Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ NƯỚC CỘNG HÒA GĂM-BI-A VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM


A. THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ NƯỚC CỘNG HOÀ GĂM-BI-A
Tên nước: Cộng hòa Găm-bi-a (Republic of the Gambia)
Thủ đô: Ban-giun (Banjul)                             
Quốc khánh: 18/2/1965                              
Vị trí địa lý: Găm-bi-a nằm ở khu vực Tây Phi, bao quanh bởi Xê-nê-gan  (Senegal, phía Bắc, Đông, Nam) và Đại Tây Dương ở phía Tây.                           
Diện tích: 11.295 km2                                
Khí hậu: Nhiệt đới.                              
Dân số: 2,5 triệu người (2021, theo Ngân hàng Thế giới)                          
Ngôn ngữ: Tiếng Anh                             
Đơn vị tiền tệ: đồng Dalasi (GMD) (1USD = 54,1 GMD)                              
GDP: 1,83 tỷ (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
GDP/đầu người: 777 USD (2020, theo Ngân hàng Thế giới)
Tôn giáo: đạo Hồi 95,7%, Cơ đốc 4% và các tín ngưỡng cổ truyền khác;                              
Cơ cấu hành chính: 5 khu hành chính và 1 thành phố.                              
Lãnh đạo chủ chốt: 
+ Tổng thống: A-đa-ma Ba-rô (Adama Barrow) (từ tháng 12/2016);
+ Phó Tổng thống: Bà I-xa-tu Tu-rây (Isatou Touray) (từ tháng 3/2019);
+ Chủ tịch Quốc hội: Pha-ba-ca-ri Dát-ta (Fabakary Jatta) (từ tháng 4/2022);
+ Bộ trưởng Ngoại giao, Hợp tác quốc tế và người Găm-bi-a ở nước ngoài: Ma-ma-đu Tan-ga-ra (Mamadou Tangara) (từ tháng 6/2018). 
 II. Khái quát lịch sử
Lịch sử của Găm-bi-a trước sự đổ bộ của châu Âu được lưu giữ dưới dạng truyền miệng. Găm-bi-a có mối liên kết chặt chẽ với Xê-nê-gan và vùng lãnh thổ hai nước hiện nay vốn được gọi là Senegambia.
Găm-bi-a giành độc lập từ Anh năm 1965, thiết lập chế độ quân chủ lập hiến trong Khối Thịnh vượng chung. Ngày 24/4/1970, Găm-bi-a trở thành nước Cộng hòa thuộc Khối Thịnh vượng chung, Thủ tướng Dawda Kairaba Jawara trở thành Tổng thống. Găm-bi-a từng tham gia Liên minh Senegambia với Xê-nê-gan trong thời gian 1982-1989. Năm 1991, hai nước ký hiệp ước hữu nghị và hợp tác.
Năm 1994, ông Yahya Jammeh đã lãnh đạo đảo chính quân sự lật đổ Tổng thống Jawara. Trong giai đoạn 1994-1996, ông Yahya Jammeh đứng đầu Hội đồng Lãnh đạo các lực lượng vũ trang, duy trì chế độ quân sự và ban hành lệnh cấm các hoạt động chính trị. Năm 1996, Hiến pháp mới được ban hành, Găm-bi-a tổ chức bầu cử Tổng thống dân sự. Tổng thống Yahya Jammeh đã liên tục thắng cử trong các cuộc bầu cử Tổng thống sau đó.
III. Thể chế nhà nước, chế độ chính trị, đảng phái chính trị
- Găm-bi-a theo chế độ Cộng hòa Tổng thống. Tổng thống là người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ, được dân bầu trực tiếp, nhiệm kỳ 5 năm, không hạn chế số nhiệm kỳ . Chính phủ do Tổng thống bổ nhiệm.
- Cơ cấu nghị viện: Quốc hội đơn viện, có 58 ghế, trong đó 53 ghế được bầu trực tiếp và 5 ghế do Tổng thống chỉ định.
- Các đảng phái chính trị: Găm-bi-a có 13 đảng chính trị, gồm các đảng chính:
+ Đảng Dân tộc Quốc gia (National People’s Party - NPP): Đảng cầm quyền, thành lập năm 2019, lãnh đạo bởi Tổng thống Adama Barrow.
+ Đảng Dân chủ Thống nhất (United Democratic Party - UDP); Đảng đối lập lớn nhất, thành lập năm 1996, lãnh đạo bởi ông Oussainou Darboe.
IV. Tình hình
1. Chính trị nội bộ
Kết quả bầu cử Tổng thống công bố ngày 2/12/2016 gây bất ngờ khi Tổng thống mãn nhiệm Yahya Jammeh thất bại khi ra tranh cử nhiệm kỳ thứ 5 với 36,6% số phiếu. Ứng cử viên của liên minh 7 đảng đối lập Adama Barrow, vốn ít có kinh nghiệm trên chính trường, đã giành chiến thắng với 45,54% số phiếu. Ông Jammeh sau đó không công nhận kết quả bầu cử và không đồng ý chuyển giao quyền lực hòa bình. Dưới sức ép của cộng đồng quốc tế, đặc biệt khi liên quân ECOWAS với nòng cốt là quân đội Xê-nê-gan tiến vào lãnh thổ Găm-bi-a, ông Jammeh đã chấp nhận chuyển giao quyền lực và tị nạn chính trị tại Malabo, Guinea Xích đạo.
Từ khi lên nắm quyền vào tháng 2/2016, Tổng thống Adama Barrow đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm củng cố chính quyền, bảo đảm an ninh và thúc đẩy phát triển kinh tế: Tăng cường hiện diện của lực lượng ECOWAS (500 quân) giúp bảo vệ an ninh tại Găm-bi-a; tiến hành chiến dịch thay đổi hình ảnh của lực lượng cảnh sát trong mắt người dân; tiếp tục truy tố và xét xử các quan chức an ninh dưới thời cựu Tổng thống Yahya Jammeh.
Tháng 11/2019, dự thảo Hiến pháp mới của Găm-bi-a được đưa ra công chúng lần đầu, trong đó sửa đổi cách thức bầu cử Tổng thống và giới hạn số nhiệm kỳ của Tổng thống còn 2 nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ 5 năm. Tuy nhiên, ngày 22/9/2020, Quốc hội Găm-bi-a chính thức bác dự thảo.
Tại bầu cử Tổng thống tháng 12/2021, Tổng thống Adama Barrow tái đắc cử nhiệm kỳ 2.
2. Kinh tế - Xã hội
- Găm-bi-a nghèo tài nguyên thiên nhiên (chủ yếu là cát thạch anh, titan, thiếc...). GDP Găm-bi-a chủ yếu dựa vào kiều hối (chiếm tới 1/5 GDP) và du lịch (đặc biệt là du lịch sinh thái, chiếm khoảng 20% GDP, nhưng từ năm 2014 chịu tác động tiêu cực do du khách lo ngại dịch Ebola từ các nước láng giềng ở Tây Phi).
+ Cơ cấu ngành: nông nghiệp 20,4%, công nghiệp 14,2%, dịch vụ 65,4% (2017).
+ Các sản phẩm xuất khẩu chính: gỗ, thủy sản, cotton.
+ Các sản phẩm nhập khẩu chính: gạo, đường, tàu thuỷ, xăng dầu
+ Các đối tác thương mại chính: Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Senegal.
- Găm-bi-a đứng thứ 172/189 về chỉ số phát triển con người (HDI_ năm 2020. Tỷ lệ thất nghiệp khoảng 12.21%. Tỷ lệ biết chữ đạt khoảng 51%. Tỷ lệ nhân viên y tế /10000 dân là 0,1.
3. An ninh - Quốc phòng
Trước năm 2016, chính quyền của cựu Tổng thống Găm-bi-a Yahya Jammeh đã ủng hộ phong trào ly khai do các lực lượng dân chủ khu vực Casamance (MFDC) tại Xê-nê-ga khiến quan hệ giữa hai song phương trở nên căng thẳng. Sau khi Tổng thống Adama Barrow lên nắm quyền, quan hệ giữa Găm-bi-a và Xê-nê-gan dần được khôi phục.
V. Chính sách đối ngoại
Găm-bi-a có quan hệ chặt chẽ với với Xê-nê-gan; là thành viên của Liên hợp quốc, Khối Thịnh vượng chung, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo, FAO, G-77, IMF, WHO, WTO, Liên minh châu Phi (AU), Cộng đồng kinh tế Tây Phi (ECOWAS)…
B. QUAN HỆ VIỆT NAM - GĂM-BI-A
I. Quan hệ chính trị
- Thiết lập quan hệ ngoại giao: Việt Nam và Găm-bi-a thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 31/10/1973.
- Cơ quan đại diện: Hai nước chưa mở Đại sứ quán tại thủ đô của nhau. Hiện nay, Đại sứ quán Việt Nam tại An-giê-ri kiêm nhiệm Găm-bi-a. Đại sứ quán Găm-bi-a tại Ma-lai-xi-a kiêm nhiệm Việt Nam (nhưng đóng cửa tháng 12/2020). Từ tháng 5/2022, Việt Nam đã bổ nhiệm ông Samuel Minyan Jobe, người Găm-bia làm Lãnh sự danh dự của Việt Nam tại Găm-bi-a.
- Hoạt động trao đổi đoàn:
+ Đoàn Việt Nam thăm Găm-bi-a: Cấp Vụ Bộ Ngoại giao dự Hội nghị Bộ trưởng Hội nghị quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi lần thứ VI (TICAD VI) tại Găm-bi-a (6/2016).
+ Đoàn Găm-bi-a thăm Việt Nam: Bộ trưởng Ngoại giao Omar Touray và Bộ trưởng Công Thương và Việc làm Abdou Kouly (2008).
II. Hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư
Thương mại: Kim ngạch thương mại song phương năm 2019 đạt 35,7 triệu USD, trong đó ta xuất 7,9 triệu USD (phân bón, hạt tiêu), nhập 27,8 triệu USD (66% là điều). Năm 2020, kim ngạch song phương đạt 27,26 triệu USD, trong đó xuất khoảng 4,3 triệu USD (hạt tiêu, gạo), nhập khoảng 23 triệu USD (thức ăn gia súc và điều).
III. Hợp tác trong các lĩnh vực khác.
Hợp tác trên các diễn đàn đa phương: Găm-bi-a ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng nhân quyền (2014-2016), Hội đồng Chấp hành UNESCO (2015-2019), Hội đồng Kinh tế xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC, nhiệm kỳ 2016-2018) và Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2020-2021).
IV. Cộng đồng Việt Nam tại Găm-bi-a
Theo Lãnh sự danh dự của Việt Nam tại Găm-bi-a, hiện có khoảng 50-100 người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Găm-bi-a, chủ yếu trong các cơ sở làm đẹp địa phương.
V. Các Hiệp định, thoả thuận hợp tác đã ký kết giữa hai nước
 Hai nước chưa ký văn bản hợp tác song phương.
VI. Thông tin cơ quan đại diện
ĐSQVN tại An-giê-ri kiêm nhiệm Găm-bi-a
Địa chỉ: No 30 Chénoua, Hydra, Alger, Algerie
ĐT: +213 21 692 752; + 213 21 696 08 843;
Fax: +213 21 693 778
Email: sqvnalgerie@yahoo.com.vn; vnemb.dz@mofa.gov.vn
ĐSQ Găm-bi-a tại Ma-lai-xi-a trước kia kiêm nhiệm Việt Nam nhưng đã đóng cửa từ tháng 12/2020.

Tháng 8/2022


 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer