Tài liệu cơ bản tháng 8 năm 2020

TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ VƯƠNG QUỐC Ả-RẬP XÊ-ÚT

VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM

         

 

KHÁI QUÁT CHUNG

1. Tên quốc gia: Vương quốc Ả-rập Xê-út (Kingdom of Saudi Arabia)

2. Thủ đô: Ri-át (Riyadh)

3. Quốc kỳ:

4. Quốc khánh: Ngày 23 tháng 9 năm 1932.

5. Diện tích: 2,14 triệu km2.

6. Dân số: 34,14 triệu người (2019, theo World Bank).

7. Vị trí địa lý: Nằm trên bán đảo Ả-rập. Phía Bắc giáp Gioóc-đa-ni và I-rắc, phía Nam giáp Y-ê-men và Ô-man, phía Tây giáp biển Đỏ, phía Đông trông ra vịnh Péc-xích (người Ả-rập gọi là vịnh Ả-rập), và vịnh Ô-man. Dọc theo bờ biển phía Đông, Ả-rập Xê-út có biên giới với Cô-oét, Ba-ranh, Ca-ta và UAE.

8. Đơn vị tiền tệ: Riyal (SR); 1 USD = 3,75 SR (8/2020).

9. Thu nhập đầu người: 22.865 USD (2019).

10. Dân tộc: 90% là người Ả-rập; số còn lại là người gốc Á - Phi.

11. Tôn giáo: Đạo Hồi là Quốc đạo

12. Ngôn ngữ: Tiếng Ả-rập.

TÌNH HÌNH CHÍNH TRỊ - KINH TẾ - XÃ HỘI

1. Chính trị

- Thể chế Nhà nước: Quân chủ chuyên chế.

- Quốc vương kiêm Thủ tướng: Xan-man bin Áp-đun A-dít An Xa-út (Salman Bin Abdulaziz Al-Saud), nhậm chức từ 23/01/2015.

- Hoàng Thái tử, Phó Thủ tướng: Mô-ham-mét bin Xan-man bin Áp-đun A-dít An Xa-út (Mohammed bin Salman bin Abdulaziz Al-Saud), nhậm chức từ 21/6/2017.

- Bộ trưởng Ngoại giao: Hoàng tử Phây-xan bin Pha-han An Xa-út  (Faisal bin Farhan Al Saud), nhậm chức từ 23/10/2019.

- Chủ tịch Hội đồng Cố vấn (tương đương Chủ tịch Quốc hội): Áp-đun-la Bin Mô-ham-mét An-Sếch (Abdulla bin Mohammed Al-Sheikh), nhậm chức từ 14/02/2009.

- Đối ngoại: Ả-rập Xê-út là thành viên Liên hợp quốc, Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC), IMF, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), OPEC, G20, Không liên kết…

2. Kinh tế - xã hội

- GDP: 785 tỉ USD (2019)

- Tăng trưởng GDP: 0,3% (2019).

- Các sản phẩm xuất khẩu chính: Nhiên liệu khoáng sản (bao gồm dầu mỏ), nhựa và đồ nhựa, háo chất hữu cơ, tàu thuyền, hóa chất vô cơ, nhôm, máy móc (bao gồm máy tính), sắt thép, phân bón.

- Các sản phẩm nhập khẩu chính: Máy móc, thiết bị cơ khí và thiết bị điện, máy móc thiết bị vận chuyển, kim loại cơ bản, hóa chất và các sản phẩm từ hóa chất, rau quả.

- Các đối tác thương mại chính của Ả-rập Xê-út: Mỹ, Nhật, Anh, Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc….

QUAN HỆ VIỆT NAM – Ả-RẬP XÊ-ÚT

1. Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam: 21/10/1999.

2. Khuôn khổ chính trị: Quan hệ ngoại giao

3. Những mốc lớn trong quá trình phát triển quan hệ:

- Tháng 4/2007, Việt Nam mở Đại sứ quán tại Ri-át.

- Tháng 12/2008, Ả-rập Xê-út mở Đại sứ quán tại Hà Nội.

- Đoàn Việt Nam thăm Ả-rập Xê-út: Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Văn Ngạnh (5/2001); Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hằng (01/2006); Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Dũng (5/2007); Thứ trưởng Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng (12/2009); Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (4/2010); Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát (5/2012), Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải (2014), Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp (11/2017), đoàn công tác của Trung ương hội Chữ Thập đỏ Việt Nam (10/2019)...

- Đoàn Ả-rập Xê-út thăm Việt Nam: Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao (5/2006); Hoàng tử Walid Bin Talan (2007, 2010); Bộ trưởng Bộ Dầu khí và Khoáng sản Ali Ibrahim Al Naimi (6/2009); Bộ trưởng Nông nghiệp và Bộ trưởng Công thương (3/2011); Bộ trưởng Tài chính (10/2012); Thứ trưởng Bộ Kinh tế và Kế hoạch Ahmed Salah (3/2014); Chủ tịch Quốc hội Abdulla bin Mohammed Al-Sheikh (02/2016), đoàn Cơ quan Kiểm toán Ả-rập Xê-út dự Đại hội ASOSAI 14 (9/2018)...

4. Quan hệ trên các lĩnh vực cụ thể:

- Về kinh tế:

+ Việt Nam và Ả-rập Xê-út đã thiết lập cơ chế Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật. Kỳ họp thứ 3 Ủy ban Hỗn hợp giữa hai nước được tổ chức vào tháng 11/2016 tại Ri-át.

+ Kim ngạch thương mại năm 2019 đạt hơn 1,5 tỷ USD. 6 tháng đầu năm 2020 kim ngạch thương mại đạt hơn 673 triệu USD. Mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam bao gồm điện thoại các loại và linh kiện, hàng dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ, hạt điều, gạo, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác. Việt Nam nhập các sản phẩm chủ yếu như chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, khí đốt hóa lỏng.

- Về đầu tư: Nhiều tập đoàn, công ty lớn của Ả-rập Xê-út đã và đang thực hiện các dự án đầu tư tại Việt Nam như Tập đoàn Zamil Steel đầu tư 35 triệu USD cho các dự án ở Nội Bài và Đồng Nai, Tập đoàn Sabic thành lập Công ty THNN Sabic Việt Nam (từ tháng 5/2015) có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh và Văn phòng đại diện tại Hà Nội, Công ty điện ACWA, Ả-rập Xê-út cùng với Công ty TaekWang, Hàn Quốc đầu tư dự án BOT Nhà máy nhiệt điện Nam Định 1 với tổng mức đầu tư hơn 2 tỷ USD.

- Về hợp tác phát triển: Quỹ Phát triển Ả-rập Xê-út đã và đang cấp vốn vay ưu đãi cho Việt nam với tổng trị giá hơn 181 triệu USD.

- Về hợp tác lao động: hiện có khoảng 8.000 - 10.000 lao động Việt Nam làm việc tại Ả-rập Xê-út.

- Các lĩnh vực khác: hai bên thường xuyên ủng hộ nhau tại các diễn đàn quốc tế. Vừa qua, Ả-rập Xê-út đã ủng hộ Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

(Hà Nội, tháng 8/2020)

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn