TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ VƯƠNG QUỐC ÉT-XOA-TI-NI VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM
A. THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ VƯƠNG QUỐC ÉT-XOA-TI-NI
Tên nước: Vương quốc Ét-xoa-ti-ni (Kingdom of Eswatini) (tên gọi cũ là Xoa-di-len (Swaziland))
Thủ đô: Mờ-ba-ban (Mbabane)
Quốc khánh: 06/9/1968
Vị trí địa lý: Giáp Nam Phi về phía Bắc, Tây và Nam; giáp Mô-dăm- bích (Mozambique) về phía Đông.
Diện tích: 17,363.00 km²
Khí hậu: Đa dạng từ khí hậu nhiệt đới ở khu vực đồng bằng đến cận ôn đới ở vùng núi cao.
Dân số: 1,16 triệu người (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
Ngôn ngữ: Tiếng Anh và tiếng Swazi (chính thức)
Đơn vị tiền tệ: Đồng Lilangeni (SZL) (1USD = 16,3 SZL)
GDP: 4,94 tỉ USD (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
GDP/đầu người: 4214 USD (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
Tôn giáo: Thiên chúa giáo 90%, Đạo hồi 2%, tôn giáo khác 8%
Cơ cấu hành chính: 4 vùng hành chính.
Lãnh đạo chủ chốt:
+ Quốc vương: Mờ-xoát-ti đệ tam (Mswati III) (từ tháng 4/1986);
+ Thủ tướng: Cờ-lê-ô-bát Đờ-la-mi-ni (Cleopas Dlamini) (từ tháng 7/2021);
+ Chủ tịch Quốc hội: Bê-trốt Ma-vim-bê-la (Petros Mavimbela) (từ tháng 10/2018);
+ Chủ tịch Thượng viện: Lin-đi-ghê Đờ-la-mi-ni (Lindiwe Dlamini) (từ tháng 10/2018);
+ Bộ trưởng Ngoại giao: Thu-li Đờ-la-đờ-la (Thuli Dladla) (từ tháng 11/2018).
II. Khái quát lịch sử
Cư dân đầu tiên xuất hiện tại Xoa-di-len (Swaziland) là những bộ tộc Khoisan sống bằng nghề săn bắn. Sau đó, một dòng người Bantu rất lớn đã tràn vào vùng đất này. Bằng chứng về sự phát triển của ngành trồng trọt cũng như sử dụng công cụ bằng sắt đã được phát hiện và xác định vào khoảng thế kỷ IV. Bên cạnh đó, những tổ tiên của người Sotho và Nguni cũng đến đây trong khoảng thời gian trước thế kỷ XI.
Vào giữa thế kỉ XVIII, người Swazi đến vùng lãnh thổ này dùng làm nơi lánh nạn, tránh sự đe dọa của người Zulu và thành lập vương quốc Ngwan, lần lượt chinh phục và hợp nhất các thị tộc lâu đời lấy tên chung là thị tộc Emakhandzambili. Công ước Pretoria (1881) bảo đảm nền độc lập của Xoa-di-len và quốc gia này được đặt dưới sự bảo hộ của Nam Phi, rồi đến người Anh từ năm 1902 sau chiến thắng tại cuộc chiến tranh Boer thứ 2. Năm 1921, Sobhuza II trở thành Quốc vương và đạt nhiều thành tựu trong lãnh đạo đất nước. Cùng với uy tín lên cao của Sobhuza II và sức mạnh suy yếu của chính quyền Anh, Sobhuza II đã thành công trong việc tránh cho Xoa-di-len không sáp nhập vào Liên minh Nam Phi. Năm 1963, Anh ban hành Hiến pháp cho Xoa-di-len độc lập với sự ra đời của Hội đồng lập pháp vào năm 1964. Các cuộc bầu cử theo Hiến pháp được tổ chức vào năm 1967. Xoa-di-len là một quốc gia được bảo hộ cho đến khi giành được độc lập năm 1968 và cũng năm này Xoa-di-len trở thành thành viên thứ 28 của Khối Thịnh vượng chung của Anh.
Năm 1973, Vua Sobhuza II đình chỉ hiến pháp Xoa-di-len, thiết lập thể chế quân chủ chuyên chế. Sau khi Vua Sobhuza qua đời (1982), Hoàng hậu lên nắm quyền nhiếp chính cho đến khi Thái tử tròn 18 tuổi, lên ngôi vào năm 1985 và lấy đế hiệu là Mswati. Những năm 90 chứng kiến sự gia tăng các cuộc biểu tình của sinh viên và tầng lớp lao động, buộc nhà Vua phải tiến hành cải cách. Năm 2005, Hiến pháp mới ra đời và chính thức có hiệu lực từ tháng 01/2006.
Ngày 19/4/2018, kỷ niệm 50 năm ngày Xoa-di-len độc lập, Vua Mswati III chính thức đổi tên từ Vương quốc Xoa-di-len thành Vương quốc Ét-xoa-ti-ni (có nghĩa là vùng đất của người Swazi).
III. Thể chế nhà nước, chế độ chính trị, đảng phái chính trị
- Ét-xoa-ti-ni theo thể chế Quân chủ chuyên chế và cha truyền con nối. Quốc vương, kiêm Tổng tư lệnh quân đội, được quyền bổ nhiệm Thủ tướng và nội các; tất cả chánh án; Thượng viện (20 người); 15% thành viên Hạ viện (65 người).
- Cơ cấu nghị viện: gồm Thượng viện (gồm 31 ghế, nhiệm kỳ 5 năm, 2/3 thành viên do Quốc vương bổ nhiệm) và Quốc hội (tối đa có 76 thành viên, nhiệm kỳ 5 năm, Quốc vương bổ nhiệm 10 thành viên, mỗi khu hành chính có từ 11 - 16 thành viên được bầu).
- Các đảng phái chính trị: Theo Hiến pháp năm 2005, tất cả các đảng phái chính trị bị cấm hoạt động ở Ét-xoa-ti-ni.
IV. Tình hình
1. Chính trị nội bộ
Tháng 9/2008, lần đầu tiên Ét-xoa-ti-ni tổ chức bầu cử Quốc hội. Do các đảng phái chính trị bị cấm nên các ứng cử viên chỉ được ứng cử với tư cách cá nhân. Năm 2021, do cộng hưởng của nhiều yếu tố như dịch bệnh, nghèo đói và yêu cầu dân chủ, phong trào biểu tình đã diễn ra tại nhiều địa phương nhưng hiện nay tình hình đã được kiểm soát.
2. Kinh tế - Xã hội
- Ét-xoa-ti-ni có nền kinh tế nhỏ và khá lạc hậu. Nông nghiệp trồng trọt (mía, cây ăn quả, ngô, bông vải) và chăn nuôi (bò, cừu) chiếm 70% lực lượng lao động, ngoài ra còn có các ngành lâm nghiệp, khai thác khoáng sản (amian, than đá, kim cương), chế biến nông thực phẩm, dệt, hóa và công nghiệp gỗ. Chính phủ Ét-xoa-ti-ni đang triển khai chiến lược giai đoạn 2018-2023 nhằm phục hồi các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như năng lượng, khai khoáng, truyền thông và công nghệ thông tin, giáo dục, du lịch, nông nghiệp.
+ Cơ cấu ngành kinh tế: Dịch vụ 65,8%, Công nghiệp 22,2%, Nông nghiệp 12%.
+ Các sản phẩm xuất khẩu chính: Đường, gỗ, bông, mía, cam, quýt, nước ngọt đóng chai,
+ Các sản phẩm nhập khẩu chính: Xe cơ giới, thiết bị vận tải, thực phẩm, máy móc, sản phẩm hóa dầu, hóa chất
+ Các đối tác thương mại chính: Nam Phi, Hoa Kỳ, EU, Singapore, Ấn Độ, Trung Quốc, Kenya, Nigeria, Tanzania, Mozambique.
- Ét-xoa-ti-ni xếp hạng 138/189 về chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2020. Tỷ lệ thất nghiệp 25,8% (2021). Tỉ lệ biết chữ đạt gần 90% (2018). Tỷ lệ nhân viên y tế/10000 dân là 0,1.
3. An ninh – Quốc phòng
Năm 2021, Ét-xoa-ti-ni xảy ra các cuộc biểu tình kêu gọi cải cách chính trị và mở rộng dân chủ, dẫn đến đụng độ giữa cảnh sát và lực lượng biểu tình.
V. Chính sách đối ngoại
- Ét-xoa-ti-ni theo đường lối đối ngoại hòa bình, không liên kết, đa phương hóa, đa dạng hóa. Ét-xoa-ti-ni không có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và là nước châu Phi duy nhất đến nay có quan hệ ngoại giao với Đài Loan.
- Ét-xoa-ti-ni là thành viên của Liên hợp quốc, Khối Thịnh vượng chung, Liên minh châu Phi (AU), Thị trường chung Đông Nam châu Phi (COMESA), Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi (SADC)…
B. QUAN HỆ VIỆT NAM - ÉT-XOA-TI-NI
I. Quan hệ chính trị
-Thiết lập quan hệ ngoại giao: Việt Nam và Ét-xoa-ti-ni thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21/5/2013.
- Cơ quan đại diện: Hai nước chưa mở Đại sứ quán tại thủ đô của nhau. Hiện nay Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi kiêm nhiệm Ét-xoa-ti-ni. Ét-xoa-ti-ni chưa cử Cơ quan đại diện kiêm nhiệm Việt Nam.
- Hoạt động trao đổi đoàn: Hai nước chưa có trao đổi đoàn.
II. Hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư
- Thương mại: Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2020 đạt khoảng 13,2 triệu USD (năm 2019 đạt khoảng 12 triệu USD). Ta nhập siêu 12,6 triệu USD các mặt hàng chủ yếu gồm máy móc thiết bị phụ tùng, tân dược và xuất các sản phẩm xi măng, hàng tiêu dùng.
III. Hợp tác trong các lĩnh vực khác
Hợp tác trên các diễn đàn đa phương/quốc tế: Hai nước phối hợp tốt trên các diễn đàn quốc tế. Gần đây, Ét-xoa-ti-ni ủng hộ Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
IV. Cộng đồng Việt Nam tại Ét-xoa-ti-ni
Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi kiêm nhiệm Ét-xoa-ti-ni, có 02 công dân Việt Nam đang cư trú tại Ét-xoa-ti-ni vào năm 2021.
V. Các Hiệp định thoả thuận đã ký kết
Hai nước chưa ký văn bản hợp tác.
VI. Thông tin cơ quan đại diện
Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi kiêm nhiệm Ét-xoa-ti-ni
Địa chỉ: 87 Brooks Street, Brooklyn, Pretoria
Mã bưu chính: 13692 Hatfield 0028, South Africa
ÐT: +27 12 362 8119 /8
Fax: +27 12 362 8115
Email: embassy@vietnam.co.za
Ét-xoa-ti-ni chưa cử cơ quan đại diện kiêm nhiệm Việt Nam
Tháng 8/2022
![]() ![]() ![]() ![]() |