TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ NHÀ NƯỚC Ê-RI-TƠ-RI-A VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM
A. THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ NHÀ NƯỚC Ê-RI-TƠ-RI-A
I. Thông tin chung
- Tên nước: Nhà nước Ê-ri-tơ-ri-a (State of Eritrea)
- Thủ đô: Át-xma-ra (Asmara)
- Ngày Quốc khánh: 24/5/1993 (giành độc lập từ Ê-ti-ô-pi-a )
- Vị trí địa lý: ở Đông Phi, phía Bắc giáp Biển Đỏ, phía Đông giáp Ê-ri-tơ-ri-a, phía Tây giáp Xu-đăng, phía Nam giáp Ê-ti-ô-pi-a. Ê-ri-tơ-ri-a giữ một vị trí chiến lược rất quan trọng.
- Diện tích: 121.320 km2
- Khí hậu: Sa mạc nóng, khô dọc theo bờ biển Đỏ; lạnh và ẩm hơn trong vùng núi cao ở trung tâm; bán khô cằn ở vùng đồi và đất thấp phía tây. Nhiệt độ trung bình: 250C.
- Dân số: 6,2 triệu người (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
- Dân tộc: đa chủng tộc: Người Tigrinya (50%), Tigre và Kunama (40%), Afar (4%), Saho (3%) và khác.
- Ngôn ngữ: Tiếng Afar, Amharic, A-rập, Tigre, Kunama, Tigrinya…
- Đơn vị tiền tệ: Eritrean nakfa (1 USD = 15 ERN)
- GDP: 2,065 tỷ USD (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
- GDP/đầu người: 1.625,5 USD (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
- Tôn giáo: Đạo Hồi, Đạo Thiên chúa, Đạo Cơ đốc, Đạo Tin lành.
- Cơ cấu hành chính: 8 tỉnh: Akale, Guzay, Barka, Denkel, Hamasen, Sahil, Semhar, Senhit, Seraye.
- Lãnh đạo chủ chốt:
+ Tổng thống: I-xai-i-át Áp-quốc-ki (Isaias Afworki) (từ tháng 5/1993).
+ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao: Ốt-man Sa-lê Mô-ham-mét (Osman Saleh Mohammed) (từ tháng 4/2007)
II. Khái quát lịch sử:
Trong lịch sử, Ê-ri-tơ-ri-a là một bộ phận của Ê-ti-ô-pi-a trước khi I-ta-li-a xâm chiếm Ê-ri-tơ-ri-a từ cuối thế kỷ XIX, tên của Ê-ri-tơ-ri-a lúc bấy giờ là Midre Bahri. Năm 1889, I-ta-li-a chiếm toàn bộ vùng Midre Bahri. Năm 1935, I-ta-li-a chiếm được Addis Ababa và thống trị Ê-ti-ô-pi-a đến 1941. Khi Ê-ti-ô-pi-a được giải phóng, Anh đưa Haile Selassia về lập chính phủ bù nhìn. Riêng Ê-ri-tơ-ri-a không được trao trả cho Ê-ti-ô-pi-a. Năm 1941, Liên hợp quốc (LHQ) đặt vùng đất này dưới sự quản thác của Anh. Năm 1947, LHQ bỏ chế độ quản thác của Anh ở Ê-ri-tơ-ri-a.
Ngày 11/9/1952, LHQ ra nghị quyết thành lập Liên bang Ê-ti-ô-pi-a - Ê-ri-tơ-ri-a.
Ngày 26/6/1962, Hoàng đế Haile Selassia ra sắc lệnh giải tán Liên bang và sát nhập Ê-ri-tơ-ri-a là một tỉnh của Ê-ti-ô-pi-a.
Từ đầu những năm 1960, tại Ê-ri-tơ-ri-a đã nổ ra nhiều cuộc đấu tranh đòi độc lập. Năm 1971, Mặt trận Nhân dân Giải phóng Ê-ri-tơ-ri-a ra đời và đến ngày 25/5/1991, lực lượng vũ trang của Mặt trận này đã tiến vào thành phố Át-xma-ra, thủ phủ của Ê-ri-tơ-ri-a, thành lập chính quyền lâm thời, tuyên bố quyền tự trị của Ê-ri-tơ-ri-a và tách khỏi Ê-ti-ô-pi-a, kết thúc cuộc chiến tranh giành độc lập kéo dài hơn 30 năm từ Ê-ti-ô-pi-a.
Ngày 23-25/4/1993, với sự bảo trợ của LHQ và sự đồng ý của Chính phủ Ê-ti-ô-pi-a, Ê-ri-tơ-ri-a đã tiến hành trưng cầu dân ý với 99,8% số dân tán thành Ê-ri-tơ-ri-a là một quốc gia độc lập.
Ngày 24/5/1993, Ê-ri-tơ-ri-a chính thức tuyên bố độc lập.
III. Thể chế nhà nước, chế độ chính trị, đảng phái chính trị
- Thể chế nhà nước: Cộng hòa Tổng thống. Tổng thống vừa là nguyên thủ quốc gia vừa là người đứng đầu Chính phủ, Tổng tư lệnh của Lực lượng Phòng vệ Eritrean, nhiệm kỳ 5 năm, được bầu theo hình thức phổ thông đầu phiếu.
- Cơ cấu nghị viện: Quốc hội (Hagerawi Baito) được thành lập tháng 2/1992, có 150 ghế (thời hạn nhiệm kỳ chưa xác định), được lãnh đạo bởi đảng duy nhất là Mặt trận Nhân dân vì Dân chủ và Công lý (People’s Front for Democracy and Justice, PFDJ).
Quốc hội đã phê chuẩn Hiến pháp năm 1997, dự kiến có hiệu lực sau cuộc bầu cử Quốc hội vào năm 1997. Tuy nhiên, cuộc bầu cử này đã bị hoãn vô thời hạn, đến nay chưa được tổ chức. Quốc hội Ê-ri-tơ-ri-a đã không nhóm họp kể từ tháng 2/2002.
- Các đảng phái chính trị chính: Mặt trận Nhân dân vì Dân chủ và Pháp lý (People’s Front for Democracy and Justice, PFDJ) là đảng duy nhất, do Tổng thống Isaias Afworki là Chủ tịch. Các nhóm chính trị khác không được phép hoạt động mặc dù Hiến pháp (không được thực thi) năm 1997 quy định sự tồn tại đa đảng.
IV. Tình hình
1. Chính trị nội bộ
Sau khi Tổng thống Isaias Afwerki nhậm chức tháng 5/1993, đất nước Ê-ri-tơ-ri-a được quản lý theo Hiến pháp chuyển tiếp, kí ngày 19/5/1993, đến tháng 5/1997 có Hiến pháp mới thay thế. Kể từ khi Quốc hội họp lần cuối vào tháng 1/2002, Tổng thống Isaias Afwerki đã thực hiện quyền hạn của cả hai nhánh hành pháp và lập pháp của chính phủ.
2. Kinh tế - Xã hội
- Kể từ khi giành độc lập chính thức vào năm 1993, Ê-ri-tơ-ri-a đã phải đối mặt với tình hình kinh tế khó khăn của một nước châu Phi nhỏ, nghèo và thiếu nguồn lực tài chính. Nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp tự cung tự cấp với hơn 70% dân số tham gia trồng trọt và chăn nuôi. Công nghiệp nhỏ bé, chủ yếu là công nghiệp nhẹ với hạn chế về công nghệ.
+ Cơ cấu nền kinh tế: nông nghiệp 11,7%; công nghiệp 29,6%; dịch vụ 58,7%.
+ Các sản phẩm xuất khẩu chính: vàng, quặng đồng, quặng kẽm, bạc, quần áo...
+ Các sản phẩm nhập khẩu chính: máy móc, nhiên liệu và thực phẩm như đậu lăng, rau, ngô; bông, thuốc lá, cà phê; gia súc, cá.
+ Các đối tác thương mại chính: Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ma-lai-xi-a, I-ta-li-a, Ả Rập Xê-út, Ai Cập, Ấn Độ, Đức, Nam Phi và Bờ-ra-xin.
- Ê-ri-tơ-ri-a xếp hạng 180/189 về Chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2019. Tỷ lệ thất nghiệp năm 2020 đạt khoảng 8,05%. Tỷ lệ người lớn biết chữ đạt khoảng 76,6% (2018).
3. An ninh - quốc phòng
Tháng 11/2021, Mỹ đã đưa quân đội Ê-ri-tơ-ri-a vào danh sách trừng phạt với lý do tham gia vào cuộc xung đột ở miền Bắc Ê-ti-ô-pi-a giữa quân đội Ê-ti-ô-pi-a và các lực lượng trung thành với Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray (TPLF) từ tháng 11/2020. Chính phủ Ê-ti-ô-pi-a thừa nhận quân đội Ê-ri-tơ-ri-a có tham gia vào cuộc chiến này.
Vì sự tham gia này, lực lượng Mặt trận Giải phóng nhân dân Tigray (TPLF) nhiều lần giao tranh với binh lính Ê-ti-ô-pi-a, đã bắn rocket vào lãnh thổ Ê-ri-tơ-ri-a, gây mất an ninh tại Ê-ri-tơ-ri-a.
V. Chính sách đối ngoại
Ê-ri-tơ-ri-a là thành viên của Liên hợp quốc, Liên minh châu Phi (AU), Thị trường chung Đông và Nam Phi (COMESA)... Về hợp tác nội khối, Ê-ri-tơ-ri-a là nước thành viên duy nhất của AU chưa ký Hiệp định thương mại tự do toàn châu Phi (AfcFTA).
- Quan hệ với Ê-ti-ô-pi-a: Mặc dù Ê-ri-tơ-ri-a đã tách ra thành một quốc gia độc lập năm 1993, song hai nước vẫn tồn tại tranh chấp chủ quyền ở khu vực biên giới, dẫn đến chiến tranh biên giới vào tháng 5/1998 (khiến hơn 80,000 người thiệt mạng). Sau nhiều nỗ lực ngoại giao, hai nước đã ký Hiệp định Hòa bình Algiers vào tháng 12/2000 tại Algeria. Tuy nhiên, Ê-ti-ô-pi-a kiên quyết phản đối quyết định của Uỷ ban quốc tế về phân giới cắm mốc xác định khu vực Badme thuộc chủ quyền của Ê-ri-tơ-ri-a khiến Hiệp định hòa bình rơi vào bế tắc. Tháng 4/2018, Thủ tướng Abiy Ahmed lên nắm quyền, chủ trương nối lại các cuộc đàm phán, chấp nhận quyền chủ quyền của Ê-ri-tơ-ri-a đối với vùng Badme. Tháng 7/2018, Thủ tướng Ê-ti-ô-pi-a Abiy Ahmed và Tổng thống Ê-ri-tơ-ri-a Isaias Afwerki chính thức đạt được thỏa thuận hòa bình, nối lại quan hệ ngoại giao và cho phép người dân hai nước qua lại lẫn nhau.
- Quan hệ với Gi-buti: Quan hệ hai nước từng căng thẳng trong giai đoạn 2008-2018 do tranh chấp chủ quyền khu vực Ras Doumeira trên biển đỏ, khiến Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ra Nghị quyết lên án và yêu cầu Ê-ri-tơ-ri-a rút quân. Đến 9/2018, Ê-ri-tơ-ri-a kí hiệp định bình thường hóa quan hệ với Gi-bu-ti.
B. QUAN HỆ VIỆT NAM – Ê-RI-TƠ-RI-A
I. Quan hệ chính trị:
- Thiết lập quan hệ ngoại giao: Việt Nam và Ê-ri-tơ-ri-a lập quan hệ ngoại giao ngày 20/7/1993.
- Cơ quan đại diện: Hai nước chưa mở Đại sứ quán tại thủ đô của nhau. Hiện nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Ê-ri-tơ-ri-a. Đại sứ quán Ê-ri-tơ-ri-a tại Trung Quốc kiêm nhiệm Việt Nam.
- Hoạt động trao đổi đoàn: Hai nước chưa có trao đổi đoàn.
II. Hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư
Kim ngạch thương mại song phương hầu như không có.
III. Hợp tác trong các lĩnh vực khác
Hợp tác trong các vấn đề khu vực và đa phương: Hai nước tích cực ủng hộ nhau trên các diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt trong khuôn khổ Liên hợp quốc. Gần đây, Ê-ri-tơ-ri-a ủng hộ Việt Nam là Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
IV. Thông tin Cơ quan đại diện:
Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Ê-ri-tờ-ri-a
Địa chỉ: No. 47, Ahmed Heshmat street, Zamalek District, Cairo
ĐT: +20 0237623841/37623863
Fax: +20 0233368612
Email: vnembcairoeg@yahoo.com.vn hoặc vnemb.eg@mofa.gov.vn
Đại sứ quán Đại sứ quán Ê-ri-tờ-ri-a tại Trung Quốc kiêm nhiệm Việt Nam
Địa chỉ: 2-10-1, Diplomatic Building Ta Yuan, No.14, Liang Ma he Nan Lu, Chaoyang, Beijing
ĐT: +86 10 65326534/35
Fax: +86 10 65326532
Tháng 8/2022
![]() ![]() ![]() ![]() |