng cầu dân ý về việc sửa đổi Hiến pháp cho phép Tổng thống tiếp tục tham gia tranh cử vào tháng 11/2015.

    • Các cuộc biểu tình chuyển sang xung đột bạo lực kể từ 27/10/2014, buộc Chính phủ phải tuyên bố hủy kế hoạch tổ chức trưng cầu dân ý. Tuy nhiên, tối ngày 30/10/2014, Tư lệnh lực lượng quân đội Honore Traore đã tuyên bố giải tán Chính phủ và Quốc hội, hủy bỏ Hiến pháp, đồng thời lập ra Chính phủ chuyển tiếp do Trung tá Isaac Zida, Tư lệnh đội cận vệ của Tổng thống Compaoré đứng đầu, sẽ điều hành đất nước trong vòng 12 tháng cho đến khi tổ chức tổng tuyển cử. Tổng thống Compaoré tuyên bố từ chức và cùng gia đình sang tị nạn tại Bờ Biển Ngà.

    • Tháng 11/2014, các phe phái chính trị tại Buốc-ki-na Pha-xô đã thỏa thuận đề cử Michel Kafando giữ chức Tổng thống chuyển tiếp, Isaac Zida được bổ nhiệm là Thủ tướng. 29/11/2015, ứng cử viên Phong trào nhân dân vì sự tiến bộ (MPP) Roch Marc Kaboré đã giành chiến thắng ngay sau vòng 1 bầu cử Tổng thống Buốc-ki-na Pha-xô với 53,49% số phiếu bầu và nhậm chức vào 29/12/2015, mở ra thời kỳ mới tập trung xây dựng đất nước hậu khủng hoảng chính trị.  

      b. Đối ngoại

    • Buốc-ki-na Pha-xô thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, ưu tiên quan hệ với các nước khu vực, đẩy mạnh quan hệ với các nước phương Tây nhất là Pháp để tranh thủ đầu tư vốn và kỹ thuật.

    • Buốc-ki-na Pha-xô là thành viên của LHQ, KLK, AU, WTO, Francophonie, UEMOA, ECOWAS…, đóng vai trò tích cực trong việc giải quyết xung đột nội bộ, sắc tộc tại một số nước Tây Phi (Tô-gô, Ni-giê) và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

      4. Kinh tế

    • Buốc-ki-na Pha-xô nghèo tài nguyên và không giáp biển. Nông nghiệp đóng vai trò chủ chốt trong nền kinh tế quốc dân (80% dân số tham gia sản xuất nông nghiệp). Hai mũi nhọn của nền kinh tế là xuất khẩu bông và khai thác vàng (vàng chiếm ¾ nguồn thu từ xuất khẩu của đất nước), do đó nền kinh tế Buốc-ki-na Pha-xô phụ thuộc lớn vào mức độ dao động giá của hai sản phẩm này. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2013-2015 đạt khá, trung bình 5%/năm.

    • Hiện nay, Buốc-ki-na Pha-xô đang đẩy mạnh chính sách mở cửa, tập trung vốn, kỹ thuật vào việc phát triển nông nghiệp để tiến tới tự túc lương thực. Ngoài việc đẩy mạnh hợp tác ở khu vực Tây Phi và ngoài các bạn hàng truyền thống như Pháp, Ấn Độ, Xinh-ga-po và Thái Lan, Buốc-ki-na Pha-xô đang tìm cách mở rộng quan hệ với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế (IMF đã phê chuẩn một chương trình cải thiện chất lượng đầu tư công và đảm bảo tăng trưởng bền vững cho Buốc-ki-na Pha-xô giai đoạn 2013-2016) và các nước khác trong đó có Việt Nam.

    • Bất ổn an ninh ở nước láng giềng Ma-li, nguồn cung cấp năng lượng không ổn định và hệ thống giao thông kém phát triển là những thách thức dài hạn đối với nền kinh tế Buốc-ki-na Pha-xô.

      Một số thông tin kinh tế cơ bản (2017):

      - GDP (ngang giá sức mua): 35,68 tỷ USD

      - GDP đầu người (tính theo sức mua): 1.900 USD

      - Tăng trưởng GDP: 6,4%

      5. Quan hệ Việt Nam - Buốc-ki-na Pha-xô

      a. Quan hệ chính trị:

      - Việt Nam và Buốc-ki-na Pha-xô lập quan hệ ngoại giao ngày 16/11/1973. Đại sứ quán Việt Nam tại Ma-rốc kiêm nhiệm Buốc-ki-na Pha-xô. Đại sứ quán Buốc-ki-na Pha-xô tại Ấn Độ kiêm nhiệm Việt Nam.

