Tài liệu cơ bản về nước Cộng hòa Xi-ê-ra Lê-ôn
và quan hệ với Việt Nam
1. Khái quát
• Tên nước: Cộng hoà Xi-ê-ra Lê-ôn (Republic of Sierra Leone )
• Thủ đô: Phờ-ri Thao (Freetown)
• Vị trí địa lý: nằm ở Tây Phi, phía Bắc và Đông giáp Ghi-nê (Guinea), Tây giáp Đại Tây Dương, Nam và Đông Nam giáp Li-bê-ri-a (Liberia)
• Diện tích: 71.740 km2
• Dân số: 5.363.669 triệu người (2011)
• Khí hậu: Nhiệt đới nóng và ẩm
• Dân tộc: Có 20 bộ tộc chiếm 90% dân số trong đó có hai bộ tộc lớn nhất là Temne 30%, Mende 30%.
• Ngôn ngữ: Tiếng Anh, tiếng thổ ngữ Mende (dùng ở phía Nam), Temne (dùng ở phía Bắc)
• Tôn giáo: 60% Hồi giáo, 30% tôn giáo cổ truyền, 10% Thiên chúa giáo
• Quốc khánh: 27/4/1961
• Tổng thống: Ơn-nét Bai Cô-rô-ma (Ernest Bai Koroma) (từ 17/9/2007)
• Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế: Giô-dép Ben-đáp Đâu-đơ (Joseph Bandabla DAUDA) (12/2010)
2. Lịch sử
- Năm 1462, người Bồ Đào Nha bắt đầu xâm nhập vào Xi-ê-ra Lê-ôn.
- Năm 1500, thực dân Bồ mới thiết lập được một số cứ điểm của họ ở đây. Sau đó người Pháp, Hà Lan, Anh tiếp tục xâm nhập, bắt những người Phi làm nô lệ.
- Năm 1896, Anh biến Xi-ê-ra Lê-ôn thành thuộc địa bảo hộ của mình. Nhân dân Xi-ê-ra Lê-ôn đã nhiều lần nổi dậy đấu tranh chống thực dân Anh.
- Ngày 27/4/1961, Anh phải trao trả độc lập cho Xi-ê-ra Lê-ôn, nhưng vẫn đặt dưới sự bảo trợ của Anh và thuộc Khối liên hiệp Anh.
- Ngày 19/4/1971, Thủ tướng S.Stevens tuyên bố thành lập nước Cộng hoà Xi-ê-ra Lê-ôn, xoá bỏ chế độ toàn quyền Anh, lập chế độ Tổng thống nhưng vẫn thuộc khối Liên hiệp Anh và thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
3. Chính trị
a) Đối nội
- Xi-ê-ra Lê-ôn thực hiện dân chủ đa đảng từ rất sớm (1962). Tổng thống đứng đầu nhà nước và chính phủ.Tuy nhiên, tình hình chính trị luôn không ổn định và đã xẩy ra nhiều cuộc đảo chính. Tổng thống AHMED TEJAN KABBAH trúng cử Tổng thống trong cuộc bầu cử dân chủ năm 1996 và 2002.
- Kể từ 1991, cuộc nội chiến giữa quân Chính phủ và Mặt trận Cách mạng thống nhất (RUF) đã làm hàng chục ngàn người Xi-ê-ra Lê-ôn chết và hơn 2 triệu người (hơn 1/3 dân số) phải di cư sang các nước láng giềng. Tháng 6/1/1999, lực lượng Mặt trận Cách mạng thống nhất (RUF) phát động đấu tranh vũ trang chống lại Chính quyền của Tổng thống hợp pháp và đã chiếm phía Đông và trung tâm thủ đô Freetown trong đó có Phủ Tổng thống, Sở cảnh sát. Lực lượng gìn giữ hoà bình của Cộng đồng các nước Tây Phi (ECOWAS) đã đưa quân vào Xi-ê-ra Lê-ôn và đẩy lùi lực lượng nổi dậy ra khỏi thủ đô.
- Tháng 7/1999, Chính phủ của Tổng thống Kabbah và Mặt trận cách mạng thống nhất đã ký Hiệp định hoà bình .
- Tháng 5/2000, hiệp định hoà bình bị phá vỡ sau khi RUF bắt cóc 500 lính gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc đang thực thi nhiệm vụ tại Xi-ê-ra Lê-ôn. Cuối năm 2000, với sự giúp đỡ của LHQ và các nước ECOWAS, tình hình chính trị Xi-ê-ra Lê-ôn đã ổn định, chấm dứt nội chiến.
- Từ tháng 1/2006 Phái bộ LHQ tại Xi-ê-ra Lê-ôn UNAMSIL chấm dứt họat động và được thay thế bằng Văn phòng Hỗn hợp của LHQ tại Xi-ê-ra Lê-ôn (UNIOSIL) - một văn phòng dân sự có nhiệm vụ chủ yếu là hỗ trợ chính quyền Xi-ê-ra Lê-ôn nâng cao năng lực quản lý, tăng cường khả năng an ninh hỗ trợ hoạt động nhân đạo và tái thiết đất nước.
- Tháng 9/2010, HĐBA/LHQ đã chính thức dỡ bỏ lệnh trừng phạt chống lại nước này sau 12 năm.
b) Đối ngoại
- Xi-ê-ra Lê-ôn thực hiện chính sách đa dạng hoá quan hệ, coi trọng quan hệ với các nước láng giềng, phát triển quan hệ với các nước lớn (Mỹ, Nga, Trung Quốc). Hiện nay, Xi-ê-ra Lê-ôn đang đẩy mạnh quan hệ kinh tế với Anh, Mỹ, Bỉ và EU. Xi-ê-ra Lê-ôn rất coi trọng thúc đẩy hợp tác với các nước đang phát triển trong khuôn khổ hợp tác Nam-Nam, trong đó có Việt Nam.
3. Kinh tế
- Xi-ê-ra Lê-ôn là nước nông nghiệp, 2/3 dân số làm nghề nông. Sản phẩm chính là lúa, lạc, dầu cọ, chà là, cacao. Xi-ê-ra Lê-ôn là nước xuất khẩu dầu cọ lớn thứ 3 châu Phi sau Nigeria và CHDC Congo.
- Tài nguyên chủ yếu: Kim cương, vàng, ti-tan, bô-xít, sắt.
- Về công nghiệp, Xi-ê-ra Lê-ôn đã xây dựng được một số cơ sở sản xuất như nhà máy chế biến thực phẩm, rau quả, xay sát, lọc dầu, sản xuất vật liệu xây dựng, xi măng và thuốc lá.
- Chiến lược phát triển kinh tế của Xi-ê-ra Lê-ôn dựa vào phát triển công nghiệp để xuất khẩu các hàng nông sản như hạt cọ, cà phê, cá và khai thác khoáng sản, nhất là kim cương.
Một số thống kê:
- GDP: 2,1 tỷ USD (2011)
- GDP bình quân (tính theo sức mua): 800 USD (2011)
- Tăng trưởng GDP: 5,1 % (2011)
- Xuất khẩu: 469 triệu USD (2011), chủ yếu là cacao, cà phê, kim cương
- Nhập khẩu: 965 triệu USD (2011), chủ yếu là thiết bị, máy móc, thực phẩm
- Lạm phát: 18 % (2011)
- Thâm hụt ngân sách: 7 % (2011)
- Cơ cấu ngành: nông nghiệp 51%; công nghiệp 21,7%; dịch vụ 27,3%
(Theo CIA.gov)
5. Quan hệ Việt Nam-Xi-ê-ra Lê-ôn
- Việt Nam và Xi-ê-ra Lê-ôn lập quan hệ ngoại giao (24/6/1982). Quan hệ chính trị hai nước phát triển tốt. Hai nước ủng hộ lẫn nhau trong các diễn đàn quốc tế (KLK, LHQ).
- Năm 2008, khi là Ủy viên không thường trực của HĐBA/LHQ, Việt Nam đã từng giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban về Cộng hoà Xi-ê-ra Lê-ôn.
- Trao đổi kim ngạch thương mại song phương: đạt trên 33 triệu USD (2009) ; 22 triệu USD (2010); 44 triệu USD (2011); quý I/2012 đạt 4,5 triệu USD trong đó Việt Nam nhập chủ yếu là gỗ, sản phẩm gỗ và sắt thép phế liệu; xuất chủ yếu là các mặt hàng gạo, nguyên phụ liệu thuốc lá.
- Theo MoU về thương mại gạo giữa hai nước được ký tháng 6/2011, Việt Nam sẽ cung cấp với số lượng lên tới 100.000 tấn/năm trong giai đoạn 2011 đến 2015 cho SL trên tổng số nhu cầu nhập khẩu khoảng 200.000 tấn/năm của nước này.
- Trao đổi đoàn: Công sứ Xi-ê-ra Lê-ôn (2001), Đại sứ Xi-ê-ra Lê-ôn tại Bắc Kinh dự Hội thảo Việt Nam – châu Phi (2003); Bộ trưởng Công Thương (2011); Đặc phái viên của TTg, Thứ trưởng Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng (2010).
- Hai bên đã ký: MoU về hợp tác nông nghiệp, sản xuất muối (12/2001); Hiệp định kinh tế – thương mại, văn hoá và công nghệ (2003); MoU giữa Bộ NN&PTNT VN và Bộ NN, Rừng và An ninh lương thực Xi-ê-ra Lê-ôn về hợp tác song phương trên lĩnh vực nông nghiệp (2010); MoU giữa Bộ NN&PTNT VN với Bộ Nghề cá và Nguồn lợi Thủy sản Xi-ê-ra Lê-ôn về hợp tác song phương trong lĩnh vực thủy sản; Biên bản làm việc giữa hai Bộ Ngoại giao (2010); MoU giữa 2 Bộ Công Thương về thương mại gạo (2011)
6. Địa chỉ cơ quan đại diện ngoại giao kiêm nhiệm mỗi nước
Đại sứ quán Việt Nam tại Nigeria (kiêm nhiệm Xi-ê-ra Lê-ôn)
Địa chỉ: Số 9 đường River Niger, quận Maitama
Điện thoại: +234 9 8703678
Fax: +234 9 8703679
Email: vnemb.ng@mofa.gov.vn hoặc dsqvnnigeria@gmail.com
Đại sứ quán Xi-ê-ra Lê-ôn tại Bắc Kinh (kiêm nhiệm Việt Nam)
Địa chỉ: 7 Dongahi Men, Wai Dajie Sanitun, 100600
Điện thoại: +86 10 65321222/65322174/65321446
Fax: +86 10 65323752
Email: slembbj@public3.bta.net.cn