TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ NƯỚC CỘNG HÒA XI-Ê-RA LÊ-ÔN VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM
A. THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ NƯỚC XI-Ê-RA LÊ-ÔN
Tên nước: Cộng hoà Xi-ê-ra Lê-ôn (Republic of Sierra Leone)
Thủ đô: Phờ-ri Thao (Freetown)
Quốc khánh: 27/4/1961
Vị trí địa lý: nằm ở Tây Phi, phía Bắc và Đông giáp Ghi-nê (Guinea), Tây giáp Đại Tây Dương, Nam và Đông Nam giáp Li-bê-ri-a (Liberia)
Diện tích: 71.740 km2
Khí hậu: Nhiệt đới nóng và ẩm
Dân số: khoảng 8,2 triệu người (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
Ngôn ngữ: Tiếng Anh, tiếng thổ ngữ Mende (phía Nam), Temne (phía Bắc).
Đơn vị tiền tệ: Leone (1 USD = 11 Leone)
GDP: 5,13 tỷ USD (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
GDP/đầu người: 516 USD (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
Tôn giáo: 78,6% Hồi giáo, 20% Thiên chúa giáo…
Cơ cấu hành chính: 4 tỉnh và vùng phía Tây (bao gồm thủ đô Freetown).
Lãnh đạo chủ chốt:
- Tổng thống: Giu-li-út Ma-đa Bi-ô (Julius Maada Bio) (từ tháng 4/2018);
- Phó Tổng thống: Mô-ha-mét Dun-đếch Da-lô (Mohamed Juldeh Jalloh) (từ tháng 4/2018);
- Chủ tịch Nghị viện: A-bát Chê-nơ Bun-đu (Abass Chernor Bundu) (từ tháng 4/2018);
- Bộ trưởng Ngoại giao: Đa-vít Giôn Phờ-răng-xít (David J. Francis) (từ tháng 4/2021).
II. Khái quát lịch sử
Năm 1462, người Bồ Đào Nha bắt đầu xâm nhập Xi-ê-ra Lê-ôn nhưng phải đến năm 1500, thực dân Bồ mới thiết lập được một số cứ điểm của họ ở đây. Sau đó người Pháp, Hà Lan, Anh tiếp tục đến Xi-ê-ra Lê-ôn và bắt những người bản địa làm nô lệ.
Năm 1896, Anh biến Xi-ê-ra Lê-ôn thành thuộc địa. Người dân Xi-ê-ra Lê-ôn đã nhiều lần nổi dậy đấu tranh chống thực dân Anh.
Ngày 27/4/1961, dưới áp lực của lực lượng chủ nghĩa dân tộc, Anh phải trao trả độc lập cho Xi-ê-ra Lê-ôn, nhà đấu tranh Milton Margai trở thành Thủ tướng. Tuy nhiên, Xi-ê-ra Lê-ôn vẫn chịu sự bảo trợ của Anh.
Tháng 5/1962, Xi-ê-ra Lê-ôn tổ chức Tổng tuyển cử độc lập lần đầu.
Ngày 19/4/1971, Thủ tướng S. Stevens tuyên bố thành lập nước Cộng hoà Xi-ê-ra Lê-ôn, xoá bỏ chế độ toàn quyền Anh, lập chế độ cộng hòa Tổng thống nhưng vẫn tiếp tục là thành viên của Khối Thịnh vượng chung.
III. Thể chế nhà nước, chế độ chính trị, đảng phái chính trị
- Xi-ê-ra Lê-ôn theo chế độ Cộng hòa Tổng thống. Tổng thống là nguyên thủ quốc gia, đứng đầu chính phủ và được dân bầu trực tiếp với nhiệm kỳ 5 năm (có thể tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ). Ứng viên cần đạt trên 55% số phiếu mới có thể đắc cử trong vòng đầu tiên, nếu không ứng viên nào đạt được, vòng 2 sẽ được tổ chức giữa hai ứng viên có số phiếu cao nhất.
- Cơ cấu nghị viện: Hệ thống đơn viện. Nghị viện Xi-ê-ra Lê-ôn gồm 146 ghế, trong đó 132 ghế do bầu cử trực tiếp và 14 ghế được chỉ định cho người đứng đầu một số khu vực với nhiệm kỳ 5 năm.
- Các đảng phái chính: Xi-ê-ra Lê-ôn có 17 đảng phái chính trị đang hoạt động, các đảng chính gồm:
+ Đảng Nhân dân Xi-ê-ra Lê-ôn (Xi-ê-ra Lê-ôn People’s Party – SLPP): Đảng cầm quyền, thành lập năm 1951. Lãnh đạo Đảng là Tổng thống Giu-li-út Ma-đa Bi-ô.
+ Đại hội Toàn dân (All People’s Congress - APC): là đảng chính trị lớn thứ hai tại Xi-ê-ra Lê-ôn, thành lập năm 1960. Lãnh đạo Đảng là ông Ernest Bai Koroma.
IV. Tình hình
1. Chính trị nội bộ
Kể từ sau nội chiến 1991 - 2002, tình hình chính trị - an ninh Xi-ê-ra Lê-ôn dần ổn định; chính quyền tiến hành tái thiết đất nước, cải thiện cơ sở hạ tầng, tổ chức bầu cử dân chủ và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Tháng 1/2006, Phái bộ Liên hợp quốc tại Xi-ê-ra Lê-ôn (UNAMSIL) chấm dứt họat động và được thay thế bằng Văn phòng Hỗn hợp của Liên hợp quốc tại Xi-ê-ra Lê-ôn (UNIOSIL) - một văn phòng dân sự có nhiệm vụ chủ yếu hỗ trợ chính quyền Xi-ê-ra Lê-ôn nâng cao năng lực quản lý, tăng cường khả năng an ninh, hỗ trợ hoạt động nhân đạo. Sau chiến thắng trong tổng tuyển cử năm 2018, chính quyền Tổng thống Julius Maada Bio đã triển khai Kế hoạch phát triển 5 năm (MTNDP – 2019-2023), trong đó vạch ra mục tiêu và lộ trình phát triển đưa Xi-ê-ra Lê-ôn thành nước có nền dân chủ toàn diện và phát triển bền vững. Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Bio, Xỉ-ê-ra Lê-ôn tiếp tục giữ được ổn định chính trị - xã hội.
2. Kinh tế - Xã hội
- Xi-ê-ra Lê-ôn là một trong những nước nghèo nhất thế giới, 2/3 dân số sống bằng nghề nông. Tuy sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú như khoáng sản (kim cương, vàng, ti-tan, bô-xít, sắt), thủy hải sản và tiềm năng phát triển nông nghiệp (sản phẩm chính là lúa, lạc, dầu cọ, chà là, ca cao) nhưng cơ sở hạ tầng nước này phần lớn bị tàn phá sau cuộc nội chiến kéo dài từ 1991-2002. Trong những năm gần đây, tăng trưởng kinh tế Xi-ê-ra Lê-ôn chủ yếu dựa vào khai thác quặng sắt.
+ Các sản phẩm xuất khẩu chính: titan, kim cương, quặng sắt, đồng, cacao.
+ Các sản phẩm nhập khẩu chính: Gạo, thiết bị y tế, xe hơi, xi măng
+ Các đối tác thương mại chính: Trung Quốc, Mỹ, Hà Lan, Bỉ
- Xi-ê-ra Lê-ôn xếp 182/189 về chỉ số phát triển con người (HDI), tỷ lệ thất nghiệp là 5,3%, tỷ lệ biết chữ đạt 43% năm 2018, tỷ lệ nhân viên y tế/10000 dân là 1.
V. Chính sách đối ngoại
- Xi-ê-ra Lê-ôn thực hiện chính sách đa dạng hoá quan hệ, coi trọng quan hệ với các nước láng giềng, phát triển quan hệ với các nước lớn (Mỹ, Nga, Trung Quốc). Xi-ê-ra Lê-ôn coi trọng thúc đẩy hợp tác với các nước đang phát triển trong khuôn khổ hợp tác Nam-Nam.
- Xi-ê-ra Lê-ôn là thành viên của Liên hợp quốc, WTO, Liên minh châu Phi (AU), Cộng đồng kinh tế Tây Phi (ECOWAS)…
QUAN HỆ VIỆT NAM – XI-Ê-RA LÊ-ÔN
I. Quan hệ chính trị
- Thiết lập quan hệ ngoại giao: Việt Nam và Xi-ê-ra Lê-ôn lập quan hệ ngoại giao ngày 24/6/1982.
- Cơ quan đại diện: Hai nước chưa mở Đại sứ quán tại thủ đô của nhau. Hiện nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Ni-giê-ri-a kiêm nhiệm Xi-ê-ra Lê-ôn. Đại sứ quán Xi-ê-ra Lê-ôn tại Trung Quốc kiêm nhiệm Việt Nam.
- Hoạt động trao đổi đoàn:
+ Đoàn Việt Nam thăm Xi-ê-ra Lê-ôn: Đặc phái viên của Thủ tướng, Thứ trưởng Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng (2010).
+ Đoàn Xi-ê-ra Lê-ôn thăm Việt Nam: Công sứ Xi-ê-ra Lê-ôn (2001), Đại sứ Xi-ê-ra Lê-ôn tại Bắc Kinh dự Hội thảo Việt Nam – châu Phi (2003); Bộ trưởng Công Thương (2011); Cố vấn Tổng thống Abu Bakarr Karim (2018); Bộ trưởng Nông Lâm dự trực tuyến Hội thảo Nông nghiệp Việt Nam-châu Phi (2021); Tổng thống Julius Maada Bio (2022).
II. Hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư
1. Thương mại
Kim ngạch song phương năm 2020 đạt 49,26 triệu USD tăng so với 17 triệu USD năm 2018, trong đó ta xuất 47 triệu USD, chủ yếu gồm thuốc lá, máy vi tính, dệt may và nguyên phụ liệu; nhập 2,1 triệu USD, chủ yếu là gỗ và các sản phẩm gỗ.
2. Đầu tư: Xi-ê-ra Lê-ôn có 01 dự án đầu tư trong lĩnh vực marketing và quản lý nhân lực tại Việt Nam với vốn đăng ký 33.185 USD. Việt Nam chưa có dự án đầu tư tại Xi-ê-ra Lê-ôn.
3. Nông nghiệp: Trong các năm 2004, 2006 và 2008, Việt Nam đã cử các đoàn công tác thuộc Viện Tư vấn phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi (CISDOMA), Đại học An Giang (Giáo sư Võ Tòng Xuân)… sang khảo sát khả năng hợp tác, xây dựng dự án nông nghiệp tại Xi-ê-ra Lê-ôn. Ngoài ra, ta có dự án trồng lúa tại Xi-ê-ra Lê-ôn do doanh nghiệp của Việt Kiều Đức triển khai.
III. Hợp tác trong các lĩnh vực khác
1. Hợp tác trong các vấn đề khu vực và đa phương
Xi-ê-ra Lê-ôn ủng hộ Việt Nam ứng cử Hội đồng Chấp hành UNESCO (2015-2019), Hội đồng Kinh tế-xã hội LHQ (ECOSOC 2016-2018), Hội đồng Bảo an LHQ (2020-2021). Năm 2008, khi là Ủy viên không thường trực HĐBA/LHQ, Việt Nam đảm nhiệm chức Chủ tịch Ủy ban về Cộng hoà Xi-ê-ra Lê-ôn.
2. Hợp tác Giáo dục-đào tạo
Đại học FPT đã đồng ý cấp học bổng cho sinh viên và nhân viên chính phủ của Xi-ê-ra Lê-ôn trong chuyến thăm của Cố vấn Tổng thống Bạn vào 2018. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, thỏa thuận này chưa được triển khai.
IV. Các Hiệp định, thoả thuận đã ký kết giữa hai nước
Bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác nông nghiệp, sản xuất muối (12/2001); Hiệp định kinh tế - thương mại, văn hoá và công nghệ (2003); MoU về hợp tác song phương trên lĩnh vực nông nghiệp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp, Rừng và An ninh lương thực Xi-ê-ra Lê-ôn (2010); MoU về hợp tác song phương trong lĩnh vực thủy sản giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nghề cá và Nguồn lợi Thủy sản Xi-ê-ra Lê-ôn; Biên bản làm việc giữa hai Bộ Ngoại giao (2010); MoU về thương mại gạo (2011); MOU hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao (2022); MoU hợp tác nông nghiệp và MoU hợp tác thuỷ sản (ký lại năm 2022).
V. Thông tin cơ quan đại diện
Đại sứ quán Việt Nam tại Nigeria (kiêm nhiệm Xi-ê-ra Lê-ôn)
Địa chỉ: Số 9 đường River Niger, quận Maitama
Điện thoại: +234 9 8703678
Fax: +234 9 8703679
Email: vnemb.ng@mofa.gov.vn hoặc dsqvnnigeria@gmail.com
Đại sứ quán Xi-ê-ra Lê-ôn tại Bắc Kinh (kiêm nhiệm Việt Nam)
Địa chỉ: 7 Dongahi Men, Wai Dajie Sanitun, 100600
Điện thoại: +86 10 65321222/65322174/65321446
Fax: +86 10 65323752
Email: slembbj@public3.bta.net.cn
Tháng 8/2022
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |