Tài liệu cơ bản nước Cộng hòa Nam Phi và quan hệ với Việt Nam
NƯỚC CỘNG HÒA NAM PHI VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM
1. Khái quát
- Cộng hoà Nam Phi ở cực Nam châu Phi, Đông Bắc giáp Mô-dăm-bích (Mozambique), Dim-ba-bu-ê (Zimbabwe), Bốt-xoa-na (Botswana), Na-mi-bi-a (Namibia); Tây Nam giáp Đại Tây Dương và Đông Nam giáp Ấn Độ Dương, có bờ biển dài 3000 km.
- Diện tích: 1.219.912 km2
- Dân số: 50 triệu người (2012) (79,5% người Phi, 9% người da trắng, 9% người da màu, 2,5% người gốc Á).
- Khí hậu: Ôn hoà, 2 mùa mưa, nắng, ngày nắng, đêm mát mẻ.
- Thủ đô: Prê-tô-ri-a (Pretoria) (hành pháp), Kếp-thao (Cape Town) (lập pháp); Bờ-lô-êm-phôn-tên (Bloemfontein) (tư pháp).
- Nam Phi hiện có 9 tỉnh : Western Cape, Eastern Cape, KwaZulu-Natal, Northern Cape, Free State, North West, Gauteng, Mpumalanga và Limpopo.
- Ngôn ngữ: ở Nam Phi có 11 ngôn ngữ chính thức. Tiếng Anh chỉ là tiếng mẹ đẻ của 8,2% dân cư nhưng là ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi ở Nam Phi. Chính phủ Nam Phi cam kết thúc đẩy sự phát triển của tất cả các ngôn ngữ chính thức.
- Tôn giáo: Khoảng 80% dân chúng Nam Phi theo đạo Thiên chúa. Các Tôn giáo khác là Hindu, Hồi giáo, Do Thái giáo và đạo Phật. Chỉ có một thiểu số nhỏ theo tôn giáo truyền thống của người châu Phi.
- Đơn vị tiền tệ 1USD = 8,2 Rand (cập nhất đến ngày 4/8/2012)
- Tổng thống: Gia-cốp Du-ma (Jacob Zuma) (từ 9/5/2009), Chủ tịch Đảng ANC.
- Phó Tổng thống: Ka-lê-ma Mốt-lan-thơ (Kgalema Motlanthe) (5/2009), Phó Chủ tịch Đảng ANC.
- Ngoại trưởng: Bà Mai-tê Cô-an-na Ma-sa-ban-nê (Maite Nkoana Mashabane) (5/2009)
- Ngày tuyên bố độc lập: 31/5/1910 (tách khỏi Vương quốc Anh)
- Quốc khánh: 27/4/1994
- Quan hệ ngoại giao với Việt Nam: 22/12/1993
2. Lịch sử
Từ thế kỷ 16 về trước, trên lãnh thổ Nam Phi chỉ có người Phi thuộc các bộ lạc Bantu, Khoi-Khoi và Hottentotes sinh sống. Thế kỷ 17 và 18, người Hà Lan và người Anh đến đây xâm chiếm, đẩy lùi người dân bản xứ vào sâu nội địa. Sau cuộc chiến tranh 3 năm (1899-1902), người Boer (gốc Hà Lan) buộc phải chấp nhận sự bảo hộ của thực dân Anh. Ngày 31/5/1910, sau khi sát nhập 4 tỉnh Cape, Orange, Transvaal và Natal, Vương quốc Anh thành lập Liên bang Nam Phi tự trị. Năm 1948, Đảng Quốc gia của người da trắng lên nắm quyền ở Nam Phi, thi hành chính sách Apartheid và các đạo luật phân biệt chủng tộc, đàn áp, bóc lột người bản xứ. Ngày 31/5/1961, sau khi đơn phương trưng cầu dân ý trong những người da trắng, chính quyền Nam Phi rút ra khỏi Khối Liên hiệp Anh và tuyên bố thành lập nước Cộng hoà Nam Phi độc lập. Các tầng lớp tư sản Nam Phi khai thác tài nguyên thiên nhiên giàu có, bóc lột người Phi và cấu kết với tư bản nước ngoài, tạo nên "thần kỳ kinh tế" trong những năm 20 - 60, xây dựng hạ tầng cơ sở tương đối phát triển ở Nam Phi.
3. Chính trị
Thời kỳ chế độ A-pác-thai, dưới sự lãnh đạo của Đại hội Dân tộc Phi (ANC) và Đảng Cộng sản Nam Phi, nhân dân Nam Phi đã kiên trì đấu tranh bằng nhiều hình thức khác nhau qua các giai đoạn: 1945-1960, 1961-1970, 1971-1980. Khi chế độ A-pác-thai chấm dứt, tháng 4/1994, Nam Phi tiến hành cuộc tổng tuyển cử đa sắc tốc với thắng lợi lớn của ANC. ANC thành lập Chính phủ đoàn kết dân tộc (bao gồm Đảng Quốc gia của ông Đê Cờ-lác (De Clerk) và Đảng Tự do Inkhata của Bu-tê-lê-di) do ông Nen-xơn Man-đê-la (Nelson Madela) làm Tổng thống, ông Tha-bô Mơ-bê-ki (Thabo Mbeki) làm Phó Tổng thống thứ nhất, ông Đê Cờ-lác (Đảng Quốc gia) làm Phó Tổng thống thứ hai.
Từ đó đến nay, Nam Phi theo chế độ cộng hòa Tổng thống, đã trải qua 4 kỳ tổng tuyển cử (1994, 1999, 2004, 2009), ANC luôn chiếm đa số ghế tại Quốc hội và Chủ tịch ANC được Quốc hội bầu làm Tổng thống.
Chính phủ Nam Phi chia làm 3 cấp : trung ương, tỉnh và địa phương. Các ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp độc lập với nhau.
Nghị viện Nam Phi bao gồm Quốc hội (National Assembly) và Hội đồng quốc gia cấp tỉnh (National Council of Provinces - NCOP). Người dân được quyền quan sát các cuộc họp của Nghị viện. Quốc hội Nam Phi bao gồm 350 – 400 đại biểu được bầu lên thông qua hệ thống đại diện phần trăm của các Đảng phái chính trị và có nhiệm kỳ 5 năm. Quốc hội bầu ra Tổng thống. Hội đồng quốc gia cấp tỉnh gồm 54 đại biểu thường trực và 36 đại biểu đặc biệt với nhiệm vụ đại diện cho lợi ích của các tỉnh trên bình diện quốc gia.
Tổng thống là Nguyên thủ quốc gia, đứng đầu nội các, bổ nhiệm Phó Tổng thống trong số các đại biểu Quốc hội và các Bộ trưởng. Trong số các Bộ trưởng chỉ có thể có tối đa 2 Bộ trưởng không phải đại biểu Quốc hội.
Ngày 18/12/2012, tại Đại hội lần thứ 53 của ANC ở thành phố Bloemfomtein, ông Zuma giành được 2.983 trên tổng số 3.977 phiếu, đánh bại đối thủ duy nhất của ông là Phó Chủ tịch ANC, đồng thời là Phó Tổng thống Kgalema Motlanthe, chỉ được 991 phiếu. Tỷ phú Cyirl Ramaphosa, thành viên kỳ cựu của ANC- được xem là anh hùng thời kỳ Apartheid, do Cựu TTh Nelson Madela giới thiệu, đã trúng cử Phó Chủ tịch ANC sau khi giành được 3.018 phiếu, bỏ xa hai đối thủ Tokyo Sexwwale và Mathews Phosa. Ông Zuma sẽ là ứng cử viên duy nhất của ANC ra tranh cử trong cuộc tổng tuyển cử năm 2014. Cuộc tổng tuyển cử được ấn định vào ngày 7/5/2014. Giới phân tích nhận định, với vị thế áp đảo của ANC trên chính trường Nam Phi hiện nay, ông gần như chắc chắn sẽ tái đắc cử cương vị Tổng thống thêm nhiệm kỳ 5 năm thứ hai, 2014-2019.
Các đảng phái chính trị hiện nay :
- Đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) được hành lập ngày 8/1/1912, tập hợp nhiều sắc tộc, tôn giáo, trí thức, tư sản, nhân dân lao động đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc A-pác-thai tại Nam Phi. ANC cầm quyền tại Nam Phi từ 1994 đến nay.
- Đảng Cộng sản Nam Phi được thành lập năm 1921, tập hợp nhiều nhóm mác-xít, tham gia và phối hợp với ANC đấu tranh chống chế độ A-pác-thai tiến tới xây dựng một xã hội tiến bộ ở Nam Phi. Đảng Cộng sản Nam Phi là thành viên của ANC và có nhiều vị Bộ trưởng trong Chính phủ Nam Phi hiện nay.
- Đảng Đại hội toàn Phi – PAC là tổ chức ly khai từ ANC (1959), có xu hướng cực đoan.
- Đảng Đại hội các Công đoàn Nam Phi (COSATU) được thành lập tháng 12/1985.
- Mặt trận Dân chủ thống nhất (UDF) được thành lập năm 1983.
- Đảng Đại hội nhân dân (COPE) được thành lập tháng 12/2008 bởi một số thành viên cao cấp của ANC rời ANC sau khi ông Mơ-bê-ki ra đi.
- Đảng tự do Inkhata được thành lập đầu thập kỷ 60, ly khai từ ANC, có hơn 1 triệu thành viên chủ yếu người bộ tộc Zulu.
- Các đảng khác của người da trắng: Đảng tiến bộ Liên bang (PFP), Đảng Cộng hoà mới, Đảng bảo thủ Nam Phi, Đảng Nam Phi, Đảng Phong trào Kháng chiến Afrikaaner, Đảng Hertige Dân tộc.
4. Đối ngoại
- Bình diện quốc tế: Nam Phi là thành viên LHQ, Khối thịnh vượng chung, AU, KLK, G-20… Nam Phi là uỷ viên không thường trực HĐBA/LHQ khoá 2007 – 2008, 2011 – 2012. Với vai trò Chủ tịch luân phiên HĐBA/LHQ trong tháng 1/2012, Nam Phi đã đưa ra đề nghị tăng cường sự phối hợp giữa HĐBA/LHQ với các tổ chức khu vực, đặc biệt là Liên minh châu Phi (AU) trong việc đảm bảo an ninh và tìm kiếm giải pháp cho những bất ổn chính trị ở châu Phi. Đề nghị này đã được đưa thành nghị quyết 2033 được HĐBA/LHQ thông qua.
Tháng 12/2010, Nam Phi được mời tham gia nhóm các nước có nền kinh tế đang nổi BRICS (gồm Bra-xin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi). Nam Phi là một trong những nước đưa ra Chương trình đối tác mới vì sự phát triển của châu Phi-NEPAD (2001) nhằm thực hiện xoá đói giảm nghèo, giảm sự phụ thuộc từ bên ngoài, đồng thời thúc đẩy tiến bộ trong các lĩnh vực thông qua thiết lập quan hệ đối tác mới giữa châu Phi và cộng đồng quốc tế.
- Bình diện khu vực: Từ khi ANC lên cầm quyền, Nam Phi tích cực tham gia giải quyết một số xung đột ở khu vực (vấn đề Dim-ba-buê, xung đột tại CHDC Công-gô, Xu-đăng, Li-bi, Madagascar…) và tăng cường vai trò nước lớn trong Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi (SADC). Tại Hội nghị thượng đỉnh AU lần thứ 19 vừa qua (15-16/7/2012, Addis Ababa), bà Dlamini Zuma-Bộ trưởng Nội vụ NAM PHI (nguyên Bộ trưởng Ngoại giao NAM PHI và từng là vợ cũ của Tổng thống đương nhiệm Jacob Zuma) đã được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU Commission), cơ quan điều hành chung cao nhất của AU.
- Nam Phi tranh thủ các nước lớn, đặc biệt là Mỹ, Nhật Bản, EU, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ nhằm thu hút vốn, đầu tư, khoa học kỹ thuật và mở rộng kinh tế đối ngoại. Nam Phi đã cắt quan hệ ngoại giao với Đài Loan cuối năm 1997 và lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc đầu năm 1998, đồng thời tăng cường quan hệ với châu Á, đặc biệt với các nước ASEAN.
5. Kinh tế
- GDP (tính theo sức mua): 592 tỷ USD (2012)
- GDP bình quân (tính theo sức mua): 11.600 USD (2012)
- Tăng trưởng GDP: 2,5% (2012)
- Xuất khẩu: 100,7 tỷ USD (2012), chủ yếu là vàng, kim cương, platin, khoáng sản, máy móc thiết bị.
- Nhập khẩu: 105 tỷ USD (2012), chủ yếu là máy móc thiết bị, sản phẩm hoá chất, hoá dầu, thực phẩm.
- Nợ nước ngoài: 137,5 tỷ USD (2012)
- Lạm phát: 5,7% (2012)
- Thâm hụt ngân sách 5,2% (2012)
- Nợ công 40% GDP (2012)
- Tỷ lệ thất nghiệp: 25% (2012)
(nguồn cia.gov)
Nam Phi là quốc gia phát triển hàng đầu về kinh tế, xã hội và chính trị ở lục địa châu Phi. Các ngành kinh tế chính của Nam Phi là dịch vụ khai khoáng (trữ lượng khoáng sản: 2,5 triệu USD, đóng góp 20% GDP cả nước, thu hút khoảng 1 triệu lao động trực tiếp và gián tiếp phục vụ sản xuất), vận tải, năng lượng, cơ khí, du lịch và nông nghiệp. Năm 2010, tạp chí Fortune – Mỹ xếp loại Nam Phi là một trong 10 nước nhiều tài nguyên nhất thế giới. Kinh tế Nam Phi phân bố không đồng đều, 4,5 triệu người da trắng nắm giữ hơn 80% của cải xã hội.
Do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tốc độ tăng trưởng năm 2008 bắt đầu giảm, chỉ đạt 3,7%, năm 2009 giảm âm 1,9%. Tăng trưởng kinh tế năm 2010 đạt 3%, năm 2011 đạt 3,4%, năm 2012 đạt 2,5% (nguồn IMF). Nam Phi sản xuất khoảng 4 triệu tấn crôm/năm (chiếm 3/5 lượng giao dịch crôm trên thị trường thế giới), xuất khẩu vàng nhiều nhất thế giới, đứng thứ 2 thế giới về sản xuất platinum, sản xuất rượu vang lớn thứ tư thế giới, du lịch cũng là ngành kinh tế năng động.
Trước các khó khăn về kinh tế, đặc biệt là nạn thất nghiệp cao, ngày 23/11/2010, Chính phủ Nam Phi công bố Khuôn khổ “Con đường tăng trưởng mới” giai đoạn 2010-2020. Đây được xem là chiến lược thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm với mục tiêu tạo ra 5 triệu việc làm trong mười năm tới. Chiến lược này cho thấy Chính phủ Nam Phi cam kết mạnh mẽ trong việc giải quyết vấn đề công ăn việc làm, coi đây là ưu tiên số một trong mọi chính sách kinh tế của mình. Chiến lược kinh tế xác định 5 lĩnh vực trọng tâm cần phát triển, đó là: (i) kinh tế “xanh” (phát triển năng lượng tái tạo, công nghệ sản xuất sạch và các dịch vụ thân thiện môi trường); (ii) nông nghiệp; (iii) khai khoáng; (iv) công nghiệp chế tạo; (v) du lịch và các dịch vụ cao cấp.
Về đầu tư-thương mại, Nam Phi là một trong những nước dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài tại châu Phi, chủ yếu từ các nước lớn như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản....Năm 2010, Trung Quốc đã vượt Mỹ, trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nam Phi (chiếm 10,34% kim ngạch xuất khẩu và 17,21% kim ngạch nhập khẩu của Nam Phi).
Nam Phi hiện đang phải đối mặt với nạn thất nghiệp cao (24% - năm 2011, 25% - năm 2012, trong đó 75% đối tượng thất nghiệp là thành niên) và nhiều bất ổn về tình hình an ninh – xã hội. Các cuộc đình công bùng phát từ tháng 8/2012 đến đầu 2013 của công nhân tại các mỏ platinum, vàng, lan sang ngành vận tải, nông nghiệp đã trở thành các cuộc bạo động, gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Nam Phi do công nghiệp khai khoáng chiếm 1/5 GDP của nước này.
Nam Phi là quốc gia hàng đầu về phát triển KHCN (công nghệ sinh học), đạt nhiều giải thưởng quốc tế về y học, văn học, điện ảnh. Tháng 10/2011, thành phố Cape Town, Nam Phi là thành phố châu Phi đầu tiên đã đoạt giải thưởng “thành phố Thiết kế của thế giới” (World Design Capital) năm 2014 do Ủy ban quốc tế về các tổ chức thiết kế ngành (International Council for Societies of Industrial Design - ICSID), một tổ chức có uy tín cao, được thiết lập từ năm 1957 bởi 45 quốc gia phát triển hàng đầu thế giới trao tặng; tháng 11/2011, Núi bàn (Table Mountain) của Nam Phi được bình chọn qua internet là 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới do New7wonders phát động tổ chức.
Vấn đề săn bắn và buôn bán trái phép sừng tê giác, ngà voi và bộ phận các động vật hoang dã cần được bảo tồn tại Nam Phi đang ngày càng trở thành vấn đề lớn chiếm nhiều sự quan tâm của dư luận Nam Phi và thế giới. Trong năm 2012, Nam Phi đã có 668 con tê giác bị giết trộm, bắt giữ 267 vụ săn bắn trộm (năm 2011 là 448con/232 vụ và năm 2010 là 333 con/165 vụ). Tính đến tháng 3/2013, đã có thêm 147 con tê giác bị săn bắn trộm. Vấn đề này đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học và phát triển bền vững, và gây thiệt hại đáng kể đến nền kinh tế và ngành du lịch của Nam Phi.
6. Quan hệ với Việt Nam
- Việt Nam có quan hệ từ lâu với Đại hội Dân tộc Phi (ANC) và Đảng Cộng sản Nam Phi và luôn ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Nam Phi chống chế độ A-pác-thai, ủng hộ quá trình cải cách dân chủ.
- Việt Nam và Nam Phi thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 22/12/1993, ngay khi Hiến pháp lâm thời được thông qua, mở đường cho bầu cử Tổng thống dân chủ đầu tiên của Nam Phi sau thời kỳ Apartheid. Ta mở ĐSQ ở Nam Phi (2000), Nam Phi mở ĐSQ tại Việt Nam (2002), Lãnh sự danh dự tại Thành phố Hồ Chí Minh (2009).
- Chính trị - ngoại giao: BNG hai nước đã tổ chức Họp Diễn đàn đối tác liên Chính phủ và tham khảo chính trị giữa hai BNG 2 lần: lần 1 tại Hà Nội năm 2007; lần 2 tại Pretoria năm 2012 và lần 3 dự kiến tại Hà Nội vào Quý IV/2014.
Hợp tác đa phương: Nam Phi công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đầy đủ (ký ROU năm 2010), ủng hộ ta là thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Uỷ viên không thường trực Hội đồng bảo an LHQ (2008-2009) và bỏ phiếu công nhận Hoàng Thành Thăng Long là di sản văn hoá thế giới, ủng hộ Việt Nam ứng cử Hội đồng Nhân quyền (2014-2016). Việt Nam ủng hộ Nam Phi làm ứng cử viên không thường trực Hội đồng bảo an LHQ (2011-2012) và cam kết ủng hộ việc công nhận "Con đường giải phóng" (Liberation Path - ghi nhận các di tích của cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ của ANC và nhân dân Nam Phi chống chủ nghĩa A-pác-thai giành tự do) là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.
Các hoạt động trao đổi đoàn:
+ Đoàn ta thăm bạn:
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình (5/1994), Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (3/1995), Thủ tướng Phan Văn Khải (11/2004), Bộ trưởng Quốc phòng Phạm Văn Trà (5/2006), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu (6/2006), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Đoàn Mạnh Giao (3/2006), Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh (9/2006), Bộ trưởng Thuỷ sản Tạ Quang Ngọc (9/2006), Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Tổng cục trưởng Tổng cục II (11/2006), Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hoà (9/2008); Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh (07/2010), Trung tướng Nguyễn Văn Hiến, Tư lệnh hải quân (8/2010); Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội Quốc hội Lương Phan Cừ (9/2010); Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân nguyện Quốc hội (11/2010); Trung tướng Phạm Ngọc Quảng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục 5 (11/2010); Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Cao Tấn Khổng (11/2010); Thứ trưởng Công Thương Lê Dương Quang (11/2010); Phó Ban đối ngoại Đảng Nguyễn Mạnh Hùng (12/2010); Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Công Nghiệp (3/2011); Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan (5/2011); Bộ trưởng Công An Lê Hồng Anh (6/2011); Thứ trưởng NNAM PHITNT Hồ Quang Hùng (7/2011); Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Quốc hội (8/2011); Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên (4/2012); Thứ trưởng Ngoại giao Lê Lương Minh (8/2012); Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (8/2013).
+ Đoàn bạn thăm ta: Bộ trưởng Phủ Tổng thống (9/2005), Bộ trưởng Quốc phòng (10/2005), Bộ trưởng Tình báo (01/2006), Bộ trưởng Ngoại giao (5/2007), Tổng thống Mbeki (5/2007), Thị trưởng Pretoria (11/2007), Bộ trưởng Môi trường và Du lịch (10/2008), Thị trưởng Johannesburg (11/2009); Thứ trưởng Ngoại giao và hợp tác (8/2010), Phó Tổng thống Nam Phi (10/2010); Bộ trưởng Văn hoá và Nghệ thuật (10/2010); Chủ tịch Hạ viện Nam Phi (11/2011), Bộ trưởng Cảnh sát Nam Phi (11/2011). Mới đây, từ ngày 09-10/12/2012, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường thăm Việt Nam để ký Bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ về hợp tác trong lĩnh vực quản lý đa dạng sinh học.
Các Hiệp định, thoả thuận đã ký: Hiệp định thương mại (4/2000); Tuyên bố chung về đối tác vì hợp tác và phát triển, Hiệp định thành lập Diễn đàn Đối tác Liên Chính phủ về hợp tác kinh tế, thương mại, văn hoá, KHKT, Thoả thuận thành lập UB thương mại hỗn hợp và Thoả thuận hợp tác giữa hai phòng thương mại và Công nghiệp (11/2004); Thoả thuận hợp tác về quốc phòng (5/2006); Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Tình báo Nam Phi (2006); Hiệp định hợp tác giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Nam Phi, Hiệp định miễn thị thực cho hộ chiếu ngoại giao, công vụ, Biên bản phiên họp thứ nhất Diễn đàn đối tác liên Chính phủ Việt Nam – Nam Phi (5/2007); Thoả thuận hợp tác giữa thành phố Hà Nội – Pretoria (11/2007); Thoả thuận hợp tác giữa thành phố Hồ Chí Minh – Johannesburg (11/2009); Bản ghi nhớ về hợp tác du lịch (10/2010); Bản ghi nhớ về hợp tác nguồn nước (10/2010); Biên bản kỳ họp lần thứ 2 Diễn đàn đối tác liên Chính phủ Việt Nam – Nam Phi (8/2012); MOU về hợp tác trong lĩnh vực quản lý đa dạng sinh học (12/2012).
- Các văn kiện pháp lý 2 bên hiện đang đàm phán (bắt đầu từ kỳ họp Diễn đàn Đối tác lần 2 VN-NAM PHI, tháng 8/2012): Hiệp định tương trợ tư pháp về dẫn độ (giữa Bộ Công an và Bộ Tư pháp và Phát triển Hiến pháp Nam Phi), MOU về hợp tác tương trợ tư pháp (giữa Bộ Tư pháp và Bộ Tư pháp và Phát triển Hiến pháp Nam Phi), MOU về hợp tác tương trợ tư pháp về hình sự (giữa Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp và Phát triển Hiến pháp Nam Phi) – đàm phán vòng 1 (tháng 12/2012); Hiệp định hợp tác song phương về Dịch vụ vận chuyển Hàng không.
- Kinh tế - Thương mại - Đầu tư: Nam Phi hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực châu Phi. Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Nam Phi tăng từ 192 triệu USD năm 2007 lên 658 triệu USD năm 2010; 2,1 tỷ USD năm 2011; năm 2012 đạt 723 triệu USD; 9 tháng đầu năm 2013 đạt 655 triệu USD.
Nguyên nhân của sự sụt giảm này do xuất khẩu nhóm hàng đá quý và kim loại quý sang Nam Phi giảm mạnh. Trong những năm gần đây, ta chủ yếu xuất siêu sang Nam Phi với các mặt hàng như điện thoại di động, kim loại quý, gạo, giày dép, hàng dệt may, cà phê, điện tử, máy móc, phụ tùng...(nguồn Bộ Công thương).
Việt Nam có 02 dự án đầu tư ở Nam Phi, xếp thứ 39/58 quốc gia có vốn đầu tư của Việt Nam. Dự án tiêu biểu nhất là dự án Công ty cổ phần Việt Trang tại Nam Phi, tổng vốn đăng ký 950.000USD, hoạt động trong lĩnh vực khai thác, sơ chế gỗ, xuất khẩu và kinh doanh siêu thị.
- Nông nghiệp: Nam Phi đang tài trợ cho dự án “nâng cao năng suất lúa và rau màu ở Guinea” Việt Nam và Guinea Conakry (từ năm 2008). Kết quả triển khai dự án được đánh giá tốt năng, năng suất bình quân tăng từ 2,6 tấn lên 6-7 tấn/ha và đạt sản lượng 170 ngàn tấn lúa và trên 800 tấn rau màu, công tác chuyển giao kỹ thuật cho kỹ thuật viên và nông dân Guinea cũng được thực hiện tương đối tốt. Tổng thống Guinea Conakry đánh giá cao sự hợp tác giúp đỡ của Nam Phi và Việt Nam và mong muốn mô hình này được nhân rộng trên toàn quốc trong thời gian tới giúp Guinea Conakry bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và có thể xuất sang một số nước trong khu vực.
Dự án đã thực hiện xong giai đoạn 2 (2011-2013). Ba bên thống nhất mở rộng vùng thực hiện dự án và kéo dài thời gian thực hiện dự án đến 2015. Hiện đang có 14 chuyên gia và kỹ thuật viên nông nghiệp của ta đang làm việc tại Ghi-nê Con-na-kri.
- Các lĩnh vực khác: Tại kỳ họp lần 2 Diễn đàn đối tác liên Chính phủ Việt Nam – Nam Phi (tháng 8/2012), hai bên đã nhất trí sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực về an ninh (thúc đẩy đàm phán, ký kết các Hiệp định Hợp tác phòng chống tội phạm, Hiệp định Dẫn độ), quốc phòng (tiến hành đối thoại chiến lược quốc phòng trong năm 2013, đẩy mạnh hợp tác công nghiệp quốc phòng và mua bán trang thiết bị quốc phòng), tài nguyên thiên nhiên (quản lý khai thác và sử dụng tài nguyên nước), nông nghiệp (xem xét nhân rộng mô hình này sang các nước châu Phi khác và có thể mở rộng sang các lĩnh vực khác như nuôi trồng thủy sản, y tế, giáo dục) và mở rộng hợp tác về tư pháp (đàm phán các HĐ tương trợ TP về hình sự, dẫn độ), môi trường (hợp tác về quản lý đa dạng sinh học nhằm tăng cường hợp tác trong việc bảo vệ động vật hoang dã, chống việc giết và buôn bán trái phép các mặt hàng làm từ các loài có nguy cơ tuyệt chủng).
- Trong kỳ họp này, Nam Phi từ chối đưa vào Biên bản kỳ họp nội dung trao đổi giữa hai bên về tình hình biển Đông và giải thích: khi họp UBHH với Trung Quốc, bạn cũng không đưa nội dung này vào Biên bản.
Back Top page Print Email |