A. THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ
NƯỚC CỘNG HOÀ CA-MƠ-RUN
I. Thông tin chung
Tên nước: Cộng hoà Ca-mơ-run (Republic of Cameroon)
Thủ đô: Y-a-un-đê (Yaoundé)
Quốc khánh: 20/5/1972
Vị trí địa lý: thuộc Trung Phi, Đông - Đông Bắc giáp Sát, CH Trung Phi, Tây Bắc giáp Ni-giê-ri-a, Tây Nam và Nam giáp Ghi-nê Xích đạo, Ga-bông và CHDC Công-gô.
Diện tích: 475.442 km2
Khí hậu: thay đổi theo vùng, nóng ẩm xích đạo ở ven biển và nóng khô ở phía Bắc. Vùng ven biển là một trong những nơi có độ ẩm cao nhất thế giới với lượng mưa hàng năm lên tới 10.000 mm.
Dân số: 27,2 triệu người (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
Dân tộc: Gồm khoảng 240 dân tộc, chia thành 3 nhóm chính là người Ban-tu, Bán Ban-tu và Xu-đăng.
Ngôn ngữ: tiếng Pháp, tiếng Anh
Đơn vị tiền tệ: CFA Franc (XAF) (1 USD = 621,3 XAF)
GDP: 45,24 tỷ USD (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
GDP/đầu người: 1.661,7 USD (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
Tôn giáo: Thiên Chúa giáo 70%, Đạo cổ truyền 40%, Hồi giáo 20%.
Cơ cấu hành chính: gồm 58 tỉnh, thành phố.
Lãnh đạo chủ chốt:
+ Tổng thống: Pôn Bi-a (Paul Biya) (từ tháng 11/1982, tái đắc cử các năm 1992, 1997, 2004, 2011 và 2018);
+ Thủ tướng: Giô-dép Đi-ông N’-guýt (Joseph Dion Ngute) (từ tháng 01/2019);
+ Chủ tịch Quốc hội: Ca-vay-ê Y-ê-ghi-ê Gi-bơ-rin (Cavayé Yéguié Djibril) (từ tháng 4/1992, tái đắc cử các năm 1997, 2002, 2007, 2010, 2013);
+ Chủ tịch Thượng viện: Mác-xen Ni-a Gi-phen-gi (Marcel Niat Njifenji) (từ tháng 6/2013, tái đắc cử 2021);
+ Bộ trưởng Quan hệ đối ngoại (Bộ Ngoại giao):
Lơ-giơn M’Ben-la M’Ben-la (Lejeune Mbella Mbella) (từ tháng 10/2015).
II. Khái quát lịch sử
- Trong giai đoạn 1884-1916, một số vùng đất của Ca-mơ-run ngày nay là thuộc địa của Đức, với thủ đô Buea và sau đó là Yaoundé. Thất bại sau Chiến tranh thế giới thứ II buộc Đức phải trao phần lớn vùng lãnh thổ này cho Pháp và Anh chiếm phần nhỏ ở Tây Bắc, đều dưới danh nghĩa uỷ trị của Hội Quốc liên năm 1919.
- Năm 1948, Liên minh các dân tộc Ca-mơ-run được thành lập tại vùng thuộc Pháp, tiến hành chiến tranh du kích chống thực dân Pháp. Phần thuộc Anh được yêu cầu lựa chọn “hoặc sáp nhập vào Ni-giê-ri-a hoặc sáp nhập với Ca-mơ-run thuộc Pháp”.
- Ngày 01/01/1960, Ca-mơ-run thuộc Pháp giành độc lập và trở thành Cộng hoà Liên bang Ca-mơ-run . Cũng trong năm đó, Ni-giê-ri-a thuộc Anh tuyên bố độc lập. Sau quá trình thương lượng, phần phía Bắc Ca-mơ-run thuộc Anh sáp nhập vào Ni-giê-ri-a, thành bang Sardana ở Đông Bắc Ni-giê-ri-a ngày nay. Phần phía Nam Ca-mơ-run thuộc Anh sáp nhập vào Cộng hoà Liên bang Ca-mơ-run vào tháng 2/1961.
- Năm 1972, Ca-mơ-run thông qua Hiến pháp theo chế độ độc đảng. Tháng 12/1990, Ca-mơ-run chuyển sang thể chế đa đảng và tổ chức bầu cử đa đảng lần đầu tiên vào tháng 10/1992.
III. Thể chế nhà nước, chế độ chính trị, đảng phái chính trị
- Ca-mơ-run theo thể chế Cộng hoà Tổng thống. Theo Hiến pháp hiện hành, Tổng thống được dân bầu trực tiếp, nhiệm kỳ 7 năm. Tổng thống có quyền bổ nhiệm Thủ tướng - người đứng đầu Chính phủ và sẽ đệ trình Tổng thống thông qua danh sách nội các.
- Cơ cấu nghị viện: Lưỡng viện gồm Thượng viện (được lập ra sau cuộc bầu cử Quốc hội năm 2013, gồm 100 ghế, trong đó 70 ghế được bầu gián tiếp qua hội đồng các địa phương và 30 do Tổng thống bổ nhiệm, nhiệm kỳ 5 năm) và Quốc hội (180 ghế, được dân bầu trực tiếp, nhiệm kỳ 5 năm).
- Các đảng phái chính trị: Năm 2021, có khoảng 330 đảng phái chính trị tại Ca-mơ-run nhưng chỉ phần nhỏ trong số này thực sự hoạt động, tiêu biểu có:
+ Phong trào Dân chủ Nhân dân Ca-mơ-run (CPDM/RDPC): Đảng cầm quyền, thành lập năm 1985, tiền thân là Liên minh Dân tộc Ca-mơ-run (UNC) thành lập từ 1960, Chủ tịch Đảng là Tổng thống Pôn Bi-a.
+ Mặt trận Dân chủ Xã hội (SDF): thành lập năm 1990, Chủ tịch Đảng Ni John Fru Ndi.
+ Liên minh Dân tộc vì Dân chủ và Tiến bộ (UNDP): thành lập năm 1991, Chủ tịch Đảng Bello Bouba Maigari.
IV. Tình hình
1. Chính trị nội bộ
- Tổng thống Pôn Bi-a nắm quyền từ tháng 11/1982, liên tục giành chiến thắng tại các kỳ bầu cử từ 1992-2018. Trước đó, ông giữ chức Tổng thống giai đoạn 1982-1992 và Thủ tướng giai đoạn 1975-1982.
- Tình hình Ca-mơ-run về cơ bản ổn định, tuy nhiên vẫn tồn tại các phong trào đòi cải cách chính trị, ly khai tại các tỉnh nói tiếng Anh.
2. Kinh tế - xã hội
- Ca-mơ-run là nền kinh tế lớn nhất khu vực Trung Phi, chiếm khoảng 50% tổng GDP của Cộng đồng Kinh tế và Tiền tệ Trung Phi (CEMAC). Tài nguyên thiên nhiên có bô-xít, sắt, vàng, dầu lửa (trữ lượng 200 triệu thùng, là mặt hàng xuất khẩu chính chiếm 40% kim ngạch xuất khẩu quốc gia), gỗ (17 triệu ha rừng, lớn thứ 2 sau rừng Amazone), có tiềm năng phát triển nông nghiệp và thủy điện (đứng thứ 2 châu Phi).
+ Ca-mơ-run dành một phần lớn ngân sách vào phát triển cơ sở hạ tầng với một số dự án lớn như nhà máy thuỷ điện Lom Pangar (hoàn thành 2017), cảng nước sâu ở Kribi (đang triển khai giai đoạn II), cao tốc Yaoundé - Douala…, ngoài ra Ca-mơ-run cũng tích cực thu hút đầu tư nước ngoài để cải thiện cơ sở hạ tầng.
+ Các sản phẩm xuất khẩu chính: dầu thô, gỗ, ca cao, nhôm, cà phê, bông…
+ Các sản phẩm nhập khẩu chính: máy móc, thiết bị điện, phương tiện vận tải, nhiên liệu, lương thực…
+ Các đối tác thương mại chính: Trung Quốc, Pháp, Ni-giê-ri-a, Hà Lan, Bỉ…
- Ca-mơ-run xếp hạng 153/189 về chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2020. Tỷ lệ thất nghiệp những năm gần đây dao động 3-4%. Tỷ lệ biết chữ đạt khoảng 77% dân số (2018). Tỷ lệ nhân viên y tế/10.000 dân chỉ đạt 2 người.
3. An ninh - quốc phòng:
- Trước đây, Ca-mơ-run có tranh chấp biên giới với Ni-giê-ri-a về bán đảo Bakassi. Năm 2008, Ni-giê-ri-a đã trao trả bán đảo này cho Ca-mơ-run theo phán quyết của Toà án Công lý Quốc tế (ICJ), chấm dứt tranh chấp.
- Ca-mơ-run dành ưu tiên lớn cho chống khủng bố Boko Haram tại khu vực hồ Sát, đã triển khai nhiều chiến dịch chống Boko Haram dọc biên giới với Ni-giê-ri-a.
V. Chính sách đối ngoại
- Ca-mơ-run thực thi đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, ủng hộ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác.
- Ca-mơ-run là thành viên Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF), Khối Thịnh vượng chung, Liên minh châu Phi (AU), Cộng đồng kinh tế tiền tệ Trung Phi (CEMAC)...
B. QUAN HỆ VIỆT NAM - CA-MƠ-RUN
I. Quan hệ chính trị
- Thiết lập quan hệ ngoại giao: Việt Nam và Ca-mơ-run thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 30/8/1972.
- Cơ quan đại diện: Đại sứ quán Việt Nam tại Ni-giê-ri-a kiêm nhiệm
Ca-mơ-run, Đại sứ quán Ca-mơ-run tại Trung Quốc kiêm nhiệm Việt Nam. Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Ca-mơ-run Ba-ba Hút-xên (Baba Housseine) được bổ nhiệm ngày 23/4/2019.
- Hoạt động trao đổi đoàn:
+ Đoàn Việt Nam thăm Ca-mơ-run: Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang (2011); Đặc phái viên Chủ tịch nước/Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Hồng Nam (4/2017); Đặc phái viên Thủ tướng/Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường (5/2019); Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ (11/2019).
+ Đoàn Ca-mơ-run thăm Việt Nam: Bộ trưởng Ngoại giao tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ 7 tại Hà Nội (11/1997); Bộ trưởng Giáo dục Ca-mơ-run tham gia đoàn các nước châu Phi khảo sát giáo dục tại Việt Nam (2006); Bộ trưởng Ngoại giao thăm làm việc (12/2017).
- Cơ chế hợp tác: Tham vấn chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao thiết lập tháng 12/2017.
II. Hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư
1. Thương mại
Kim ngạch thương mại song phương năm 2020 đạt 177 triệu USD trong đó Việt Nam xuất 24,7 triệu USD các mặt hàng gạo, hải sản, phân bón, dệt may và nhập 153,3 triệu USD các mặt hàng gỗ, bông và các sản phẩm khác. Năm 2021, kim ngạch song phương ước đạt 160 triệu USD.
2. Đầu tư
Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) đã đầu tư triển khai dự án viễn thông tại Ca-mơ-run từ năm 2012 và khai trương mạng viễn thông Nexttel ngày 12/9/2014. Tập đoàn Xuân Thành đã khảo sát, đàm phán đầu tư từ năm 2014 dự án xây dựng 02 nhà máy thuỷ điện, 01 nhà máy xi măng với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 900 triệu USD. Ngoài ra còn một số doanh nghiệp Việt Nam hoặc liên doanh hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến, kinh doanh gỗ, vàng, khoáng sản tại Ca-mơ-run (Long Sơn, AFA).
3. Nông nghiệp
Năm 2016, Việt Nam đã cử một đoàn công tác của Viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp sang khảo sát xây dựng dự án phát triển lúa theo mô hình đối tác công tư (PPP) tại Lagdo.
III. Hợp tác trong các lĩnh vực khác
Hợp tác trong các vấn đề khu vực và đa phương: Hai nước thường xuyên phối hợp tốt tại các diễn đàn quốc tế. Gần đây, Ca-mơ-run ủng hộ Việt Nam là Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
IV. Cộng đồng người Việt Nam tại Ca-mơ-run
Số lượng người Việt Nam tại Ca-mơ-run khoảng 200-300 người, chủ yếu sang làm ăn theo hợp đồng ngắn hạn, không cư trú lâu dài.
V. Các Hiệp định, thoả thuận đã ký kết giữa hai nước
Hiệp định khung hợp tác song phương, Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao hoặc công vụ và Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao (12/2017).
VI. Thông tin Cơ quan đại diện
Đại sứ quán Việt Nam tại Ni-giê-ri-a kiêm nhiệm Ca-mơ-run
Địa chỉ: Số 9, đường River Niger, quận Maitama, Abuja, Nigeria.
ĐT: +234 9 8703678
Fax: +234 9 8703679
Email: vnemb.ng@mofa.gov.vn; hoặc dsqvnnigeria@yahoo.com
Đại sứ quán Ca-mơ-run tại Bắc Kinh kiêm nhiệm Việt Nam
Địa chỉ : No. 7, Dong Wu Jie, San Li Tun, Beijing, China, 10060
ĐT : (86-10) 65321771/ 65321114 /65321828
Fax : (86-10) 65321761
Email : acpk71@hotmail.com
Tháng 8/2022