Bộ
Ngoại giao
Vụ Trung Đông - Châu Phi
------
TÀI LIỆU CƠ BẢN CỘNG HOÀ TUY-NI-DI VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT
NAM
1. KHÁI QUÁT:
- Tuy-ni-di ở Bắc Phi, giáp Địa Trung Hải,
An-giê-ri, Li-bi và Sa mạc Sahara.
- Diện tích: 163.610 Km2
- Dân số: 11,5 triệu (2018) trong đó người Ả-rập chiếm 98%
-
Tôn giáo: Đạo Hồi chiếm 99%, Thiên chúa 1%, Do thái và đạo khác 1%.
- Ngôn ngữ: Tiếng Arập, tiếng Pháp (ngôn ngữ
không chính thức tuy nhiên được sử
dụng phổ biến bởi 2/3 dân số), tiếng Béc-be
- Thủ đô: Tuy-nít
- Ngày Quốc khánh : 20/3/1956 (ngày giành độc
lập từ Pháp)
- Tổng
thống: Beji Caid Essebsi – Be-di Ca-ít E-xép-xi (từ 12/2014)
- Thủ
tướng : Youssef Chahed – Iu-Síp Xa-hít (từ 8/2016)
- Bộ
trưởng Ngoại giao : Khemaies Jhinaoui – Khê-ma-ít Di-na-uy (từ 1/2016).
2. LỊCH SỬ:
Vào thế kỷ thứ IV trước công nguyên, trên
lãnh thổ Tuy-ni-di ngày nay xuất hiện đế chế Carthage hùng mạnh. Năm 146 trước
công nguyên, Carthage bị đế chế La-mã đánh bại và đến thế kỷ II sau công
nguyên, mới được phục hồi. Vào thế kỷ VII, cùng với sự phát triển của đạo Hồi,
người A-rập đã thôn tính Carthage năm 698 và lập nên nước Tuy-ni-di.
3. CHÍNH TRỊ:
- Tuy-ni-di
theo thể chế cộng hoà, trong đó Tổng thống nắm thực quyền hành pháp (có quyền
bổ nhiệm Thủ tướng và các Bộ trưởng nội các), được bầu thông qua phổ thông đầu
phiếu với nhiệm kỳ 5 năm. Quốc hội gồm hai viện: Thượng viện gồm 126 ghế, trong
đó 41 ghế do Tổng thống chỉ định; Hạ viện gồm 214 ghế bầu thông qua phổ thông
đầu phiếu với nhiệm kỳ 5 năm. Các kỳ bầu cử Tổng thống và Quốc hội tiếp theo dự
kiến tổ chức năm 2019)
Ngày
23/12/2014, Ủy ban bầu cử độc lập Tunisia đã thông báo kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử Tổng thống vòng 2, theo đó ông B.C. Essebsi đã giành chiến thắng với 55,68% phiếu
bầu. Trong cuộc bầu cử Quốc hội 26/10/2014, đảng Nidaa Tounes của ông B.C.
Essebsi cũng giành nhiều ghế nhất (85/217 ghế), theo sau là đảng Hồi giáo
Ennahda (69 ghế) và có quyền đứng ra thành lập chính phủ liên hiệp.
4.
KINH TẾ:
- Tuy-ni-di có nền kinh tế phát triển đa dạng. Về công
nghiệp có: dầu lửa (trữ lượng 1,7 tỷ thùng), khí gas (trữ lượng 77,8 tỷ
m3), phốt phát (sản xuất 1
triệu tấn năm, đứng thứ hai thế giới, sau Ma-rốc). Về nông nghiệp, nông
sản chính có dầu ô-liu, lúa mì, cam, chanh, nho, chà là...; chăn nuôi tương đối
phát triển. Du lịch là 1 trong những nguồn thu chính của Tuy-ni-di, đóng góp khoảng
1/3 tổng thu nhập quốc dân.
GDP : 137,7 tỷ USD (2017)
Tăng trưởng kinh tế : 2,3% (2017)
GDP bình quân đầu người : 12.000 USD (2017)
Trong những năm gần đây, Tuy-ni-di đẩy mạnh cải cách kinh tế theo hướng tư nhân hoá, thực hiện kinh tế thị trường. Tuy-ni-di được Ngân hàng Thế giới bình chọn là
nước có nền kinh tế cạnh tranh nhất châu Phi và thứ 34 thế giới.
Tuy-ni-di là nước vùng Nam Địa Trung Hải đầu tiên ký Hiệp định hợp tác (Accord
d’association) với EU (1995), có hiệu lực từ tháng 3/1998, lập khu vực tự do
thương mại với EU năm 2008.
5.
ĐỐI NGOẠI:
Tuy-ni-di
theo đường lối đối ngoại độc lập, hoà bình và không liên kết. Là thành viên của
"Liên minh Arập Magreb" (UMA), Tuy-ni-di chú trọng củng cố quan hệ
với các nước thuộc khối này vì lợi ích kinh tế và an ninh của mình.
Gần đây, Tuy-ni-di chủ
trương đẩy mạnh đa dạng hoá quan hệ, thúc đẩy hợp tác với Mỹ, phương Tây đặc
biệt là Pháp nhằm tranh thủ vốn đầu tư và viện trợ tài chính.
Tuy-ni-di là thành viên Liên hợp quốc (ONU), Tổ chức thương mại thế
giới (WTO), Phong trào Không liên kết (MNA), Liên minh Châu Phi (AU), Liên đoàn
Arập (LEA), Tổ chức các nước A-rập xuất khẩu dầu mỏ (OAPEC), Liên minh Maghreb
(UMA), Tổ chức Pháp ngữ Francophonie (OIF), Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC).
6.
QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM:
a/ Về chính trị:
Từ 1956-1968, Tuy-ni-di
có thái độ không tốt đối với ta, công khai ủng hộ chính quyền Sài Gòn, không
công nhận Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Tổng thống
Bourguiba hai lần gửi thư cho Bác Hồ, bênh vực Mỹ, khuyên ta nhân nhượng, thoả
hiệp.
Năm 1961, Bộ trưởng Ngoại
giao Ung Văn Khiêm thăm Tuy-ni-di. Từ năm 1969 Tuy-ni-di dần cải thiện quan hệ
với ta. Tại Hội nghị BT KLK 8/1972, Tuy-ni-di tán thành Đoàn Chính phủ CMLT
CHMN Việt Nam là thành viên chính thức của Hội nghị.
Ta và Tuy-ni-di thiết lập
quan hệ ngoại giao ngày 15/12/1972. Đại sứ Tuy-ni-di ở Trung Quốc kiêm nhiệm
Việt Nam; Đại sứ ta ở Li-bi kiêm nhiệm Tuy-ni-di (Sau khi tạm rút ĐSQ tại
Li-bi, ĐSQ ta tại Ai Cập tạm thời phụ trách Tuy-ni-di).
Tháng 6/2003, Nhóm nghị
sỹ hữu nghị Việt Nam - Tuy-ni-di và Nhóm nghị sỹ hữu nghị Tuy-ni-di - Việt Nam
được thành lập.
Tuy-ni-di hiện đang đề
nghị ta giới thiệu ứng cử viên làm LSDD Tuy-ni-di tại Việt Nam.
Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách kinh tế của Tuy-ni-di
dự kiến thăm Việt Nam cuối năm 2018.
Trao đổi đoàn:
- Đoàn ta thăm bạn: Phó Chủ tịch nước Nguyễn Hữu
Thọ (8/1978), Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên (7/1993), Phó Thủ tướng
Nguyễn Khánh (5/1994), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hà Phan (5/1995), Chủ
tịch Quốc hội Nguyễn Văn An (12/2005), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết
(4/2010), Phó Trưởng ban thường trực BĐNTƯ Trần Đắc Lợi (5/2017), Thứ trưởng Bộ
Công Thương Lê Dương Quang (4/2018)…
- Đoàn bạn thăm ta: Bộ trưởng Ngoại giao Tuy-ni-di
(5/1999), Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Tuy-ni-di (1/2002), Bộ trưởng Ngoại giao
Tuy-ni-di Abdelwaheb Abdallah (6/2007), Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao Tuy-ni-di
Saida Chtioui thăm và chủ trì họp UBHH lần 2 (12/2010), Đại sứ Tuy-ni-di tại
Bắc Kinh dự Diễn đàn Hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các đối tác Trung Đông -
Bắc Phi (11/2013), Đại sứ Tuy-ni-di tại Bắc Kinh Tarek Amri sang Việt nam trình
quốc thư (17/9/2014)…
Bên lề Hội nghị cao cấp Á
Phi (2015) CTN Trương Tấn Sang đã gặp BTNG Tunisia.
b/ Về kinh tế:
Tháng 2/2008, Tổng công
ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) thuộc Tập đoàn dầu khí Việt Nam, hợp tác
với Xí nghiệp liên doanh dầu khí Việt Xô (VSP) đã ký hợp đồng với Bộ Công
nghiệp, Năng lượng, Doanh nghiệp vừa và nhỏ và Công ty dầu khí quốc gia
Tuy-ni-di (ETAP) về khai thác 2 lô ngoài khơi phía Đông Tuy-ni-di (lô Tanit và
Guellala) với trị giá 33 triệu USD, sau đó PVEP đã huỷ bỏ hai dự án này do rủi
ro lớn và hiệu quả kinh tế không cao.
Hai nước đã tổ chức kỳ
họp UBHH Việt Nam- Tuy-ni-di lần thứ 3 vào tháng 4/2018 tại Tunis.
Kim ngạch thương mại hai
chiều năm 2017 đạt 51 triệu USD, trong đó ta xuất 39,7 triệu USD (chủ yếu là
điện thoại, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, máy vi tính và linh kiện). Nhập khẩu
chủ yếu hoá chất và máy móc thiết bị.
c/ Các Hiệp định/thỏa thuận đã ký:
Hiệp định thương mại
(1994); Hiệp định hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật (1999); Hiệp định
khung hợp tác nông nghiệp (2002); Bản ghi nhớ về hợp tác, hỗ trợ và
phát triển cộng đồng doanh nghiệp giữa Phòng Thương mại và Công
nghiệp Việt Nam và Liên đoàn Công nghiệp, Thương mại và Thủ công mỹ
nghệ Tuy-ni-di (UTICA) (12/2005); Hiệp định miễn thị thực cho người mang
hộ chiếu ngoại giao, công vụ và đặc biệt; Hiệp định hợp tác trong
lĩnh vực du lịch và Nghị định thư về tham khảo ý kiến giữa 2 Bộ
Ngoại giao (2007); Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa trốn lậu
thuế (2010).
Tháng 4/2019