Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ sáu, ngày 20 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ NƯỚC CỘNG HOÀ AN-GIÊ-RI DÂN CHỦ VÀ NHÂN DÂN VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM


A. THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ
NƯỚC CỘNG HOÀ AN-GIÊ-RI DÂN CHỦ VÀ NHÂN DÂN

I. Thông tin chung
Tên nước: Cộng hòa An-giê-ri Dân chủ và Nhân dân (People’s Democratic Republic of Algeria)
Thủ đô:An-giê (Algiers - Alger)
Quốc khánh: 01/11/1954 (Ngày khởi nghĩa vũ trang chống lại ách thống trị của thực dân Pháp, kéo dài đến Ngày Độc lập 05/7/1962)
Vị trí địa lý: thuộc Bắc Phi, trên bờ Nam Địa Trung Hải, có biên giới chung với các nước Tuy-ni-di, Li-bi, Ni-giê, Ma-li, Mô-ri-ta-ni, Ma-rốc.
Diện tích: 2.381.741 km2 (87% diện tích là sa mạc)
Khí hậu: Phía Bắc chịu ảnh hưởng của khí hậu Địa Trung Hải, mùa đông lạnh và mưa, mùa hè nóng và khô; phía Nam chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới và sa mạc.
Dân số: 44,6 triệu người (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
Dân tộc: 99% là người Ả-rập Béc-be
Ngôn ngữ: Tiếng Ả-rập, tiếng Pháp, tiếng Amazigh
Đơn vị tiền tệ: Dina (DZD) (01 USD = 143,3 DZD)
GDP: 167,98 tỷ USD (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
GDP/đầu người: 3.765 USD (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
Tôn giáo: Đạo Hồi là quốc đạo, chiếm 99% dân số, ngoài ra còn có đạo Thiên chúa.
Cơ cấu hành chính: 58 tỉnh, thành phố (wilayas).
Lãnh đạo chủ chốt:
+ Tổng thống: Áp-đen-ma-gít Tép-bun (Abdelmadjid Tebboune) (từ tháng 12/2019);
+ Thủ tướng:Ai-men Bơ-náp-đe-ra-man (Aïmene Benabderrahmane) (từ tháng 6/2021);
+ Chủ tịch Hội đồng Quốc gia (Thượng viện): Xa-la Gút-gin (Salah Goudjil) (từ tháng 4/2019);
+ Chủ tịch Quốc hội Nhân dân (Hạ viện): I-bơ-ra-him Bu-ga-li (Ibrahim Boughali) (từ tháng 7/2021);
+ Bộ trưởng Ngoại giao và Cộng đồng người An-giê-ri ở nước ngoài:
Ram-tan La-mam-ra (Ramtane Lamamra) (từ tháng 7/2021).
II. Khái quát lịch sử
Từ 4.000 năm trước Công nguyên, người bản địa Béc-be đã sinh sống tại khu vực ngày nay là lãnh thổ An-giê-ri. Từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 16, An-giê-ri bị người Ả-rập chiếm đóng, mở đầu kỷ nguyên Ả-rập hoá và Hồi giáo hoá mạnh mẽ. Từ thế kỷ 16 đến năm 1830, An-giê-ri nằm dưới sự cai trị của đế chế Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ). Năm 1830, Pháp xâm lược An-giê-ri, thực hiện chính sách thực dân, bóc lột thuộc địa và biến An-giê-ri thành một bộ phận lãnh thổ của Pháp.
Ngày 01/11/1954, nhân dân An-giê-ri đã phát động cuộc khởi nghĩa vũ trang giành độc lập dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Giải phóng Dân tộc (FLN). Sau 8 năm kháng chiến, ngày 05/7/1962, An-giê-ri đã giành được độc lập hoàn toàn sau khi buộc Pháp phải ký Hiệp định Evian tháng 3/1962. FLN trở thành lực lượng chính nằm quyền tại An-giê-ri.
III. Thể chế nhà nước, chế độ chính trị, đảng phái chính trị
- An-giê-ri theo thể chế cộng hoà bán tổng thống đa đảng. Theo Hiến pháp, Tổng thống là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, phụ trách quốc phòng, nắm giữ toàn bộ quyền hành pháp (bổ nhiệm và miễn nhiệm Thủ tướng, các thành viên chính phủ, chủ trì các cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng…); quyết định chính sách đối ngoại và các vấn đề lớn của đất nước. Tổng thống được bầu trực tiếp theo phổ thông đầu phiếu, nhiệm kỳ 5 năm.
