TLCB Bahrain 4.2019
BỘ NGOẠI GIAO
-------
TÀI LIỆU CƠ BẢN VỀ VƯƠNG QUỐC BA-RANH
VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM
|
|
I. Khái quát:
- Tên nước: Vương quốc Ba-ranh (Kingdom of Bahrain)
- Thủ đô : Ma-na-ma (
- Vị trí địa lý: là 1 quần đảo gồm 35 đảo nhỏ, kéo dài 30 km, nằm cách bờ biển phía Đông của Ả-rập Xê-út 24 km, cách Ca-ta 28 km về phía Tây.
- Khí hậu: mùa hè nóng ẩm, mùa đông dịu mát.
- Diện tích: 741 km2
- Dân số: 1.410.942 người (7/2017). 63% là người Ba-ranh, 10% gốc Ả-rập khác, 8% gốc I-ran, 13% gốc châu Á, 6% có nguồn gốc khác.
- Dân tộc: Ả-rập
- Tôn giáo: Đạo Hồi là quốc đạo (25% người theo phái Sunni, 75% người theo phái Shiite).
- Ngôn ngữ: Tiếng Ả-rập, ngoài ra còn có tiếng Anh, tiếng I-ran, tiếng Urdu.
- Đơn vị tiền tệ: Đồng Dinar Ba-ranh (BD); 1 USD = 0,376 BD (2015)
- Quốc khánh (ngày độc lập): 16/12/1971.
- Quốc vương: Hamad Bin Isa Al-Khalifa (06/3/1999).
- Thủ tướng: Khalifa Bin Salman Al-Khalifa (1971).
- Ngoại trưởng: Khalid Bin Ahmed Bin Muhammed Al Khalifa (9/2005)
- Chủ tịch Hội đồng Cố vấn (Thượng viện – Chairman of Shura Council): Ali bin Saleh Al-Saleh (12/2008).
- Chủ tịch Hội đồng Đại biểu (Hạ viện – Chairman of Council of Representative – Majlis al Nuwab): Khalifa Al Dhahrani (9/2006).
II. Lịch sử :
Trong lịch sử, Ba-ranh là một trong những nơi cư trú của người Ả-rập. Từ 1521-1602, Ba-ranh bị Bồ Đào Nha thống trị. Từ 1602-1782, đế quốc Ba tư chiếm đóng Ba-ranh và đưa người Iran đến cư trú.
Năm 1782, Ba-ranh giành được độc lập và thành lập Tiểu vương quốc Ba-ranh. 1880-1892, Ba-ranh bị Anh đô hộ. Tháng 5/1970, Anh và Iran đã thoả thuận trao cho Liên hợp quốc quyết định quy chế chính trị của Ba-ranh.
Ngày 15/8/1971, Ba-ranh tuyên bố hoàn toàn độc lập và Nhà nước Ba-ranh được thành lập. Năm 2002, Ba-ranh đổi tên thành Vương quốc Ba-ranh.
III. Chính trị :
Ba-ranh theo chế độ quân chủ lập hiến. Mọi quyền hành nằm trong nhà Vua, Vua chỉ định Thủ tướng.
Tháng 02/2001, Ba-ranh tổ chức trưng cầu dân ý thông qua Hiến chương Hành động dân tộc, cho phép phụ nữ lần đầu tiên được đi bầu cử, chuyển Ba-ranh từ Nhà nước quân chủ truyền thống thành Nhà nước quân chủ lập hiến, đổi tên thành Vương quốc Ba-ranh.
Tháng 10/2002, Ba-ranh đã tiến hành bầu cử Quốc hội (Hạ viện). Đây là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ khi Quốc hội bị giải tán năm 1975. Quốc hội hiện nay bao gồm : Hội đồng Shura (40 thành viên) do Vua chỉ định, và Hạ viện, gồm 40 thành viên do bầu cử trực tiếp, nhiệm kỳ 4 năm.
Các đảng phái chính trị và các tổ chức công đoàn đều bị cấm hoạt động.
IV. Kinh tế :
Tài nguyên chính của Ba-ranh là dầu lửa, trữ lượng 100 triệu thùng (01/2016). Sản lượng khai thác dầu của Ba-ranh đạt 50.000 thùng/ngày – đứng thứ 57 trên thế giới (2016), hơi đốt tự nhiên trữ lượng 92,03 tỷ m3, sản lượng 16,9 tỷ m3 năm 2015. Ngành công nghiệp khai thác và chế biến dầu lửa đóng vai trò chủ chốt trong nền kinh tế Ba-ranh. Thu nhập từ dầu lửa chiếm 86% tổng thu nhập, 60% giá trị xuất khẩu và 30% GDP. Ba-ranh nhập dầu thô để chế biến và xuất khẩu. Ba-ranh phát triển các ngành: sản xuất nhôm, sửa chữa tàu biển… Sản phẩm nông nghiệp chính: rau, hoa quả, gia cầm, sản phẩm sữa, tôm, cá...
Ba-ranh xuất khẩu các sản phẩm xăng dầu, nhôm, hàng dệt may; nhập khẩu dầu thô, máy móc, hoá chất. Các bạn hàng chính: UAE, Mỹ, Trung Quốc, Ả rập Xê-út, Nhật (2017).
- Cơ cấu kinh tế (2017): Nông nghiệp 0,3%, công nghiệp 39,3%, dịch vụ 60,4%.
- GDP tính theo tỷ giá hối đoái chính thức: 35,33 tỷ USD (2017).
- Thu nhập bình quân đầu người (PPP): 49.000 USD (2017).
- Lạm phát: 2,7% (2014), 1,8% (2016), 1,4% (2017)
- Thất nghiệp: 3,8% (2017).
- Số người nước ngoài làm việc tại Ba-ranh khoảng 103.000 người, chiếm 50% lực lượng lao động ở nước này .
V. Đối ngoại:
Ba-ranh là thành viên của các Tổ chức: Liên đoàn Ả rập (AL), Tổ chức hợp tác hồi giáo (OIC), Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC), Liên hợp quốc, IMF, WTO, UNESCO, Quỹ Tiền tệ Ả rập (AMF), OPEC...
Vấn đề tranh chấp lãnh thổ kéo dài nhiều năm giữa Ba-ranh – Ca-ta đã được giải quyết vào tháng 3/2001, thông qua phán quyết của Toà án quốc tế.
VI. Quan hệ với Việt Nam:
a. Quan hệ chính trị, kinh tế:
- Quan hệ chính trị: Việt Nam và Ba-ranh thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 31/3/1995, cho đến nay, hai nước vẫn chưa có cơ quan đại diện ngoại giao tại thủ đô của nhau.
- Quan hệ kinh tế: Kim ngạch thương mại hai chiều đạt 32,5 triệu USD (2017), trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 20 triệu USD. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: Nhôm, hải sản, hạt điều, gỗ, điện thoại, máy móc thiết bị… Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: kim loại thường, vải, khí đốt hóa lỏng…
b. Trao đổi đoàn:
- Đoàn Việt Nam thăm Ba-ranh: Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng (tháng 12/2007).
- Đoàn Ba-ranh thăm Việt Nam: Hoàng thân – Bộ trưởng Ngoại giao Bahrain Sheikh Khalid Bin Ahmed Bin Mohamed Al Khalifa tới Việt Nam trong chuyến thăm cá nhân (tháng 12/2010 và tháng 12/2017). Đoàn Hội đồng kinh doanh ASEAN Bahrain (ABC) gồm 11 thành viên do Hoàng thân Sheikh Daij Bin Isa Al Khalifa, Chủ tịch Hội đồng dẫn đầu đã thăm và làm việc tại Hà Nội (từ 11 – 14/4/2018) và Thành phố Hồ Chí Minh (từ 14 – 17/4/2018)
c. Hiệp định đã ký:
- Hiệp định hàng không VN - Ba-ranh (4/5/1999)
- Thoả thuận hợp tác kinh tế, thương mại và KHKT (Ký tắt - 12/2007)
- Thoả thuận Hợp tác giữa hai Phòng Thương mại và Công nghiệp (12/2007)
d. Thông tin về ĐSQ phụ trách của hai nước:
- Đại sứ quán Việt Nam tại Ả-rập Xê-út kiêm nhiệm Ba-ranh
Địa chỉ: Villa 11B, Al-Safah Street, Al-Rayyan District, Riyadh, Kingdom of Saudi Arabia
Tel: (+966)-11-4547887; 4569756
Fax: (+966)-11-4548844
Email: vnemb.sa@mofa.gov.vn
- Đại sứ quán Ba-ranh tại Thái Lan kiêm nhiệm Việt Nam
Địa chỉ: 23rd – 24th floor, Saeng Thong Thani Building, 82 N Sathon Road, Silom, Bangkok 10500, Thailand.
Điện thoại: +66 2 639 2999
Fax: +66 263 92950
Email: themb@mofa.gov.sa
(Hà Nội, tháng 4/2019)
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |