Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

TLCB Senegal 4.2019


      BỘ NGOẠI GIAO

Vụ Trung Đông - Châu Phi

              -----------

 

TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ NƯỚC CỘNG HÒA XÊ-NÊ-GAN

VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM

 

 

1. Khái quát

-  Tên nước: Cộng hòa Xê-nê-gan (Republic of Senegal)

-  Thủ đô: Đắc-ca (Dakar)

-  Vị trí địa lý: CH Xê-nê-gan nằm ở khu vực Tây Phi, Bắc giáp Mô-ri-ta-ni (Mauritania), Đông giáp Ma-li (Mali), Nam giáp CH Ghi-nê (Guinea Conakry) và Ghi-nê Bít-xao (Guinea Bissau), Tây giáp Đại Tây Dương.

-  Khí hậu: nhiệt đới, nóng và ẩm.

-  Diện tích: 196.190 km2.

-  Dân số: 15 triệu người (2018)

-  Tôn giáo: Hồi giáo 94%, Thiên Chúa giáo 5%, Tôn giáo cổ truyền 1%

-  Ngôn ngữ: Tiếng Pháp

-  Quốc khánh: 4/4/1960

-  Tổng thống: Mác-ki Xan (Macky Sall) (từ 4/2012)

-  Thủ tướng: Ma-ha-mét Bun Áp-đa-la Đi-ôn (Mahammed Boun Abdallah Dionne, từ 7/2014)

-  Bộ trưởng Ngoại giao và người Senegal ở nước ngoài: A-ma-đu Ba (Amadou Ba, từ 4/2019)

 

2. Lịch sử:

Tháng 1/1959, lãnh thổ Xê-nê-gan và Xu-đăng thuộc Pháp hợp nhất thành lập ra Liên bang Ma-li, và được trao trả độc lập ngày 20/6/1960 nhờ thỏa thuận chuyển giao quyền lực ký với Pháp ngày 4/4/1960. Vì những khó khăn chính trị trong nước, Liên bang tan rã ngày 20/8/1960. Xê-nê-gan và Xu-đăng (được đổi tên thành Cộng hoà Ma-li) tuyên bố độc lập. Léopold Senghor được bầu làm tổng thống đầu tiên của Xê-nê-gan vào tháng 8 năm 1960.

 

3. Chính trị

a. Đối nội

- Thể chế chính trị: Cộng hòa Tổng thống. Tổng thống kiêm Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang và được bầu thông qua tuyển cử trực tiếp, nhiệm kỳ 5 năm, nắm quyền không quá hai nhiệm kỳ. Quốc hội gồm 150 ghế được bầu cử trực tiếp, nhiệm kỳ 5 năm.

- Xê-nê-gan thực hiện chế độ đa đảng. Đảng cầm quyền hiện nay là Đảng Liên minh vì nền Cộng hòa (The Alliance for the Republic–Yakaa) của Tổng thống Macky Sall (119 ghế).

- Từ đầu những năm 1980, Xê-nê-gan phải đối phó với phong trào ly khai ở vùng Casamance do Đảng Phong trào các lực lượng dân chủ Casamance (MFDC) khởi xướng và phát triển thành xung đột vũ trang vào năm 1990. Tháng 1/1999, tiến trình hòa bình bắt đầu được các phe phái liên quan thảo luận. Tháng 3/2001, thỏa thuận ngừng bắn đã được ký kết giữa Chính phủ và MFDC. Từ đó đến nay tình hình chính trị Xê-nê-gan ổn định.

- Tại cuộc bầu cử Tổng thống tháng 2/2012, cựu Thủ tướng Macky Sall, ứng cử viên của Đảng Liên minh vì nền Cộng hòa đã thắng cử với 65% phiếu bầu trước Tổng thống mãn nhiệm Abdoulaye Wade (cầm quyền từ năm 2000).

