Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ hai, ngày 14 tháng 04 năm 2025 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Tài liệu cơ bản tháng 4 năm 2019


     BỘ NGOẠI GIAO

                 -----

 

TÀI LIỆU CƠ BẢN

VỀ NƯỚC CỘNG HÒA THỐNG NHẤT TAN-DA-NI-A

VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM

 

 

 

1.  Khái quát

-       Nước Cộng hoà Thống nhất Tan-da-ni-a (The United Republic of  Tanzania)

-       Thủ đô: Thủ đô hành chính Đô-đô-ma (Dodoma), nơi đặt trụ sở Quốc hội Tan-da-ni-a. Thành phố lớn nhất Đa-ét Xa-lam (Dar Es Salaam), tất cả các cơ quan hành chính đều có trụ sở tại đây.

-       Vị trí địa lý: ở phía Đông châu Phi, giáp với Kê-ni-a (Kenya), U-gan-đa (Uganda), Ru-an-đa (Rwanda), Bu-run-đi (Burundi), CHDC Công-gô (Congo), Dăm-bi-a (Zambia), Ma-la-uy (Malawi) và Mô-dăm-bích (Mozambique) và Ấn Độ Dương.

-       Diện tích: hơn 947.3000 km2 (trong đó có khoảng 880.000 km2 đất liền)

-       Dân số: gần 54 triệu  người (2018).

-       Khí hậu: thay đổi theo vùng, vùng biển khí hậu nhiệt đới, vùng cao khí hậu nóng.

-       Ngôn ngữ: Kiswahili hay Swahili, Kiunguju, Ả-rập, tiếng Anh ngoài ra còn một số thổ ngữ khác.

-       Tôn giáo : Đạo Thiên chúa (30%), Đạo Hồi (33%), Hindu (1%),  và các tín ngưỡng cổ truyền.

-       Tiền tệ : Đồng Shilling Tan-da-ni-a

-       Đảng cầm quyền: Đảng Cách mạng Tan-da-ni-a Chama Cha Mapinduzi (CCM-the Revolutionary Party of Tan-da-ni-a).

-       Tổng thống: Giôn Ma-gu-phu-li (John Magufuli) (từ 11/2015)

-       Thủ tướng: Ma-gia-li-oa Ca-xim Ma-gia-li-oa (Majaliwa Kassim Majaliwa) (từ 11/2015)

-       Ngoại trưởng: Palamagamba Kabudi (từ 03/2019)

-       Quốc khánh: 26/4/1964

2.  Lịch sử

- Tan-ga-ni-ka: vào những năm 700 trước Công nguyên, vùng lãnh thổ này bị thương nhân Ả-rập xâm chiếm. Từ năm 1500 đến năm 1700 Bồ Đào Nha giành quyền kiểm soát ven biển của Tan-ga-ni-ka. Đến năm 1886, Tan-ga-ni-ka (cùng Bu-run-đi và Ru-an-đa) trở thành thuộc địa của Đức ở Đông Phi. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Tan-ga-ni-ka bị Anh tiếp tục cai trị nhưng do phong trào đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân, ngày 9/12/1961, thực dân Anh buộc phải trao trả độc lập cho Tan-ga-ni-ka .

- Dan-di-ba bị người Arập chiếm từ thế kỷ thứ 12 trở về trước. Đến thế kỷ thứ 15, Bồ Đào Nha chiếm Dan-di-ba và biến nơi này thành một trạm trung chuyển hàng hóa. Thế kỷ 19, người Arập (Oman) hất chân thực dân Bồ Đào Nha và đặt ách thống trị ở đây. Năm 1861, Dan-di-ba rơi vào tay Đức và Ý suốt nửa thế kỷ. Đến năm 1890, Vương quốc Dan-di-ba bị đặt dưới sự bảo trợ của đế quốc Anh. Tháng 12/1963, Anh buộc phải trao trả độc lập cho Dan-di-ba, nhưng chính quyền vẫn nằm trong tay tư bản địa chủ Arập.

- Ngày 12/1/1964, Dan-di-ba tiến hành cách mạng lật đổ tư bản địa chủ và lập nên nước Cộng hoà nhân dân Dan-di-ba (do những người gốc Phi có xu hướng mác-xít lãnh đạo quần chúng làm cách mạng).

- Ngày 26/4/1964, Cộng hòa Thống nhất Tan-da-ni-a được thành lập trên cơ sở hợp nhất giữa Cộng hòa Tan-ga-ni-ka (trên đất liền) và Cộng hòa Dan-di-ba (quần đảo ngoài khơi). Dan-di-ba trở thành khu vực bán tự trị thuộc Tan-da-ni-a, có chính phủ và quốc hội riêng.

3.  Chính trị

a.  Đối nội

-       Tan-da-ni-a giành độc lập từ Anh năm 1961 và đã áp dụng chế độ xã hội chủ nghĩa sau 6 năm giành độc lập. Theo Hiến pháp 1965, quyền lực tập trung vào tay Tổng thống (Tổng thống được bầu trực tiếp, nhiệm kỳ 5 năm). Thủ tướng chỉ có nhiệm vụ điều hành Văn phòng chính phủ. Quyền lập pháp tập trung vào Quốc hội - có nhiệm kỳ 5 năm và gồm 216 đại biểu được bầu trực tiếp cùng một số đại biểu được bầu gián tiếp.

-       Do tình hình thay đổi, dưới sức ép của các lực lượng chính trị, tháng 2/1992, Đảng Cách mạng Tan-da-ni-a (CCM) đã nhất trí tán thành hệ thống chính trị đa đảng và ngày 17/6/1992 đã thông qua đạo luật cho phép các chính đảng đối lập hoạt động. Một số chính đảng đối lập gồm:

+ Mặt trận Dân chủ thống nhất (CUF);

+ Đảng Dân chủ thống nhất (UDP);

+ Đảng Lao động Tan-da-ni-a (TLP).

-       Nội bộ Tan-da-ni-a ổn định, tuy nhiên vẫn tồn tại mâu thuẫn về quyền lực giữa các bộ tộc cũng như giữa Tan-ga-ni-ka và Dan-di-ba. Dan-di-ba là khu bán tự trị với dân số hơn 1 triệu người, có chính phủ, tổng thống riêng. Tan-ga-ni-ka cũng đang đòi có những cơ cấu tương tự.

-       Tháng 12/2005, ông Gia-kay-a Mơ-ri-sô Ki-quết-tê trúng cử Tổng thống, đồng thời là Chủ tịch Đảng Cách mạng Tan-da-ni-a (CCM-Đảng cầm quyền). Ông Ki-quết-tê tái đắc cử Tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2010.

-       Tháng 10/2015, ông Giôn Ma-gu-phu-li, ứng cử viên của Đảng CCM đắc cử Tổng thống. Kết quả bầu cử của Khu bán tự trị Dan-di-ba bị hủy do nhiều cáo buộc không tuân thủ quy trình bầu cử. Cuộc bầu cử đã được tổ chức lại ngày 20/3/2016 với chiến thắng thuộc về đương kim Tổng thống A-li Mô-ha-mét Sên (91,4% số phiếu của 67,9% cử tri). Ứng cử viên Xê-íp Sa-ríp Ha-mát (Seif Sharif Hamad) của đảng CUF – Đảng đối lập chính của Đảng Cách mạng Tanzania (CCM) cầm quyền đã kêu gọi tẩy chay cuộc bầu cử và chỉ giành được 1,9% số phiếu. Ông Giôn đã chính thức nhậm chức Tổng thống ngày 24/3/2016.

-       Trong nửa nhiệm kỳ đầu, Chính quyền của TTh John Magufuli đã đạt được một số thành tựu kinh tế - xã hội như triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng (gồm dự án thủy điện Stiegler’s Gorge lớn với công suất 2100MW), phục hồi hãng hàng không quốc gia Air Tanzania, tích lũy được 5,4 tỷ USD dự trữ ngoại hối (đủ dùng cho 06 tháng nhập khẩu), cắt giảm các chuyến thăm nước ngoài tốn kém của quan chức nhà nước, cắt giảm đáng kể lương trả cho lao động ảo trong cơ quan nhà nước, tạo việc làm cho nhiều nghìn lao động, …

-       Tuy nhiên, Chính phủ của TTh John Magufuli đang vấp phải một số khó khăn về kinh tế và chính trị. Về kinh tế, Chính quyền của TTh John Magufuli đã và đang đối mặt với cuộc khủng hoảng hạt điều. Những năm gần đây, hạt điều là nông sản xuất khẩu hàng đầu của Tanzania (kim ngạch xuất khẩu năm 2017 đạt 340 triệu USD, hơn cả kim ngạch xuất khẩu cà phê, bông, chè, đinh hương và vải bố sisal cộng lại). Giá thu mua điều của nông dân đã giảm mạnh từ năm 2017 khiến TTh Magufuli đề nghị các thương lái trong nước thu mua hạt điều với giá cao hơn để giải cứu nông dân. Tuy nhiên, các thương lái thu mua đã từ chối buộc TTh ra lệnh chính phủ đứng ra mua khoảng 220.000 tấn hạt điều của nông dân với giá 3.300 Tsh/kg. TTh Magufuli cũng tuyên bố nếu không có thương lái quốc tế nào mua hạt điều, Tanzania sẽ tự chế biến hạt điều. Tuy nhiên, hiện Tanzania chỉ có 08 cơ sở chế biến hạt điều đặt tại Mtwara (thủ phủ điều của Tanzania) và một cơ sở ở vùng Lindi với công suất tổng cộng hàng năm khoảng 32.500 tấn, không đủ khả năng chế biến 220.000 tấn hạt điều mà Chính phủ tuyên bố đã thu mua.

b.  Đối ngoại

Tan-da-ni-a có vai trò quan trọng tại các diễn đàn khu vực và thế giới (Ủy viên không thường trực HĐBA/LHQ khoá 2005-2006, một trong 8 nước được chọn triển khai thí điểm dự án nâng cao hiệu quả hoạt động của LHQ), đóng góp tích cực tại Phong trào Không liên kết, Liên minh châu Phi (AU), Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi (SADC), Chủ tịch Cộng đồng kinh tế khu vực Đông Phi (EAC) từ năm 2016 đến nay.

4.  Kinh tế

Nền kinh tế Tan-da-ni-a chủ yếu dựa vào nông nghiệp với tỷ trọng chiếm 1/4 GDP, 85% giá trị xuất khẩu, sử dụng 80% lực lượng lao động. Triển khai chiến lược "Nông nghiệp là hàng đầu", mức đầu tư của Tan-da-ni-a cho nông nghiệp chiếm 7% ngân sách, đồng thời tranh thủ sự quan tâm trợ giúp của bên ngoài cho lĩnh vực này. Tan-da-ni-a có 29,4 triệu ha đất canh tác nhưng hiện mới chỉ sử dụng có 4%.

Tan-da-ni-a hiện là quốc gia sản xuất vàng lớn thứ 3 của châu Phi. Bên cạnh đó, Tan-da-ni-a còn có ô-xít u-ra-ni-um với trữ lượng 53,9 triệu pound. Chính phủ Tan-da-ni-a đã cấp phép cho khoảng 20 công ty khai thác và phần lớn các dự án thực hiện trong năm 2010. Năm 2012, Tan-da-ni-a đã phát hiện mỏ khí đốt có trữ lượng lớn ở ngoài khơi Dan-di-ba.

Tan-da-ni-a được hưởng ưu đãi của hiệp định EBA (Everything But Arms) với EU và Đạo luật tăng trưởng kinh tế và cơ hội (AGOA) của Mỹ theo đó hơn 4.000 mặt hàng của Tan-da-ni-a xuất khẩu sang Mỹ được miễn thuế. Các nước đầu tư nhiều nhất vào Tan-da-ni-a là Anh, Mỹ, Nam Phi, Trung Quốc.

Thực hiện “Tầm nhìn 2025”, nhằm cải thiện mức sống của người dân, Tan-da-ni-a sẽ triển khai một số dự án lớn như xây dựng cầu nối từ Tan-da-ni-a đến Mô-dăm-bích, mở rộng quy mô cảng cửa ngõ Đa-ét Xa-lam, xây dựng cảng Bagamoyo lớn nhất châu Phi, mạng lưới điện nối từ Dăm-bi-a tới Kê-ni-a… và mong muốn trở thành trung tâm viễn thông ở khu vực Đông Phi.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại và nhà đầu tư lớn nhất của Tan-da-ni-a với tổng vốn đầu tư năm 2014 đã vượt 4 tỷ USD, hiện có hơn 500 doanh nghiệp Trung Quốc đang hoạt động tại Tan-da-ni-a.

Một số số liệu thống kê kinh tế (2018):

- GDP (tính theo sức mua) 162,2 tỷ USD

- GDP bình quân (tính theo sức mua): 3.240 USD

- Tăng trưởng GDP: 6,7%

- Cơ cấu kinh tế: Nông nghiệp 25,1%, công nghiệp 27,6%, dịch vụ 47,3%.

- Xuất khẩu: 5,99 tỷ USD, chủ yếu là vàng, cà phê, hạt điều, bông với các đối tác lớn như Ấn Độ (21,4% kim ngạch), Trung Quốc (8,1%), Nhật (5,1%) (2015).

- Nhập khẩu: 9,98 tỷ USD, chủ yếu là thực phẩm, nhiên liệu, máy móc kỹ thuật với các đối tác như Trung Quốc (34,6% kim ngạch), Ấn Độ (13,5%) (2015).

- Lạm phát: 3,5%.              

5.  Quan hệ Việt Nam - Tan-da-ni-a

a. Quan hệ chính trị - ngoại giao:

- Việt Nam và Tan-da-ni-a thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 14/2/1965. Ta mở Đại sứ quán tại Dar Es Salaam năm 1966 và đóng cửa năm 1984 do khó khăn kinh tế. Tháng 11/2003, ta mở lại Đại sứ quán tại Dar Es Salaam. Đại sứ quán Tan-da-ni-a tại Bắc Kinh kiêm nhiệm Việt Nam.

+ Lãnh đạo Tan-da-ni-a coi Việt Nam là tấm gương đấu tranh chống xâm lược đối với các dân tộc bị áp bức, đặc biệt là các nước châu Phi. Trong kháng chiến chống Mỹ, Tan-da-ni-a ủng hộ ta cả vật chất lẫn tinh thần.

- Trao đổi đoàn:

Phía Việt Nam: Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình (1970), Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ (1973), Bộ trưởng Võ Đông Giang (1982), Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phú Bình (9/2001), Thứ trưởng Thương mại Lê Danh Vĩnh (3/2002), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu (2006), Thứ trưởng Công Thương Lê Dương Quang (2010), Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội Phạm Minh Tuyên (2011), Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Hoàng Bình Quân (2013); Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phương Nga (5/2014); Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son (10/2015); Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (3/2016); UVTWĐ, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Trần Đơn (10/2017); Phó CTQH Phùng Thế Hiển (03/2018).

Phía Tan-da-ni-a: Nguyên Tổng thống J. Nyerere vào Việt Nam dự Hội nghị về hợp tác Nam – Nam với tư cách là Chủ tịch Phương Nam (1994), Ngoại trưởng Tan-da-ni-a Jakaya Kikwete (5/2001), Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại (11/2004), Tổng thống Benjamin W.Mkapa (12/2004), Thủ tướng Edward Lowassa (9/2006), Bộ trưởng Nông nghiệp Tan-da-ni-a (9/2007), Phó Chủ tịch Quốc hội Anne S.Makinda (11/2009), Thủ tướng Pinda (3/2010), Thư ký thường trực Bộ Nông nghiệp, An ninh Lương thực và Hợp tác dẫn đầu sang tham dự Hội thảo Quốc tế Việt Nam châu Phi lần 2 (8/2010) kết hợp làm việc với các Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài Chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương; Tổng thống khu bán tự trị Dan-di-ba thuộc Tan-da-ni-a Ali Mohamed Shein (11/2012); Tổng thống J. Kikwete (10/2014); Bộ trưởng Nông nghiệp và Hợp tác xã (12/2014); Đoàn hai Bộ trưởng của Bộ Nông nghiệp, Chăn nuôi và Nghề cá; Bộ Công nghiệp, Thương mại và Đầu tư Tan-da-ni-a (tháng 7/2017). Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác Đông Phi Tan-da-ni-a (tháng 10/2018).

- Các thỏa thuận hợp tác đã ký: HĐ Thương mại (10/2001), Bản ghi nhớ về Chương trình hợp tác nông nghiệp giữa Cộng hòa Thống nhất Tan-da-ni-a và CHXHCN Việt Nam (3/2002), HĐ hợp tác Kinh tế, Thương mại, Khoa học và Công nghệ và Thỏa thuận thành lập Ủy ban hỗn hợp giữa Chính phủ Tan-da-ni-a và Chính phủ Việt Nam (12/2004); Thỏa thuận hợp tác giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Phòng thương mại, Công nghiệp và Nông nghiệp Tan-da-ni-a (9/2006); HĐ miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao hoặc công vụ (3/2010); Bản ghi nhớ thiết lập cơ chế tham vấn ngoại giao giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Tan-da-ni-a (3/2010); Hiệp định vận tải biển (10/2014); Biên bản kỳ họp lần 1 UBLCP (12/2014); Thỏa thuận hợp tác giữa VCCI và Cơ quan Xúc tiến đầu tư Tanzania (3/2016).

Hiện hai bên đang trao đổi dự thảo Hiệp định Tránh đánh thuế song trùng (đã hoàn tất đàm phán nội dung, ta đã hoàn tất các thủ tục xin ký) và Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư (ta đã trao cho bạn dự thảo Hiệp định qua ĐSQVN tại Tan-da-ni-a từ tháng 1/2015, vòng 1 đàm phán được tổ chức tháng 11/2016 tại Hà Nội, hai bên chưa có thỏa thuận về thời điểm tổ chức vòng 2).

- UBHH giữa hai nước được thành lập từ 2004 nhưng đến tháng 12/2014, kỳ họp lần thứ nhất mới được tổ chức tại Hà Nội. Hai bên nhất trí tổ chức kỳ họp lần 2 vào tháng 7/2015 tại Dar es Salaam nhưng vì nhiều lý do, kỳ họp chưa được tổ chức.

- Năm 2005, Chính phủ Việt Nam tài trợ 100.000 USD để xây “Trung tâm làng trẻ em Kibaha” nuôi dưỡng trẻ mồ côi Tan-da-ni-a. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Tan-da-ni-a Pinda (3/2010), Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam đã trao tặng 02 bộ máy kéo nông nghiệp cho Tan-da-ni-a.

- Hợp tác tại các cơ chế đa phương: Tan-da-ni-a tích cực ủng hộ ta vào WTO, thành viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2008-2009), thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2014-2016), Hội đồng chấp hành UNESCO (2015-2019) và Hội đồng kinh tế xã hội LHQ (2016-2018); công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Tanzania tuyên bố ủng hộ Việt Nam ứng cử UV không thường trực HĐBA LHQ (2020-2021) nhưng chưa có văn bản khẳng định.

b. Quan hệ hợp tác kinh tế:

- Hợp tác nông nghiệp, thủy sản: Bạn sẵn sàng dành diện tích lớn đất canh tác nông nghiệp cho ta khai thác và đề nghị ta cử chuyên gia/kỹ thuật viên và nông dân sang giúp bạn. Tan-da-ni-a mong muốn doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sản xuất máy nông nghiệp nhỏ để cung cấp cho Tan-da-ni-a và thị trường 5 nước Đông Phi. Tháng 3/2014, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã cử đoàn cán bộ sang tìm hiểu khả năng hợp tác nông nghiệp với bạn và xây dựng 2 dự án tiền khả thi: Dự án hợp tác phát triển sản xuất lúa gạo và dự án xây dựng Viện nghiên cứu nuôi hải sản tại khu bán tự trị Dan-di-ba, đã trao cho phía Tan-da-ni-a và đang chờ phản hồi về khả năng tìm nguồn vốn cho dự án.

- Thương mại: Kim ngạch thương mại song phương năm 2018 đạt 69 triệu USD.

- Đầu tư: Tháng 9/2014, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel hoàn tất đàm phán thành lập liên doanh hợp tác về viễn thông Viettel Tanzania. 15/10/2015, mạng Halotel chính thức khai trương. Đến hết 2016, Halotel giữ vị trí số 1 trên thị trường về hạ tầng (5.500 trạm phát sóng và 18.000 km cáp quang, vùng phủ sóng đạt 95%), có 4,8 triệu thuê bao.   

c. Các lĩnh vực khác    

- Quốc phòng: Tan-da-ni-a đã cử Tùy viên Quân sự thường trú tại Trung Quốc kiêm nhiệm Việt Nam. Hai bên mới chỉ dừng ở mức duy trì quan hệ hữu nghị, chưa có hợp tác cụ thể. Bộ Quốc phòng Tan-da-ni-a đang đề nghị cử đoàn Học viện Quốc phòng sang nghiên cứu thực tế tại Việt Nam tháng 5/2016.

- Dầu khí:  Tổng Công ty thăm dò khai thác dầu khí PVEP đã tiếp cận và tìm hiểu tài liệu vòng đấu thầu lần 4 của 8 lô dầu khí nằm trong khu vực nước sâu xa bờ (độ sâu 2.000-3.000m) dự kiến được Công ty Phát triển Dầu khí quốc gia Tan-da-ni-a tổ chức cuối 2012. Tuy nhiên, Bộ Năng lượng và Mỏ Tan-da-ni-a yêu cầu hoãn tới khi Quốc hội bạn phê chuẩn Chính sách Khí mới của Chính phủ đệ trình. Tháng 4/2015, vòng đấu thầu được mở lại nhưng PVEP không tham gia chào thầu. PVN khẳng định dù chưa có cơ hội để đánh giá chi tiết tiềm năng của Tan-da-ni-a để đi đến quyết định đầu tư, PVN vẫn quan tâm tới thị trường dầu khí của bạn.

6.     Thông tin CQĐD

ĐSQVN tại Tanzania

Plot 15 Bongoyo Road, Oysterbay, PO box 9724 Dar es Salaam

ĐT: +255 222 664 535

Fax: +255 222 664 537

Email: vnemb.tz@mofa.gov.vn; vnemb.taz2009@yahoo.com.vn

 

ĐSQ Tanzania tại Trung Quốc kiêm nhiệm Việt Nam

No. 8 Liang Ma He Nan Lu, Chaoyang Dist., Beijing 100600

ĐT: +86 1065321408

Fax: +86 1065324351

Email: Beijing@foreign.go.tz

                                     

Tháng 4/2019

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer

EMC Đã kết nối EMC