Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ ba, ngày 19 tháng 11 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ NƯỚC CỘNG HÒA DÂN CHỦ LIÊN BANG Ê-TI-Ô-PI-A VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM


A. THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ CỘNG HÒA DÂN CHỦ LIÊN BANG Ê-TI-Ô-PI-A

I. Thông tin chung
 - Tên nước: Cộng hoà dân chủ Liên bang Ê-ti-ô-pi-a (Federal Democratic Republic of Ethiopia).
 - Thủ đô: A-đít A-ba-ba (Addis Ababa).
 - Ngày Quốc khánh: 28/5/1991 (ngày sụp đổ của chế độ quân sự độc tài Derg).
 - Vị trí địa lý: nằm hoàn toàn trong đất liền, thuộc vùng Sừng châu Phi, Đông giáp Xô-ma-li (Somalia) và Gi-bu-ti (Djibouti), Tây giáp Xu-đăng (Sudan), Nam giáp Kê-ni-a (Kenya) và Nam Xu-đăng (South Sudan), Bắc giáp Ê-ri-tơ-ri (Eritrea).
 - Diện tích: 1.104.300 km2
 - Khí hậu: nhiệt đới gió mùa thay đổi chủ yếu theo độ cao, từ vùng đất thấp phía Đông Bắc và vùng đất thấp phía Đông Nam đến ôn đới và mát mẻ ở vùng cao.
 - Dân số: 117,88 triệu  (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
 - Dân tộc: có hơn 80 dân tộc khác nhau, người Oromos (34,4%), Amharas (27%), Somalis (6,2%), Tigrayans (6,1%), Sidama (4%), Gurage (2,5%) và dân tộc khác.
 - Ngôn ngữ: Tiếng Amharic, Oromo, Tigray (chính thức), tiếng Anh.
 - Đơn vị tiền tệ: Ethiopian birr (1 USD = 52,14 ETB)
  - GDP: 111.271,11 tỷ USD (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
 - GDP/đầu người: 2.599,7 USD (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
 - Tôn giáo: Thiên Chúa giáo 50%, Hồi giáo 35%, Cổ truyền 15%.
 - Cơ cấu hành chính: chia làm 8 khu vực gồm Afar, Amhara, Benishangul-Gumaz, Gambela, Oromia, Somali, Nam Ethiopia và Tigray.
 - Lãnh đạo chủ chốt:
+ Tổng thống: Xa-lơ Guốc Giu-đơ (Sahle-Work Zewde) (từ tháng 10/2018);
+ Thủ tướng: A-bi A-mét (Abiy Ahmed) (từ tháng 4/2018, tái bổ nhiệm tháng 7/2021);
+ Chủ tịch Thượng viện: Ta-ghê-xê Cha-phô (Tagesse Chafo) (từ tháng 3/2018, tái bổ nhiệm tháng 10/2021);
+ Chủ tịch Hạ viện: A-ghe-ne-hu Tê-xa-gơ (Agegnehu Teshager) (từ tháng 10/2021);
+ Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao: Đê-mi-ki Mê-con-nen Hát-xen (Demeke Mekonnen Hassen) (từ tháng 11/2020).
 II.  Khái quát lịch sử:
Ê-ti-ô-pi-a là quốc gia độc lập lâu đời nhất ở châu Phi và lớn thứ hai về dân số. Cuối thế kỷ 19 (1896), quốc vương Mê-nê-lích đã thống nhất lãnh thổ, thành lập một nhà nước phong kiến tập quyền với tên gọi Ê-ti-ô-pi-a. Thời gian này, các đế quốc phương Tây bắt đầu xâm nhập vùng đất này.
Tháng 5/1935, phát xít Ý xâm lược Ê-ti-ô-pi-a. Ngoài 5 năm bị chiếm đóng bởi Ý (Mussolini lãnh đạo), Ê-ti-ô-pi-a chưa bao giờ bị đô hộ. Nhân dân Ê-ti-ô-pi-a đã tiến hành kháng chiến chống ngoại xâm. Năm 1941, lực lượng đồng minh Anh, Pháp với sự phối hợp của các chiến sĩ du kích Ê-ti-ô-pi-a đã đánh bại phát xít Ý, giải phóng Ê-ti-ô-pi-a nhưng vùng Eritrea vẫn đặt dưới sự uỷ trị của Anh. Hai-lê Xe-lát-xi - Thủ lĩnh Ta-fa-ri, người đã thâu tóm quyền lực và xưng vương từ 1930 từ nước ngoài trở về, tiếp tục duy trì nền quân chủ ở Ê-ti-ô-pi-a.
Đầu năm 1974, nhân dân Ê-ti-ô-pi-a do Men-ghít-xtu H. Ma-ri-am lãnh đạo đã nổi dậy làm cách mạng lật đổ chế độ Xe-lát-xi. Ngày 12/9/1974, Chính phủ mới ra đời.
Năm 1987, nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Ê-ti-ô-pi-a ra đời và Chính quyền Men-ghít-xtu tuyên bố đi theo hướng xã hội chủ nghĩa. Đầu 1989, Ê-ti-ô-pi-a bắt đầu tiếp xúc với Mỹ, đối thoại với EPLF (Mặt trận Nhân dân Giải phóng Ê-ri-tờ-rê-a) và EPRDF (Mặt trận Cách mạng Dân chủ Nhân dân Ê-ti-ô-pi-a) nhưng vẫn giữ chủ trương nhà nước Ê-ti-ô-pi-a thống nhất và chỉ đồng ý cho Eritrea tự trị.
Năm 1991, do sự sụp đổ của Liên Xô, Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Ê-ti-ô-pi-a tan rã, Lãnh tụ Men-ghít-xtu Hai-lê Ma-ri-am ra nước ngoài tị nạn chính trị. Tháng 2/1995, EPRDF giành thắng lợi trong bầu cử Quốc hội và từ 22/8/1995 chính thức lấy tên nước là Cộng hoà Dân chủ Liên bang Ê-ti-ô-pi-a.
III. Thể chế nhà nước, chế độ chính trị, đảng phái chính trị
- Thể chế nhà nước: Cộng hòa nghị viện liên bang. Tổng thống được bầu gián tiếp bởi Hạ viện và Thượng viện, Thủ tướng được bổ nhiệm bởi Đảng chiếm đa số sau bầu cử Quốc hội. Quyền lực nằm trong tay Thủ tướng.
- Cơ cấu Nghị viện: Quốc hội lưỡng viện gồm Thượng viện và Hạ viện. Thượng viện gồm 110 thành viên, mỗi thành viên đại diện cho mỗi 1 dân tộc, và bổ sung thêm đại diện cho mỗi 1 triệu dân số của dân tộc đó, được chỉ định bởi các hội đồng khu vực, có thể tự ứng cử bầu hoặc thông qua các cuộc bầu cử phổ thông. Hạ viện của Quốc hội Liên bang Ethiopia bao gồm 547 thành viên tương đương 547 ghế trong Hạ viện, được bầu với nhiệm kỳ 5 năm tại các khu vực bầu cử chọn ra một ghế.
- Các đảng phái chính trị chính: Hiện có 5 đảng phái chính trong Quốc hội, trong đó tiêu biểu là:
+ Đảng Thịnh vượng (Prosperity Party): Đảng cầm quyền, thành lập ngày 1/12/2019, tên mới của Mặt trận Dân chủ Cách mạng Nhân dân Ethiopia (EPRDF) (tồn tại từ 1988 đến 2019) của Thủ tướng đương nhiệm Abiy Ahmed. Chủ tịch Đảng là đương kim Thủ tướng Abiy Ahmed.
+ Phong trào Quốc gia của Amhara (National Movement of Amhara): thành lập tháng 6/2018, Chủ tịch đảng là Belete Molla.
+ Đảng Công dân Ethiopia vì Công bằng xã hội (Ethiopian Citizens for Social Justice): thành lập tháng 5/2019 và Chủ tịch đảng là Berhanu Nega.
+ Đảng Medrek, tên chính thức Diễn đàn Thống nhất Dân chủ Liên bang Ethiopia (the Ethiopia Federal Democratic Unity Forum): liên minh chính trị đối lập, được thành lập tháng 2008 và Chủ tịch đảng là Merera Gudina.
+ Đảng Mặt trận Giải phóng Dân tộc Ogaden (Ogaden National Liberation Front): thành lập năm 1984, ông Mohammed Omar Osman là Chủ tịch đảng.
Và nhiều đảng phái khác đang hoạt động như: Đại hội Liên bang Oromo (OFC), Mặt trận Giải phóng Oromo (OLF), Hibir Ethiopia (HE), Đảng Nhân dân Afar (APP), Arena Tigray (AT), Mặt trận Giải phóng Quốc gia Ogaden (ONLF), Phong trào Quốc gia Wolayta (WNM), Đảng Xanh Keffa (KGP), Diễn đàn Thống nhất Dân chủ Liên bang Ethiopia (EFDUF) và Mocha...
IV. Tình hình
1. Chính trị nội bộ
Quốc hội đã bầu Sahle-Work Zewde làm nữ tổng thống đầu tiên của Ethiopia vào tháng 10/2018.
Ông Abiy Ahmed đã được chọn để lãnh đạo liên minh Mặt trận Dân chủ Cách mạng Nhân dân Ethiopia cầm quyền (EPRDF) sau khi Thủ tướng Hailemariam Desalegn từ chức bất ngờ vào năm 2018. Tháng 4/2018, ông Abiy Ahmed trở thành Thủ tướng và khởi động chương trình cải cách trong và ngoài nước. Ngày 4/10/2021, Quốc hội Ethiopia tuyên bố Thủ tướng đương nhiệm Abiy Ahmed tiếp tục giữ chức vụ này với nhiệm kỳ 5 năm, sau khi Đảng Thịnh vượng (The Prosperity Party (PP) của Thủ tướng Abiy Ahmed giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử. Ngoại trưởng Demeke Mekonnen Hassen giữ chức vụ Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và cũng là Phó Chủ tịch Đảng Thịnh vượng.
+ Vấn đề người dân tộc Oromo: Oromo là dân tộc lớn nhất Ê-ti-ô-pi-a (chiếm khoảng 34% dân số theo thống kê năm 2007); cư trú chủ yếu ở vùng Oromo bao quanh thủ đô A-đít A-ba-ba. Từ cuối năm 2015, Chính phủ Ê-ti-ô-pi-a công bố kế hoạch mở rộng thủ đô A-đít A-ba-ba và đô thị hóa vùng Oromia, gây phẫn nộ trong cộng đồng dân tộc Oromo vì họ coi đây là một kế hoạch lấn chiếm đất đai. Từ đó nổ ra rất nhiều cuộc biểu tình chống chính phủ. Tháng 2/2018, dưới sức ép của những cuộc biểu tình, Thủ tướng Desalegn Hailemariam từ chức, mở đường cho tân Thủ tướng Abiy Ahmed-người của tộc Oromo lên nằm quyền, xoa dịu căng thẳng trong nước.
2. Kinh tế - Xã hội
- Nông nghiệp chiếm vị trí hàng đầu trong nền kinh tế quốc dân (85% lao động, 90% tổng thu xuất nhập khẩu, 46% tổng sản phẩm nội địa). Cho đến nay, chỉ có hơn 10% trong tổng số 790.000 km2 đất nông nghiệp được khai thác. Những cây trồng chính để xuất khẩu là: Cà phê (rất nổi tiếng), bông, dứa sợi, thuốc lá, hoa quả, hạt tiêu, mía, gỗ... Ê-ti-ô-pi-a có số lượng đàn gia súc lớn nhất châu Phi và đứng thứ 10 trên thế giới, cung cấp thịt sữa, da cho ngành công nghiệp chế biến.
Chính phủ Ê-ti-ô-pi-a đã thông qua Kế hoạch phát triển Tăng trưởng và Chuyển đổi và chính sách kinh tế chuyển tiếp (TEP), đề cao vai trò của khu vực tư nhân, khuyến khích viện trợ nước ngoài, ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ công nghiệp hóa và đô thị hóa. Chính sách này bước đầu đã gây được sự chú ý của các công ty nước ngoài, các nước châu Âu đã quyết định tăng viện trợ cho Ê-ti-ô-pi-a. Ê-ti-ô-pi-a được coi là hình mẫu phát triển của châu Phi với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất khu vực, duy trì trung bình 9%/năm trong suốt giai đoạn từ năm 2011-2019. Chính phủ của Thủ tướng Abiy Ahmed cầm quyền thực hiện nhiều cải cách mạnh mẽ (mở cửa nền kinh tế, đẩy mạnh tư nhân hóa và thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó ưu tiên lĩnh vực viễn thông, nông nghiệp, hạ tầng…), phấn đấu đưa Ê-ti-ô-pi-a trở thành nước có thu nhập trung bình vào 2025.
+ Mặt hàng xuất khẩu chính: cà phê, vàng, sản phẩm da, động vật sống, các loại hạt lấy dầu
+ Mặt hàng nhập khẩu chính: lương thực, động vật sống, dầu và sản phẩm dầu mỏ, hoá chất, máy móc, phương tiện giao thông, ngũ cốc, dệt may
+ Các đối tác thương mại chính: Trung Quốc, Mỹ, Hà Lan,  Thụy Sỹ, Ả-rập Xê-út, Đức, Ấn Độ…
 - Ê-ti-ô-pi-a xếp hạng 173/189 về Chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2019. Tỷ lệ thất nghiệp năm 2021 đạt khoảng 3,69%. Tỷ lệ người lớn biết chữ đạt khoảng 51,8% (2017).
3. An ninh - quốc phòng
- Xung đột tại vùng Tigray: Đầu năm 2020, Đảng Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray (TPLF), một trong 4 Đảng trong liên minh cầm quyền tuyên bố rời liên minh, phản đối việc sát nhập các đảng phái sắc tộc thành một chính đảng cầm quyền có tên Đảng Thịnh vượng (Prosperity Party - PP) của Thủ tướng đương nhiệm Abiy Ahmed . Mâu thuẫn giữa đảng TPLF và Chính quyền Thủ tướng Abiy Ahmed càng căng thẳng khi Đảng này phản đối quyết định hoãn tổng tuyển cử ngày 29/8/2020 và đơn phương tổ chức bầu cử Quốc hội riêng vào ngày 9/9/2020. Chính phủ Ê-ti-ô-pi-a thể hiện lập trường cứng rắn, không công nhận cuộc bầu cử, cáo buộc Đảng TPLF có hoạt động phản quốc và đã ra lệnh tấn công quân sự vào vùng Tigray từ ngày 04/11/2020, từ chối mọi nỗ lực trung gian hòa giải quốc tế. Ngày 28/11/2021, Chính phủ Ê-ti-ô-pi-a tuyên bố chấm dứt chiến dịch quân sự, giành quyền kiểm soát các thành phố chính ở Tigray. TPLF rút quân về vùng núi, thỉnh thoảng vẫn xảy ra giao tranh với quân đội chính quyền liên bang. Liên hợp quốc đánh giá tình hình an ninh, nhân đạo tại Tigray rất đáng lo ngại.
V. Chính sách đối ngoại
Ê-ti-ô-pi-a thực hiện đường lối đối ngoại hoà bình, hữu nghị, hợp tác với tất cả các nước, không phân biệt chế độ chính trị. Ê-ti-ô-pi-a tranh thủ tối đa viện trợ của các nước để phục hồi và phát triển kinh tế.
Với vị trí trung tâm ở vùng Sừng châu Phi, cửa ngõ của khu vực Đông phần châu Phi, Ê-ti-ô-pi-a là nơi đóng trụ sở của hơn 90 tổ chức quốc tế và khu vực như UN, UNDP, WB, AU… Ê-ti-ô-pi-a là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, WTO (quan sát viên), Liên minh châu Phi (AU), Thị trường chung Đông và Nam Phi (COMESA)...  Với Ê-ri-tơ-ri-a, Ê-ti-ô-pi-a đã ký Hiệp định Hòa bình Algiers vào tháng 12/2000 tại Algeria để chấm dứt chiến tranh biên giới (1998-2000), giải quyết tranh chấp chủ quyền tại vùng Badme và đạt được thỏa thuận hòa bình, nối lại quan hệ ngoại giao tháng 7/2018. Với Ai Cập và Xu-đăng, Ê-ti-ô-pi-a vấp phải sự phản đối mạnh mẽ do Ê-tì-ô-pi-a cho xây từ năm 2011 và đưa vào vận hành Đập Thủy điện Đại phục hưng lớn nhất châu Phi do lo ngại đập sẽ làm gián đoạn dòng chảy của sông Nile, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh nguồn nước và an ninh nông nghiệp của hai nước.
B. QUAN HỆ VIỆT NAM – Ê-TI-Ô-PI-A
I. Quan hệ chính trị
- Thiết lập quan hệ ngoại giao: Việt Nam và Ê-ti-ô-pi-a thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23/02/1976. Ta mở Đại sứ quán tại Ê-ti-ô-pi-a năm 1978 nhưng đóng cửa 1992 do khó khăn về kinh tế.
- Cơ quan đại diện: Đại sứ quán Việt Nam tại Tan-da-ni-a kiêm nhiệm Ê-ti-ô-pi-a. Đại sứ quán Ê-ti-ô-pi-a tại Hàn Quốc kiêm nhiệm Việt Nam.
- Hoạt động trao đổi đoàn:
+ Đoàn Việt Nam thăm Ê-ti-ô-pi-a: Phó Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ (1978); Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Nguyễn Văn Chính dự lễ thành lập nước CHDC Ê-ti-ô-pi-a (9/1987); Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Chủ tịch HĐBT (12/1980); Thứ trưởng Ngoại giao Lê Lương Minh (4/2012), TLBT Ngoại giao Phạm Sanh Châu (11/2016); Chủ tịch nước Trần Đại Quang (8/2018).
+ Đoàn Ê-ti-ô-pi-a thăm Việt Nam: Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Ê-ti-ô-pi-a (2004); Tổng Vụ trưởng Vụ Thanh tra và Kiểm toán Ê-ti-ô-pi-a (2006); đoàn Phòng Thương mại và Công nghiệp Ê-ti-ô-pi-a (2009); Cố vấn cấp cao về kinh tế của Thủ tướng  tham dự Hội thảo Việt Nam - châu Phi lần 2 (2010); Thứ trưởng Nông nghiệp Ê-ti-ô-pi-a(10/2012); Phó Thủ tướng Ê-ti-ô-pi-a (11/2014); Bộ trưởng Lao động và các vấn đề xã hội (3/2016), Bộ trưởng Doanh nghiệp công (4/2016), Thị trưởng bang Mekelle (4/2016), Cố vấn Thủ tướng Ê-ti-ô-pi-a (4/2016).
II. Hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư
1. Tháng 4/2014, Ê-ti-ô-pi-a đã công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.
2. Thương mại
Năm 2020, kim ngạch song phương đạt khoảng 10,2 triệu USD; năm 2019 đạt khoảng 9,6 triệu USD. Năm 2021 dự kiến kim ngạch duy trì ở mức trên 10 triệu USD. Việt Nam xuất chủ yếu là sản phẩm hóa chất, bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc và nhập nguyên phụ liệu dệt may, da giày...
III. Hợp tác trong các lĩnh vực khác
Hợp tác trong các vấn đề khu vực và đa phương: Việt Nam có quan hệ truyền thống tốt đẹp với Ê-ti-ô-pi-a. Hai nước tích cực ủng hộ ứng cử vào các tổ chức đa phương. Ê-ti-ô-pi-a ủng hộ ta ứng cử Hội đồng Chấp hành UNESCO (2015-2019), Hội đồng Kinh tế-xã hội LHQ (ECOSOC 2016-2018), Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ 2020-2021.
IV. Các Hiệp định, thỏa thuận đã ký giữa hai nước
Hiệp định khung về hợp tác văn hoá và Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật (1978), MOU hợp tác giữa VCCI và Phòng TM&CN Ê-ti-ô-pi-a (2009); Hiệp định miễn thị thực cho người mang HCNG và công vụ (2018) (Ta đã phê chuẩn, đang chờ Bạn phê chuẩn để Hiệp định có hiệu lực); Bản ghi nhớ về hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao (2018); Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Ủy ban Đầu tư Ê-ti-ô-pi-a (2018).
VI. Thông tin Cơ quan đại diện
 Đại sứ quán Ê-ti-ô-pi-a tại Hàn Quốc.
Địa chỉ: 20 HoeNaMu-Ro 44-Gil Yongsan - Gu, Seoul, the Republic of Korea.
Điện thoại:  +8227909766
Email: pr.et.seoul@gmail.com; embassyethio@gmail.com
Fax: +8227900156
 Đại sứ quán Việt Nam tại Tanzania
Địa chỉ: Plot 15, Bongoyo Road, Oysterbay, PO Box: 9724 Dar Es Salaam
Điện thoại: (+255) 222664535
Email: vnemb.tz@mofa.gov.vnFax: (+255) 222664537

Tháng 8/2022

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer