Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ CỘNG HÒA GHI-NÊ BÍT-XAO VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM


 

TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ NƯỚC CỘNG HÒA GHI-NÊ BÍT-XAO

VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM

-----

      

  1. Khái quát:

- Tên nước: Cộng hòa Ghi-nê Bít-xao (Republica de Guinea Bissau)

- Thủ đô: Bít-xao (Bissau)

- Vị trí địa lý: ở Tây Phi, nằm trên bờ Đại Tây Dương, có biên giới chung với Xê-nê-gan và Ghi-nê xích đạo.

- Diện tích: 36.125 km2 

- Dân số: 1,83 triệu người (7/2018)

- Tôn giáo: Hồi giáo (50%), Tín ngưỡng cổ truyền (45%), Thiên Chúa giáo (5%)

- Ngôn ngữ: tiếng Bồ Đào Nha

- Tiền tệ: Đồng franc CFA

- Quốc khánh (ngày độc lập): 24/9/1973


2. Lịch sử:

- Trong giai đoạn 1446 - 1974, Ghi-nê Bít-xao là thuộc địa của thực dân Bồ Đào Nha. Từ 1951-1974, Ghi-nê Bít-xao được gọi với tên Tỉnh Ghi-nê hải ngoại (Provincia Ultramarina da Guinea). Ngày 24/9/1973, Ghi-nê Bít-xao tuyên bố độc lập, và được Bồ Đào Nha trả hoàn toàn độc lập và công nhận ngày 10/9/1974.

- Trước đây Ghi-nê Bít-xao thực hiện chế độ một đảng (Đảng người Phi vì Độc lập của Ghi-nê Bít-xao và Cape Verde - PAIGC) chủ trương xây dựng một đất nước trên nền dân chủ dân tộc cách mạng.

- Tháng 1/1991, PAIGC họp Đại hội bất thường, chủ trương thực hiện chế độ đa đảng. Tháng 5/1991, Quốc hội thông qua luật đa đảng. Năm 1994 ông Vieira giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống tự do đầu tiên của Ghi-nê Bít-xao. Năm 1999, Tướng Ansumane Mane làm đảo chính quân sự lật đổ Vieira và đất nước rơi vào nội chiến. Năm 2000, Koumba Yala giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống tuy nhiên sau đó đã bị lật đổ trong một cuộc đảo chính vào tháng 9/2003. Ngay sau đó, các lực lượng quân sự và lãnh đạo chính trị đã ký kết thoả thuận thành lập một chính phủ dân sự lâm thời và sau đó tiến hành bầu cử quốc hội và bầu tổng thống mới. Tháng 7/2005, cựu tổng thống Vieira đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử vòng hai.

- Ngày 16/11/2008 dưới sự tài trợ của quốc tế (chủ yếu là EU), Ghi-nê Bít-xao đã tiến hành cuộc bầu cử quốc hội. Cuộc bầu cử đã diễn ra hoà bình và công bằng, Đảng cầm quyền PAIGC thắng cử, với 67/100 ghế tại quốc hội, tăng thêm 22 ghế.

- Tháng 07/2009, Ghi-nê Bít-xao tổ chức bầu cử tổng thống với thắng lợi thuộc về cựu Tổng thống Malam Bacai Sanha thuộc Đảng PAIGC với 63% số phiếu ủng hộ.

- Tháng 1/2012, Tổng thống Malam Bacai Sanha từ trần. Chủ tịch Quốc hội Raimundo Pereira được bổ nhiệm Quyền Tổng thống cho đến cuộc bầu cử Tổng thống dự kiến diễn ra tháng 3/2012.

- Tháng 4/2012, sau cuộc đảo chính của quân đội, quân đội và lực lượng của Cộng đồng kinh tế các nước Tây Phi ECOWAS đã thỏa thuận bầu ông Nhamadjo làm Tổng thống chính quyền chuyển tiếp có nhiệm kỳ 1 năm.

- Tổng tuyển cử đã được tổ chức tại Ghi-nê Bít-xao với vòng 1 vào 13/4/2014 và vòng 2 bầu cử Tổng thống vào 18/5/2014. Đảng PAIGC giành đa số ghế ở Quốc hội và ông Jose Mario Vaz - cựu Bộ trưởng Tài chính, ứng cử viên Đảng PAIGC đắc cử Tổng thống. Tháng 12/2019, sau vòng 2 bầu cử Tổng thống, ông Umaro Cissoko Umbalo giành thắng lợi.

Tình hình chính trị trong nội bộ của Ghi-nê Bít-xao thường xuyên không ổn định, xảy ra các vụ tranh chấp đảng phái và đảo chính khiến kinh tế nước này gặp nhiều khó khăn và trì trệ.


3. Chính trị:

  1. Đối nội:

    - Thể chế: Cộng hòa Tổng thống

    - Các Đảng chính:

    + Đảng châu Phi vì Độc lập của Ghi-nê Bít-xao và Cape Verde (PAIGC – Đảng cầm quyền).

    + Đảng cải cách xã hội (PRS).

    Nội các:

    - Tổng thống: U-ma-rô Xi-xô-cô Um-ba-lô (Umaro Cissoko Umbalo 12/2019)

    - Thủ tướng: Phô-xti-nô Phu-đu Im-ba-li (Faustino Fudut Imbali 10/2019)

    - Bộ trưởng Ngoại giao và cộng đồng: Xu-di Bác-bô-da (Suzi Barbosa 7/2019)

  2. Đối ngoại:   

    - Ghi-nê Bít-xao thực hiện chính sách đối ngoại không liên kết, có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhiều nước và tổ chức quốc tế như: Pháp, Tây Ban Nha, Angola...

    - Ghi-nê Bít-xao là thành viên LHQ, phong trào KLK, khối Pháp ngữ, AU, ECOWAS, WTO, FAO, G-77, Interpol, UNCTAD, UNESCO, WHO… Sau một thời gian dài bất ổn chính trị, AU và khối Pháp ngữ đã khôi phục tư cách thành viên cho Ghi-nê Bít-xao.

4. Kinh tế:

- Ghi-nê Bít-xao là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Tài nguyên thiên nhiên chủ yếu là bô-xít, phốt phát, sắt, gỗ, hải sản. Ghi-nê Bít-xao đã phát hiện ra dầu lửa ở thềm lục địa nhưng chưa khai thác. Kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào trồng trọt và đánh cá. Hạt điều là mặt hàng xuất khẩu và là nguồn thu ngoại tệ chính, giúp cải thiện kinh tế và đảm bảo an ninh lương thực cho khu vực nông thôn.

- Ghi-nê Bít-xao là nước sớm thực hiện cải cách kinh tế bằng kế hoạch 3 năm (1983-1985) về chuyển nền kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường. Năm 1986, Đại hội 4 của Đảng cầm quyền đã ra nghị quyết về đẩy nhanh quá trình cải cách kinh tế, chuyển mạnh quá trình tư nhân hoá, kể cả về ngoại thương. Chính phủ có những biện pháp mạnh mẽ nhằm tăng giá cho những người sản xuất nông nghiệp và tiến hành tự do thương mại. Hiện nay nhà nước chỉ quản lý về mặt luật pháp và thuế.  

- Nội chiến liên miên và cạnh tranh đảng phái đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến cơ sở hạ tầng đất nước và nền kinh tế từ 1998, khiến Ghi-nê Bít-xao phải thường xuyên vay nợ các tổ chức quốc tế. Kinh tế Ghi-nê Bít-xao hiện nay vẫn chưa khôi phục sau đảo chính 2012.

- Ghi-nê Bít-xao hiện cũng đang nổi lên như một điểm nóng về buôn lậu ma tuý tổng hợp vào châu Âu.

Một số thông tin kinh tế cơ bản (2019) :

- GDP (PPP): 3,1 tỉ USD

- GDP đầu người (tính theo sức mua): 1.800 USD

- Tăng trưởng GDP: 5,5%


Quan hệ Việt Nam - Ghi-nê Bít-xao:

-  Quan hệ chính trị: Hai nước lập quan hệ ngoại giao ngày 30/9/1973.

+ Trao đổi đoàn: Ta: Phó Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ (9/1978);  Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình (4/1994); Bạn: ông V. Cabral, Uỷ viên Ban chấp hành PAIGC, Bộ trưởng Phối hợp và Kế hoạch (1/9/1979); Quốc Vụ khanh Bộ Thương mại, Công nghiệp và nâng cao giá trị các sản phẩm địa phương Ibraima Djaló (1/2014), Đặc phái viên Tổng thống, Đại sứ Malam Sambu (1/2018).

+ Các văn bản ký kết: Hiệp định hợp tác văn hoá, kinh tế, khoa học kỹ thuật và thương mại (1994); MOU hợp tác thương mại và công nghiệp (1/2014).

- Quan hệ thương mại: Kim ngạch buôn bán hai chiều giữa hai nước năm 2019 đạt 114,19 triệu USD trong đó ta xuất 1,64 triệu USD các mặt hàng gạo và sản phẩm dệt may và nhập 112,54 triệu USD chủ yếu là hạt điều.

 

Thông tin cơ quan đại diện:

ĐSQ VN tại Angola kiêm nhiệm Ghi-nê Bít-xao

Địa chỉ: 74 Houari Boumedienne, Miramar, Luanda

Tel mobile:  (244) 929212583 - 922668019

Email : vnemb.angola@mofa.gov.vn

 

ĐSQ Ghi-nê Bít-xao tại Bắc Kinh kiêm nhiệm VN

Địa chỉ: 2-2-101, Ta Yuan Diplomatic Compound, Chaoyang District, Beijing
Postal Code: 100600

Tel: (+86)10 6532 7393

Fax: (+86)10 6532 7106

Lãnh sự danh dự, Mr Lê Thiết Thảo 31 Nguyễn Khuyến +84.90 403 9595

Tháng 8/2020

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Các tin liên quan:

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer