TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ NƯỚC CỘNG HÒA LIÊN BANG NI-GIÊ-RI-A VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM

TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ NƯỚC CỘNG HÒA LIÊN BANG NI-GIÊ-RI-A

VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM

Map of Nigeria

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 




  1. Khái quát:

    - Tên nước: Cộng hòa Liên bang Ni-giê-ri-a (Federal Republic of Nigeria)

    - Thủ đô: A-bu-gia (Abuja)

    - Vị trí địa lý: Tây Phi, Tây giáp Bê-nanh, Đông giáp Sát và Ca-mơ-run , Bắc giáp  Ni-giê, Nam giáp vịnh Ghi-nê.

    - Diện tích: 923.768 km2

    - Dân số: 188,7 triệu người (2018)

    - Ngôn ngữ chính thức: Tiếng Anh

    - Đơn vị tiền tệ: Nairas (NGN)

    - Tôn giáo: 50% dân số theo đạo Hồi, 40% đạo Thiên chúa và 10% đạo cổ truyền

    - Quốc khánh: 1/10/1960

  2. Lịch sử:

    - Năm 1849, đế quốc Anh xâm chiếm Ni-giê-ri-a và đến năm 1914 đặt toàn bộ lãnh thổ Ni-giê-ri-a  dưới sự cai trị chung của toàn quyền Anh. Từ năm 1920, nhất là sau chiến tranh thế giới II, phong trào đấu tranh đòi độc lập của nhân dân Ni-giê-ri-a nổi lên mạnh mẽ khiến Anh buộc phải cho phép Ni-giê-ri-a tự trị.

    - Ngày 1/10/1960, Ni-giê-ri-a dành được độc lập. Ngày 1/10/1963, Ni-giê-ri-a tuyên bố tên là nước Cộng hoà Liên bang Ni-giê-ri-a, thuộc Khối liên hiệp Anh.

  3. Chính trị-an ninh:

  1. Nội trị:

    - Ni-giê-ri-a theo chế độ đa đảng, có Quốc hội lưỡng viện. Tổng thống có nhiệm kỳ 5 năm, là người đứng đầu chính phủ và Tổng tư lệnh quân đội vũ trang. Cả nước chia làm 36 bang và 1 đặc khu thủ đô.

    Tổng thống hiện nay:

  • Tổng thống: Mu-ha-ma-đu Bu-ha-ri (Muhammadu Buhari, từ 5/2015)

  • Bộ trưởng Ngoại giao: Giép-phờ-ri Ô-ni-ê-a-ma (Geoffrey Onyeama, từ 11/2015).

- Đảng chính trị lớn gồm: Đảng Dân chủ nhân dân (PDP), Đảng Liên minh tiến bộ (All Progressives Congress), Đảng Hòa hợp (ACC, Accord Party).

- Tại cuộc bầu cử Quốc hội và Tổng thống tháng 3/2015, Ông Mohammadu Buhari của Đảng Liên minh tiến bộ (APC) đối lập với Đảng PDP đã giành chiến thắng với tỷ lệ phiếu bầu 53,95% và nhậm chức vào ngày 29/5/2015 cho đến nay.

- Tháng 7/2017, 4 nhóm dân tộc lớn tại Ni-giê-ri-a (Hau-xa, Phu-la-ni, I-ô-ru-ba, Ích-bô) tuyên bố muốn ly khai khỏi Ni-giê-ri-a và thành lập các Nhà nước riêng, liên tục triển khai các hoạt động tuần hành đòi ly khai, phản đối Chính phủ khiến tình hình miền Đông Nam Ni-giê-ri-a trở nên phức tạp, khó kiểm soát. Chính phủ Ni-giê-ri-a đã phải tiến hành hiệp thương để tìm kiếm giải pháp hòa bình ổn định cho Ni-giê-ri-a.

- Khủng bố Boko Haram: Từ năm 2010, tình hình an ninh tại Ni-giê-ri-a diễn biến phức tạp với hàng loạt các vụ tấn công vũ trang, bắt cóc con tin của nhóm Hồi giáo cực đoan Boko Haram nhằm vào lực lượng quân đội, cảnh sát và dân thường đồng thời mở rộng hoạt động sang lãnh thổ các nước láng giềng là Ca-mơ-run, Ni-giê và Sát. Tháng 3/2015, Thủ lĩnh Boko Haram tuyên bố trung thành với Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và được tổ chức cực đoan này chấp nhận như một nỗ lực mở rộng Nhà nước Hồi giáo tại khu vực Tây Phi. 

Từ khi lên cầm quyền, Tổng thống M. Buhari đã đẩy mạnh chiến dịch chống Boko Haram. Tháng 1/2015, Hội nghị cấp cao Liên minh châu Phi (AU) lần thứ 24 chính thức ủng hộ sáng kiến của các quốc gia vùng hồ Sát (Ni-giê-ri-a, Ni-giê, Ca-mơ-run, Sát và Bê-nanh) về việc triển khai một lực lượng đa quốc gia với khoảng 8.700 binh sỹ chống Boko Haram, tuyên bố sẽ đệ trình dự thảo một nghị quyết lên HĐBA/LHQ để thuyết phục LHQ tài trợ và cho phép lực lượng này triển khai trong lãnh thổ Ni-giê-ri-a. Tại HNTĐ AU lần thứ 26 tháng 2/2016, các nhà tài trợ quốc tế như EU, Anh, Thụy Sỹ, Cộng đồng các quốc gia khu vực Sahel và Ni-giê-ri-a  đã cam kết 250 triệu USD tài trợ cho cuộc chiến chống Boko Haram. 

- Dịch bệnh Ebola: Ni-giê-ri-a cũng là một trong 5 nước châu Phi trong vùng dịch Ebola. Các ca nhiễm Ebola tại Ni-giê-ri-a chủ yếu là thứ phát (lây nhiễm từ nước khác) nên nhanh chóng được khống chế. Hiện dịch Ebola hoàn toàn chấm dứt ở Ni-giê-ri-a.

  1. Đối ngoại:

- Ni-giê-ri-a là nước lớn ở khu vực, theo đường lối đối ngoại rộng mở, tham gia tích cực vào các sáng kiến và nỗ lực giải quyết xung đột, gìn giữ hoà bình, hợp tác phát triển kinh tế ở khu vực Tây Phi nói riêng và châu Phi nói chung. Các nước lớn như Mỹ, Nhật, EU và Trung Quốc đều rất quan tâm đến tăng cường quan hệ với Ni-giê-ri-a.

- Tháng 8/2008, sau gần 30 năm tranh chấp, Ni-giê-ri-a đã trao bán đảo Bakassi cho Ca-mơ-run theo Hiệp định hoà bình ký kết giữa hai nước tại New York năm 2006 dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc.

- Ni-giê-ri-a là thành viên và có vai trò quan trọng trong nhiều tổ chức khu vực và quốc tế: LHQ, Phong trào Không liên kết, Tổ chức các nước Hồi giáo, IMF, AU, ECOWAS[1], NEPAD, OPEC… Ni-giê-ri-a giữ chức Uỷ viên không thường trực HĐBA/LHQ lần thứ 4, nhiệm kỳ 2014-2015. Các nước lớn như Mỹ, Nhật, EU và Trung Quốc đều rất quan tâm đến tăng cường quan hệ với Ni-giê-ri-a.

4. Kinh tế:

Ni-giê-ri-a đã tiến hành cơ cấu lại cơ sở dữ liệu thống kê kinh tế (4/2014) và chính thức vượt Nam Phi, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai châu Phi (sau Ai Cập). Ni-giê-ri-a có trữ lượng dầu khí lớn nhất châu Phi Nam Sahara (34 tỷ thùng và 2000 tỷ m3 khí đốt tự nhiên) do vậy ngành dầu khí là ngành mũi nhọn của Ni-giê-ri-a, đóng góp tới 95% nguồn thu ngoại hối và phần lớn doanh thu của chính phủ. Các khoảng sản khác gồm có thiếc, quặng sắt, than đá, đá vôi, chì, kẽm, vàng.

- Ni-giê-ri-a giàu tiềm năng phát triển nông nghiệp. Các sản phẩm nông nghiệp chính gồm có: ca cao, đậu phộng, cọ dừa, ngũ cốc, gạo, cao lương, hạt kê, đậu nành, sắn, cao su và khoai lang.

- Các ngành công nghiệp chính của Ni-giê-ri-a gồm có: dầu lửa, chế biến sản phẩm nông nghiệp và khoáng sản, dệt may, vật liệu xây dựng, da giày, hóa chất, phân bón và thiếc. Ni-giê-ri-a là địa điểm trung chuyển hàng hóa quan trọng của khu vực Tây Phi với 4 cảng lớn: Lagos, Warri, Port Harcourt và Calabar. Ni-giê-ri-a không khuyến khích nhập khẩu lương thực để kích thích sản xuất trong nước và tránh phụ thuộc quá mức vào nước ngoài.

- Nhờ chính sách đa dạng hoá nền kinh tế thông qua đầu tư phát triển nông nghiệp, viễn thông và dịch vụ, kinh tế Ni-giê-ri-a những năm gần đây phát triển khá năng động. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 6-8%/năm (trước khi cơ cấu lại dữ liệu thống kê). Từ năm 2015 kinh tế Ni-giê-ri-a gặp nhiều khó khăn do giá dầu thấp và nền kinh tế phụ thuộc lớn vào khai thác dầu.

GDP (IMF 2019 - PPP): 1.216,7 tỷ USD, bình quân: 6.054,8 USD, tăng trưởng 2,5%.


Quan hệ Việt Nam - Ni-giê-ri-a :

a. Chính trị - ngoại giao: Việt Nam và Ni-giê-ri-a thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 25/5/1976. Ni-giê-ri-a mở Đại sứ quán tại Hà Nội tháng 7/2007. Ta mở Đại sứ quán tại Abuja tháng 4/2008. Ni-giê-ri-a ủng hộ ta ứng cử vào Hội đồng nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016, Hội đồng  chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2015-2019,  Hội đồng Kinh tế Xã hội LHQ (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016-2018 và Ủy viên không thường trực HĐBA/LHQ 2020-2021.

- Trao đổi đoàn: Bạn: Tổng thống Ni-giê-ri-a Olusegun Obasanjo (2005), Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Ni-giê-ri-a (2005), Bộ trưởng Công thương Ni-giê-ri-a (2009), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp (2010), Quốc vụ khanh Bộ Thương mại và Đầu tư (2011). Ta: Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Dũng (2006), Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát–Đặc phái viên Chủ tịch nước (2010), Thứ trưởng Bộ Công Thương (2011), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (10/2019)

- Các hiệp định đã ký: Hiệp định thương mại (2001), Hiệp định hợp tác Kinh tế, Thương mại, Văn hóa, Khoa học và Công nghệ (2005), Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ (10/2019).

- Các hiệp định đang đàm phán: Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (bắt đầu trao đổi năm 2005 và nhắc lại đề xuất này với phía Nigeria vào năm 2009; 2010; đến 7/2017 Nigeria gửi CH cho Tổng Cục thuế yêu cầu gửi lại mẫu Hiệp định của phia ta và đang tạm dừng ở phía ta); Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư (tháng 4/2012, Ta và Nigeria đã tiến hành phiên đàm phán thứ nhất tại HN, sau đó hoạt động đàm phán bị đóng băng cho đến tháng 4/2019 BKHĐT đã gửi dự thảo lại cho phía Nigeria).

b. Kinh tế:

Quan hệ hai nước phát triển tích cực từ sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Olusegun Obasanjo (2005). Ni-giê-ri-a mong muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam trong các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, may mặc, giáo dục… Hai lĩnh vực trọng tâm hợp tác là thương mại và giáo dục.

- Thương mại: Kim ngạch thương mại song phương của Việt Nam và Ni-giê-ri-a năm 2019 đạt 511,31 triệu USD, trong đó ta xuất khẩu hơn 127,1 triệu USD, chủ yếu là tàu thuyền các loại, máy móc thiết bị, sản phẩm dệt may, sản phẩm sắt thép,... và nhập khẩu 384,2 triệu USD, chủ yếu là hạt điều, vừng, khí đốt hóa lỏng, gỗ và sản phẩm gỗ.

Ngoài ra hai nước còn các hợp tác trên các lĩnh vực đầu tư, giao thông vận tải, nông nghiệp, giáo dục và quốc phòng.

  • Hiện nay có cộng đồng khoảng 1000 người Ni-giê-ri-a sinh sống và làm việc tại Việt Nam, chủ yếu khu vực phía Nam.


Lập trường của Ni-giê-ri-a trong vấn đề Biển Đông:

- Tại Hội nghị Bộ trưởng Không liên kết năm 2014: bạn phát biểu ủng hộ ASEAN cập nhật vấn đề Biển Đông vào văn kiện. 

- Trong cuộc gặp với Vụ trưởng Trung Đông - Châu Phi, tại Bộ Ngoại giao, ngày 22/8, Đại sứ Ni-giê-ri-a tại Việt Nam Francis Young Efeduma tỏ thông cảm với vấn đề Biển Đông, đưa ra 2 kiến nghị: i) Đưa vấn đề Biển Đông trong talking points trong chuyến thăm đến Ni-giê-ri-a của PTTg Vương Đình Huệ (dự kiến 10/2019), tạo ra sức ép để chính quyền Nigeria có phản ứng, chỉ đạo xuống các Bộ ngành, cũng như các Phái đoàn của Ni-giê-ri-a ở nước ngoài; ii) Có chuyến thăm tới trụ sở của ECOWAS, trao đổi với các nước này về vấn đề Biển Đông, để cập nhật tình hình cho các nước.

 

Thông tin Cơ quan đại diện


ĐSQ Việt Nam tại Ni-giê-ri-a

Số 9, đường River Niger, quận Maitama, Abuja, Nigeria

ĐT: +234 9 8703678

Fax: +234 9 8703679

Email: vnemb.ng@mofa.gov.vn; hoặc dsqvnnigeria@yahoo.com     


ĐSQ Ni-giê-ri-a  tại Việt Nam

Số 44/1 phố Vạn Bảo

Khu Ngoại giao đoàn Vạn Phúc, Hà Nội, Việt Nam

ĐT: 04.37263610/37263611

 

Tháng 8/2020



[1] Nigeria là một trong năm nước đóng góp tài chính lớn nhất cho hoạt động của AU và là thành viên chủ chốt, đóng vai trò dẫn dắt của ECOWAS.

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn