Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ CỘNG HÒA CÁP-VE VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM


A. THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ NƯỚC CỘNG HÒA CÁP-VE
I. Thông tin chung
Tên nước: Cộng hòa Cáp-ve (Republic of Cape Vert)                              
Thủ đô: Pờ-rai-a (Praia)                              
Quốc khánh: 05/7/1975                              
Vị trí địa lý: Là một nhóm gồm 10 đảo lớn và một số đảo nhỏ ở Đại Tây Dương, cách bờ biển Tây châu Phi khoảng 500km và cách Ghi-nê Bít-xao gần 1000km về phía Tây Bắc. Có vị trí chiến lược trên tuyến đường chính Bắc - Nam trên bờ biển Tây Phi.                              
Diện tích: 4.033 km2                              
Khí hậu: Ôn hòa, mùa hè khô, ấm, mưa ít và rất thất thường. Nhiệt độ trung bình: 22-27ºC. Lượng mưa trung bình: 100-300 mm.                              
Dân số: Khoảng 561.900 người (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
Dân tộc: Người Crê-ôn (71%), người châu Phi (28%), người châu Âu (1%)
Ngôn ngữ: Tiếng Bồ Đào Nha; tiếng Crê-ôn (pha trộn giữa tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Tây Phi) được sử dụng rộng rãi.                              
Đơn vị tiền tệ: Ét-cu-đo Cáp-ve (Escudo Cabo-verdiano) (1 USD = 105 CVEsc)                              
GDP: 1,93 tỷ USD (2021, theo Ngân hàng Thế giới)                              
GDP/đầu người: 3.106 USD (2021, theo Ngân hàng Thế giới)                              
Tôn giáo: Đạo Thiên chúa (95%), Tôn giáo khác (5%).                            
Cơ cấu hành chính: 12 khu vực hành chính.                              
Lãnh đạo chủ chốt:
+ Tổng thống: Giô-dê Ma-ri-a Ne-vớtx (José Maria Neves) (từ tháng 11/2021);
+ Thủ tướng: Giô-dê U-lít-xơ Cô-rây-a i Xin-va (José Ulisses Correia e Silva) (từ tháng 4/2016);
+ Chủ tịch Quốc hội: Au-xte-li-nu Ta-va-rét Cô-rây-a (Austelino Tavares Correia) (từ tháng 5/2021);
+ Bộ trưởng Ngoại giao, Hợp tác và Hội nhập vùng: Rui An-béc-tu đừ Phi-gu-êi-re-đu Xu-a-rét (Rui Alberto de Figueiredo Soares) (từ tháng 01/2021).                              
II. Khái quát lịch sử
Lịch sử Cáp-ve được ghi nhận từ năm 1456 khi các đội tàu thám hiểm của người Bồ Đào Nha do Hoàng tử Đôm En-ri-kê (Dom Henrique) phát hiện ra nhóm đảo. 6 năm sau, các tàu của Bồ Đào Nha trở lại đảo lớn Xan-ti-a-gô (Santiago) (là thủ đô Pờ-rai-a ngày nay) để xây dựng thành trì đầu tiên của người châu Âu tại khu vực.
Từ năm 1586, Cáp-ve chính thức trở thành thuộc địa của Bồ Đào Nha dưới danh nghĩa “tỉnh hải ngoại của Bồ Đào Nha” đồng thời là một trong những trạm trung chuyển buôn bán nô lệ da đen xuyên Đại Tây Dương từ châu Phi sang châu Mỹ, đặc biệt là sang Bra-xin.
Ngày 19/9/1956, Đảng châu Phi vì Độc lập của Ghi-nê Bít-xao và              Cáp-ve (PAIGC) ra đời dưới sự lãnh đạo của anh em nhà A-min-ca (Amilcar) và Lu-ít Ca-brao (Louis Cabral), định hướng nhân dân Ghi-nê Bít-xao và Cáp-ve đấu tranh giành độc lập. Ngày 20/12/1974, Bồ Đào Nha buộc phải ký Hiệp định trao trả độc lập cho Cáp-ve. Ngày 05/7/1975, nước Cộng hoà Cáp-ve tuyên bố thành lập.
III. Thể chế nhà nước, chế độ chính trị, đảng phái chính trị
- Cáp-ve theo thể chế Cộng hòa bán Tổng thống. Tổng thống là người đứng đầu Nhà nước, được bầu qua bỏ phiếu phổ thông, có nhiệm kỳ 5 năm. Tổng thống là tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang, có quyền chỉ định Thủ tướng, Chủ tịch Tòa án Tối cao, giải tán Quốc hội… Thủ tướng là người đứng đầu Chính phủ, có nhiệm kỳ 5 năm, có quyền chỉ định nội các, bao gồm 1 Phó Thủ tướng, 13 Bộ trưởng.
- Cơ cấu nghị viện: Cáp-ve theo cơ cấu đơn viện gồm Quốc hội với 72 ghế, được bầu theo phổ thông đầu phiếu, nhiệm kỳ  5 năm.
- Đảng phái chính trị: Hiện có khoảng 8 đảng phái đang hoạt động, trong đó tiêu biểu là:
+ Đảng châu Phi vì độc lập Cáp-ve (PAICV): thành lập tháng 01/1981, là Đảng cầm quyền và hiện được lãnh đạo bởi Tổng thống Giô-dê Ma-ri-a
Ne-vớtx.
+ Đảng Phong trào Dân chủ (MPD): thành lập tháng 03/1990, là đảng lớn thứ 2 của Cáp-ve và cũng là đảng đối lập chính, hiện được lãnh đạo bởi Thủ tướng Giô-dê U-lít-xơ Cô-rây-a i Xin-va. .
+ Đảng Liên minh Dân chủ và Độc lập Cáp-ve (UCID): thành lập năm 1981 và hiện được lãnh đạo bởi ông An-tô-ni-u Mông-tei-ru (António Monteiro).
IV. Tình hình
1. Chính trị nội bộ
Tình hình chính trị - an ninh của Cáp-ve những năm qua được đánh giá ổn định và phát triển tốt. Ngày 17/10/2021, Cáp-ve tổ chức bầu cử Tổng thống. Bầu cử diễn ra ôn hòa, minh bạch với thắng lợi ngay từ vòng đầu (51,7%) thuộc về ông Giô-dê Ma-ri-a Ne-vớtx thuộc Đảng châu Phi vì Độc lập Cáp-ve (PAICV). Tổng thống Giô-dê Ma-ri-a Ne-vớtx tuyên thệ nhậm chức vào tháng 11/2021.
2. Kinh tế - Xã hội
- Cáp-ve có nguồn khoáng sản nghèo nàn, thường xuyên phải đối mặt với tình trạng thiếu nước kéo dài. Nền kinh tế chủ yếu tập trung vào các ngành dịch vụ như thương mại, giao thông, du lịch và các dịch vụ công. Gần 70% dân số sống ở khu vực nông thôn nhưng đóng góp của ngành sản xuất lương thực trong GDP còn thấp. Gần 82% lương thực phải nhập khẩu. Tiềm năng hải sản chưa được khai thác.
+ Cơ cấu ngành kinh tế: Nông nghiệp 7,9%; Công nghiệp 17,9%; Dịch vụ 74,2%.
+ Các đối tác thương mại chính: Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp,
Trung Quốc, Hà Lan.
+ Các sản phẩm xuất khẩu chính: Dầu thô, giày dép, thủy sản,
hàng thuộc da…
+ Các sản phẩm nhập khẩu chính: Lương thực, máy móc thiết bị,
hàng điện tử, phương tiện giao thông, xăng dầu…
- Cáp-ve xếp hạng 126/189 về chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2020. Cáp-ve có hệ thống giáo dục tốt thứ hai châu Phi, sau Nam Phi. Giáo dục tiểu học ở Cáp-ve là bắt buộc và miễn phí đối với trẻ em từ sáu đến mười bốn tuổi. Khoảng 90% dân số trên 15 tuổi biết chữ và 25% dân số có bằng đại học. Cáp-ve được đánh giá có chỉ số dân chủ cao trên thế giới với xếp hạng thứ 26 năm 2018 và thứ 32 năm 2020 và chỉ số tham nhũng xếp hạng thứ 41/180 năm 2020.
V. Chính sách đối ngoại
- Cáp-ve theo đường lối độc lập dân tộc, không liên kết, quan hệ mật thiết với các nước thuộc địa cũ của Bồ Đào Nha, chú trọng quan hệ với Bồ Đào Nha, Pháp... 
- Cáp-ve là thành viên của Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới, IMF, FAO, G77, Liên minh châu Phi (AU), Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS)...
B. QUAN HỆ VIỆT NAM - CÁP-VE
I. Quan hệ chính trị
- Thiết lập quan hệ ngoại giao: Việt Nam và Cáp-ve thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 08/07/1975.
- Cơ quan đại diện: Hai nước chưa mở Đại sứ quán tại thủ đô của nhau. Đại sứ quán Việt Nam tại Ăng-gô-la kiêm nhiệm Cáp-ve. Đại sứ quán Cáp-ve tại Trung Quốc kiêm nhiệm Việt Nam.

- Hoạt động trao đổi đoàn:
+ Đoàn Việt Nam thăm Cáp-ve: Phó chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ (9/1978).
+ Đoàn Cáp-ve thăm Việt Nam: Đoàn Đảng và Chính phủ Cáp-ve sang Việt Nam học tập kinh nghiệm về xây dựng Đảng, Chính quyền, Quân đội, Thanh tra, Nông nghiệp (6/1976).
II. Hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư
Thương mại: Kim ngạch thương mại song phương năm 2021 ước đạt 6 triệu USD trong đó Việt Nam xuất phần lớn với các hàng rau quả, gạo, thiết bị. Kim ngạch trao đổi năm 2020 đạt 4,28 triệu USD, năm 2019 đạt 9,55 triệu USD.
III. Hợp tác trong các lĩnh vực khác
Hợp tác trong các vấn đề khu vực và đa phương: Hai nước thường xuyên phối hợp, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc. Gần đây, Cáp-ve ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
IV. Các Hiệp định, thỏa thuận đã ký kết giữa hai nước
Hiệp định văn hóa (9/1978).
V. Thông tin Cơ quan đại diện
Đại sứ quán Việt Nam tại Ăng-gô-la kiêm nhiệm Cáp-ve
Địa chỉ: 74 Houari Boumediene, Miramar, Luanda, Angola
ÐT: +244 924 492 169/929 212 583
Email: vnemb.angola@mofa.gov.vn

Đại sứ quán Cáp-ve tại Trung Quốc kiêm nhiệm Việt Nam
Địa chỉ: No. 5-1-7/1 Tayuan Diplomatic Compound, Beijing 100600
ĐT: +86 10 6532 7547
Fax: +86 10 6532 7548
Email: secretariat@cvembassy.com
Tháng 8/2022


 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer