Tài liệu cơ bản tháng 4 năm 2019
BỘ NGOẠI GIAO
---oOo---
TÀI LIỆU CƠ BẢN
NƯỚC CỘNG HÒA AN-GIÊ-RI DÂN CHỦ VÀ NHÂN DÂN
I. KHÁI QUÁT:
- Tên nước: Cộng hòa An-giê-ri Dân chủ và Nhân dân
- Thủ đô: An-giê (Algers - Alger)
- Vị trí địa lý: nằm ở Bắc Phi, trên bờ Nam Địa Trung Hải, có biên giới chung với các nước Tuy-ni-di, Li-bi, Ni-giê, Ma-li, Mô-ri-ta-ni, Ma-rốc.
- Khí hậu: Phía Bắc chịu ảnh hưởng của khí hậu Địa Trung Hải, mùa đông lạnh và mưa, mùa hè nóng và khô; phía nam chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới và sa mạc.
- Diện tích: 2.381.741 km2 (87% diện tích là sa mạc).
- Dân số: 41,658 triệu người (2018); 99% người A-rập Béc-be
- Tôn giáo: Đạo Hồi là quốc đạo, chiếm 99% dân số, ngoài ra còn có đạo Thiên chúa.
- Ngôn ngữ chính thức: Tiếng Ả-rập, tiếng Amazigh, tiếng Pháp.
- Đơn vị tiền tệ: Dina (01 USD = 115 Dina)
- Ngày Quốc khánh: 1/11/1954 (ngày khởi nghĩa vũ trang).
- Ngày Độc lập: 5/7/1962.
- Tổng thống: Tổng thống lâm thời Áp-đun-ka-đơ Bin-Xa-la (từ 3 tháng 4/2019) Áp-đen-a-dít Bu-tê-phờ-li-ca (từ chức Tổng thống từ 2 tháng 4/2019),
- Thủ tướng: Át-mét U-i-a-hi-a (Ahmet Ouyahia, từ tháng 8/2017).
- Ngoại trưởng: Áp-đen-ka-đơ Mét-xa-hen (Abdelkader Messahel, từ 26/5/2017).
II. LỊCH SỬ:
- Từ 4000 năm trước Công nguyên, người bản địa Berber đã sinh sống tại khu vực ngày nay là lãnh thổ An-giê-ri. Từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 16, An-giê-ri bị người Ả-rập chiếm đóng, mở đầu kỷ nguyên Ả-rập hoá và Hồi giáo hoá mạnh mẽ. Từ thế kỷ 16 đến năm 1830, An-giê-ri nằm dưới sự cai trị của đế chế Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ). Năm 1830, Pháp xâm lược An-giê-ri, thực hiện chính sách thực dân, bóc lột thuộc địa và biến An-giê-ri thành một bộ phận lãnh thổ của nước Pháp.
- Ngày 1/11/1954, nhân dân An-giê-ri đã phát động cuộc khởi nghĩa vũ trang giành độc lập dưới sự lãnh đạo của Mặt trận giải phóng dân tộc (FLN). Sau 8 năm kháng chiến, tháng 7/1962, An-giê-ri đã giành được độc lập hoàn toàn sau khi buộc Pháp phải ký Hiệp định Evian tháng 3/1962.
III. CHÍNH TRỊ:
- An-giê-ri theo thể chế cộng hoà. Theo Hiến pháp, Tổng thống là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, phụ trách quốc phòng, nắm giữ toàn bộ quyền hành pháp (bổ nhiệm và miễn nhiệm Thủ tướng, các thành viên chính phủ, chủ trì các cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng...); quyết định chính sách đối ngoại và các vấn đề lớn của đất nước… Tổng thống được bầu trực tiếp theo phổ thông đầu phiếu với thời hạn nhiệm kỳ là 5 năm. Quốc hội An-giê-ri gồm 2 viện: Thượng viện gồm 144 ghế, trong đó 1/3 ghế do Tổng thống chỉ định, 2/3 được bầu gián tiếp qua Hội đồng nhân dân; Hạ viện gồm 462 ghế được bầu thông qua phổ thông đầu phiếu. - Năm 1988, trước áp lực của phong trào quần chúng, An-giê-ri ban hành đạo luật về đa đảng, chuyển sang dân chủ đa nguyên, chấm dứt hơn 30 năm cầm quyền của FLN. Trong cuộc bầu cử Quốc hội đa đảng lần đầu tiên (12/1991), Đảng Mặt trận Hồi giáo cứu thế (FIS) giành thắng lợi áp đảo tại vòng 1 với 188/232 ghế. Trước tình hình đó, quân đội An-giê-ri đã can thiệp, tuyên bố giải tán Quốc hội, lập Uỷ ban Nhà nước tối cao để điều hành đất nước, huỷ bỏ cuộc bầu cử vòng 2. Quyết định này đã khiến cho FIS phản ứng mạnh bằng các hành động khủng bố chống chính quyền và nhân dân An-giê-ri trong 10 năm (1991-2001), làm hơn 100.000 người chết và gây thiệt hại 20 tỷ USD.
- Ngày 15/4/1999, An-giê-ri tổ chức bầu cử Tổng thống lần thứ 7. Ứng viên độc lập A. Bu-tê-phờ-li-ca đã thắng cử và trở thành Tổng thống dân sự đầu tiên của An-giê-ri sau 34 năm, và tiếp tục thắng cử vào năm 2004 và 2009 (sau khi trưng cầu dân ý năm 2008 sửa đổi Hiến pháp cho phép không hạn chế nhiệm kỳ Tổng thống) và 2014.
- Tháng 3/2016, An-giê-ri thông qua hiến pháp mới, hạn chế thời gian cầm quyền của Tổng thống còn 2 nhiệm kỳ 5 năm. Ngoài ra hiến pháp mới cùng khuyến khích đa dạng hóa nền kinh tế, cải thiệt môi trường kinh doanh và chống tham nhũng.
- Tại Hạ viện, sau cuộc bầu cử ngày 4/5/2017, trên tổng số 462 ghế, Đảng Mặt trận giải phóng quốc gia (FLN) của Tổng thống A. Bu-tê-phờ-li-ca giành 164 ghế; Đảng Tập hợp Dân chủ Quốc gia RND của Chánh văn phòng Phủ Tổng thống A. Ouyahia (liên minh của FLN) giành 100 ghế. Ngày 26/5/2017, Tổng thống Bu-tê-phờ-li-ca đã chỉ định Thủ tướng và thông qua nội các mới. Đến ngày 15/8/2017, Tổng thống Bu-tê-phờ-li-ca ra sắc lệnh thay đổi Thủ tướng và một số Bộ trưởng trong nội các.
- Tháng 4/2018, Tổng thống thay đổi 4 Bộ trưởng trong Nội các (Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao, Bộ trưởng Thương mại, Bộ trưởng Du lịch và Nghề thủ công và Bộ trưởng phụ trách quan hệ với Nghị viện) và một loạt các tỉnh trưởng. Sau đó, Tổng thống cách chức một loạt các lãnh đạo cơ quan an ninh, cảnh sát; thuyên chuyển và thay đổi 6 Tư lệnh quân khu, Tư lệnh Lục quân, Tư lệnh Không quân và nhiều tướng lĩnh nắm giữ các vị trí quan trọng trong Bộ Quốc phòng và quân đội. Các thay đổi trên được cho là nhằm bảo đảm sự trung thành với Tổng thống trong bối cảnh sắp diễn ra cuộc bầu cử tháng 4/2019.
- 02/4/2019, Tổng thống A. Bouteflika đã quyết định từ chức sau nhiều tuần biểu tình lan rộng trên khắp đất nước và áp lực ngày càng tăng của Quân đội. Quyết định này sẽ có hiệu lực ngay sau khi Hội đồng Hiến pháp Algeria thông qua. Theo Hiến pháp Algeria, Chủ tịch Thượng viện A. Bensalah sẽ trở thành nguyên thủ quốc gia trong tối đa 90 ngày để chuẩn bị cho bầu cử Tổng thống.
IV. ĐỐI NGOẠI:
- An-giê-ri thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, đa dạng hoá quan hệ nhằm tranh thủ các điều kiện thuận lợi cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế xã hội; tích cực đóng góp vào việc củng cố sự đoàn kết trong Liên minh châu Phi, khối Ả-rập, tăng cường hợp tác Nam-Nam… An-giê-ri có vai trò và tiếng nói quan trọng trong khu vực Bắc Phi và Sahel và là 1 trong 5 nước đóng góp tài chính nhiều nhất cho Liên minh châu Phi.
- An-giê-ri là thành viên Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết, Liên minh Châu Phi, Liên đoàn Ả-rập, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC, Liên minh Maghreb… An-giê-ri là quan sát viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và đang trong quá trình đàm phán gia nhập WTO.
- Thời gian gần đây, An-giê-ri nỗ lực thúc đẩy quan hệ với các nước láng giềng như Li-bi, Ni-giê, Mô-ri-ta-ni, Ma-li, Xê-nê-gan, các nước thành viên AU, Liên đoàn Ả-rập, EU (có cơ chế đối thoại cấp cao với EU). An-giê-ri tích cực tham gia với các nước trong khu vực đấu tranh chống khủng bố, giải quyết các xung đột tại Li-bi, Xi-ri, Ma-li, Pa-lét-xtin… Bên cạnh đó, An-giê-ri cũng tăng cường quan hệ hợp tác với các nước lớn như Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Nhật, Đức.. và đặc biệt là Trung Quốc.
V. KINH TẾ:
- Kinh tế An-giê-ri có thế mạnh về dầu lửa (trữ lượng ước tính khoảng 38 tỷ thùng, sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày, xếp thứ 13 về sản lượng sản xuất và thứ 9 về sản lượng xuất khẩu, 1 trong 3 nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu ở châu Phi) và khí đốt (trữ lượng khoảng 4.500 tỷ m3, sản lượng 60 tỷ m3/năm, nước sản xuất khí tự nhiên hàng đầu ở châu Phi, là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn thứ hai châu Âu, đứng thứ 4 thế giới về xuất khẩu khí đốt). Kinh tế An-giê-ri phụ thuộc nhiều vào dầu khí, chiếm khoảng 30% tổng thu nhập quốc nội (GNP), 60% nguồn thu ngân sách và hơn 97% giá trị xuất khẩu. Các ngành sản xuất phi dầu mỏ chỉ chiếm 5% GDP của An-giê-ri.
- Do sự sụt giảm của giá dầu, năm 2015 và 2016, An-giê-ri lần đầu tiên bị thâm hụt thương mại và thâm hụt ngân sách sau 16 năm (thâm hụt ngân sách 15%, thâm hụt thương mại 11% so với GDP), dự trữ ngoại tệ giảm 20% năm 2016 (còn 114 tỷ USD), tỷ lệ thất nghiệp đạt 10,5%... Trước những khó khăn về kinh tế, An-giê-ri đã phải đưa ra nhiều cải cách nhằm đa dạng hóa nền kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào dầu lửa như: Thông qua hiến pháp mới (2/2016); Chương trình phát triển kinh tế 2016 – 2030 (tháng 7/2016) hướng đến phát triển lĩnh vực tư nhân và ổn định chi tiêu công trong 3 năm tới; hạn chế nhập khẩu (áp quota, tiêu chuẩn, giấy phép nhập khẩu), tăng giá nhiên liệu (30% năm 2016), tăng thuế VAT,…; vay nước ngoài (lần đầu tiên sau hơn 1 thập kỷ, An-giê-ri ký thỏa thuận tín dụng trị giá 900 triệu USD với Ngân hàng Phát triển châu Phi).
- Năm 2016, An-giê-ri xuất khẩu khoảng 27,5 tỷ USD hàng hóa, các bạn hàng chính gồm Ý (17%), Tây Ban Nha (12%), Mỹ (11%), Pháp (11%)…; nhập khẩu khoảng 33 tỷ USD từ Trung Quốc (18%), Pháp (10%), Ý (10%), Tây Ban Nha (7,7%)…
- GDP: 175,5 tỷ USD (2017)
- GDP bình quân đầu người: 4.187 USD (2017); 15.300 USD theo PPP (2017)
- Tăng trưởng GDP: 1,5% (2017)
VI. QUAN HỆ CHÍNH TRỊ
- Ngày 28/10/1962, ta và An-giê-ri thiết lập quan hệ ngoại giao. Tuy nhiên, ta đã công nhận Chính phủ Lâm thời Cộng hòa An-giê-ri từ 26/9/1958. An-giê-ri có đại diện tại Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam từ năm 1963.
- Tháng 11/1962, ta mở Đại sứ quán tại thủ đô An-giê; Tháng 4/1968, An-giê-ri mở Đại sứ quán tại Hà Nội (vẫn duy trì Đại sứ tại miền Nam Việt Nam). An-giê-ri cũng là quốc gia đầu tiên ta mở Đại sứ quán tại khu vực Trung Đông-Châu Phi, tiếp sau đó là Ai Cập (1963).
- An-giê-ri đánh giá cao Việt Nam tại khu vực, lãnh đạo và nhân dân An-giê-ri khâm phục chiến thắng Điện Biên Phủ, ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của ta. Lãnh đạo An-giê-ri có cảm tình đặc biệt với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp (tại An-giê-ri hiện có 4 đường phố mang tên các danh nhân văn hóa Việt nam, trong đó có 1 đại lộ lớn mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thủ đô An-giê). Phía An-giê-ri đang bày tỏ mong muốn đặt tên Tổng thống Bu-tê-phờ-li-ca cho một đường phố ở Việt Nam.
- Kỳ họp lần thứ 2 Tham vấn chính trị giữa 2 Bộ Ngoại giao Việt Nam – An-giê-ri đã được tỏ chức tại An-giê tháng 3/2014. Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phương Nga trưởng đoàn Việt Nam. Kỳ họp thứ 3 dự kiến tổ chức 6 tháng cuối năm 2018.
- Hai nước đã thành lập Nhóm nghị sỹ hữu nghị và Hội hữu nghị tại mỗi nước.
- Hội Hữu nghị Việt Nam – An-giê-ri được thành lập năm 2002. Hội do một đồng chí Thứ trưởng Bộ Xây dựng làm Chủ tịch và có sự tham gia của đại diện nhiều Bộ/ngành, cơ quan có hợp tác với An-giê-ri.
2. Quan hệ trong các lĩnh vực khác:
Ủy ban liên chính phủ Việt Nam và An-giê-ri đã qua 11 kỳ họp tại thủ đô của nhau. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Việt Nam làm chủ tịch phân ban trong UBLCP hai nước. Kỳ họp gần nhất được tổ chức từ 27 – 29/11/2017.
- Về đầu tư: Ngày 10/7/2002, Tổng Công ty thăm dò và khai thác dầu khí Việt Nam (PVEP) và Công ty dầu khí quốc gia An-giê-ri (Sonatrach) đã ký hợp đồng thăm dò và khai thác dầu khí theo tỷ lệ: Việt Nam 75%; An-giê-ri 25%. Tháng 7/2005, dự án khoan thăm dò đã tìm thấy dầu. Ngày 10/2/2009, PVEP, Sonatrach và Công ty thăm dò và khai thác dầu khí Thái Lan (PTTEP) đã ký kết thoả thuận liên doanh điều hành phát triển khai thác dầu khí, theo đó PVEP nắm 40%, PTTEP 35%, Sonatrach 25%, với tổng số vốn đăng ký đạt 1,26 tỷ USD. Tháng 12/2015, liên doanh dầu khí BIR SEBA chứng kiến dòng dầu đầu tiên có sản lượng 20.000 thùng/ngày, đánh dấu thời điểm đi vào khai thác thương mại. Trong năm 2019, dự án dự kiến sẽ tăng sản lượng lên 40.000 thùng/ngày.
An-giê-ri rất mong muốn doanh nghiệp ta tham gia các dự án xây dựng nhà ở, sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến nông sản, nuôi trồng thủy hải sản...
- Về thương mại: kim ngạch thương mại song phương năm 2018 đạt 197 triệu USD giảm 30% so với 2017 (2017 đạt 286 triệu USD) nguyên nhân do Algeria đưa ra danh sách 851 sản phẩm tạm ngừng nhập khẩu kể từ tháng 1/2018 nhằm giảm thâm hụt thương mại và thay thế hàng nhập khẩu bằng các sản phẩm trong nước. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ta là cà phê, gạo, điện thoại các loại và linh kiện... Phía An-giê-ri lưu ý đến việc thâm hụt cán cân thương mại hằng năm nghiêng về phía An-giê-ri và kêu gọi phía Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp của mình tham gia tìm hiểu thị trường An-giê-ri hơn nữa để thu mua các sản phẩm và dịch vụ, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm, khoáng sản (phân bón và các sản phẩm làm giàu đất), năng lượng (GPL) và các lĩnh vực khác. Hai nước đang đặt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 1 tỷ USD năm 2020 (nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2015).
- Về chuyên gia - lao động: Trong những năm 1980 đến đầu những năm 1990, Việt Nam đã cử hơn 1000 chuyên gia y tế, giáo dục, nông nghiệp sang làm việc tại An-giê-ri. Hiện số lượng người Việt Nam tại An-giê-ri ở mức khoảng 5000 người.
- Quan hệ hợp tác văn hóa - thể thao: trong nhiều năm qua, Việt Nam đã cử một số võ sư sang An-giê-ri giúp huấn luyện các võ sinh An-giê-ri tập luyện Vovinam Việt Võ Đạo. Ngày 03/8/2013, Liên đoàn Vovinam Việt Võ Đạo An-giê-ri đã được thành lập, quy tụ khoảng 15.000 võ sinh An-giê-ri đang tham gia phong trào tập luyện và thi đấu chuyên nghiệp tại gần 200 câu lạc bộ Vovinam ở khắp các tỉnh thành trên cả nước.
- Về du lịch: Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch dự kiến tổ chức Hội thảo về xúc tiến du lịch tại An-giê-ri trong quý II/2019.
4. Trao đổi đoàn:
- Đoàn ta thăm bạn:
Lãnh đạo cấp cao: Chủ tịch nước: Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công (1989); Chủ tịch nước Trần Đức Lương (1999); Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (13-15/4/2010). Phó Chủ tịch nước: Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình (1994), Huỳnh Tấn Phát (1974). Thủ tướng Chính phủ:Thủ tướng Phạm Văn Đồng (1974); Thủ tướng Phan Văn Khải (11/2004); Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (31/5-2/6/2015); Chủ tịch Quốc hội: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An (12/2005). Lãnh đạo cấp Bộ, ngành:Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân (họp UBLCP lần 9 tháng 2/2011); Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường (2/2014); Thứ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh (10/2013); Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phương Nga (3/2014); Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc (5/2014); Thứ trưởng Tư pháp Đinh Trọng Tụng (11/2014); Phó CN UB Đối ngoại QH Ngô Đức Mạnh (3/2016); Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà (11/2017).
- Đoàn Bạn thăm ta:
Lãnh đạo cấp cao: Tổng thống:Tổng thống Boumedienne (1974); Tổng thống Liamine Zeroual (1996); Tổng thống Abdelaziz Bu-tê-phờ-li-ca (10/2000). Chủ tịch Quốc hội: Chủ tịch Hạ viện Amar Saadani (28/3-1/4/2005); Chủ tịch Hạ viện Abdelaziz Ziari (01/2010); Chủ tịch Hạ viện Mohamed Larbi Ould Khelifa dự IPU 132 (3/2015). Lãnh đạo cấp Bộ, ngành:Bộ trưởng Ngoại giao (6/2000);Bộ trưởng Tài chính (2/2001);Bộ trưởng Cựu chiến binh (5/2001 và 5/2004);Tổng Tham mưu trưởng Quân đội (2/2005); Bộ trưởng Bộ Xí nghiệp vừa và nhỏ và Thủ công nghiệp (12/2006 và 6/2008); Bộ trưởng Bưu chính và Công nghệ Thông tin (19-21/9/2011); Bộ trưởng Cựu chiến binh (vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, 10/2013); Bộ trưởng Phát triển Công nghiệp và Xúc tiến đầu tư (họp UBLCP lần 10 tháng 01/2014); Bộ trưởng Tư pháp – Chưởng Ấn (9-13/6/2015); Chủ tịch Hội đồng Công chứng quốc gia (12/2015); Chánh án thứu nhất Tòa án tối cao (3/2016), Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (7/2018).
5. Các Hiệp định, thoả thuận đã ký:
Hiệp định: Hợp tác kinh tế, khoa học kỹ thuật (1974); Miễn thị thực đối với hộ chiếu ngoại giao và công vụ (1994); Thương mại (1994); Hợp tác trong lĩnh vực văn hoá thông tin (1996); Khuyến khích và bảo hộ đầu tư (1996); Tránh đánh thuế hai lần (1999) (Bạn chưa phê chuẩn); Tương trợ tư pháp về thương mại và dân sự (2010); Tương trợ tư pháp về hình sự (2010); Dẫn độ (2010); Hợp tác trong lĩnh vực vệ sinh thú y (2010); Bảo vệ và kiểm dịch thực vật (2010); Hợp tác trong lĩnh vực vận tải biển (2/2011); Thỏa thuận hợp tác: y tế (1983); giữa hai Phòng Thương mại và Công nghiệp (2004); trong lĩnh vực bưu chính, công nghệ thông tin và truyền thông (9/2011); giữa Thông tấn xã Việt Nam và Thông tấn quốc gia An-giê-ri (12/2013);trong lĩnh vực đào tạo và dạy nghề giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo nghề An-giê-ri (01/2014); trong lĩnh vực xúc tiến thương mại giữa Cục Xúc tiến Thương mại Việt Nam (Bộ Công Thương) và Cục Xúc tiến Thương mại An-giê-ri (01/2014); Nghị định thư: Trao đổi hàng hóa và dịch vụ (1994); Hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao (1999); Xử lý nợ tổng thể (2005); Bản ghi nhớ: Hợp tác nông nghiệp (2004), Hợp tác giữa Bộ Xí nghiệp vừa và nhỏ và thủ công nghiệp An-giê-ri với Liên minh các hợp tác xã Việt Nam (2004), Hợp tác giữa hai Bộ Tư pháp (2010), Hợp tác thể thao (2010), Hợp tác trong lĩnh vực nghề cá biển và nuôi trồng thủy sản (2010), Hợp tác trong lĩnh vực giáo dục (1/2014), Hợp tác dầu khí (6/2015), Hợp tác trong lĩnh vực du lịch (6/2015), Hợp tác trong lĩnh vực y tế (6/2015); Chương trình hợp tác văn hóa giai đoạn 2016 – 2018 (6/2015).
Tháng 04/2019.
Back Top page Print Email |