      - Lãnh đạo Buốc-ki-na Pha-xô luôn khâm phục cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta và coi Việt Nam là tấm gương cổ vũ phong trào độc lập dân tộc của các nước đang phát triển, Phong trào Không liên kết. Hai nước phối hợp tốt trên các diễn đàn quốc tế, bạn ủng hộ ta ứng cử Hội đồng Chấp hành UNESCO (2015-2019), Hội đồng Kinh tế-xã hội LHQ (ECOSOC, 2016-2018).

      - Trao đổi đoàn: Ta: Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh (1996), Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa (204); Bạn: Bộ trưởng Ngoại giao (7/1997), Bộ trưởng Nông nghiệp (1997), Tổng thống Compaoré (2004), Bộ trưởng Thương mại (2010).

      - Các văn bản ký kết: Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, thương mại, văn hoá và KHKT (1996); Biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp Buốc-ki-na Pha-xô và Bộ Nông nghiệp Việt Nam, Nghị định thư hợp tác hai Bộ Ngoại giao, Hiệp định khung ba bên Việt Nam - Pháp - Buốc-ki-na Pha-xô về trao đổi công nghệ và năng lực (2004); Hiệp định ba bên Việt Nam - Pháp - Buốc-ki-na Pha-xô về chuyển giao công nghệ máy ép-đùn (2005), MOU về hợp tác giữa hai Phòng Công nghiệp và Thương mại (8/2010).

      b. Quan hệ kinh tế

      - Nông nghiệp: Tháng 4/2004, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, Tổng thống Buốc-ki-na Pha-xô bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác song phương trên các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, giáo dục, y tế cộng đồng theo mô hình 2+1 với sự tài trợ của FAO, Nhật Bản…Bạn đề nghị ta xem xét triển khai 02 dự án : (i) «NERICA » về giống lúa mới với kinh phí dự kiến là 16.9 triệu USD, trong 5 năm ; (ii)  «Dự án phát triển 1000 ha trồng lúa nước tại Soum, tỉnh Boulkiemde», kinh phí dự kiến là 11 triệu USD, trong 3 năm.  Tháng 7/2010, Đại biện lâm thời Buốc-ki-na Pha-xô tại Ấn Độ (kiêm nhiệm Việt Nam) làm việc với Bộ Nông nghiệp ta và nhất trí cùng tác động để Nhật Bản hỗ trợ tài chính để triển khai hai dự án này. Tuy nhiên, hiện tại các dự án này vẫn chưa được thực hiện.

      - Thương mại: Kim ngạch thương mại năm 2017 đạt 121,8 triệu USD.   

      c. Các lĩnh vực khác

      - Trong những năm 1980, dưới thời của cố Tổng thống Sankara (người theo tư tưởng Mác-xít), Buốc-ki-na Pha-xô đã lấy tên Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên cho một con đường chạy qua dinh Tổng thống. Hiện nay đường này đã được đổi tên thành 11 December là ngày Quốc khánh của Buốc-ki-na Pha-xô. 

      - Ngày 28/11/2004, trong chuyến thăm chính thức Buốc-ki-na Pha-xô, Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa và Bộ trưởng Thông tin Buốc-ki-na Pha-xô đã khánh thành tòa nhà TV5, món quà của Hà Nội tặng Ouagadougou.

      6. Thông tin CQĐD

      ĐSQVN tại Ma-rốc kiêm nhiệm Buốc-ki-na Pha-xô

      Địa chỉ: No 27 rue Mezzouda, Souissi – Rabat, Maroc

      Điện thoại: +212 537 65 92 10

      Fax: +212 537 65 92 56


Email : vnambassade@yahoo.com.vn         


 


ĐSQ Buốc-ki-na Pha-xô tại Ấn Độ kiêm nhiệm Việt Nam


Địa chỉ : F2/4 Vasant Vihar, New Delhi -110 057


Điện thoại : +9111 26140641/42


Fax: +9111 26140630


Email: embassy@burkinafasoindia.org


                                                           


Tháng 12/2018


 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer

EMC Đã kết nối EMC