TLCB Nam Phi tháng 8/2020
BỘ NGOẠI GIAO
---o0o---
TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ CỘNG HÒA NAM PHI VÀ
QUAN HỆ VIỆT NAM - NAM PHI
-----
I. Khái quát chung:
- Cộng hoà Nam Phi nằm ở cực Nam châu Phi, Đông Bắc giáp Mô-dăm-bích (Mozambique), Dim-ba-bu-ê (Zimbabwe), Bốt-xoa-na (Botswana), Na-mi-bi-a (Namibia); Tây Nam giáp Đại Tây Dương và Đông Nam giáp Ấn Độ Dương, có bờ biển dài 3000 km.
- Diện tích: 1.219.912 km2
- Dân số: 55 triệu người (2018)
- Thủ đô: Prê-tô-ri-a (Pretoria) - hành pháp, Kếp-thao (Cape Town) - lập pháp; Bờ-lô-êm-phôn-tên (Bloemfontein) - tư pháp.
- Ngôn ngữ: 11 ngôn ngữ chính thức. Tiếng Anh được sử dụng rộng rãi ở Nam Phi.
- Tổng thống: Xi-rin Ra-ma-pho-sa (Cyril Ramaphosa) (từ 26/2/2018), Chủ tịch Đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) (từ tháng 12/2017).
- Bộ trưởng Hợp tác và Quan hệ Quốc tế: Tiến sĩ Na-lê-đi Pan-đơ (Nadeli Pander) (từ 5/2019)
- Quốc khánh: 27/4/1994 (ngày tổ chức cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên)
II. Chính trị:
Thời kỳ chế độ A-pác-thai, dưới sự lãnh đạo của Đại hội Dân tộc Phi (ANC) và Đảng Cộng sản Nam Phi, nhân dân Nam Phi đã kiên trì đấu tranh bằng nhiều hình thức khác nhau. Khi chế độ A-pác-thai chấm dứt, tháng 4/1994, Nam Phi tiến hành cuộc tổng tuyển cử đa sắc tộc với thắng lợi lớn của ANC. Từ đó đến nay, Nam Phi theo chế độ cộng hòa Tổng thống, đã trải qua 5 kỳ tổng tuyển cử (1994, 1999, 2004, 2009, 2014, 2019) với kết quả ANC luôn chiếm đa số ghế tại Quốc hội. Tại cuộc tổng tuyển cử tháng 5/2019 vừa qua, ANC giành được 57,5%, tương đương 230/400 ghế tại Quốc hội và được quyền lựa chọn đại diện của Đảng làm Tổng thống.
Nghị viện Nam Phi bao gồm Quốc hội (National Assembly) và Hội đồng quốc gia cấp tỉnh (National Council of Provinces - NCOP). Quốc hội gồm 350 – 400 đại biểu được bầu lên thông qua hệ thống tỷ lệ đại diện của các Đảng phái chính trị và có nhiệm kỳ 5 năm. Quốc hội bầu ra Tổng thống. Hội đồng quốc gia cấp tỉnh gồm 54 đại biểu thường trực và 36 đại biểu đặc biệt với nhiệm vụ đại diện cho lợi ích của các tỉnh trên bình diện quốc gia.
Tổng thống là Nguyên thủ quốc gia, đứng đầu nội các, bổ nhiệm Phó Tổng thống trong số các đại biểu Quốc hội và các Bộ trưởng.
Tổng thống Jacob Zuma lên nắm quyền năm 2009, bị chỉ trích vì bê bối về tài chính và quản trị nên trước sức ép đe dọa biểu tình, đình công của một số đảng đối lập và ngay trong nội bộ Đảng ANC ngày 14/2/2018, ông Zuma đã tuyên bố từ chức. Ngày 16/2/2018, Quốc hội Nam Phi đã bầu ông Cyril Ramaphosa (tân Chủ tịch Đảng ANC từ tháng 12/2017) làm Tổng thống. Tháng 5/2019, ông Cyril Ramaphosa tái đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ 2019-2024.
III. Đối ngoại:
- Nam Phi là thành viên LHQ, Khối thịnh vượng chung, Liên minh Châu Phi (AU), Không liên kết, G-20, BRICS (Bra-xin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi), Uỷ viên không thường trực HĐBA/LHQ khoá 2007 – 2008, 2011 – 2012, 2019-2020 (tháng 6/2018 với số phiếu bầu 183/190 phiếu). Nam Phi là một trong những nước đưa ra Chương trình đối tác mới vì sự phát triển của châu Phi-NEPAD (2001) nhằm thực hiện xoá đói giảm nghèo, giảm sự phụ thuộc từ bên ngoài, đồng thời thúc đẩy tiến bộ trong các lĩnh vực thông qua thiết lập quan hệ đối tác mới giữa châu Phi và cộng đồng quốc tế.
- Từ khi ANC lên cầm quyền, Nam Phi tích cực tham gia giải quyết một số xung đột ở khu vực (vấn đề Dim-ba-bu-ê, xung đột tại CHDC Công-gô, Xu-đăng, Li-bi, Ma-đa-gát-xca…) và tăng cường vai trò nước lớn trong Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi (SADC).
- Nam Phi tranh thủ các nước lớn, đặc biệt là Mỹ, Nhật Bản, EU, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ nhằm thu hút vốn, đầu tư, khoa học kỹ thuật và mở rộng kinh tế đối ngoại; đồng thời tăng cường quan hệ với châu Á, các nước ASEAN, trong đó đẩy mạnh quan hệ với Trung Quốc.
V. Kinh tế:
Nam Phi là quốc gia phát triển hàng đầu về kinh tế, xã hội và chính trị ở lục địa châu Phi. Các ngành kinh tế chính của Nam Phi là dịch vụ khai khoáng (trữ lượng khoáng sản có giá trị khoảng 2,5 - 4,7 nghìn tỷ USD, hàng năm đóng góp 20% GDP cả nước, thu hút khoảng 1 triệu lao động trực tiếp và gián tiếp phục vụ sản xuất), vận tải, năng lượng, cơ khí, du lịch và nông nghiệp. Kinh tế Nam Phi phân bố không đồng đều, 5 triệu người da trắng nắm giữ hơn 80% của cải xã hội. Nam Phi sản xuất khoảng 4 triệu tấn crôm/năm (chiếm 60% lượng giao dịch crôm trên thị trường thế giới), xuất khẩu vàng nhiều nhất thế giới, đứng thứ 2 thế giới về sản xuất platinum, sản xuất rượu vang lớn thứ tư thế giới, du lịch cũng là ngành kinh tế năng động.
Trước khó khăn kinh tế do khủng hoảng giá nguyên liệu thô (từ 2014) và nạn thất nghiệp tăng cao, Nam Phi tập trung ưu tiên xoá đói giảm nghèo, bình đẳng giới, giải quyết nạn thất nghiệp của lao động trẻ, chống tham nhũng và hội nhập nền kinh tế số. Chính phủ có Chương trình phát triển quốc gia Tầm nhìn 2030 chuyển đổi nền kinh tế, ưu tiên các lĩnh vực dầu khí, kinh tế biển, chế xuất, dịch vụ; tăng năng lực sản doanh xuất của nghiệp trong nước, khuyến khích tiêu dùng ản phẩm nội địa, đẩy mạnh cơ chế hành chính một cửa, trang bị kỹ năng cho thanh niên, phát triển giáo dục; coi đây là các biện pháp cơ bản giải quyết thách thức của đất nước. Nam Phi chủ trương phát triển đặc khu kinh tế (hiện đã có 5 đặc khu), giảm bớt hàng rào kỹ thuật để thu hút mạnh đầu tư nước ngoài, nhất là vào cảng biển.
Về đầu tư-thương mại, Nam Phi là một trong những nước dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài tại châu Phi, chủ yếu từ các nước lớn như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản... Từ năm 2010, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nam Phi.
Một số chỉ số kinh tế năm 2019:
- GDP (theo sức mua): 809 tỷ USD
- GDP bình quân (tính theo sức mua): 13.750 USD
- Tăng trưởng GDP: 0,7%
(Nguồn: IMF (imf.org))
Các sản phẩm xuất khẩu chính: Kim cương, vàng, platinum, crôm, máy móc thiết bị, rượu vang
Các sản phẩm nhập khẩu chính: Máy móc thiết bị, hóa chất, sản phẩm hóa dầu, dụng cụ khoa học, thực phẩm
VI. Quan hệ với Việt Nam:
- Chính trị - ngoại giao:
Việt Nam có quan hệ từ lâu với Đại hội Dân tộc Phi (ANC) và Đảng Cộng sản Nam Phi và luôn ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Nam Phi chống chế độ A-pác-thai, ủng hộ quá trình cải cách dân chủ.
Việt Nam và Nam Phi thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 22/12/1993, ngay khi Hiến pháp lâm thời Nam Phi được thông qua, mở đường cho bầu cử Tổng thống dân chủ đầu tiên của Nam Phi sau thời kỳ A-pác-thai.
Ta mở Đại sứ quán tại Nam Phi năm 2000, Nam Phi mở Đại sứ quán tại Việt Nam năm 2002 và Văn phòng Lãnh sự danh dự tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2009.
Bộ Ngoại giao hai nước đã tổ chức 4 kỳ họp Diễn đàn đối tác liên Chính phủ (2007, 2012, 2015, 2019).
Một số hoạt động trao đổi đoàn cấp cao chủ yếu:
+ Đoàn ta thăm bạn: Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình (5/1994), Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (3/1995), Thủ tướng Phan Văn Khải (11/2004), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu (6/2006), Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan (5/2011); Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (8/2013), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (8/2015); Phó Chủ nhiệm UBĐN Quốc hội Ngô Đức Mạnh (12/2015), Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ (8/2017), UVTW Đảng, Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí (9/2018); UV BCT, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính (27-31/7/2019), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (04-06/11/2019).
+ Đoàn bạn thăm ta: Tổng thống Mbeki (5/2007), Phó Tổng thống Nam Phi (10/2010), Chủ tịch Hạ viện Nam Phi (11/2011), Bộ trưởng Cảnh sát Nam Phi (11/2011), Chủ tịch Hạ viện (dự IPU132 tháng 4/2015), Phó Tổng thống C. Ramaphosa (10/2016); Bộ trưởng Hợp tác và Quan hệ quốc tế Nam Phi (tháng 8/2017); Bộ trưởng Quốc phòng và Cựu Chiến binh (22-26/8/2019).
- Thương mại - Đầu tư: Nam Phi hiện là đối tác thương mại và thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại châu Phi. Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Nam Phi luôn đạt ở mức khoảng 1 tỷ USD. Năm 2019 đạt 1,13 tỷ USD; trong đó ta xuất siêu khoảng 800 triệu USD (năm 2017 đạt 995 triệu USD trong đó ta xuất siêu 751 triệu USD) với mặt hàng chính là điện thoại di động và linh kiện (50% kim ngạch xuất khẩu), máy vi tính, sản phẩm điện tử, giày dép, máy móc thiết bị...; ta nhập chất dẻo nguyên liệu, kim loại, hoa quả, nguyên phụ liệu dệt may, giày da…
Tính đến năm 2019, Việt Nam có 02 dự án đầu tư ở Nam Phi với tổng số vốn 1,6 triệu USD, xếp thứ 39/58 quốc gia có vốn đầu tư của Việt Nam. Dự án lớn nhất là dự án Công ty cổ phần Việt Trang tại Nam Phi, tổng vốn đăng ký 950.000 USD, hoạt động trong lĩnh vực khai thác, sơ chế gỗ, xuất khẩu và kinh doanh siêu thị. Nam Phi có 7 dự án đầu tư tại Việt Nam (tổng số vốn 1,225 triệu USD vào lĩnh vực nhà hàng, sản xuất nước giải khát…), đứng thứ 90/126 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
- Quốc phòng: Bộ Quốc phòng hai nước thiết lập cơ chế Đối thoại Chính sách Quốc phòng (DPD) cấp Thứ trưởng năm 2015 và đã tổ chức 02 lần Đối thoại vào các năm 2015 và 2017. Hai bên đang thúc đẩy Đối thoại chính sách Quốc phòng lần 3 tại Hà Nội trong năm 2019.
- Nông nghiệp: Tại Diễn đàn Đối tác lần 4 (3/2019), hai nước thống nhất mở rộng hợp tác toàn diện trong các lĩnh vực nông nghiệp gồm nông-lâm nghiệp, thuỷ sản, trồng trọt, chăn nuôi; nhất trí khởi động đàm phán một MoU mới về hợp tác trong các lĩnh vực này.
Hai nước từng cùng phối hợp với Cộng hòa Guinea triển khai dự án hợp tác theo mô hình ba bên về “Nâng cao năng suất lúa và rau màu ở Guinea” tại CH Ghi-nê (từ năm 2008-2014), trong đó Nam Phi tài trợ 6 triệu USD, ta đã cử 14 lượt chuyên gia và kỹ thuật viên nông nghiệp sang làm việc tại Guinea. Kết quả dự án được đánh giá tốt, góp phần đưa năng suất bình quân tăng từ 2,6 tấn lên 6-7 tấn/ha và đạt sản lượng 170 ngàn tấn lúa và trên 800 tấn rau màu, công tác chuyển giao kỹ thuật cho kỹ thuật viên và nông dân Ghi-nê cũng được thực hiện tốt, được Tổng thống Ghi-nê đánh giá cao.
- Bảo tồn đa dạng sinh học: Hai nước đã ký MOU hợp tác về quản lý bảo vệ và bảo tồn đa dạng sinh học (2012) và xây dựng Chương trình hành động bảo tồn đa dạng sinh học giai đoạn 2012-2017.
Các Hiệp định, thoả thuận đã ký: Hiệp định thương mại (4/2000); Tuyên bố chung về đối tác vì hợp tác và phát triển, Hiệp định thành lập Diễn đàn Đối tác Liên Chính phủ về hợp tác kinh tế, thương mại, văn hoá, KHKT, Thoả thuận thành lập UB thương mại hỗn hợp và Thoả thuận hợp tác giữa hai phòng thương mại và Công nghiệp (11/2004); Thoả thuận hợp tác về quốc phòng (5/2006); Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Tình báo Nam Phi (2006); Hiệp định hợp tác giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Nam Phi, Hiệp định miễn thị thực cho hộ chiếu ngoại giao, công vụ, Biên bản phiên họp thứ nhất Diễn đàn đối tác liên Chính phủ Việt Nam – Nam Phi (5/2007); Thoả thuận hợp tác giữa thành phố Hà Nội – Pretoria (11/2007); Thoả thuận hợp tác giữa thành phố Hồ Chí Minh – Johannesburg (11/2009); Bản ghi nhớ về hợp tác du lịch (10/2010); Bản ghi nhớ về hợp tác nguồn nước (10/2010); Biên bản kỳ họp lần thứ 2 Diễn đàn đối tác liên Chính phủ Việt Nam – Nam Phi (8/2012); MOU về hợp tác trong lĩnh vực quản lý đa dạng sinh học (12/2012); Biên bản kỳ họp lần thứ 3 Diễn đàn đối tác liên Chính phủ Việt Nam – Nam Phi (6/2015); Biên bản ghi nhớ về Hợp tác phòng chống tội phạm (9/2018); Biên bản kỳ họp lần thứ 4 Diễn đàn đối tác liên Chính phủ Việt Nam-Nam Phi (3/2019).
Tháng 8/2020
![]() ![]() ![]() ![]() |