Thông tin cơ bản về nước Cộng hòa Na-mi-bi-a và Quan hệ với Việt Nam
A. THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ NƯỚC CỘNG HÒA NA-MI-BI-A
I. Thông tin chung
Tên nước: Cộng hòa Na-mi-bi-a (Republic of Namibia)
Thủ đô: Uyn-đúc (Windhoek)
Quốc khánh: 21/3/1990
Vị trí địa lý: nằm ở phía Tây Nam châu Phi, Bắc giáp Ăng-gô-la, Nam giáp Nam Phi, Đông giáp Bốt-xoa-na, Tây giáp Đại Tây Dương.
Diện tích: 826,000 km2
Khí hậu: Khô hạn, nắng nóng
Dân số: 2,59 triệu người (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
Dân tộc: Người Ovambo (49,5%), Kavango (9,2%), người da màu (8%), và các dân tộc khác...
Ngôn ngữ: Tiếng Anh 7% (ngôn ngữ chính), tiếng Afrikaans và một số thổ ngữ khác.
Đơn vị tiền tệ: Đô-la Na-mi-bi-a (NAD). Na-mi-bi-a lấy đồng Rand của Nam Phi làm đồng bản vị và cho phép đồng Rand được sử dụng chính thức trong các giao dịch tại Na-mi-bi-a. (1 USD = 15,84 NAD).
GDP: 12,23 tỷ USD (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
GDP/đầu người: 4.098 USD (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
Tôn giáo: Thiên chúa giáo (80-90%), đạo cổ truyền bộ lạc (10-20%)
Cơ cấu hành chính: 14 vùng/khu vực hành chính.
Lãnh đạo chủ chốt:
+ Tổng thống: Ha-ghi Ghên-gô (Hage Geingob) (từ tháng 3/2015, tái đắc cử tháng 01/2020);
+ Thủ tướng: Sa-ra Cu-gông-ghê-la A-ma-đi-la (Saara Kuugongelwa-Amadhila) (từ tháng 3/2015, tái bổ nhiệm tháng 01/2020);
+ Chủ tịch Quốc hội: Pi-tơ Ca-gia-vi-vi (Peter Katjavivi) (từ tháng 3/2015, tái đắc cử tháng 01/2020);
+ Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao: Nê-tum-bô Nan-di Nờ-đai-goa (Netumbo Nandi-Ndaitwa) (từ tháng 3/2015, tái bổ nhiệm tháng 01/2020).
II. Khái quát lịch sử
Từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19, người Bồ Đào Nha, người Anh, người Đức lần lượt xâm nhập lãnh thổ Tây Nam Phi (Na-mi-bi-a ngày nay). Năm 1883, Đức giành quyền chiếm đóng và cai trị toàn bộ vùng này. Sau khi Đức bại trận trong thế chiến I, Hội Quốc liên trao cho Nam Phi quyền quản thác Tây Nam Phi. Năm 1920 Nam Phi đã biến lãnh thổ này thành thuộc địa của mình. Từ thập kỷ 60, 70, Liên hợp quốc ra nhiều Nghị quyết lên án Nam Phi, đòi Nam Phi trao trả độc lập cho Tây Nam Phi, nhưng Nam Phi vẫn tiếp tục chiếm đóng trái phép lãnh thổ này.
Từ cuối thập kỷ 50, nhiều tổ chức yêu nước ở Tây Nam Phi ra đời với mục đích đấu tranh giải phóng dân tộc. Tháng 4/1960, Tổ chức Nhân dân Tây Nam Phi (SWAPO) được ông Xam Nu-dôm-ma (Sam Nujoma) thành lập, phát triển nhanh chóng, được nhân dân ủng hộ mạnh mẽ và được Tổ chức Thống nhất châu Phi OUA (nay là Liên minh châu Phi AU), Liên hợp quốc và Phong trào Không Liên kết công nhận.
Sau khi Ăng-gô-la, Mô-dăm-bích (1975) và Dim-ba-bu-ê (1980) giành độc lập, cuộc đấu tranh của nhân dân Tây Nam Phi do SWAPO lãnh đạo bước sang giai đoạn mới. Hiệp định hoà bình về Tây Nam Phi được ký tháng 12/1988, Chính quyền Nam Phi buộc phải thực hiện NQ 435/78 của LHQ. SWAPO giành thắng lợi áp đảo trở thành Đảng cầm quyền trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên sau khi đất nước giành độc lập. Ngày 21/3/1990, Na-mi-bi-a tuyên bố độc lập, nước Cộng hoà Na-mi-bi-a ra đời; ông Xam Nu-dôm-ma, Chủ tịch SWAPO được bầu làm Tổng thống đầu tiên.
III. Thể chế nhà nước, chế độ chính trị, đảng phái chính trị
- Na-mi-bi-a theo thể chế cộng hòa tổng thống. Tổng thống vừa là người đứng đầu Nhà nước, vừa là người đứng đầu Chính phủ.
- Cơ cấu Nghị viện: gồm Hội đồng Quốc gia và Quốc hội. Hội đồng Quốc gia (tương đương Thượng viện) gồm 42 đại diện từ 14 Hội đồng vùng/tỉnh (mỗi Hội đồng vùng/tỉnh có 3 đại diện). Quốc hội (tương đương Hạ viện) gồm 104 thành viên trong đó có 96 thành viên được bầu trực tiếp (nhiệm kỳ 5 năm) và 08 thành viên được Tổng thống bổ nhiệm. Tất cả thành viên nội các chính phủ đều là đại biểu Quốc hội.
Trước 2014, Hội đồng Quốc gia gồm 26 đại diện và Quốc hội gồm 78 thành viên (72 ghế bầu trực tiếp và 6 ghế do Tổng thống bổ nhiệm).
- Các đảng phái chính trị: Hiện có hơn 30 đảng phái chính trị hoạt động hợp pháp tại Na-mi-bi-a, trong đó nổi bật là:
+ Đảng Tổ chức Nhân dân Tây Nam Phi (SWAPO): thành lập năm 1960 bởi cựu Tổng thống Xam Nu-dôm-ma; là Đảng dẫn dắt nhân dân Na-mi-bi-a tiến hành đấu tranh giải phóng dân tộc. Đây là Đảng cầm quyền kể từ khi Na-mi-bi-a giành độc lập năm 1990. Chủ tịch Đảng hiện nay là Tổng thống Ha-ghi Ghên-gô (từ tháng 11/2017).
+ Đảng Phong trào Dân chủ bình dân (PDM): thành lập năm 1977, là đảng đối lập chính và hiện được lãnh đạo bởi ông Mơ-ken-ri Ve-na-ni (McHenry Venaani) (từ tháng 9/2013).
+ Đảng Phong trào vì người dân không có đất (LPM): thành lập năm 2016 bởi ông Bơ-nây-đơt Xgoa-bô-i (Bernadus Swartbooi), cựu Thứ trưởng Bộ Đất đai và Tái định cư.
+ Đảng Tổ chức Dân chủ thống nhất quốc gia (NUDO): thành lập năm 2004, tách ra từ Đảng PDM, hiện được lãnh đạo bởi ông Ét-thơ Mu-in-yang (Esther Muinjangue).
+ Đảng Toàn dân (APP): từ năm 2008, tách ra từ Đảng cầm quyền SWAPO, hiện được lãnh đạo bởi ông I-nây-xơ Xi-goa-me-ni (Ignatius Shixwameni).
+ Đảng Mặt trận Dân chủ thống nhất (UDF): thành lập từ năm 1989, hiện được lãnh đạo bởi ông A-pi-ớt Âu-sáp (Apius Auchab).
+ Đảng Cộng hòa (RP): thành lập từ năm 1977, thành viên chủ yếu là cộng đồng người da trắng. RP từng thuộc liên minh của Đảng PDM và trở thành Đảng chính trị độc lập từ năm 2003. Chủ tịch Đảng hiện nay là ông Hen Mát (Henk Mudge).
IV. Tình hình
1. Chính trị nội bộ
Ngày 27/11/2019, Na-mi-bi-a đã tổ chức tổng tuyển cử bầu Tổng thống và Quốc hội lần thứ 6 với kết quả Đảng cầm quyền SWAPO tiếp tục giành thắng lợi với 65% phiếu bầu, tương đương 63/104 ghế trong Quốc hội; Phong trào Dân chủ Nhân dân giành 16,6% tương đương 16/104 ghế; Phong trào vì người dân không có đất giành 4 ghế; các đảng phái khác chia sẻ số ghế còn lại tại Quốc hội. Về chức vụ Tổng thống, ông Ha-ghi Ghên-gô giành thắng lợi, tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 2 với 56,3% phiếu bầu. Trong suốt 30 năm cầm quyền, đây là lần đầu tiên SWAPO đã mất quyền nắm đa số tuyệt đối (tương đương 2/3 số phiếu bầu) (tại tổng tuyển cử 11/2014, Đảng SWAPO giành được 87% số phiếu, tương đương 77/104 ghế, ông Ha-ghi Ghên-gô cũng giành 87% số phiếu cho vị trí Tổng thống).
2. Kinh tế - Xã hội
- Na-mi-bi-a có nguồn tài nguyên thiên nhiên quí hiếm như u-ra-ni-um (thứ 4 thế giới), kim cương (đứng thứ 5 thế giới), đồng, kẽm. Ngành khai khoáng đóng góp chính cho kinh tế Na-mi-bi-a (50% nguồn thu ngoại tệ), tiếp theo là ngành đánh cá, chăn nuôi gia súc, du lịch. Na-mi-bi-a thuộc nhóm các nước châu Phi có thu nhập bình quân đầu người cao (4.098 USD năm 2021). Nhưng quốc gia này vẫn còn lệ thuộc vào Nam Phi và bị tác động bởi tình trạng bất bình đẳng cũng như nạn thất nghiệp. Các ngành kinh tế chủ yếu, đất đai do người da trắng nắm giữ. Trong khi đó 65-70% người da đen vẫn sống trong nghèo khổ. Một nửa dân số sống dựa vào nông nghiệp (chủ yếu là nông nghiệp tự cung tự cấp).
Hiện nay, Na-mi-bi-a đang tập trung triển khai Kế hoạch phát triển quốc gia trung hạn tiến tới thực hiện mục tiêu Tầm nhìn 2030, theo hướng đẩy mạnh du lịch, nông nghiệp, thủy sản, phát huy lợi thế có trên 1500km bờ biển nhằm đảm bảo an ninh lương thực, giảm phụ thuộc vào nguồn thu từ hoạt động khai thác tài nguyên, đảm bảo an ninh lương thực, quyết liệt chống tham nhũng, chú trọng dậy nghề và tạo việc làm, đặc biệt cho giới trẻ; chống sốt rét và HIV/AID; củng cố đảng SWAPO và đảm bảo ổn định xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội...
+ Cơ cấu ngành kinh tế: Dịch vụ (67%), Công nghiệp (26,3%), Nông nghiệp (6,7%).
+ Các sản phẩm xuất khẩu chính: kim cương, đồng, vàng, kẽm, u-ra-ni-um, chì, gia súc, cá, loài nhuyễn thể...
+ Các sản phẩm nhập khẩu chính: thực phẩm, sản phẩm hóa dầu, nhiên liệu, máy móc, thiết bị, hóa chất...
+ Các đối tác thương mại, đầu tư chính: Đức, Mỹ, Trung Quốc Ấn Độ, Nga...
- Na-mi-bi-a xếp hạng 130/189 về chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2020. Giáo dục tiểu học (lớp 1-7) và trung học (lớp 8-12) là miễn phí. Na-mi-bi-a là một trong những quốc gia có tỷ lệ người biết chữ cao nhất trong khu vực châu Phi cận Xa-ha-ra với 91,53% dân số trên 15 tuổi biết chữ. Tỷ lệ thất nghiệp năm 2020 và 2021 lần lượt ở mức 21,4% và 21,68%.
V. Chính sách đối ngoại
- Kể từ khi giành độc lập, Na-mi-bi-a theo đuổi đường lối đối ngoại hòa bình, không liên kết, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, đảm bảo công bằng, cùng có lợi giữa các quốc gia, đề cao việc tôn trọng luật pháp quốc tế và chủ trương giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình.
- Na-mi-bi-a là thành viên của Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết, Khối Liên hiệp Anh, WB, IMF, Liên minh châu Phi (AU), Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi (SADC).... Na-mi-bi-a đóng góp tích cực vào quá trình tìm giải pháp cho các xung đột tại châu Phi, đặc biệt trong khu vực SADC.
B. QUAN HỆ VIỆT NAM - NA-MI-BI-A
I. Quan hệ chính trị
- Thiết lập quan hệ ngoại giao: Việt Nam và Na-mi-bi-a lập quan hệ ngoại giao ngày 21/3/1990.
- Cơ quan đại diện: Hai nước chưa mở Đại sứ quán tại thủ đô của nhau. Hiện nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi kiêm nhiệm Na-mi-bi-a. Đại sứ quán Na-mi-bi-a tại Trung Quốc kiêm nhiệm Việt Nam.
- Hoạt động trao đổi đoàn:
+ Đoàn Việt Nam thăm Na-mi-bi-a: Đại sứ, Đặc phái viên Chủ tịch nước sang dự lễ tuyên bố độc lập Na-mi-bi-a (21/3/1990); Chủ tịch nước Trần Đức Lương (10/2002); Đại sứ, Đặc phái viên Chủ tịch nước Nguyễn Đình Bin dự kỷ niệm 15 năm ngày độc lập Na-mi-bi-a và Lễ nhậm chức Tổng thống (3/2005); Bộ trưởng Thuỷ sản Tạ Quang Ngọc (9/2006); Thứ trưởng Ngoại giao Lê Lương Minh (4/2012); Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Hồng Nam (4/2018).
+ Đoàn Na-mi-bi-a thăm Việt Nam: Chủ tịch SWAPO Xam Nu-dôm-ma (01/1975); Bộ trưởng Ngoại giao Na-mi-bi-a Theo-ben Gu-ri-ráp (Theo-Ben Gurirab) (7/1997); Tổng thống Xam Nu-dôm-ma (7/2002); Bộ trưởng Nghề cá và Nguồn lợi thuỷ sản I-bra-ham I-y-am-bô (Abraham Iyambo) (2003); Bộ trưởng Công Thương và Bộ trưởng Nông nghiệp, Nguồn nước và Phát triển nông thôn Na-mi-bi-a dự Hội thảo Việt Nam - châu Phi (5/2003); Bộ trưởng Nông nghiệp, Nguồn nước và Phát triển nông thôn Hen-mơ Ang-gu-la (Helmut Angula), Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại, Quốc phòng và An ninh, Quốc hội Na-mi-bi-a Ben A-mi-thi-la (Ben Amithila) (8/2004); Bộ trưởng Cựu chiến binh Na-ri-ku-tu-kê Ơ-nét Ti-ri-ang (Ngarikutuke Ernest Tjiriange) (7/2008); Bộ trưởng Nghề cá và Nguồn lợi thuỷ sản Bơ-na I-xa (Bernard Esau) (6/2010); Bộ trưởng Ngoại giao U-tô-ni Ni-giô-ma (Utoni Nujoma) (11/2011); Thứ trưởng Nông nghiệp, Nguồn nước và Lâm nghiệp Pi-tơ I-long-ga (Peter Iilonga) (6/2012); Thứ trưởng Ngoại giao Pây-a Mu-xê-len-ga (Peya Mushelenga) (12/2012); Tổng thống Hi-phi-kê-pun-yê Pô-ham-ba (Hifikepunye Pohamba) (11/2013).
- Cơ chế hợp tác: Tham vấn chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao (12/2012).
II. Hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư
1. Thương mại
Kim ngạch hai chiều năm 2021 ước đạt 4 triệu USD, trong đó Việt Nam nhập chủ yếu gỗ, các sản phẩm gỗ, kim loại, sắt thép phế liệu. Kim ngạch trao đổi năm 2020 đạt 10,1 triệu USD.
2. Nông nghiệp
Hai nước đã triển khai dự án 3 bên về thủy sản do Tổ chức Nông Lương Thế giới (FAO) tài trợ (từ 2010-2014). Việt Nam từng cử 03 chuyên gia và 02 kỹ thuật viên thuộc viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I làm việc tại Na-mi-bi-a.
III. Hợp tác trong các lĩnh vực khác
Hợp tác trong các vấn đề khu vực và đa phương: Hai nước thường xuyên ủng hỗ lẫn nhau và phối hợp tốt trên các diễn đàn quốc tế, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc và hợp tác Nam-Nam. Na-mi-bi-a đã ủng hộ Việt Nam vào Ban chấp hành ECOSOC (1996-1998), WTO, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021), Hội đồng nhân quyền (nhiệm kỳ 2014-2016). Việt Nam ủng hộ Na-mi-bi-a ứng cử vào Hội đồng nhân quyền (nhiệm kỳ 2014-2016).
IV. Các Hiệp định, thỏa thuận đã ký kết giữa hai nước
Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, thương mại, văn hoá, khoa học kỹ thuật (7/2002); Nghị định thư hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao (10/2002); Hiệp định Thương mại (5/2003); Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư (5/2003); Hiệp định hợp tác ba bên Việt Nam-Na-mi-bi-a-FAO (2009); Bản ghi nhớ về hợp tác kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp (11/2013); Hiệp định Miễn thị thực cho Hộ chiếu Ngoại giao và Công vụ (11/2013).
V. Thông tin Cơ quan đại diện
Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi kiêm nhiệm Na-mi-bi-a
Địa chỉ: 87 Brooks Street, Brooklyn, Pretoria
Mã bưu chính: 13692 Hatfield 0028, South Africa
ÐT: +27 12 362 8119 /8
Fax: +27 12 362 8115
Email: embassy@vietnam.co.za
Thương Vụ Việt Nam tại Nam Phi kiêm nhiệm Na-mi-bi-a
Địa chỉ: 198 Silver Oak Ave., Waterkloof, Pretoria
Mã bưu chính: 0181, South Africa
ĐT: +27 12 346 8083
Fax: +27 12 346 8507
Email: za@moit.gov.vn
Đại sứ quán Na-mi-bi-a tại Trung Quốc kiêm nhiệm Việt Nam
Địa chỉ: 2-9-2 Ta Yuan Diplomatic Office Building No. 14 Liangmahe Nan Lu, Chaoyang District.
Bộ phận Lãnh sự
ĐT: +86 10 65324810/11
Fax: +86 10 65324549
Email: beijing@mirco.gov.na
Bộ phận Kinh tế/Thương mại/Đầu tư
ĐT: +86 10 65324810/11
Fax: +86 10 65324549
Email: gaosebf@yahoo.com
Tháng 8/2022
Back Top page Print Email |