- Cơ cấu nghị viện: An-giê-ri theo cơ cấu lưỡng viện gồm Hội đồng Quốc gia (Thượng viện, gồm 144 ghế trong đó 1/3 do Tổng thống chỉ định, 2/3 được bầu gián tiếp qua Hội đồng nhân dân, nhiệm kỳ 6 năm, hết nửa nhiệm kỳ sẽ bầu lại ½ số ghế) và Quốc hội Nhân dân (Hạ viện, gồm 462 ghế được bầu thông qua phổ thông đầu phiếu, nhiệm kỳ 5 năm).
- Các đảng phái chính trị: Hiện có khoảng 40 đảng phái chính trị hoạt động tại An-giê-ri, trong đó tiêu biểu là:
+ Đảng Mặt trận Giải phóng Dân tộc (FLN): Đảng cầm quyền, thành lập năm 1954, Tổng Thư ký Baadji Abou El Fadhel (từ năm 2020).
+ Đảng Tập hợp Quốc gia Dân chủ (RND): thành lập năm 1997, liên minh với đảng FLN cầm quyền, Tổng Thư ký Tayeb Zitoune.
+ Đảng Mặt trận các Lực lượng XHCN (FFS): thành lập năm 1993, Tổng thư ký Youcef Aouchiche.
+ Đảng Phong trào Xã hội vì Hòa bình (MSP): thành lập năm 1990, trước kia là Phong trào Xã hội Hồi giáo (MSI hoặc Hamas), Tổng Thư ký Abderrazak Makri, có tư tưởng Hồi giáo ôn hoà, là lực lượng đối lập chính tại An-giê-ri.
IV. Tình hình
1. Chính trị nội bộ
- Tổng thống Abdelaziz Bouteflika đắc cử tổng thống năm 1999 và tái đắc cử các năm 2004, 2009 và 2014. Ông Bouteflika từ chức tháng 4/2019 trong bối cảnh phong trào biểu tình hòa bình Hirak yêu cầu cải cách lan rộng. Tháng 12/2019, ông Abdelmadjid Tebboune đắc cử Tổng thống với 58% số phiếu ủng hộ.
- Ngày 01/11/2020, Chính phủ An-giê-ri đã tổ chức trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp. Với 66,8% số phiếu tán thành và tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt 23,7%, Hiến pháp sửa đổi đã được thông qua. Tiếp tục lộ trình cải cách của Tổng thống Tebboune, ngày 12/6/2021, An-giê-ri đã tổ chức bầu cử Quốc hội trước thời hạn với thắng lợi thuộc về đảng FLN cầm quyền. Tỷ lệ cử tri bỏ phiếu đạt 23,03%.  
2. Kinh tế - xã hội
- Là nền kinh tế lớn thứ 4 châu Phi, An-giê-ri giàu tài nguyên dầu lửa và khí đốt , đây cũng là ngành kinh tế chính, chiếm khoảng 30% tổng thu nhập quốc nội (GNP), 60% nguồn thu ngân sách và hơn 90% giá trị xuất khẩu. Các ngành sản xuất phi dầu mỏ chỉ chiếm 5% GDP của An-giê-ri.
+ Các sản phẩm xuất khẩu chính: dầu mỏ, phân bón, các sản phẩm Hydrocarbon, Phosphate, các sản phẩm nông nghiệp…
+ Các sản phẩm nhập khẩu chính: thiết bị công nghiệp, đồ tiêu dùng, các loại thực phẩm…
+ Các đối tác thương mại chính: Trung Quốc, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Đức, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ…
- An-giê-ri xếp hạng 91/189 về chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2020. Tỷ lệ thất nghiệp những năm gần đây dao động 12-13%. An-giê-ri đã phổ cập giáo dục tiểu học từ 2015 với tỷ lệ biết chữ đạt 95% dân số. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế toàn dân đạt 90%.
3. An ninh-quốc phòng
An-giê-ri đang đối mặt với các thách thức an ninh do hoạt động của các nhóm khủng bố như al-Qaeda tại Bắc Phi (AQMI) hay Nhà nước Hồi giáo Đại Xa-ha-ra… tại các quốc gia láng giềng như Li-bi, Ni-giê, Mô-ri-ta-ni, Ma-li và Xê-nê-gan…
V. Chính sách đối ngoại
- An-giê-ri có vai trò và tiếng nói quan trọng tại châu Phi; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, đa dạng hóa; tích cực góp phần củng cố sự đoàn kết trong Liên minh châu Phi, khối Ả-rập, tăng cường hợp tác Nam - Nam.
- An-giê-ri là thành viên Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết, Liên minh châu Phi, Liên đoàn Ả-rập, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Liên minh Maghreb… An-giê-ri là quan sát viên của WTO và đang trong quá trình đàm phán gia nhập WTO.

B. QUAN HỆ VIỆT NAM -AN-GIÊ-RI
I. Quan hệ chính trị
- Thiết lập quan hệ ngoại giao: Việt Nam và An-giê-ri thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 28/10/1962. Tuy nhiên, Việt Nam đã công nhận Chính phủ Lâm thời Cộng hòa An-giê-ri từ 26/9/1958. An-giê-ri có đại diện tại Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam từ năm 1963.
- Cơ quan đại diện: Tháng 11/1962, Việt Nam mở Đại sứ quán tại thủ đô An-giê. Tháng 4/1968, An-giê-ri mở Đại sứ quán tại Hà Nội. An-giê-ri cũng là quốc gia đầu tiên Việt Nam mở Đại sứ quán tại khu vực Trung Đông - châu Phi.
- Hoạt động trao đổi đoàn:
+ Đoàn Việt Nam thăm An-giê-ri:
Lãnh đạo cấp cao: Chủ tịch nước: Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công (1989); Chủ tịch nước Trần Đức Lương (1999); Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (13-15/4/2010). Phó Chủ tịch nước: Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình (1994), Huỳnh Tấn Phát (1974). Thủ tướng Chính phủ: Thủ tướng Phạm Văn Đồng (1974); Thủ tướng Phan Văn Khải (11/2004); Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (31/5-02/6/2015); Chủ tịch Quốc hội: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An (12/2005).
Lãnh đạo cấp Bộ, ngành: Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân (họp UBLCP lần 9 tháng 2/2011); Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường (2/2014); Thứ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh (10/2013); Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phương Nga (3/2014); Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc (5/2014); Thứ trưởng Tư pháp Đinh Trọng Tụng (11/2014); Phó Chủ nhiệm UB Đối ngoại Quốc hội Ngô Đức Mạnh (3/2016); Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà (họp UBLCP lần 11 tháng 11/2017).
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gặp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao An-giê-ri Ram-tan La-mam-ra nhân dịp tháp tùng Chủ tịch nước dự Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76 tại New York (tháng 9/2021).
+ Đoàn An-giê-ri thăm Việt Nam:
Lãnh đạo cấp cao: Tổng thống: Tổng thống Houari Boumediene (1974); Tổng thống Liamine Zeroual (1996); Tổng thống Abdelaziz Bouteflika (10/2000). Chủ tịch Quốc hội: Chủ tịch Hạ viện Amar Saadani (28/3-1/4/2005); Chủ tịch Hạ viện Abdelaziz Ziari (01/2010); Chủ tịch Hạ viện Mohamed Larbi Ould Khelifa dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) lần thứ 132 (3/2015).
Lãnh đạo cấp Bộ, ngành: Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (6/2000); Bộ trưởng Bộ Tài chính (2/2001); Bộ trưởng Bộ Cựu chiến binh (5/2001 và 5/2004); Tổng Tham mưu trưởng Quân đội (2/2005); Bộ trưởng Bộ Xí nghiệp vừa và nhỏ và Thủ công nghiệp (12/2006 và 6/2008); Bộ trưởng Bộ Bưu chính và Công nghệ Thông tin (19-21/9/2011); Bộ trưởng Bộ Cựu chiến binh (vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, 10/2013); Bộ trưởng Bộ Phát triển Công nghiệp và Xúc tiến đầu tư (họp UBLCP lần 10 tháng 01/2014); Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Chưởng Ấn (9-13/6/2015); Chủ tịch Hội đồng Công chứng quốc gia (12/2015); Chánh án thứ nhất Tòa án tối cao (3/2016), Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (7/2018), Tổng Thư ký Bộ Ngoại giao (5/2022).
+ Ngoài ra, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Việt Nam và An-giê-ri đã tiến hành điện đàm cấp Thứ trưởng Ngoại giao (5/2020).
- Cơ chế hợp tác: Ủy ban Liên chính phủ (UBLCP) (đã tổ chức 11 kỳ họp, kỳ họp thứ 11 được tổ chức tháng 11/2017), Tham vấn chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao (đã tổ chức 3 kỳ họp, kỳ họp thứ 3 được tổ chức tháng 5/2022), Hội hữu nghị Việt Nam - An-giê-ri (thành lập năm 2002 do một đồng chí Thứ trưởng Bộ Xây dựng làm Chủ tịch), Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - An-giê-ri nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (thành lập tháng 11/2021, gồm 8 đại biểu Quốc hội do đ/c Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội làm Chủ tịch).
II. Hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư
1. Thương mại
Kim ngạch thương mại song phương năm 2020 đạt khoảng 151 triệu USD, năm 2021 đạt 158 triệu USD trong đó Việt Nam xuất siêu gần như tuyệt đối, chủ yếu gồm cà phê, hạt điều, kim loại và hoá chất.
2. Đầu tư
Hiện Tổng Công ty thăm dò và khai thác dầu khí Việt Nam (PVEP), Công ty dầu khí quốc gia An-giê-ri (Sonatrach) và Công ty thăm dò và khai thác dầu khí Thái Lan (PTTEP) đang triển khai liên doanh thăm dò và khai thác dầu khí ký tại An-giê-ri. Tháng 12/2015, liên doanh dầu khí chứng kiến dòng dầu thương mại đầu tiên có sản lượng 20.000 thùng/ngày tại mỏ Bir Seba và MOM. Hiện các bên tham gia đang chuẩn bị cho giai đoạn 2 của dự án.
III. Hợp tác trong các lĩnh vực khác
1. Hợp tác trong các vấn đề khu vực và đa phương
Hai nước thường xuyên phối hợp chặt chẽ và ủng hộ nhau tại các diễn đàn quốc tế. Gần đây, Việt Nam và An-giê-ri ủng hộ nhau cùng vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016, Hội đồng kinh tế xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016-2018, Uỷ ban Luật pháp quốc tế (ILC) nhiệm kỳ 2017-2021, Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) nhiệm kỳ 2017-2020, Hộiđồngchấphành UNESCO nhiệm kỳ 2019-2023. An-giê-ri đơn phương ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốcnhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam đơn phương ủng hộ An-giê-ri vào Uỷ ban Công ước xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) nhiệm kỳ 2019-2022.
2. Hợp tác an ninh - quốc phòng
- Việt Nam thiết lập Phòng Tuỳ viên Quốc phòng tại An-giê-ri từ 2004. An-giê-ri chưa cử Tuỳ viên Quốc phòng tại Việt Nam.
3. Hợp tác văn hoá - thể thao
- Tại An-giê-ri hiện có 4 đường phố mang tên các danh nhân văn hóa Việt Nam (2 đại lộ mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thủ đô An-giê và thành phố Oran, 1 phố mang tên Nguyễn Văn Trỗi và 1 phố mang tên Hoàng tử An Nam -Vua Hàm Nghi ở thủ đô An-giê).
- Ngày 03/8/2013, Liên đoàn Vovinam Việt Võ Đạo An-giê-ri đã được thành lập, quy tụ khoảng 20.000 võ sinh An-giê-ri đang tham gia phong trào tập luyện và thi đấu chuyên nghiệp tại gần 200 câu lạc bộ Vovinam ở 41 tỉnh thành trên cả nước, ngoài ra còn có 15.000 võ sinh theo môn phái Sơn Long quyền thuật tại 20 tỉnh thành.
4. Hợp tác chuyên gia - lao động
- Trong những năm 1980 đến đầu những năm 1990, Việt Nam đã cử hơn 1.000 chuyên gia y tế, giáo dục, nông nghiệp sang làm việc tại An-giê-ri. Thời kỳ cao điểm (2016-2018), có trên 6.000 lượt lao động sang làm việc tại đây. Hiện còn khoảng 500 lao động Việt Nam, chủ yếu làm cho nhà thầu xây dựng nước ngoài.
IV. Cộng đồng Việt Nam tại An-giê-ri
- Hiện số lượng người Việt Nam tại An-giê-ri khoảng 2.000 người, chia thành 2 nhóm: i) cán bộ, nhân viên và kỹ sư, công nhân lao động gồm 500 người; ii) khoảng 1.500 người gốc Việt hoặc có một phần dòng máu Việt Nam (con lai thế hệ 2, 3, 4) gồm 48 gia đình có chồng An-giê-ri và vợ Việt Nam, sang An-giê-ri từ đầu những năm 1960, một số chuyên gia y tế, giáo dục được cử sang làm việc tại An-giê-ri từ những năm 1980-1990.
V. Các Hiệp định, thoả thuận đã ký kết giữa hai nước
- Hiệp định: Hợp tác văn hóa (1965, hết hiệu lực); Thương mại và thanh toán (1970); Hợp tác kinh tế, khoa học kỹ thuật (1974); Bưu chính và điện chính (1975); HĐ đặc biệt về hợp tác y tế và thuốc giữa Bộ Y tế hai nước (1980); Miễn thị thực đối với hộ chiếu ngoại giao và công vụ (1994); Thương mại (1994); Hợp tác trong lĩnh vực văn hoá thông tin (1996); Khuyến khích và bảo hộ đầu tư (1996); Tránh đánh thuế hai lần (1999); Tương trợ tư pháp về thương mại và dân sự (2010); Tương trợ tư pháp về hình sự (2010); Dẫn độ (2010); Hợp tác trong lĩnh vực vệ sinh thú y (2010); Bảo vệ và kiểm dịch thực vật (2010); Hợp tác trong lĩnh vực vận tải biển (2/2011);
- Thỏa thuận hợp tác: Y tế (1983); giữa hai Phòng Thương mại và Công nghiệp (2004); Hợp tác về pháp luật và tư pháp giữa Bộ Tư pháp hai nước (2010); trong lĩnh vực bưu chính, công nghệ thông tin và truyền thông (9/2011); giữa Thông tấn xã Việt Nam và Thông tấn quốc gia An-giê-ri (12/2013); trong lĩnh vực đào tạo và dạy nghề giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo nghề An-giê-ri (01/2014);  trong lĩnh vực xúc tiến thương mại giữa Cục Xúc tiến Thương mại Việt Nam (Bộ Công Thương) và Cục Xúc tiến Thương mại An-giê-ri (01/2014); kết nghĩa giữa Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam và Tòa án tối cao An-giê-ri (2016); giữa Thông tấn xã Việt Nam và Thông tấn quốc gia An-giê-ri (2017); Chương trình hợp tác giai đoạn 2019-2020 giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp An-giê-ri (2019).
- Nghị định thư: Trao đổi hàng hóa và dịch vụ (1994); Hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao (1999); Xử lý nợ tổng thể (2005);
- Bản ghi nhớ: Hợp tác nông nghiệp (2004), Hợp tác giữa Bộ Xí nghiệp vừa và nhỏ và thủ công nghiệp An-giê-ri với Liên minh các hợp tác xã Việt Nam (2004), Hợp tác thể thao (2010), Hợp tác trong lĩnh vực nghề cá biển và nuôi trồng thủy sản (2010), Hợp tác dầu khí (6/2015), Hợp tác trong lĩnh vực du lịch (6/2015), Hợp tác trong lĩnh vực y tế (6/2015); Chương trình hợp tác văn hóa giai đoạn 2016 - 2018 (6/2015), các Chương trình hợp tác tư pháp giai đoạn 2014-2015, 2016-2017 và 2019-2020; Bản ghi nhớ về hợp tác giữa HVNG Việt Nam và Học viện Ngoại giao và QHQT An-giê-ri (5/2022).
VI. Thông tin Cơ quan đại diện
Đại sứ quán Việt Nam tại An-giê-ri
Địa chỉ: No 30 Chénoua, Hydra, Alger, Algerie
ĐT: +213 21 692 752; + 213 21 696 08 843;
Fax: +213 21 693 778
Email: sqvnalgerie@yahoo.com.vn; vnemb.dz@mofa.gov.vn

Đại sứ quán An-giê-ri tại Việt Nam
Địa chỉ: 13 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội
ĐT: (+84) (24) 3933  2151 / 3825 3865
FAX: (+84) (24) 3826 0830
Email: ambassade@amb-algerie.vn

Tháng 8/2022


 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer