Tài liệu cơ bản tháng 4 năm 2019
BỘ NGOẠI GIAO
---oOo---
TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ NHÀ NƯỚC LI-BI
VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM
I. Khái quát:
- Vị trí địa lý: nằm ở Bắc Phi, Bắc giáp Địa Trung Hải, Đông giáp Ai Cập, Đông Nam giáp Xu-đăng, Nam giáp Chad và Ni-giê, Tây giáp An-giee0ri và Tuy-ni-di.
- Thủ đô: Tri-pô-li (Tripoli)
- Diện tích đất liền: 1.759.540 km2, chủ yếu là sa mạc nhưng giàu tài nguyên và khoáng sản.
- Dân số: 6,6 triệu người (7/2017)
- Tôn giáo: Đạo Hồi (dòng Sunni) được coi là Quốc đạo.
- Ngôn ngữ chính: tiếng Ả-rập là quốc ngữ. Tiếng Anh, tiếng I-ta-li-a được sử dụng rộng rãi.
- Quốc khánh: 1/9/1969
- Thủ tướng: Phây-ét An Sa-rai Fayez al-Sarraj (2016)
- Ngoại trưởng: Mô-ha-mét Ta-la Si-a-ha (Mohamed Tala Siaha) (1/2016)
II. Chính trị:
Cuối tháng 12/2010, các cuộc biểu tình chống Chính phủ từ một số nước Bắc Phi lan san Li-bi. Tháng 3/2011, Hội đồng dân tộc chuyển tiếp Li-bi (NTC) được thành lập tại thành phố Benghazi nhằm lật đổ chế độ của nhà lãnh đạo Ca-đa-phi. Sau gần 8 tháng xung đột, được sự hậu thuẫn về mọi mặt, đặc biệt về quân sự của Mỹ và đồng minh, ngày 20/10/2011, NTC chiếm thành phố Sirte và sát hại ông Ca-đa-phi, nắm quyền kiểm soát toàn bộ đất nước.
Từ đó, do chưa có một lộ trình chính trị rõ rang, tình hình Li-bi tiếp tục bất ổn, xung đột vũ trang diễn ra tại nhiều thành phố. Đến nay, Li-bi đã 8 phần thay đổi Chính phủ.
Ngày 17/12/2015, dưới sự trung gian hòa giải của LHQ và EU, đại diện hai chính quyền tại Li-bi gồm Hội đồng Đại biểu (CoR) được bầu tháng 6/2014 đóng tại Tobruk và Đại hội toàn quốc (GNC) được bầu tháng 7/2012 đóng tại Tripoli đã ký một thỏa thuận hòa bình Ma-rốc, theo đó các bên thống nhất thành lập Chính phủ Hòa hợp dân tộc (GNA) với một Hội đồng Tổng thống (PC) gồm 9 thành viên đóng vai trò như một cơ quan quản lý nhà nước trong giai đoạn chuyển tiếp.
Tháng 8/2017, dưới sự trung gian của Chính phủ Pháp, hai phe đối lập tại Li-bi đã nhất trí ký thỏa thuận ngừng bắn và tổ chức một cuộc bầu cử Quốc hội và Tổng thống trong năm 2018.
Tháng 5/2018, các bên tại Li-bi nhất trí tổ chức cuộc bầu cử vào 10/12/2018. Tổng thống Pháp Macron-người chủ trì cuộc gặp- đã đề ra tuyên bố gồm 8 điểm để tái thiết ổn định tại đất nước Bắc Phi này. Tuy nhiên, các bên chỉ đồng ý với tuyên bố chung mà không ký kết bất cứ thỏa thuận liên quan nào nên việc thực thi các cam kết sau cuộc họp này vẫn được bỏ ngỏ.
Ngày 12-13/11/2018, Italy phối hợp với Liên hợp quốc (LHQ) tổ chức Hội nghị về Libya tại Palermo, Italy nhằm thúc đẩy “tiến triển cụ thể và quan trọng trong lĩnh vực an ninh và kinh tế” của Libya. Hội nghị Palermo do Italy chủ trì với sự tham dự của đại diện tất cả các bên tại Libya, trong đó có 4 nhân vật chủ chốt là Thủ tướng GNA Fayez Serraj, Tướng Khalifa Haftar- người đứng đầu Lực lượng Quân đội quốc gia Libya (LNA), người đứng đầu Hội đồng cấp cao quốc gia (cơ quan cố vấn cao nhất được thành lập năm 2015 theo Thỏa thuận hòa bình ký tại Maroc) Khalid Al-Mishri và Chủ tịch Hạ viện Ageela Saleh. Các nhà lãnh đạo chính trị chủ chốt tại Libya cam kết sẽ thực hiện theo tiến trình chính trị do LHQ bảo trợ, bao gồm tổ chức một Hội nghị quốc gia ở nước này, tiếp đó là bầu cử Quốc hội và Tổng thống vào tháng 6/2019.
Ngày 4/4/2019, tướng Khalifa Haftar chỉ huy Lực lượng Quân đội quốc gia Libya (LNA) tấn công thủ đô Tripoli – thuộc quyền kiểm soát của Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA). Hai bên đang giằng co nhau tại khu vực ngoại ô phía Nam Tripoli. Hiện có hơn 400 người tị nạn đang lưu trú tại cơ sở tập trung này, song còn hơn 2700 người vẫn đang bị tạm giữ và mắc kẹt tại các khu vực giao tranh.
Tổng GDP (2018): 64,4 tỷ USD
GDP bình quân đầu người: 9.986 USD
Tốc độ tăng trưởng: 7,9%
III. Kinh tế:
Trước chiến tranh, nền kinh tế Li-bi dựa chủ yếu vào dầu lửa, trữ lượng khoảng 45-50 tỉ thùng, chiếm 95% thu nhập xuất khẩu và 65% GDP. Nền kinh tế gần như phụ thuộc hoàn toàn vào xuất khẩu dầu và khí đốt đã phải vật lộn kể từ năm 2014 vì an ninh và bất ổn chính trị, gián đoạn sản xuất dầu và giảm giá dầu toàn cầu. Đất nước bị cúp điện trên diện rộng do thiếu nhiên liệu. Điều kiện sống bao gồm nước sạch, dịch vụ y tế và nhà ở đều giảm từ năm 2011. Sản lượng dầu năm 2017 đạt mức cao nhất trong 5 năm, thúc đẩy tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, mức sản xuất dầu vẫn dưới trung bình so với trước năm 2011.
V. Quan hệ Việt Nam – Li-bi:
Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 15/3/1975. Quan hệ Việt Nam – Li-bi trong thời gian qua không có nhiều tiến triển, thương mại song phương năm 2018 đạt khoảng 23,2 triệu USD, trong đó ta xuất siêu hoàn toàn. Do tình hình an ninh, chính trị bất ổn, nhu cầu hợp tác trên các lĩnh vực giữa Bạn và ta không nhiều. Từ năm 2014 đến này, hai nước cũng chưa tổ chức được hoạt động giao lưu văn hóa chung nào. Tháng 9/2018, ta đã chính thức đóng cửa sứ quán tại Li-bi.
Trao đổi đoàn:
Các đoàn Việt Nam thăm Li-bi: Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ (1978); Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp (1978 và 1985); Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Trần Quỳnh (1981), Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Huỳnh Tấn Phát (1986); Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo (1989), Chủ tịch HĐNN Võ Chí Công (1990); Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hà Phan (1995); Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Văn Ngạnh thăm Li-bi (1999); Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phúc Thanh (2000); Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Huy Hiệu (3/2004); Thứ trưởng Thương mại Đỗ Như Đính (4/2004); Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Vũ Mão (5/2004); Bí thư TƯ Đảng, Bí thư tỉnh ủy Nghệ An Lê Doãn Hợp (7/2004); Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Lương Trào (4/2005); Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Dũng (5/2005); Thứ trưởng Ngoại giao Lê Lương Minh (3/2012).
Các đoàn Li-bi thăm ta: Bộ trưởng Ngoại giao (1995); Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Ngoại giao(1997); Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản - Chủ tịch Phân ban Li-bi Uỷ ban liên chính phủ Li-bi - Việt Nam (1998); Quốc Vụ Khanh Bộ Ngoại Giao Al-Barani (2007)
Các Hiệp định/thoả thuận đã ký:
Hiệp định hợp tác kinh tế, khoa học, kỹ thuật (29/2/1976); Hiệp định thương mại (17/10/1983); MOU hợp tác giữa 2 BNG (31/1/2007); Biên bản UBHH lần thứ 11 (11/2009);
Tháng 4/2019
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |