TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ NƯỚC CH SENEGAL VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM
1. Khái quát:
- Tên nước: Cộng hòa Senegal (La République du Senegal) - Thủ đô: Dakar - Vị trí địa lý: CH Senegal nằm ở khu vực Tây Phi, Bắc giáp Mauritani, Đông giáp Mali, Nam giáp CH Guinea-Conakry và Guinea Bissau, Tây giáp Đại Tây Dương. - Khí hậu: nhiệt đới, nóng và ẩm. - Diện tích: 196.190 km2. - Dân số: 12,643,799 (1/2011) - Tôn giáo: Hồi giáo 94%, Thiên Chúa giáo 5%, Tôn giáo cổ truyền 1% - Ngôn ngữ: Tiếng Pháp - Quốc khánh: 4/4/1960. - Tổng thống: Abdoulaye Wade (từ 2000) - Thủ tướng: Soulayemane Ndene Ndiaye (từ 4/2009) - Chủ tịch Quốc hội: Mamadou Seck (từ 11/2008) - Ngoại trưởng: Madicke Niang (từ 10/2009)
2. Chính trị:
a/ Đối nội: - Thể chế chính trị: Cộng hòa Tổng thống. Tổng thống kiêm Tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang và được bầu thông qua tuyển cử trực tiếp, nhiệm kỳ 5 năm. Quốc hội gồm 120 ghế được bầu cử trực tiếp, nhiệm kỳ 5 năm. - Senegal thực hiện chế độ đa đảng. Đảng cầm quyền hiện nay là Đảng Dân chủ Senegal (Parti Démocratique). Đảng đối lập chính là Đảng Xã hội (Parti Socialiste). - Từ đầu những năm 1980, Senegal phải đối phó với phong trào ly khai ở vùng Casamance do Đảng Phong trào các lực lượng dân chủ Casamance (MFDC) khởi xướng và phát triển thành xung đột vũ trang vào năm 1990. Tháng 1/1999, tiến trình hòa bình đã được đưa ra. Vào tháng 3/2001, thỏa thuận ngừng bắn đã được ký kết giữa Chính phủ và MFDC. Từ đó đến nay tình hình chính trị tại Senegal ổn định b/ Đối ngoại: - Senegal theo đuổi đường lối đối ngoại đa dạng hóa, mở cửa nhằm tranh thủ vốn và kỹ thuật. Pháp là nước viện trợ nhiều nhất cho Senegal và cung cấp chuyên gia kỹ thuật, quân sự cho Senegal. Hai nước ký Hiệp định phòng thủ kể từ khi Senegal giành độc lập nên Pháp vẫn luôn có 1.200 quân tại đây. Từ cuối những năm 1980, Mỹ bắt đầu tăng cường quan hệ với Senegal trong các lĩnh vực kinh tế, đào tạo. Trong khuôn khổ của chương trình « Sáng kiến đối phó với khủng hoảng ở châu Phi của Mỹ », Mỹ đã gửi các chuyên gia quân sự tới giúp Senegal đào tạo binh lính gìn giữ hòa bình. - Senegal là thành viên LHQ, KLK, WTO, AU, Francophonie, ECOWAS, và hàng chục tổ chức quốc tế và khu vực khác. Senegal cũng là một trong những nước đề xuất ra "Sáng kiến đối tác mới vì sự phát triển châu Phi" (NEPAD). 3. Kinh tế:
- Senegal là nước nghèo tài nguyên, khoáng sản chỉ có phốt phát nhưng trữ lượng không lớn. - Từ năm 1985, Senegal bắt đầu thực hiện cải tổ cơ cấu kinh tế theo chương trình hợp tác với IMF, tự do hoá nền kinh tế và phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Tháng 1/1994, Senegal đã tiến hành chương trình cải cách kinh tế táo bạo với sự giúp đỡ của cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế… Hàng năm Senegal nhận khoảng 60 triệu USD vốn vay từ các nguồn bên ngoài. - Cơ cấu ngành : nông nghiệp 14.9 %, công nghiệp 21.4%, dịch vụ 63.6 % (2010). Công nghiệp Senegal chưa phát triển, mới chỉ có ngành khai thác phốt phát, tìm kiếm dầu lửa, ngành chế biến nông nghiệp, lắp ráp, vật liệu xây dựng. Nông nghiệp giữ vai trò chính trong nền kinh tế, chiếm 75% giá trị xuất khẩu. Nông sản chính có lạc, lúa, hoa màu. - Senegal nhập khẩu lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng công nghiệp; xuất khẩu lạc và các chế phẩm từ lạc, cá, cá hộp, phốt phát, bông, sản phẩm từ dầu mỏ. Từ 1995, Senegal xóa bỏ độc quyền nhập khẩu gạo của công ty nhà nước, tự do hóa hoàn toàn việc nhập khẩu gạo. - Do luôn bị hạn hán đe dọa nên sản xuất lương thực của Senegal chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu trong nước (200.000 tấn). Gạo chiếm khoảng 48% tổng giá trị nhập khẩu nông sản chế biến, tương đương khoảng 221 triệu USD/ mỗi năm. Các nước cung cấp chính chủ yếu ở châu Á như Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ và Pakistan. - Năm 2008, Tổng thống Senegal phát động Chương trình phát triển nông nghiệp vì lương thực và sự phồn vinh (GOANA) nhằm chấm dứt sự phụ thuộc lương thực của nước này vào việc nhập khẩu. Mục tiêu đến năm 2012, Senegal sẽ đảm bảo tự cung, tự cấp gạo bằng cách nâng sản lượng lúa trong nước lên 1,5 triệu tấn thóc (tương đương 1 triệu tấn gạo) đáp ứng đủ nhu cầu của 13,8 triệu dân. Để thực hiện mục tiêu này, Senegal sẽ áp dụng những biện pháp như: tăng cường cơ khí hóa nông nghiệp (mua máy kéo và máy bơm nước mới), tạo điều kiện cho kinh doanh gạo địa phương, thành lập Ngân hàng Xanh, ngân hàng dành cho nông dân… ; tái đầu tư từ các khoản thu từ việc bán gạo địa phương vào sản xuất lúa.. - Tháng 4/2008, Senegal đã ký một thỏa thuận với Cty Kirloskar Brothers Limited của Ấn Độ để quy hoạch tổng thể thung lũng sông Senegal và trang bị cho những nhà sản xuất các công cụ tưới tiêu mới. Phía Ấn Độ cam kết tài trợ 13,5 triệu USD cho chương trình này. Tuy nhiên, ước tính hàng năm Senegal vẫn phải nhập khẩu từ 700 đến 800 nghìn tấn gạo. - Hiện nay, bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, Senegal cũng đang tập trung vào phát triển ngành đánh cá và xây dựng cơ sở hạ tầng. - Senegal chủ trương đẩy mạnh hội nhập khu vực và thống nhất mức thuế xuất trong khu vực. GDP thực tế: 12,7 tỷ USD Tăng trưởng GDP thực tế: 3.9 % GDP/người thực tế : khoảng 1000 USD (Theo CIA-2010) 4. Quan hệ Việt Nam- Senegal:
a/ Quan hệ chính trị, kinh tế: - Việt Nam và Senegal lập quan hệ ngoại giao ngày 29/12/1969. Ta lập Đại sứ quán tại Senegal tháng 9/1973 và đóng cửa Đại Sứ quán năm 1980 do khó khăn về tài chính. - Từ 1997-2005, ta đưa 165 lượt chuyên gia nông nghiệp, kỹ thuật viên sang làm việc tại Senegal. Bạn đánh giá rất cao hiệu quả làm việc của chuyên gia ta. Tháng 5/2003, Đại sứ Senegal tại Nhật Bản được sự ủy quyền của Tổng thống Senegal đã trao tặng Bộ trưởng Nông nghiệp và PTNT Lê Huy Ngọ Huân chương Quốc gia hạng Sư tử vì những đóng góp của Việt Nam đối với sự nghiệp phát triển nông nghiệp và an ninh lương thực của Senegal. - Tổng thống Abdoulaye Wade cho rằng việc triển khai thành công chương trình hợp tác nông nghiệp 3 bên Việt Nam – FAO – Senegal là một điển hình tốt về hợp tác Nam-Nam. - Quan hệ kinh tế thương mại:
Năm Kim ngạch thương mại song phương (USD) 2009 104,3 triệu 2010 91.9 triệu (trong đó, VN xuất 79,8 và nhập 12,13 triệu)
Bên cạnh mặt hàng gạo, Việt Nam còn có tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm khác như sản phẩm dệt may, linh kiện phụ tùng xe máy, sắt thép các loại, hạt tiêu, sản phẩm làm từ sắn, sản phẩm bằng cao su, máy nông nghiệp…Về nhập khẩu, Việt Nam mua của Sénégal các mặt hàng sắt thép phế liệu, bông các loại, gỗ và sản phẩm gỗ… - Theo ước tính, có khoảng 300 người Senegal gốc Việt tại Senegal. Trong số này chỉ có khoảng 10 người sinh ra ở Việt Nam và còn nói tiếng Việt. Hiện nay, tại Senegal có hiệp hội Vovinam-Việt Võ Đạo trực thuộc Liên đoàn Vovinam Thế giới) b/ Trao đổi đoàn: + Các đoàn Việt Nam: Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình (1995), Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh (1996). + Các đoàn Senegal: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Senegal (1996 và 1999) ; Quyền Bộ trưởng Bộ truyền thông và Giao thông vận tải Senegal Basirou Guisse (theo sáng kiến của Qũy phòng chống thương vong châu Á (AIP) từ 29/6-1/7/2010). c/ Các hiệp định ký kết: Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, thương mại, văn hóa, khoa học kỹ thuật (1995), Hiệp định hợp tác ba bên giữa Việt Nam-FAO- Senegal (1996). d/ Cơ quan đại diện: - Đại sứ quán ta tại Algeria kiêm nhiệm Senegal + Địa chỉ : 30, Chénoua – Hydra – Alger – Algérie Tel : 00213 (0) 21 60 88 43 Fax : 00213 (0) 21 69 37 78
- Đại sứ quán Senegal tại Bắc Kinh kiêm nhiệm Việt Nam + Địa chỉ : 305 Dong Wai Diplomatic Office Building, No. 23, Dong Zhi Men Wai Da Jie Postal Code: 100600 Tel: (+86)10 6532 5035, 6532 3798 Fax: (+86)10 6532 7330, 6532 2693
|