TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ NƯỚC CỘNG HÒA MA-LA-UY VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM
A. THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ NƯỚC CỘNG HÒA MA-LA-UY
Tên nước: Cộng hoà Ma-la-uy (Republic of Malawi)
Thủ đô: Ly-long-Ghuê (Lilongwe)
Quốc khánh: 06/7/1964
Vị trí địa lý: nằm ở Nam phần châu Phi, Tây giáp Dăm-bi-a (Zambia), Đông Nam giáp Mô-dăm-bích (Mozambique), Đông Bắc giáp Tan-da-ni-a (Tanzania).
Diện tích: 118.484 km2
Khí hậu: Nhiệt đới
Dân số: 20,1 triệu người (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
Ngôn ngữ: Tiếng Anh, tiếng Chichewa.
Đơn vị tiền tệ: Đồng Kwacha Ma-la-uy (MWK) (1 USD = 1026 MWK)
GDP: 12,63 tỷ USD (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
GDP/đầu người: 642,7 USD (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
Tôn giáo: Thiên chúa giáo (79,9%), Hồi giáo (12,8%), các đạo khác 3%, không theo tôn giáo nào (4,3%).
Cơ cấu hành chính: 3 vùng hành chính và 28 hạt.
Lãnh đạo chủ chốt:
- Tổng thống: La-da-rút Mác-Ca-thi Cha-kê-ra (Lazarus McCarthy Chakwera) (từ tháng 6/2020).
- Chủ tịch Quốc hội: Ca-tơ-rin Go-ta-ni Ha-ra (Catherine Gotani Hara) (từ tháng 6/2019).
- Bộ trưởng Ngoại giao: Ai-xen-hao Nờ-đu-oa Mờ-ca-ca (Eisenhower Nduwa Mkaka) (từ tháng 7/2020)
II. Khái quát lịch sử
Từ thế kỷ XVI đến nửa đầu thế kỷ XIX, những người thuộc các dân tộc Bantu, Tonga, Tumbaka, Yao, Ngoni di cư đến vùng đất Ma-la-uy để sinh sống. Cuối thế XVIII, thực dân Bồ Đào Nha xâm nhập vào phía Bắc Ma-la-uy. Năm 1859, giáo sĩ Anh Livins tới thám hiểm Ma-la-uy. Năm 1891, sau khi chiến thắng Bồ Đào Nha trong cuộc chiến tranh chấp Ma-la-uy, Anh tuyên bố Ma-la-uy đặt dưới quyền bảo hộ của mình. Năm 1907, Anh đặt tên vùng là Nyassaland. Nhân dân Ma-la-uy đã kiến quyết đấu tranh chống ách thống trị của thực dân Anh.
Sau Chiến tranh thế giới lần II, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở châu Phi ngày càng lên cao khiến thực dân Anh buộc phải sáp nhập ba nước Rhodesia Nam (Zimbabwe), Rhodesia Bắc (Zambia) và Nyassaland thành Liên bang Trung Phi nhằm tăng cường kiểm soát và đẩy mạnh khai thác tài nguyên. Tháng 1/1959 nhân dân Nyassaland đã tiến hành đấu tranh chống lại việc thành lập Liên bang Trung Phi, buộc chính quyền Anh phải tổ chức họp hội nghị lập hiến của Nyassaland tại London. Cuộc bầu cử đầu tiên vào tháng 8/1961. Đến tháng 11/1962, Anh buộc phải để cho Nyassaland tự trị và rút khỏi Liên bang Trung Phi. Tháng 9/1963, Anh đồng ý trao trả độc lập cho Nyassaland. Ngày 06/7/1964, Nyassaland tuyên bố độc lập, đặt tên nước là Ma-la-uy, nằm trong Khối Liên hiệp Anh. Ngày 06/7/1966, Ma-la-uy thành lập nước Cộng hòa. Ông Hastings Banda trở thành Tổng thống, thực hiện chế độ độc đảng, nắm quyền lãnh đạo đất nước trong giai đoạn từ 1966-1994.
Năm 1994, chính quyền Hastings Banda chấp nhận chuyển sang chế độ đa đảng. Ngày 17/5/1994, cuộc tổng tuyển cử tự do đầu tiên được thực hiện với thắng lợi của Đảng Mặt trận Dân chủ thống nhất (UDF). Thủ lĩnh UDF là ông Bakili Muluzi đắc cử Tổng thống.
III. Thể chế nhà nước, chế độ chính trị, đảng phái chính trị
- Malawi theo chế độ Cộng hoà Tổng thống. Tổng thống là nguyên thủ quốc gia và đứng đầu nhánh Hành pháp, đồng thời là Tổng tư lệnh của các lực lượng vũ trang.
- Cơ cấu nghị viện: Quốc hội đơn viện, có 193 ghế, được bầu trực tiếp và có nhiệm kỳ 5 năm.
- Các Đảng phái chính: Hiện có khoảng 40 Đảng phái chính trị đăng ký hoạt động tại Ma-la-uy, trong đó các đảng chính gồm:
+ Đảng Quốc hội Ma-la-uy (MCP): thành lập năm 1959, tiền thân là Đảng Đại hội của người Phi Nyasaland (1934-1959), trở thành Đảng lãnh đạo Ma-la-uy từ khi giành độc lập năm 1964 và là đảng hợp pháp duy nhất giai đoạn 1966-1993. MCP luôn là một Đảng có tiếng nói chính trị kể cả khi đã bị mất quyền lực. Tại cuộc bầu cử năm 2019, Đảng MCP và Liên minh Tonse giành được đa số phiếu (60%) đánh dấu sự trở lại của MCP trên chính trường.
+ Mặt trận Dân chủ thống nhất (UDF): thành lập năm 1992 bởi Chủ tịch Đảng Bakili Muluzi, đồng thời là Tổng thống Ma-la-uy giai đoạn 1994-2004, là đảng tự do, chủ yếu hoạt động ở khu vực phía Nam.
+ Đảng Nhân dân (PP): thành lập năm 2011 bởi Chủ tịch Đảng Joyce Banda, đồng thời là Phó Tổng thống (2009-2012) và Tổng thống Ma-la-uy (2012-2014), sau khi bị khai trừ khỏi Đảng Tiến bộ dân chủ (DPP).
+ Đảng Tiến bộ Dân chủ (DPP): thành lập năm 2005 bởi Chủ tịch Đảng,Tổng thống Ma-la-uy Bingu Mutharika (2004-2012), tách ra từ Đảng UDF. Sau khi ông Bingu Mutharika chết, em trai ông là Peter Mutharika, Tổng thống giai đoạn 2014-2019 tiếp tục lãnh đạo DPP.
IV. Tình hình
1. Chính trị nội bộ
Từ khi chuyển sang chế độ đa đảng vào năm 1993, tình hình chính trị Ma-la-uy tương đối ổn định dù vẫn còn chia rẽ và xung đột sắc tộc, tôn giáo. Ngày 21/5/2019, Ma-la-uy tổ chức tổng tuyển cử với kết quả đương kim Tổng thống Pi-tơ Mu-tha-ri-ka (Peter Mutharikia) giành thắng lợi xít sao (38,6% phiếu bầu). Tuy nhiên, tháng 2/2020, trước sức ép của phe đối lập và dư luận trong nước, Tòa án hiến pháp Ma-la-uy đã tuyên bố hủy bỏ kết quả bầu cử tháng 5/2019. Ngày 23/6/2020, Ma-la-uy tổ chức bầu cử tổng thống lần 2 và thủ lĩnh phe đối lập ông La-da-rút Cha-kê-ra, 65 tuổi đã giành thắng lợi với 2,6 triệu phiếu bầu (tương đương 58,57%). Tổng thống Pi-tơ Mu-tha-ri-ka chỉ giành 1,7 triệu phiếu ủng hộ. Ông La-da-rút Cha-kê-ra đã tuyên thệ nhậm chức một ngày ngay sau khi công bố kết quả chính thức. Đây là lần đầu tiên Ma-la-uy phải tổ chức bầu cử lại kể từ khi nước này giành độc lập năm 1964.
2. Kinh tế - Xã hội
- Kinh tế Ma-la-uy chủ yếu dựa vào nông nghiệp với khoảng 85% dân số sống ở khu vực nông thôn. Nông nghiệp chiếm hơn 1/3 tổng GDP và 90% doanh thu xuất khẩu. Ngành thuốc lá đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng vì lĩnh vực này chiếm hơn 60% giá trị kim ngạch xuất khẩu. Công nghiệp còn khiêm tốn và chiếm 15,6% GDP. Các ngành công nghiệp chủ đạo là công nghiệp nhẹ và công nghiệp hàng tiêu dùng.
+ Cơ cấu ngành kinh tế: Nông nghiệp 33,8%, Công nghiệp 15,6% , Dịch vụ 50,6%
+ Các sản phẩm xuất khẩu chính: Thuốc lá, hoa quả sấy, chè, đường, bông, lạc, cà phê, đậu nành
+ Các sản phẩm nhập khẩu chính: Thực phẩm, sản phẩm hóa dầu, hàng hóa bán thành phẩm, hàng tiêu dùng, phương tiện vận tải
+ Các đối tác thương mại chính: Nam Phi, Trung Quốc, Anh, UAE, Bỉ, Đức, Ai Cập, Tanzania.
- Malawi xếp thứ 174/189 về chỉ số phát triển con người (HDI), tỷ lệ thất nghiệp là 0,9% năm 2020, tỷ lệ biết chữ đạt 62% năm 2015, tỷ lệ nhân viên y tê/10000 dân là 0,3.
3. An ninh-quốc phòng
Tranh chấp hồ Ma-la-uy giữa Ma-la-uy và Tan-da-ni-a phát sinh năm 2012 khi Ma-la-uy trao giấy phép thăm dò cho một công ty của Anh để khai thác dầu và khí đốt tại đây. Tranh chấp liên quan đến phân định đường biên giới trên mặt hồ và kéo dài hàng thập kỷ nay khi Ma-la-uy khẳng định chủ quyền với toàn bộ hồ cho đến đường bờ biển của Tan-da-ni-a dựa trên Hiệp ước Heligoland năm 1890; trong khi đó Tan-da-ni-a cho rằng biên giới nên được phân định ở trung tâm hồ.
V. Chính sách đối ngoại
- Ma-la-uy duy trì quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng và các đối tác thương mại lớn ở phương Tây; tăng cường triển khai chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, thúc đẩy ngoại giao kinh tế.
- Ma-la-uy là thành viên của Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết, G-77, IMF, WIPO, Liên minh châu Phi (AU), Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi (SADC)...
B. QUAN HỆ VIỆT NAM - MA-LA-UY
I. Quan hệ chính trị
Việt Nam và Ma-la-uy chưa thiết lập quan hệ ngoại giao. Hiện hai nước đang thúc đẩy hoàn tất các thủ tục để sớm thiết lập quan hệ ngoại giao.
II. Hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư
Thương mại: Kim ngạch thương mại song phương năm 2020 đạt khoảng 5 triệu USD, ta nhập khoảng 4,4 triệu USD, chủ yếu là nguyên phụ liệu thuốc lá, rau quả.
Back Top page Print Email |