TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ NƯỚC CỘNG HOÀ GA-NA VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM
A. THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ
NƯỚC CỘNG HOÀ GA-NA
I. Thông tin chung
Tên nước: Cộng hoà Ga-na (Republic of Ghana)
Thủ đô: A-cơ-ra (Accra)
Quốc khánh: 06/3/1957 (Ngày giành độc lập từ Anh)
Vị trí địa lý: ở Tây Phi, giáp Buốc-ki-na Pha-xô về phía Bắc, Tô-gô về phía Đông, Bờ Biển Ngà (Côte d’Ivoire) về phía Tây và Vịnh Ghi-nê về phía Nam.
Diện tích: 239.000 km2
Khí hậu: Nhiệt đới
Dân số: 31,7 triệu người (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
Dân tộc: hơn 70 dân tộc, dân tộc Akan chiếm đa số (47,5%).
Ngôn ngữ: tiếng Anh
Đơn vị tiền tệ: Cedi (GHS) (1 USD = 7,98 GHS)
GDP: 77,6 tỷ USD (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
GDP/đầu người: 2.445 USD (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
Tôn giáo: Thiên Chúa giáo (68%), Hồi giáo (16%), Cổ truyền (16%).
Cơ cấu hành chính: gồm 16 vùng chính.
Lãnh đạo chủ chốt:
+ Tổng thống: Na-na A-cu-phô Át-đô (Nana Akufo Addo) (từ tháng 01/2017, tái đắc cử tháng 12/2020);
+ Phó Tổng thống: Ma-ha-mu-đu Ba-u-mi-a (Mahamudu Bawumia) (từ tháng 01/2017);
+ Chủ tịch Nghị viện: An-ban Kinh-phoóc Xu-ma-na Bác-bin (Alban Kingsford Sumana Bagbin) (từ tháng 01/2021);
+ Bộ trưởng Ngoại giao và Hội nhập khu vực: Bà Xơ-li Ay-o-co Bốt-chơ-uây (Shirley Ayorkor Botchwey) (từ tháng 01/2017).
II. Khái quát lịch sử
Năm 1471, thực dân Bồ Đào Nha xâm chiếm Vương quốc Sarakolle (trải dài từ sông Niger tới bờ biển Đại Tây Dương) và đặt tên là "Bờ Biển Vàng". Năm 1740, Hà Lan thay thế Bồ Đào Nha. Năm 1874, Anh chiếm đóng Bờ Biển Vàng và đến năm 1919 Bờ Biển Vàng chính thức trở thành thuộc địa của Anh.
Tháng 02/1957, Anh buộc phải tuyên bố Bờ Biển Vàng độc lập dù vẫn thuộc khối Liên hiệp Anh. Ngày 06/3/1957, Bờ Biển Vàng tuyên bố độc lập và đổi tên là Ga-na. Đây là nước thứ hai trong khối thuộc địa Anh ở châu Phi độc lập (sau Li-bê-ri-a).
Ngày 01/7/1960, nước Cộng hoà Ga-na được thành lập do ông Qua-mơ
En-cru-ma (Kwame Nkrumah) làm Tổng thống. Giai đoạn trước 1981, Ga-na trải qua nhiều cuộc đảo chính trước khi Trung uý Jerry Rawlings lên nắm quyền và cấm các đảng phái chính trị hoạt động.
Năm 1992, Hiến pháp mới được thông qua và thiết lập lại chế độ đa đảng. Ông Jerry Rawlings rút khỏi quân đội, thành lập Đảng Đại hội Dân tộc Dân chủ (NDC), ra tranh cử, trở thành Tổng thống đầu tiên của nền Cộng hòa thứ 4 của Ga-na năm 1992 và tái đắc cử năm 1996.
III. Thể chế nhà nước, chế độ chính trị, đảng phái chính trị
- Ga-na theo thể chế Cộng hoà Tổng thống. Tổng thống là người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ, được bầu theo nhiệm kỳ 4 năm, giới hạn tối đa 2 nhiệm kỳ.
- Cơ cấu nghị viện: Quốc hội đơn viện gồm 275 ghế, nhiệm kỳ 4 năm, được bầu trực tiếp theo các khu vực bầu cử.
- Các đảng phái chính trị: có khoảng 30 đảng phái chính trị hoạt động tại Ga-na, tiêu biểu là:
+ Đảng Người yêu nước mới (New Patriotic Party - NPP) cầm quyền của Tổng thống Na-na A-cu-phô Át-đô: thành lập năm 1992, Chủ tịch là Freddie Blay.
+ Đảng Đại hội Dân tộc Dân chủ (National Democratic Congress - NDC) đối lập: thành lập năm 1992, Chủ tịch là Samuel Ofosu-Ampoto.
+ Đảng Phong trào Liên hiệp Ga-na (Ghana Union Movement - GUM): thành lập năm 2019, Chủ tịch là Christian Kwabena Andrews.
IV. Tình hình
1. Chính trị nội bộ
- Các kỳ bầu cử Tổng thống gần đây tại Ga-na đều được tổ chức một cách minh bạch và chuyển giao quyền lực hòa bình. Ông Nana Akufo Addo - cựu Bộ trưởng Ngoại giao đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống cuối năm 2016, chính thức nhậm chức tháng 1/2017 và tái đắc cử cuối năm 2020.
2. Kinh tế - xã hội
- Kinh tế Ga-na phát triển năng động, chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên (vàng, dầu lửa), sản xuất nông nghiệp (cacao) và các ngành dịch vụ. Từ giữa tháng 12/2010, ngành sản xuất dầu khí tại Ga-na đã bắt đầu hoạt động và được kỳ vọng là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (mỏ dầu ngoài khơi Jubilee có trữ lượng lên tới 3 tỷ thùng).
+ Các sản phẩm xuất khẩu chính: Cacao, dầu, vàng, gỗ, bauxite, nhôm, quặng manga, thiết bị nhà bếp, dược phẩm và nông sản (hạt điều, bơ, xoài,...)
+ Các sản phẩm nhập khẩu chính: Xe cơ giới, xi-măng, ống kim loại cơ bản, dây dẫn điện cao thế, dầu mỏ tinh luyện, xe xây dựng cỡ lớn, đồ điện tử, máy móc công nghiệp...
+ Các đối tác thương mại chính: Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Thụy Sĩ, Anh, Bỉ, Hà Lan...
- Ga-na xếp hạng 138/189 về chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2020. Tỷ lệ thất nghiệp khoảng 4-5% năm 2021. Tỷ lệ biết chữ đạt 79% dân số (2018).
3. An ninh - quốc phòng
- Phong trào ly khai vùng phía Đông Ga-na: Mặt trận tái thiết Tây Togoland (WTRF) - nhóm ly khai vùng phía Đông Ga-na giáp Tô-gô đẩy mạnh phong trào đòi tự trị từ 2017 thông qua các vụ tấn công bạo lực nhằm vào lực lượng cảnh sát và cướp kho vũ khí vào tháng 9/2020 .
V. Chính sách đối ngoại
- Ga-na thực hiện đường lối đối ngoại đa dạng hoá, đa phương hoá, là thành viên tích cực của Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS), Liên minh châu Phi (AU), Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF).
- Trên các diễn đàn quốc tế, Ga-na giữ lập trường trung lập tích cực.
Ga-na là quốc gia tiên phong thúc đẩy hội nhập khu vực Tây Phi và hội nhập toàn châu Phi.
B. QUAN HỆ VIỆT NAM - CỘNG HOÀ GA-NA
I. Quan hệ chính trị
- Thiết lập quan hệ ngoại giao: Việt Nam và Ga-na lập quan hệ ngoại giao ngày 25/3/1965.
- Cơ quan đại diện: Việt Nam đã từng mở Đại sứ quán tại A-cơ-ra ngày 05/11/1965 và đóng cửa tháng 6/1966 sau cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Kwame Nkruma. Ga-na mở Đại sứ quán ở Hà Nội ngày 11/11/1965 và đóng cửa tháng 6/1966 cũng sau sự kiện trên. Hiện nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Ni-giê-ri-a kiêm nhiệm Ga-na và Đại sứ quán Ga-na tại Ma-lai-xi-a kiêm nhiệm Việt Nam.
- Hoạt động trao đổi đoàn:
+ Đoàn Việt Nam thăm Ga-na: Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ (2008).
+ Đoàn Ga-na thăm Việt Nam: Tổng thống Qua-mơ En-cru-ma (Kwame Nkrumah) (1966); Bộ trưởng Nghề cá I-sma-en A-si-ti (Ishmael Ashitey) (2002); Bộ trưởng Giáo dục trong chương trình thăm quan học tập do Ngân hàng Thế giới tài trợ (2006).
II. Hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư
1. Thương mại
Ga-na là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam ở châu Phi. Kim ngạch song phương năm 2020 đạt 590,8 triệu USD trong đó Việt Nam xuất khẩu 363,3 triệu USD chủ yếu là gạo, sản phẩm dệt may, sắt thép, hàng tiêu dùng, nhập khẩu 227,5 triệu USD chủ yếu là hạt điều, gỗ. Năm 2021, kim ngạch song phương đạt 783,9 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất 480,7 triệu USD chủ yếu là gạo.
2. Nông nghiệp
Tháng 6/2014, dự án nuôi tôm thương mại do Công ty TNHH Ghavie (doanh nghiệp tư nhân do một số người Ga-na và Việt Nam thành lập từ 8/2013) thực hiện. Dự án đã nuôi thành công 200.000 tôm sú và 500.000 tôm thẻ chân trắng địa phương và công suất tối đa đạt 15 triệu tôm non/tháng.
III. Hợp tác trong các lĩnh vực khác
Hai nước phối hợp tốt trên các diễn đàn quốc tế. Gần đây, Ga-na ủng hộ Việt Nam là Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
IV. Cộng đồng Việt Nam tại Ga-na
- Trước đại dịch Covid-19, có khoảng 50 người Việt Nam đang sống và làm việc tại Ga-na, chủ yếu làm hiệu ảnh, buôn bán (gạo, gỗ, nông sản…)
V. Các Hiệp định, thoả thuận đã ký kết giữa hai nước
- Bản Ghi nhớ về Hợp tác song phương trong lĩnh vực Nghề cá và Phát triển Lúa gạo (2002).
VI. Thông tin Cơ quan đại diện
Đại sứ quán Việt Nam tại Ni-giê-ri-a kiêm nhiệm Ga-na
Địa chỉ: No. 9, Avenue River Niger, Maitama District, Abuja
ĐT: +234 9 8703678
Fax: +234 9 8703679
Email: vnemb.ng@mofa.gov.vn hoặc dsqvnnigeria@yahoo.com
Cao ủy quán Cộng hòa Ga-na tại Malaysia kiêm nhiệm Việt Nam
Địa chỉ: 14 Jalan Ampang Hilir 55000 Kuala Lumpur, Malaysia
ĐT: +60(3)42526995 | +60(3)42579703
Fax: +603-42578698
Email: kualalumpur@mfa.gov.gh/ info@ghanacom.org.my
Tháng 8/2022
![]() ![]() ![]() ![]() |