- Tháng 3/2016, Tổng thống Macky Sall quyết định tổ chức trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp. 62% dân số Xê-nê-gan đồng ý thông qua bản Hiến pháp mới, chính thức rút ngắn nhiệm kỳ Tổng thống từ 7 năm xuống còn 5 năm.

b. Đối ngoại

- Xê-nê-gan theo đuổi đường lối đối ngoại đa dạng hóa, mở cửa nhằm tranh thủ vốn và kỹ thuật. Pháp là nước viện trợ nhiều nhất cho Xê-nê-gan và cung cấp chuyên gia kỹ thuật, quân sự cho Xê-nê-gan. Hai nước ký Hiệp định phòng thủ kể từ khi Xê-nê-gan giành độc lập nên Pháp luôn duy trì 1.200 quân tại đây. Tháng 8/2011, Pháp đã rút 900 quân, chỉ để lại 300 quân chủ yếu làm nhiệm vụ huấn luyện. Từ cuối những năm 1980, Mỹ bắt đầu tăng cường quan hệ với Xê-nê-gan trong các lĩnh vực kinh tế, đào tạo. Trong khuôn khổ của chương trình « Sáng kiến đối phó với khủng hoảng ở châu Phi của Mỹ », Mỹ đã gửi các chuyên gia quân sự tới giúp Xê-nê-gan đào tạo binh lính gìn giữ hòa bình.

- Xê-nê-gan là thành viên LHQ, KLK, WTO, AU, Francophonie, ECOWAS, và hàng chục tổ chức quốc tế và khu vực khác. Xê-nê-gan cũng là một trong những nước đề xuất sáng kiến “Đối tác mới vì sự phát triển châu Phi" (NEPAD).

 4. Kinh tế 

Các ngành mũi nhọn của kinh tế Xê-nê-gan gồm khai khoáng, xây dựng, du lịch, nông nghiệp và thủy sản (ngành tạo nhiều công ăn việc làm ở khu vực nông thôn). Các sản phẩm xuất khẩu chủ lực gồm khoáng chất phốt-pho, phân bón, nông sản, thủy sản. Do luôn bị hạn hán đe dọa nên sản xuất gạo của Xê-nê-gan chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu trong nước (900.000 tấn/năm). Hiện nay, bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp thông qua “Chương trình tăng năng suất nông nghiệp Xê-nê-gan” trong khuôn khổ Kế hoạch biến Xê-nê-gan thành nước mới nổi (Plan Sénégal Emergent – PSE với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7-8%/năm giai đoạn 2014-2018), Xê-nê-gan cũng đang tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng và tìm kiếm, thăm dò dầu khí. Hiện có 19 dự án cơ sở hạ tầng đang được Chính phủ Xê-nê-gan tập trung đầu tư, trong đó tiêu biểu có dự án cao tốc Thies-Touba, cao tốc nối liền sân bay mới – Mbour – Thies.

  Xê-nê-gan được hưởng các ưu đãi về thuế xuất khẩu (0%) sang EU và Hoa Kỳ trong khuôn khổ Hiệp định đối tác thương mại song phương với EU và Đạo luật cơ hội và tăng trưởng kinh tế (AGOA) với Hoa Kỳ. Xê-nê-gan chủ trương đẩy mạnh hội nhập kinh tế khu vực và thống nhất mức thuế suất trong khu vực.

Một số thông tin kinh tế cơ bản (2018):

- GDP (ngang giá sức mua): 43,2 tỉ USD

- GDP đầu người (tính theo sức mua): 2.700 USD

- Tăng trưởng GDP: 7,2%.

 

5. Quan hệ Việt Nam- Xê-nê-gan 

a. Quan hệ chính trị

- Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 29/12/1969. Ta lập ĐSQ tại Senegal tháng 9/1973 và đóng cửa năm 1980 do khó khăn về tài chính. Hiện nay, ĐSQ ta tại An-giê-ri kiêm nhiệm Xê-nê-gan; ĐSQ Xê-nê-gan tại Nhật Bản kiêm nhiệm ta. Quan hệ chính trị song phương phát triển tốt. Xê-nê-gan ủng hộ Việt Nam ứng cử Hội đồng Chấp hành UNESCO (2015-2019), Hội đồng Kinh tế-xã hội LHQ (ECOSOC 2016-2018).

- Trao đổi đoàn: Ta: Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ (1973), Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình (1995), Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh (1996), Bộ trưởng NN&PTNT Lê Huy Ngọ (2002); Đặc phái viên Chủ tịch nước/Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Hồng Nam (4/2017); Bạn: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp (1996 và 1999) ; Tổng thống và Ngoại trưởng dự HNCC Pháp ngữ tại Hà Nội (1997); Quyền Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Giao thông vận tải Xê-nê-gan Basirou Guisse (2010).

Tháng 11/2016, tại cuộc tiếp xúc với Chủ tịch nước Trần Đại Quang bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 16 tại Ma-đa-gát-xca, Tổng thống Macky Sall đánh giá cao năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam và mong muốn sớm thăm Việt Nam để thúc đẩy hợp tác trồng lúa và đảm bảo an ninh lương thực.  

- Các văn bản đã ký: HĐ hợp tác thương mại, kinh tế, văn hóa, KHKT (1995) nhân dịp PCTN Nguyễn Thị Bình thăm bạn, HĐ hợp tác ba bên giữa Việt Nam-FAO- Xê-nê-gan (1996) nhằm thực hiện chương trình đặc biệt về an ninh lương thực ở Xê-nê-gan do Bộ NN&PTNT chủ trì, thỏa thuận được gia hạn 3 lần (1999, 2001, 2003) và kết thúc năm 2005. Ta đang trao đổi với bạn để ký Thỏa thuận thành lập UBHH.

b. Quan hệ kinh tế:

- Thương mại: Kim ngạch thương mại song phương của Việt Nam Xê-nê-gan năm 2018 đạt 53,8 triệu USD. Xuất khẩu vào thị trường Xê-nê-gan có xu hướng giảm do Xê-nê-gan chuyển sang mua gạo giá rẻ của Ấn Độ và Thái Lan, đồng thời đẩy mạnh tự túc lương thực. Chính phủ Xê-nê-gan đặt mục tiêu tự chủ lương thực kể từ cuối 2017.  

- Nông nghiệp: Từ 1997-2005, Việt Nam đã cử hơn 100 lượt chuyên gia, kỹ thuật viên nông nghiệp sang làm việc tại Xê-nê-gan theo Chương trình hợp tác nông nghiệp 3 bên do FAO tài trợ được FAO và Xê-nê-gan đánh giá cao. Tổng thống Abdoulaye Wade (khi đó) cho rằng việc triển khai thành công chương trình hợp tác nông nghiệp 3 bên Việt Nam – FAO – Senegal là một điển hình tốt về hợp tác Nam-Nam. Bộ trưởng Nông nghiệp & PTNT Lê Huy Ngọ được Tổng thống Xê-nê-gan trao tặng Huân chương Quốc gia hạng Sư tử vì những đóng góp của Việt Nam đối với sự nghiệp phát triển nông nghiệp và an ninh lương thực của Xê-nê-gan (2003).

c. Các lĩnh vực khác:

- Theo ước tính, có khoảng 3.000-4.000 người Việt và gốc Việt tại Xê-nê-gan, chủ yếu gồm gần 200 gia đình có vợ là người Việt và chồng người Xê-nê-gan sang định cư từ các thập kỷ 1950-1960 và các thế hệ con, cháu, chắt của họ. Một số ít là người Việt di cư từ các nước khác, vài chục người từ Việt Nam qua rồi ở lại làm ăn. Ngoài ra còn có khoảng 100 người Việt là ngư phủ làm việc thuê cho các tàu đánh bắt cá của Hàn Quốc và Trung Quốc hoạt động trên vùng biển Xê-nê-gan.

Một tổ chức có tên là Kim Hội do những người Việt lai lập ra hồi tháng 11/2016 và đã quy tụ được trên 100 gia đình có gốc gác Việt Nam tại Dakar tham gia, hiện đang đề nghị Chính phủ Xê-nê-gan công nhận tư cách pháp nhân. Hiện nay, tại Xê-nê-gan có Hiệp hội Vovinam-Việt Võ Đạo trực thuộc Liên đoàn Vovinam Thế giới.

 

6. Thông tin CQĐD

ĐSQ Việt Nam tại An-giê-ri kiêm nhiệm Xê-nê-gan:

Địa chỉ: No 30 Chénoua, Hydra, Alger, Algerie

ĐT: +213 21 692 752; + 213 21 696 08 843;

Fax: +213 21 693 778

Email: sqvnalgerie@yahoo.com.vn; vnemb.dz@mofa.gov.vn

                                                   

ĐSQ Xê-nê-gan tại Nhật Bản kiêm nhiệm Việt Nam:

Địa chỉ: 1-3-4 Aobadai, Meguro-ku, Tokyo 153-0042

Điện thoại: +81(0)3-3464-8451

Fax: +81(0)3-3464-6452

Email:

 

Tháng 4/2019

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer