BỘ NGOẠI GIAO
------
TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ VƯƠNG QUỐC MA-RỐC
VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM

I. Thông tin cơ bản về Vương quốc Ma-rốc:
1. Khái quát:
- Tên nước:
Vương quốc Ma-rốc (Royaume du Maroc).
- Thủ đô: Ra-bát
(Rabat).
- Vị trí
địa lý: nằm ở Bắc Phi, bên bờ Địa Trung Hải và Đại Tây Dương, có biên
giới chung với các nước An-giê-ri và Tây Xa-ha-ra.
- Khí hậu: Phía Bắc chịu ảnh hưởng của khí hậu Địa Trung
Hải, mùa đông lạnh và mưa, mùa hè nóng và khô; phía Nam chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới và sa mạc.
- Diện tích:
458.730 km2 (nếu tính cả vùng tranh chấp với Cộng hoà A-rập Xa-ra-uy Dân chủ là
710.850 km2).
- Dân số: 34 triệu (2017); (99% là
người A-rập Béc Be, 1% là dân tộc thiểu số khác).
- Tôn giáo: 99% theo đạo Hồi, 1% theo các
tôn giáo khác.
- Ngôn ngữ: tiếng Ả-rập và tiếng Béc-be
là ngôn ngữ chính thức, tiếng Pháp được sử dụng rộng rãi.
- Đơn vị tiền tệ: Dirham (1 USD = 9,43 Dirham).
- Ngày Độc lập: 18/11/1955.
- Ngày Quốc khánh: 30/7/1999 (ngày Vua
Mohamed VI lên ngôi).
- Vua: Mô-ha-mét VI (Mohammed
VI từ 30/7/1999).
- Thủ tướng: Xa-át Ét-đin En Ốt-ma-ni (Saad
Eddine El Othmani, từ 5/4/2017).
- Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác Quốc
tế: Nát-xe Bu-ri-ta (Nasser
Bourita, từ 5/4/2017).
2/ Lịch sử:
Vương quốc Ma-rốc hình thành vào thế kỷ
11 với một nền thương mại phát triển. Ma-rốc có quan hệ buôn bán với nhiều quốc
gia châu Âu, Trung Cận Đông và các nước châu Phi. Từ 1901, thực dân Pháp xâm
lược Ma-rốc. Năm 1912, Pháp, Tây Ban Nha ký Hiệp ước Madrid cùng nhau chiếm
đóng Ma-rốc. Cũng năm 1912 với Hiệp ước Fès, Ma-rốc trở thành xứ bảo hộ của
Pháp, phía Bắc vẫn do Tây Ban Nha kiểm soát. Trước cuộc đấu tranh đòi độc lập
của nhân dân Ma-rốc, Pháp (7/4/1955) và Tây Ban Nha (7/4/1956) phải công nhận
độc lập của Ma-rốc. Ngày14/8/1957 Vua Mohamed V lập Vương quốc Ma-rốc. Khi
Mohamed V chết, con trai Hassan II lên thay. Sau khi Hassan II chết, con trai
là Sidi Mohamed lên ngôi vua và trị vì từ tháng 7/1999 đến nay.
3. Chính trị:
Ma-rốc theo chế độ quân chủ lập hiến.
Vua là người có quyền lực cao nhất. Theo Hiến pháp sửa đổi (tháng 7/2011), Vua
là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, đứng đầu Hội đồng Tối cao về An ninh; có
quyền bổ nhiệm Thủ tướng (đại diện đảng giành nhiều ghế nhất trong cuộc bầu cử
quốc hội); bổ nhiệm và miễn nhiệm các Bộ trưởng, Thống đốc, Tỉnh tưởng theo đề
nghị của Thủ tướng; giải tán Quốc hội…
Quốc hội Ma-rốc gồm hai viện (Thượng viện và Hạ viện). Thượng viện có 270 thành viên, được
bầu trong số các thành viên Hội đồng vùng và xã với nhiệm kỳ 9 năm, trong đó 1/3 được bầu lại sau 3 năm. Hạ viện có 395 thành viên, được bầu theo hình thức phổ
thông đầu phiếu với nhiệm kỳ 5 năm.
Trước các tác động của Mùa Xuân Ả-rập, Ma-rốc tiếp tục duy
trì được ổn định chính trị xã hội nhờ các biện pháp cải cách chính trị, kinh tế
kịp thời: trưng cầu dân ý sửa đổi Hiến pháp và bầu cử Quốc hội trước thời hạn (2011);
cải tổ nội các (2013), cải cách hệ thống hưu trí, tiền lương, quỹ trợ giá, bầu
cử Thượng viện (2015) và Hạ viện (10/2016)…
Tháng 10/2016, Đảng Công lý và Phát triển (PJD) có tư
tưởng hồi giáo ôn hòa tiếp tục giành thắng lợi tại cuộc bầu cử Hạ viện với
125/395 ghế. Tuy nhiên, do cựu Thủ tướng Áp-đen-i-la Ben-ki-ran thất bại trong
việc thành lập chính phủ liên minh, ngày 5/4/2017, Quốc vương Ma-rốc chỉ định
người thứ 2 của đảng PJD Xa-át Ét-đin En Ốt-ma-ni làm Thủ tướng và thành lập
được Chính phủ mới.
4. Đối
ngoại :
Ma-rốc theo đường lối đối ngoại trung
lập, thời gian gần đây tăng cường quan hệ với các nước lớn như Mỹ, Pháp, GCC… để
tranh thủ các điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế và sự ủng hộ của các
nước này đối với vấn đề Tây Xa-ha-ra. Gần đây, Ma-rốc đầu tư nhiều tại châu Phi (80% đầu tư ra nước ngoài của Ma-rốc là
tại châu Phi, với số vốn đăng ký 8 tỷ USD trong các năm 2015 - 2016). Từ khi
lên ngôi (1999), Vua Ma-rốc đã thực hiện hơn 40 chuyến thăm cấp cao, ký 3200
thỏa thuận/hiệp định và tham gia 40 ủy ban hợp tác với các nước châu Phi Nam
Xa-ha-ra.
Ma-rốc là
thành viên Liên hợp quốc, Phong trào KLK, Liên đoàn A-rập, Liên minh Maghreb,
WTO… Tháng 11/1984, Ma-rốc tuyên bố rút khỏi AOU (tiền thân của Liên minh châu Phi) để phản đối OAU kết nạp Cộng
hoà A-rập Xa-ra-uy Dân chủ (RASD) làm thành viên. Tháng 1/2017, Ma-rốc chính
thức được AU tái kết nạp. Ma-rốc tích cực tham gia vào các hoạt động của tổ
chức, đặc biệt trong các vấn đề di cư[1],
đảm bảo an ninh, hòa bình[2],
tham gia Hiệp định thành lập thương mại tự do châu Phi (AcFTA). Hiện Ma-rốc đã được
chấp thuận về nguyên tắc gia nhập Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS).
Ngày
24/7/2016, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 đã tuyên bố kết nạp
Ma-rốc làm thành viên Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC). Tháng
9/2016, Ma-rốc đã nộp hồ sơ đề nghị trở thành Đối tác Đối thoại theo lĩnh vực
của ASEAN.
Tuy
nhiên tại phiên họp tháng 5/2018, SOM ASEAN đánh giá Maroc chưa đủ điều kiện để
trở thành SDP do hợp tác còn khiêm tốn.
5. Kinh tế:
- Cơ cấu kinh tế: Nông nghiệp 14,8%, công nghiệp 29,1%,
dịch vụ 56%.
- GDP (PPP): 300
tỷ USD; GDP thực tế 111 tỷ USD (2017).
- GDP bình quân đầu người: 8.600
USD/năm (2017).
- Tăng trưởng GDP: 4,1% (2017).
Maroc
hiện là một trong năm nền kinh tế lớn nhất châu Phi.
40% dân số Ma-rốc làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp.
Nông phẩm chính có đại mạch, tiểu mạch, ngô, khoai tây, bông, chà là, cam,
quýt, nho và một số cây ăn quả khác. Tuy nhiên thời gian qua hạn hán gây ảnh
hưởng nặng đến nông nghiệp Ma-rốc.
Ma-rốc có thế mạnh về du lịch (trung bình đón 11 triệu
khách du lịch một năm). Hệ thống tài chính Ma-rốc tương đối phát triển.
Casablanca là trung tâm tài chính thứ 2 châu Phi, sau Johanesburg của Nam Phi. Ba
ngân hàng lớn nhất Ma-rốc có mặt tại 10 nước châu Âu và 22 nước châu Phi.
Ma-rốc có trữ lượng phốt phát (PO4) lớn nhất thế giới
(khoảng 50 tỷ tấn, chiếm hơn 3/4 trữ lượng thế giới), đứng đầu thế giới về xuất
khẩu và thứ 3 về sản xuất; các mặt hàng xuất khẩu chính: quần áo, hàng dệt may,
thiết bị điện, hóa chất, phốt phát, rau củ quả… Nhập khẩu: dầu thô, nguyên liệu
dệt, thiết bị điện, chất dẻo... Các bạn hàng chính: Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Ý,
Ấn Độ, Mỹ, Trung Quốc,…
Theo
báo cáo của Doing Business năm 2017, Ma-rốc xếp hạng 68/190 nước xếp hạng (tăng
60 bậc trong 8 năm), xếp hạng 1 ở Bắc Phi, thứ 3 ở châu Phi. Ma-rốc đứng thứ 2
châu Phi về thu hút FDI (6,6 tỷ USD năm 2016), đồng thời là nhà đầu tư lớn thứ
3 với 80 dự án tại châu Phi năm 2016 trị giá 5 tỷ USD. Ma-rốc có nhu cầu phát
triển năng lượng sạch, xây dựng nhà máy năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới,
cung cấp điện cho 1 triệu gia đình, đặt mục tiêu sử dụng 52% năng lượng sạch
vào năm 2030.
Năm
1999, Maroc thành lập khu tự do kinh tế Tanger Free Zone ở phía Đông Bắc Maroc nhằm
tạo ra một môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư thông qua việc ban hành: (i)
các ưu đãi về thuế [3]; (ii) sự
hỗ trợ của Nhà nước Maroc [4];
(iii) đơn giản hóa các thủ tục hành chính [5].
Cho đến nay, Tanger Free Zone khá thành công trong việc thu hút các nhà đầu tư
châu Âu, nhất là Pháp và Tây Ban Nha, đặc biệt là ngành công nghiệp ô –tô. Hãng
xe Renault của Pháp hiện là nhà đầu tư lớn nhất vào khu vực này với 2,1 tỷ euro.
Khu vực này đóng góp đáng kể vào việc xuất khẩu ô – tô và phụ tùng, chiếm 80%
xuất khẩu ô –tô và phụ tùng; có khoảng 500 xí nghiệp trong 30 lĩnh vực sản
xuất, tạo ra 60.000 việc làm.
II. Quan hệ Việt Nam – Ma-rốc:
Quan hệ chính trị:
Việt Nam và Ma-rốc lập quan hệ ngoại giao ngày
27/3/1961.
Trước
đây, Ma-rốc có quan hệ với chính quyền Sài Gòn, không để ta đặt cơ quan đại
diện tại Ra-bát và từ chối Đại sứ ta sang trình thư uỷ nhiệm. Tháng 3/2006, hai nước đã cử Đại sứ thường trú
tại thủ đô của nhau.
Quan hệ giữa hai nước đang phát triển tốt. Kỳ họp lần thứ 4 Ủy
ban hỗn hợp Việt Nam - Ma-rốc và Tham vấn chính trị
lần thứ 5
giữa Bộ Ngoại giao hai nước đã được tổ chức vào tháng 4/2018 tại Hà Nội.
Hai nước thường xuyên phối hợp lập trường và ủng hộ lẫn
nhau tại các diễn đàn quốc tế: Ma-rốc ủng hộ Việt Nam làm Ủy viên không thường
trực HĐBA/LHQ khoá 2020-2021 (bằng văn bản), Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Kinh
tế Xã hội, Ban Chấp hành UNESCO, Hội đồng Ủy ban Luật pháp quốc tế, Hội đồng
Điều hành Liên minh Bưu chính thế giới. Ta ủng hộ Ma-rốc vào Hội đồng Nhân
quyền, Hội đồng Ủy ban Luật pháp quốc tế và Hội đồng Điều hành Liên minh Bưu
chính thế giới. Tháng 2/2014, Ma-rốc công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị
trường đầy đủ.
Ngày 17/3/2017, Hội hữu nghị Ma-rốc – Việt Nam được thành
lập do Cao Ủy Ma-rốc về Cựu chiến binh El Ktiri làm Chủ tịch.
Tháng 3/2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang ký quyết định
trao Huân chương Hữu nghị cho cựu Đại sứ Ma-rốc tại Việt Nam Ông El Houcine
Fardani.
Hợp tác khác:
Về thương mại, kim ngạch thương mại song
phương năm 2017 đạt khoảng 169,2 triệu USD (giảm so với mức 190 triệu USD của năm
2016). Trong đó ta xuất (155,6 triệu USD) các mặt
hàng điện thoại di động và linh kiện, máy vi tính, cà phê, giày dép các loại,
sản phẩm dệt may, máy tính, linh kiện, hải sản, máy móc thiết bị…. Ta nhập 13,6 triệu USD các mặt hàng máy vi tính,
sản phẩm điện tử, hải sản, các hàng hóa khác…
Về giáo dục đào tạo, từ năm 2011, Bạn
dành cho ta 10 học bổng/năm. Hiện có 20 sinh viên Việt Nam đang học tập tại
Ma-rốc. Năm 2014, Phía Ma-rốc đã giúp đào tạo 2 phóng viên tiếng Pháp cho báo
Le Courrier du Vietnam. Từ 2016, Ma-rốc mời 01 đại diện của Bộ Ngoại giao dự
Khóa đào tạo về ngoại giao tại Ma-rốc.
Về nông nghiệp: Hai nước đang nghiên cứu
khả năng hợp tác thực hiện dự án hợp tác nông nghiệp 3 bên về lúa do Tổ chức
Quốc tế Pháp ngữ tài trợ tại Ca-mơ-run.
Về hợp tác địa phương: hai bên đang hướng
tới việc xây dựng quan hệ kết nghĩa giữa Thành phố Hồ Chí Minh –
Ca-xa-bờ-lan-ca, Đà Nẵng – Tăng-giê và Nha Trang – A-ga-đia.
Ma-rốc đang xem xét khả năng cử Lãnh sự
danh dự Ma-rốc tại Tp. Hồ Chí Minh và hiện đang tìm ứng cử viên thích hợp.
3. Trao đổi đoàn:
- Đoàn ta thăm bạn:
Lãnh đạo cấp cao: Thủ tướng Phan
Văn Khải (11/2004); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An (12/2005); Lãnh đạo cấp Bộ, ngành: Bộ trưởng
Thủy sản Tạ Quang Ngọc (2/2004); Thứ trưởng Ngoại giao Đào Việt Trung (3/2008);
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu (7/2009); Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế Quốc hội
Hà Văn Hiền (12/2009); Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Công Nghiệp (3/2011); Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn (3/2012), Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (6/2012); Trưởng
Ban đối ngoại Hoàng Bình Quân (6/2013), Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phương Nga
(12/2013), Phó CN UB Xã Hội Quốc hội (1/2014) Phó CN UB Đối ngoại QH (12/2015);
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải (11/2016); Thứ trưởng Bộ Tài nguyên
& Môi trường (11/2016), Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thăm Maroc
(1-7/7/3017); Bộ trưởng Bộ Xây dựng (11/2017).
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm
Bình Minh tiếp xúc Bộ trưởng Ngoại giao Ma-rốc bên lề Đại hội đồng LHQ tháng
9/2017.
Maroc đang đề xuất thu xếp tiếp xúc giữa 2 BTNG bên lề ĐHĐ LHQ 73 và cuộc gặp
giữa BTNG&HTQT Ma-rốc với BTNG các nước ASEAN để trao đổi về hồ sơ trở
thành SDP của Ma-rốc.
Thủ
tướng Ma-rốc đã gửi thư mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Ma-rốc, ta đã có
công hàm trả lời bạn chưa thể thu xếp trong năm 2018.
- Đoàn Bạn thăm ta:
Lãnh đạo cấp cao: Thủ tướng Abbas
El Fassi (11/2008); Chủ tịch Hạ viện (3/2003); Chủ tịch Thượng viện Mohamed
Cheikh Biadillah dự họp IPU 132 (3/2015); Lãnh
đạo cấp Bộ, ngành: Bộ trưởng Đặc trách- Đặc phái viên của Vua
Ma-rốc (7/2005); Bộ trưởng Đặc trách- Đặc phái viên của Vua Ma-rốc
(8/2006); Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao và Hợp tác vào ta dự Hội thảo Việt Nam-
châu Phi lần 2 (8/2010); Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao và Hợp tác Ma-rốc thăm,
tham dự kỳ họp lần thứ 2 UBHH Việt Nam-Ma-rốc, tham vấn chính trị lần ba giữa 2
Bộ Ngoại giao (5/2011); Bộ trưởng đặc trách Ngoại thương (11/2013), Tổng bí thư
Đảng tiến bộ và Xã hội chủ nghĩa, Bộ trưởng Nhà ở (4/2014); Bộ trưởng Bộ Công
Thương, Đầu tư và Kinh tế kỹ thuật số đặc trách Ngoại thương (30/3/2015), Cao ủy
Ma-rốc về Cựu chiến binh (10/2015 và 3/2017); Chủ tịch Hạ viện (12/2017); 2 Phó
Chủ tịch Hạ viện dự APPF 26 (1/2018); Quốc vụ khanh BNG dự UBHH 4 và TVCT 5
(4/2018).
4. Các hiệp
định, thoả thuận đã ký:
Hiệp định: Thương mại (6/2001); Khung hợp tác kinh tế, văn
hoá, khoa học và kỹ thuật; Miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao,
đặc biệt và công vụ; tránh đánh thuế hai lần (11/2008); Khuyến khích và Bảo hộ
Đầu tư; Hợp tác Du lịch giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Ma-rốc.
Thỏa thuận
hợp tác: giữa Phòng Thương mại và Công
nghiệp Việt Nam (VCCI) với Liên đoàn các Phòng Thương mại và Công
nghiệp Ma-rốc; giữa VCCI với Tổng Liên đoàn giới chủ Ma-rốc; giữa
Thông tấn xã Việt Nam và Hãng thông tấn A-rập Maghreb (MAP) của Ma-rốc (7/2008); giữa hai Học viện Ngoại giao (12/2013); giữa Quốc
hội Việt Nam và Hạ viện Ma-rốc (1/2018). Nghị định thư: hợp tác giữa 2 Bộ Ngoại giao; Biên bản ghi nhớ: hợp
tác thủy sản (2/2004); hợp tác công nghiệp (11/2004); hợp tác giữa Cục xúc tiến
Thương mại Việt Nam và Trung tâm xúc tiến xuất khẩu Ma-rốc (3/2015); hợp tác
giữa Đại học KHXH&NV và Đại học Mohammed V; giữa Viện nghiên cứu châu Phi –
Trung Đông và Trung tâm Nghiên cứu KHXH Ma-rốc (2017); giữa Bộ Lao động, Thương
binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Lao động và Hỗ trợ việc làm Ma-rốc, giữa Đại học
Hàng hải Việt Nam và Viện Nghiên cứu Hàng hải Ma-rốc (4/2018)./.
12/2018.
[1]
Quốc vương Ma-rốc hiện là lãnh đạo châu Phi điều phối về vấn đề di cư của châu
lục. Ma-rốc sẽ phối hợp với Liên hợp quốc tổ chức Diễn đàn Thế giới về Di cư
tháng 12/2018 tại Ma-rốc.
[2] được bầu vào
Hội An ninh và Hòa bình của AU nhiệm kỳ 2018 – 2020.
[3] (i)
Miễn thuế đăng ký, lệ phí tem đối với việc thành lập và tăng vốn; (ii) Miễn
thuế về đất đai; (iii) Miễn thuế về nghề nghiệp; (iv) Miễn thuế đô thị; (v)
Miễn thuế công ty trong 5 năm và giảm thuế về 8,75% cho 20 năm tiếp theo; (vi)
Miễn thuế chứng khoán, cổ phiếu và thu nhập của người không thường trú; (vii)
Miễn thuế TVA đối với hàng hóa đến từ nước ngoài, tự do chuyển về nước lợi
nhuận và vốn.
[4]
Đối với 1 số lĩnh vực như mua đất hoặc xây dựng nhà xưởng, Nhà nước Maroc có sự
hỗ trợ về tài chính cho các nhà đầu tư. Mức trợ cấp này có thể là 100% đất đai
trên cơ sở giá tối đa 250DH/m2. Việc giải ngân trợ giúp này không vượt quá 60
ngày kể từ ngày nộp đủ hồ sơ.
[5] Tanger
Free Zone áp dụng cơ chế một cửa, có chế độ hải quan miễn thuế nhập khẩu, thuế
tiêu dùng; hàng hóa ra, vào khu vực này không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật
kiểm soát ngoại thương, về trao đổi tiền tệ, hàng hóa ra vào khu vực không chịu
điều chỉnh của luật ngoại hối; tự do trao đổi tiền tệ trong các hoạt động
thương mại, công nghiệp và dịch vụ được thực hiện với nước ngoài bởi các doanh
nghiệp đóng trong khu vực; việc thanh toán trong khu vực chỉ thực hiện bằng
đồng ngoại tệ chuyển đổi.