Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Khóa 55


Phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên

tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Khóa 55

Trong bài phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Dy Niên, tại Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 55, ngày 13/9/2000, Bộ trưởng nêu rõ:

Vấn đề đặt ra đối với cộng đồng quốc tế giờ đây là thực hiện Tuyên bố Thiên niên kỷ mà khoá họp Đại hội đồng này phải là sự khởi đầu với nhận thức mới và quyết tâm mới, thể hiện trong các kết quả cụ thể. Chỉ có như vậy mới củng cố thêm được niềm tin của nhân dân thế giới vào hoạt động của Liên hợp quốc, tổ chức lớn nhất của hành tinh chúng ta. Việc thực hiện Tuyên bố Thiên niên kỷ là quá trình lâu dài và không đơn giản, đòi hỏi phải có ý chí, nỗ lực và quyết tâm cao của mỗi nước, cộng đồng quốc tế và Liên hợp quốc, nhất là khi toàn cầu hoá bộc lộ những tác động tiêu cực, gây ra tình trạng bất bình đẳng về cơ hội và hưởng thụ đối với các nước đang phát triển.  Xoá đói nghèo và phát triển phải được ưu tiên và hỗ trợ hàng đầu để thực hiện những mục tiêu của Hội nghị Cấp cao. Để đạt được mục tiêu, yêu cầu có tính chất quyết định đặt ra trước tiên đối với các quốc gia là tăng cường nỗ lực, đề ra các chương trình, chính sách phù hợp nhằm phát huy cao nhất các nguồn lực của mình, tranh thủ cao độ và sử dụng hiệu quả nguồn lực trợ giúp của bên ngoài. Đồng thời có sự hỗ trợ nguồn lực thiết thực của Liên hợp quốc, và sự giúp đỡ của các nước công nghiệp phát triển trong đó có thực hiện giảm xoá nợ và tăng viện trợ ODA lên 0,7% GDP như đã cam kết. 

Những mục tiêu đề ra trong Tuyên bố Thiên niên kỷ đều là trọng tâm chính sách được ưu tiên hàng đầu của Việt Nam từ nhiều năm nay. Chẳng hạn như bằng nỗ lực cao nhất và với sự giúp đỡ của Liên hợp quốc và các nước tài trợ, chúng tôi đã giảm tỷ lệ nghèo, theo định mức Việt Nam, từ 30% năm 1992 xuống còn 11% năm 2000. Mong rằng sự hỗ trợ đó trong thời gian tới sẽ tiếp tục được tăng lên, tạo điều kiện cho Việt Nam củng cố các thành tựu đạt được. Những mục tiêu ấy cũng được thể hiện trong Tầm nhìn 2020 và Chương trình hành động Hà Nội của ASEAN, cụ thể là mở rộng hợp tác ở khu vực Đông Nam á và Đông á và xây dựng các tam-tứ giác phát triển, liên vùng nghèo, với các sáng kiến đầy triển vọng về Hành lang phát triển Đông-tây và cùng với ESCAP coi thập kỷ đầu của Thế kỷ 21 là thập kỷ phát triển Tiểu vùng Mê-công. Những chương trình đó hoàn toàn phù hợp với định hướng trong Tuyên bố Thiên niên kỷ và do vậy cần được Liên hợp quố và cộng đồng quốc tế quan tâm hỗ trợ thích đáng. Tiếp tục con đường đang đi này cũng là đóng góp của Việt Nam và ASEAN. Việt Nam và ASEAN  ủng hộ việc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình, không can thiệp, áp đặt, để cải thiện và củng cố an ninh khu vực, để không làm cho tình hình thêm phức tạp và ảnh hưởng tiêu cực tới niềm tin của nhân dân các nước vào các nỗ lực của cộng đồng quốc tế. Vì vậy, trách nhiệm chung của chúng ta là bảo đảm không để tái diễn các hành động can thiệp, vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc, như xảy ra trong thời gian gần đây, và chấm dứt việc áp đặt cấm vận gây ra vô vàn đau khổ cho nhân dân các nước Cuba, Iraq... Cần đẩy mạnh hơn nữa các nỗ lực về giải trừ quân bị, đặc biệt là giải trừ quân bị hạt nhân và các loại vũ khí huỷ diệt khác; ngăn chặn các nguy cơ gia tăng tái chạy đua vũ trang, trong đó có ý đồ triển khai các hệ thống tên lửa mới. Tại Đông Nam á và Đông á, các nước ASEAN đi đầu trong các nỗ lực vì một khu vực hữu nghị, hợp tác, thịnh vượng và không vũ khí hạt nhân, giải quyết các vấn đề tồn tại ở khu vực, thực hiện các Hiệp ước như Hiệp ước Thân thiện và hợp tác (Tac), Hiệp ước Đông Nam á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), và khuôn khổ Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) về đối thoại và hợp tác với các nước, các tổ chức khác. Về phương diện này, các biện pháp xây dựng lòng tin cần được đẩy mạnh trên cơ sở triệt để tôn trọng nguyên tắc không can thiệp công việc nội bộ, giữ gìn bản sắc dân tộc và văn hoá của từng nước cũng như cả khu vực. Việt Nam và ASEAN, trong khuôn khổ song phương cũng như ARF, sẽ thúc đẩy các nỗ lực xây dựng Bộ qui tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc, và hoàn toàn ủng hộ Tuyên bố ASEAN 1992 về các nguyên tắc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, cũng như hoan nghênh những chuyển biến tích cực mới đây trên bán đảo Triều Tiên. Để thực hiện được những định hướng lớn mới và tiếp đà của Hội nghị cấp cao Thiên niên kỷ, Khoá họp Đại hội đồng năm nay cần đẩy nhanh hơn nữa tiến trình cải tổ, đổi mới và dân chủ hóa Liên hợp quốc. Việt Nam ủng hộ việc khôi phục và nâng cao vai trò trung tâm của Đại hội đồng, cơ quan đại diện của tất cả các nước thành viên Liên hợp quốc theo nguyên tắc bình đẳng chủ quyền. Cải tổ Liên hợp quốc với vấn đề quan trọng nhất là cải tổ cơ cấu thành phần và quy trình quyết định của Hội đồng Bảo an, là trách nhiệm của tất cả các nước thành viên.

Về việc cải tổ Hội đồng Bảo an, Việt Nam ủng hộ việc tăng cả hai loại thành viên thường trực và không thường trực của Hội đồng. Về tăng thành viên thường trực, giải pháp chung cần bảo đảm các nước đang phát triển ở ba khu vực á, Phi, Mỹ La-tinh có đại diện và có thể tính tới một số nước đang phát triển có vai trò và một vài nước phát triển có nhiều đóng góp tài chính-vật lực cho Liên hợp quốc như ấn Độ, Nhật, Đức... Bây giờ, hơn lúc nào hết, Liên hợp quốc cần khẳng định khả năng tự cải tổ chính mình và đạt được bước đi rõ rệt trong việc cải tổ Liên hợp quốc. Chúng ta cần hành động theo hướng cải tổ để thể hiện sức sống dồi dào của Liên hợp quốc. Đến dự Khoá họp, Việt Nam cùng chia sẻ quyết tâm chung nhằm triển khai thực hiện bản Tuyên bố Thiên niên kỷ lịch sử, xây dựng một thế giới công bằng và tốt đẹp hơn với một Liên hợp quốc có vai trò xứng đáng hơn, hoạt động hiệu quả hơn. Việt Nam ý thức đầy đủ trách nhiệm của một nước thành viên đối với Liên hợp quố và cộng đồng quốc tế, vì thế, từ nhiều năm nay đã, đang và trong tương lai sẽ tiếp tục phấn đấu cho những mục tiêu chung của nhân loại và Liên hợp quốc. Bằng chứng sinh động mới đây nhất là đề nghị của Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Hội nghị cấp cao Thiên niên kỷ về lấy thập kỷ đầu tiên của Thế kỷ 21 làm thập kỷ tập trung cao nhất mọi nỗ lực toàn cầu để phát triển và xoá đói giảm nghèo. Trên cương vị là nước thành viên Liên hợp quốc và Chủ tịch Asean, Việt Nam sẽ làm hết sức mình để đóng góp tích cực vào sự phát triển của Liên hợp quốc nói chung và Asean nói riêng, tăng cường sự hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc cũng như giữa Asean và Liên hợp quốc, đồng thời mong muốn hợp tác chặt chẽ và hiệu quả với các nước thành viên cũng như với tổ chức Liên hợp quốc.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Các tin liên quan:

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer