TÀI LIỆU CƠ BẢN NƯỚC CỘNG HOÀ TRUNG PHI
1. Đại cương :
- Tên nước : Cộng hoà Trung Phi.
- Thủ đô : Băng-ghi (Bangui)
- Vị trí địa lý : Nước Cộng hoà Trung Phi nằm ở miền Trung châu Phi, Đông giáp Xu-đăng, Tây giáp Ca-mơ-run, Nam giáp CHDC Công-gô và CH Công-gô, Bắc giáp Sát.
- Khí hậu : Nhiệt đới, nóng và ẩm.
- Diện tích : 622.984 km2
- Dân số : 4.411.488 người (2008)
- Dân tộc : Bay-a (Baya) 33%, Băng-đa (Banda) 27%, Xa-ra (Sara) 10%, Măng-gia (Mandjia) 13%, Mơ-bun (Mboum) 7%, Mơ-ba-ca (M'Baka) 4%, I-a-kô-ma (Yakoma) 4%, các dân tộc khác 2%.
- Ngôn ngữ chính thức : Tiếng Pháp, tiếng Xăng-gô (Sango).
- Đơn vị tiền tệ : CFA Franc
- Quốc khánh : 13/8/1960.
- Tôn giáo : Tín ngưỡng cổ truyền 35%, Thiên chúa giáo (Cơ đốc 25%, Tin lành 25%), Hồi giáo 15%.
- Tổng thống : Phơ-răng-xoa Bô-di-dê (François Bozizé)
- Thủ tướng : Phô-xơ-tanh Ác-săng-giơ Tu-a-đơ-ra (Faustin-Archange Touadera) (22/1/2008)
- Ngoại trưởng : Tướng Ăng-toan Găm-bi (Antoine Gambi) (từ 2009).
2. Sơ lược lịch sử :
Pháp chiếm U-băng-ghi – Sa-ri (Oubangui-Chari) từ cuối thế kỷ 19, năm 1910 sát nhập xứ này vào châu Phi xích đạo thuộc Pháp. Ngày 1/2/1958 U-băng-ghi – Sa-ri đổi tên thành Cộng hoà Trung Phi.
Cộng hoà Trung Phi được Pháp trao trả độc lập ngày 13/8/1960. Ông Đa-vít Đắc-cô (David Dacko) trở thành Tổng thống đầu tiên. Tháng 1/1966, Giăng Ba-đen Bô-ka-xa (Jean Badel Bokassa) lật đổ Đắc-cô, lên làm Tổng thống. Năm 1976, ông đổi tên nước thành Vương quốc Trung Phi và tự xưng Hoàng đế. Năm 1979, Đắc-cô đảo chính Bô-ka-xa, lấy lại tên nước là Cộng hoà Trung Phi. Năm 1981 Ăng-đơ-rê Cô-linh-ba (Andre Kolingba) giành chính quyền bằng một cuộc đảo chính không đổ máu.
Tháng 9/1993, Trung Phi tiến hành bầu cử đa đảng và Pa-ta-xê đã thắng cử, trở thành Tổng thống dân sự đầu tiên. Trong lúc Pa-ta-xê đang gặp các nhà lãnh đạo châu Phi tại Ni-giê (Niger) để tìm kiếm hoà bình cho CH Trung Phi, ngày 15/3/2003, tướng Phơ-răng-xoa Bô-di-dê đã đảo chính lên nắm quyền, thành lập chính phủ chuyển tiếp 2 năm. Đây là cuộc đảo chính lần thứ 10 kể từ năm 1960. Ngày 13/3/2005, Trung Phi tổ chức bầu cử Tổng thống theo cơ chế dân chủ đa đảng, ông Phơ-răng-xoa Bô-di-dê đã giành thắng lợi ở vòng 2 với 64,6% số phiếu.
3. Chính trị :
3.1. Đối nội : Trung Phi thực hiện đường lối chính trị đa đảng, mở cửa. Đảng cầm quyền hiện nay là Phong trào giải phóng nhân dân Trung Phi (Đảng của Tổng thống).
Các Đảng phái đối lập :
- Liên minh vì nền Dân chủ và Tiến bộ (ADP),
- Đảng Cộng hoà Trung Phi (PRC),
- Phong trào Dân chủ vì Đổi mới và Tiến bộ ở Trung Phi (MDREC).
Do tình hình an ninh chính trị có nhiều phức tạp, năm 1998, Hội đồng bảo an LHQ đã thông qua Nghị quyết 1159 thiết lập lực lượng gìn giữ hoà bình ở Trung Phi (MINURCA) thay thế cho lực lượng Liên Phi; MINURCA đã kết thúc sứ mệnh của mình năm 2000. Hiện nay, Văn phòng kiến tạo hoà bình của LHQ tại CH Trung Phi (BONUCA), được thành lập năm 1999 để hỗ trợ các hoạt động của MINURCA vẫn đang hoạt động.
Gần đây, do chịu ảnh hưởng của xung đột Đa-phua (Xu-đăng), khu vực Đông-Bắc của Trung Phi còn có những bất ổn do làn sóng người tị nạn từ Đa-phua cũng như xung đột giữa một số lực lượng phiến quân tại khu vực biên giới chung với Xu-đăng và Sát. Trong bối cảnh đó, ngày 25/9/2007, LHQ đã thông qua Nghị quyết 1778 cho phép triển khai tại Trung Phi và Sát lực lượng quốc tế trên cơ sở phối hợp với EU để thực thi các nhiệm vụ trấn áp bạo lực, bảo vệ dân thường, người tị nạn và giám sát nhân quyền. Tháng 10/2007, EU đã thông qua quyết định triển khai lực lượng của mình (EUFOR) tại khu vực này.
Ngày 26/6/2008, CH Trung Phi và hai phe nổi dậy (Quân đội nhân dân phục hồi nền dân chủ và Liên minh các lực lượng dân chủ vì tập hợp) ở miền Bắc đã ký Hiệp định hoà bình chung tại Ga-bông theo đó tiến hành giải giáp các phe nhóm nổi dậy, ân xá cho các binh sĩ và tái hoà nhập họ vào cộng đồng. Trước đó, hai phe này đã từng ký hiệp định riêng rẽ với chính phủ Trung Phi.
Tháng 12/2008, CH Trung Phi tổ chức đối thoại chính trị mở rộng với sự tham gia của tất cả các phe phái chính trị, kể cả phe của cựu Tổng thống Pa-ta-xê, và đề ra Lộ trình chấm dứt xung đột vũ trang và bất ổn chính trị.
3.2. Đối ngoại :
Trung Phi là thành viên LHQ, Liên minh châu Phi (AU), Không liên kết, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ và nhiều tổ chức khác.
Trung Phi có quan hệ mật thiết với Pháp trên nhiều lĩnh vực. Pháp đang hỗ trợ quân sự cho các lực lượng của Trung Phi. Trong giai đoạn 1970-1980, Li-bi tích cực tranh giành ảnh hưởng với Pháp tại CH Trung Phi và tháng 5/2001, Li-bi từng triển khai quân tại Băng-ghi để yểm trợ cho Tổng thống Pa-ta-xê.
Bên cạnh đó, Trung Phi tăng cường quan hệ với Mỹ và các nước phương Tây. Đầu năm 1989, Trung Phi công nhận nhà nước I-xra-en và Pa-le-xtin.
Từ năm 2005 đến nay, Trung Phi tìm cách đa dạng hoá quan hệ đối ngoại với các nước khác như các nước vùng Vịnh, Trung Quốc, Nam Phi.
4. Kinh tế :
Trung Phi là một trong những nước nghèo ở châu Phi. Kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp và lâm nghiệp. Nông nghiệp chiếm hơn 1/2 GDP, gỗ chiếm 16% thu nhập xuất khẩu và công nghiệp kim cương chiếm 40%. Sản phẩm nông nghiệp có: bông, cà phê, sắn, lạc, lúa, ngô, kê... Về khoáng sản ngoài kim cương còn có sắt, măng-gan, ni-ken... nhưng sản lượng thấp.
Hạn chế của Trung Phi là nước không tiếp giáp với biển, hệ thống giao thông lạc hậu, phần lớn là lực lượng lao động không có nghề. Thiếu sự chỉ đạo trong phát triển kinh tế vĩ mô. Tình hình bất ổn cản trở kinh tế phát triển. Phân phối thu nhập bất bình đẳng. Mặc dù được Pháp và cộng đồng quốc tế viện trợ nhưng chỉ đáp ứng một phần nhu cầu thiết yếu trong nước.
Trung Phi xuất khẩu kim cương, gỗ, bông, cà phê, thuốc lá sang các nước Bỉ (22%), In-đô-nê-xi-a (19,3%), Ý (7,7%), Pháp (7,1%), CHDC Công-gô (6,8%). Giá trị xuất khẩu đạt 146,7 triệu USD (2007). Nhập khẩu thực phẩm, hàng dệt may, xăng dầu, máy móc thiết bị, động cơ ôtô, hoá chất, dược phẩm từ các nước Pháp (16,6%), Hà Lan (13%), Ca-mơ-run (9,7%), Mỹ (6,3%). Giá trị nhập khẩu là 237,3 triệu USD (2007).
Một vài số liệu chính:
- GDP : 2 tỷ USD (2009).
- GDP theo đầu người : 422 USD (2009)
- Tăng trưởng GDP : 2,4% (2009)
(Nguồn: CIA)
5. Quan hệ Trung Phi - Việt Nam :
a. Quan hệ chính trị, kinh tế:
- Ngày 10/11/2008, Việt Nam và Trung Phi lập quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ nhân chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao, Hội nhập khu vực và Pháp ngữ Trung Phi. Năm 1976, Trung Phi ủng hộ ta vào LHQ.
- Đều là những nước đang phát triển và là thành viên tích cực của Cộng đồng Pháp ngữ, Trung Phi mong muốn tăng cường quan hệ với Việt Nam, coi Việt Nam là đối tác ưu tiên quan trọng ở khu vực châu Á để đẩy mạnh hợp tác, đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, y tế, giáo dục, kinh tế, lâm nghiệp và công nghiệp khai khoáng… Đồng thời, phía Trung Phi mong muốn, với kinh nghiệm Việt Nam có được trong hợp tác ba bên với các nước châu Phi, Trung Phi cùng Việt Nam sẽ xây dựng thành công mô hình hợp tác ba bên với sự hỗ trợ của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ.
- Kim ngạch thương mại hai nước năm 2009 đạt gần 1,6 triệu USD. Trong đó ta xuất khoảng 369.637 USD chủ yếu là hàng dệt may và thuỷ sản… và nhập trên 1,2 triệu USD chủ yếu là dầu FO, sắt thép các loại, clinker…
b. Trao đổi đoàn: Tổng thống Ăng-giơ Phê-lích Pa-ta-xê (Ange Félix Patassé) dự cấp cao Pháp ngữ 7 tại Hà nội 11/1997, Tổng thống Phơ-răng-xoa Bô-di-dê I-ăng-gu-vông-đa (Francois Bozize Yangouvonda) (5/2009)
c. Các hiệp định đã ký: Hiệp định khung về hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Trung Phi (5/2009), Bản ghi nhớ về hợp tác nông nghiệp (5/2009)
d. Cơ quan đại diện:
- Đại sứ quán Trung Phi tại Pháp kiêm nhiệm Việt Nam:
+ Địa chỉ: 59, Quai d\'Orsay 75343 Paris France
+ Điện thoại: +33.1.53592323
- Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp kiêm nhiệm Trung Phi:
+ Địa chỉ: 62 rue Boileau 75016 Paris
+ Điện thoại: +33.1.44 14 64 00
![]() ![]() ![]() ![]() |