TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ VƯƠNG QUỐC Ô-MAN


BỘ NGOẠI GIAO


-------


 


TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ VƯƠNG QUỐC Ô-MAN


VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM


 



 


I. Khái quát:


- Tên nước: Vương quốc Ô-man (Sultanate of Oman)


- Vị trí địa lý: nằm ở Đông Nam bán đảo Ả-rập, Tây Bắc giáp Nhà nước Các Tiểu Vương quốc Ả-rập thống nhất, Tây giáp Ả-rập Xê-út, Tây Nam giáp Cộng hoà Y-ê-men, Nam giáp Ấn Độ Dương. Ô-man có vị trí rất quan trọng, kiểm soát eo biển Hormuz.


- Diện tích: 309.500 km2.


- Dân số:  4.613.241 người (7/2017), trong đó người nhập cư chiếm hơn 40% dân số.


- Dân tộc:  Ả-rập (chiếm 85,9% dân số, số còn lại là dân di cư từ I-ran, Ấn Độ và Pakistan đến).


- Thủ đô: Mút-cát (Muscat)


- Ngôn ngữ: Tiếng Ả-rập, ngoài ra sử dụng tiếng Anh.


- Tôn giáo: Đạo Hồi là quốc đạo (85,9% dân số theo đạo Hồi)


- Quốc vương: Ca-bút Xa-ít An Xa-ít (Qaboos Bin Said Al Said), kiêm Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao, Quốc phòng và Tài chính từ năm 1970. 


- Quốc vụ khanh phụ trách đối ngoại: Iu-síp Bin A-la-uy Bin Áp-đu-la (Yousef Bin Alawi Bin Abdullah).


- Quốc khánh: 18/11/1970 (ngày Quốc vương Qaboos lên ngôi).


- Đơn vị tiền tệ : đồng Rial Ô-man (RO) 1 USD= 0,3845 RO.


- Khí hậu: Khí hậu sa mạc, nóng ẩm vùng ven biển, nóng khô trong đất liền.


- Tài nguyên thiên nhiên: dầu lửa (5,5 tỷ thùng), crôm.


II. Lịch sử:


          Thế kỷ thứ VII, Ô-man là một bộ phận của đế quốc Ả-rập. Năm 1508, Bồ Đào Nha chiếm Mút-cát. Đầu thế kỷ 18, Ô-man bị Ba Tư chiếm đóng. Đến cuối thế kỷ 18, Anh chiếm Ô-man và chia thành Ô-man và Mút-cát. Năm 1913, một giáo chủ Hồi giáo đã lãnh đọa các bộ lạc chống thực dân Anh đòi độc lập và lập ra Vương quốc Ô-man (Sultanate).


Tháng 9/1920, Anh và Ô-man đã ký một thỏa thuận hòa bình, theo đó, đất nước bị chia thành Vương quốc Mút-cát và Vương quốc Ô-man.


Năm 1954, Tiểu vương Ô-man là Gha-leb A-lim tuyên bố độc lập và đòi tham gia Liên đoàn Ả-rập. Năm 1970, dưới sự bảo trợ của quân Anh, quân của Mút-cát đã tấn công và chiếm toàn bộ Ô-man và thống nhất lại thành Vương quốc Ô-man.


Ngày 18/11/1962, Ủy ban chính trị Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết trao trả độc lập cho Ô-man. Năm 1970, Anh tuyên bố rút khỏi vùng Vịnh và hai năm sau Anh thực hiện việc rút quân.


III. Chính trị:


          Ô-man theo chế độ quân chủ chuyên chế, đừng đầu Nhà nước là Quốc vương. Các đảng phái chính trị đều bị cấm hoạt động. Phong trào đối lập là mặt trận nhân dân giải phóng Ô-man – OPLF (thành lập năm 1965) hoạt động bí mật.


          Do ảnh hưởng của phong trào “Mùa xuân Ả-rập”, tại Ô-man xuất hiện một số cuộc biểu tình chống chính phủ quy mô nhỏ. Tuy nhiên, nhờ sớm tiến hành các biện pháp cải cách và kiên quyết trấn áp, đến nay, tình hình Ô-man cơ bản ổn định.


IV. Kinh tế:


          Tài nguyên khoáng sản chủ yếu của Ô-man là dầu mỏ (5,5 tỷ thùng) và khí đốt (849,5 tỷ m3). Công nghiệp dầu mỏ chiếm khoảng 80% thu nhập quốc dân. Ngoài ra, Ô-man có crôm, trữ lượng khoảng 2 tỷ tấn, sản xuất hàng năm 15.000 tấn. Nông nghiệp kém phát triển.


          Ô-man xuất khẩu: dầu mỏ (70% xuất sang các nước tư bản, trong đó 60% sang Nhật), tái xuất khẩu cá, kim loại, hàng dệt,…; nhập khẩu: máy móc, thiết bị giao thông, hàng công nghiệp, thực phẩm, gia súc,…


          Các bạn hàng chính: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ, Anh, Đức,…


          Cơ cấu kinh tế:


          * GDP ppp: 187,9 tỷ USD (2017); GDP tăng trưởng thực sự 71,93 tỷ USD.


          * GDP bình quân đầu người: 45.500 USD (2017)


          * Tăng trưởng GDP: 0 %/năm (2017)


V. Đối ngoại:


          Ô-man là thành viên của Liên hợp quốc, Liên đoàn Ả-rập, Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC), Tổ chức thương mại thế giới, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo,…


          Ô-man có quan hệ tốt với các nước GCC và hợp tác chặt chẽ với Mỹ. Mỹ có căn cứ quân sự lớn tại đảo Ma-xi-ra của Ô-man. Trong những năm gần đây, Ô-man đẩy mạnh chính sách hướng Đông, tăng cường quan hệ với các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam.


VI. Quan hệ với Việt Nam:


1. Quan hệ chính trị - ngoại giao:


- Ngày 09/6/1992, ta và Ô-man thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp Đại sứ. Ngày 18/4/2010, Ô-man mở Đại sứ quán tại Hà Nội. Đại sứ quán ta tại Cô-oét kiêm nhiệm Ô-man; dự kiến việc kiêm nhiệm sẽ được chuyển sang Đại sứ quán ta tại Ả-rập Xê-út vào cuối năm 2018 khi Đại sứ mới của ta sang nhận nhiệm vụ.


- Trao đổi đoàn:


+ Các đoàn ta thăm Bạn: Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên- Đặc phái viên Chủ tịch HĐNN (28/4/1992), Thứ trưởng Bộ Thương mại (7/2000), Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Văn Ngạnh (5/2001), Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng (12/2007), Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng (1/2014), Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phương Nga (4/2014)...


+ Các đoàn Bạn thăm ta: Thứ trưởng Ngoại giao (5/2004), Bộ trưởng Kinh tế và Bộ trưởng Thương mại – Công nghiệp (5/2007 và 4/2008), Thứ trưởng Công Thương (11/2013), Quyền Thứ trưởng Ngoại giao (tháng 12/2016), Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp (3/2018) …


- Các Hiệp định/ Thoả thuận ký kết: Hiệp định hợp tác Hàng không (6/2003); Hiệp định Thương mại (5/2004); Thỏa thuận hợp tác lao động, Thỏa thuận hợp tác giữa PetroVietnam và Công ty dầu khí Ô-man, Thoả thuận hợp tác giữa hai Phòng Thương mại và Công Nghiệp (12/2007); Hiệp định Tránh đánh thuế 2 lần (4/2008); Thỏa thuận lập Quỹ Đầu tư chung trị giá 100 triệu USD (4/2008); Hiệp định khuyến khích và Bảo hộ đầu tư (1/2011); Bản Ghi nhớ về tham vấn chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao (1/2013).


- Các cơ chế hợp tác:


+ Ủy ban liên chính phủ: hai nước đã tiến hành họp Ủy ban liên chính phủ hai nước lần thứ nhất vào 01/2011, lần thứ hai vào tháng 01/2014 tại Mút-cát (Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng), lần thứ 3 tại Việt Nam tháng 3/2018.


+ Tham vấn chính trị: Họp tham vấn chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao lần thứ nhất vào tháng 4/2014 tại Mút-cát (Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phương Nga), lần thứ 2 vào tháng 12/2016 tại Hà Nội (Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Hồng Nam).


2. Quan hệ kinh tế và các lĩnh vực khác:


- Thương mại: Kể từ năm 2014 kim ngạch thương mại hai chiều luôn đạt trên 65 triệu USD (năm 2015 đạt 65,5 triệu USD, năm 2016 đạt 74,4 triệu USD, năm 2017 đạt 116,7 triệu USD). Mặt hàng xuất khẩu chính của ta là cà phê, hải sản, sắt thép; ta nhập chủ yếu là chất dẻo, nguyên liệu, kim loại thường,…


          - Đầu tư: tính đến năm 2018, Ô-man có hai pháp nhân là Công ty cổ phần đầu tư Việt Nam – Ô-man (VOI) và Công ty cổ phần nước mặt Sông Đuống đã đầu tư 5 dự án (ngân hàng, thủy điện, cơ sở hạ tầng, y tế…) với số vốn 337 triệu USD, đứng thứ 34/126 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. VOI là liên doanh giữa Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Kinh doanh vốn Nhà nước SCIC và 3 đối tác Ô-man (Quỹ dự trữ Quốc gia Ô-man, Quỹ Đầu tư Ô-man, Công ty Dầu Ô-man). Ngoài ra, Quỹ Đầu tư Ô-man là cổ đông chiến lược của Tông Công ty Bảo hiểm dầu khí Việt Nam (từ tháng 5/2010) với 12,6% cổ phần, trị giá 40 triệu USD.


          - Hợp tác lao động: Hiện ta có trên 400 lao động đang làm việc tại Ô-man.


THÔNG TIN ĐẠI SỨ QUÁN HAI NƯỚC


  1. Đại sứ quán Ô-man tại Hà Nội

    Địa chỉ: 74 Trích Sài, Bưởi, Tây Hồ, Hà Nội

    Điện thoại: +84 24 3759 2700

    Đại sứ: Sultan Saif Al Mahruqi

  2. Đại sứ quán Việt Nam tại Ả-rập Xê-út kiêm nhiệm Ô-man

    Địa chỉ: Villa No 23 Al-Dhiyafah st, Al-Nuzha District, Riyadh, Saudi Arabia

    Điện thoại: +966 11 454 7887

    Đại sứ: Nguyễn Việt Dũng (chuẩn bị sang)

     

                                                                      Hà Nội, tháng 12 năm 2018


Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn