Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Tuesday, ngày 24 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Kỷ niệm 55 năm ngành Ngoại giao Việt Nam


Mít tinh kỷ niệm 55 năm ngành Ngoại giao Việt Nam

Phát biểu của đồng chí Trần Đức Lương, ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tại Hà Nội, ngày 28.8.2000

Cách đây 55 năm cùng với việc tuyên bố thành lập Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ngày, nền ngoại giao mới của Việt Nam đã ra đời ngày 28/8/1945. Sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tôi luyện nền ngoại giao Việt Nam trở thành nền ngoại giao cách mạng và hiện đại, lớn mạnh theo từng giai đoạn lịch sử và đóng góp xứng đáng vào thắng lợi chung của cả dân tộc. Hôm nay, tôi rất vui mừng thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước tới dự Lễ kỷ niệm 55 năm ngành Ngoại giao, nhiệt liệt chúc mừng cán bộ, nhân viên ngành Ngoại giao trong ngày truyền thống vẻ vang của Ngành. 55 năm qua là khoảng thời gian không dài trong lịch sử, nhưng lại có ý nghĩa to lớn và đặc biệt đối với dân tộc Việt Nam. Đó là sự mở đầu kỷ nguyên mới trong lịch sử của dân tộc ta, chứng kiến những bước tiến đầy hy sinh, gian khổ nhưng vô cùng vinh quang của cả dân tộc, đưa Việt Nam từ một nước thuộc địa và nô lệ trở thành một nước tự do và độc lập, đang xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cùng với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, ngành Ngoại giao đã góp phần vào những thành tựu vĩ đại đó. Ngoại giao Việt Nam ngay trong những ngày tháng đầu tiên của nước Việt Nam mới đã phải đương đầu với thử thách khi vận mệnh đất nước như ngàn cân treo sợi tóc. Lúc bấy giờ ngoại giao đã trở thành một vũ khí hữu hiệu trong nghệ thuật lãnh đạo cách mạng của Đảng và Bác Hồ để bảo vệ nền độc lập vừa mới giành được, tranh thủ hoà bình, nêu cao chính nghĩa, tập hợp lực lượng toàn dân tộc và sự ủng hộ quốc tế, chuẩn bị chống lại âm mưu quay trở lại nô dịch Việt Nam một lần nữa của chủ nghĩa thực dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nền ngoại giao mới của nước ta đã nhanh chóng trở thành một binh chủng hợp thành có ý nghĩa chiến lược của cách mạng Việt Nam. Nền ngoại giao đã trưởng thành cùng với những bước đi của sự nghiệp cách mạng, chủ động và sáng tạo, nêu cao chính nghĩa, làm cầu nối dân tộc với thời đại, Việt Nam với thế giới. Nhờ đó, ngành Ngoại giao đã góp phần đắc lực vào việc tạo nên phong trào thế giới rộng khắp ủng hộ Việt Nam. Sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta có được sức mạnh vô địch là nhờ kết hợp được sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Các hoạt động ngoại giao đầy sáng tạo trong thời kỳ 1945-1946 ; trong cuộc kháng chiến trường kỳ lần thứ nhất dẫn tới Hiệp định Giơ- ne-vơ 1954 ; trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước dẫn tới Hiệp định Pa-ri 1973 là những dấu mốc quan trọng trong quá trình trưởng thành của ngành ngoại giao, góp phần đưa đến ngày toàn thắng 30/4/1975, Việt Nam được hoàn toàn độc lập, Tổ quốc được thống nhất. Từ sau 1975, trong các hoàn cảnh khác nhau trên thế giới và khu vực, và trong mọi thời kỳ của đất nước, ngoại giao Việt Nam vẫn là một lực lượng chủ động và tích cực góp phần quan trọng cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Phối hợp chặt chẽ với các ngành, đặc biệt là kinh tế, an ninh, quốc phòng, Ngoại giao Việt Nam đã tham gia hiệu quả vào việc phá vỡ thế bao vây cấm vận, góp sức bình thường hoá quan hệ quốc tế phức tạp, mở rộng giao lưu hữu nghị, hỗ trợ đắc lực cho việc đảm bảo sự ổn định chính trị, tranh thủ và phát huy mọi nguồn lực để thực hiện thành công đường lối đối mới. Ngày nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 167 nước ; có quan hệ kinh tế, thương mại và hợp tác đầu tư với gần 165 quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt là có quan hệ hữu nghị với tất cả các nước láng giềng, các nước lớn và các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ. Việt Nam là thành viên tích cực của Liên hợp quốc, của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam á, và của nhiều tổ chức quốc tế và khu vực. Chúng ta tự hào về vai trò và ảnh hưởng quốc tế ngày càng rộng rãi của đất nước ta, dân tộc ta. Từ diễn đàn này, một lần nữa, thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam, tôi chân thành cám ơn Chính phủ và nhân dân các nước bạn bè truyền thống, các nước láng giềng, các tổ chức và phong trào quốc tế ủng hộ Việt Nam, bạn bè quốc tế đã giành cho nhân dân Việt Nam sự giúp đỡ tinh thần và vật chất to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và tái thiết đất nước. Chúng tôi cũng cảm ơn các Chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức và bạn bè quốc tế đang giành cho nhân dân Việt Nam sự hợp tác giúp đỡ quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước ngày nay. Đóng góp của ngành ngoại giao đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta là rất to lớn. Đảng, Nhà nước, nhân dân đã ghi nhận và đánh giá cao những cống hiến và công lao đó của ngành Ngoại giao, đã tặng thưởng Huân chương Sao Vàng cho Ngành nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập. Thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân, tôi biểu dương và nhiệt liệt chúc mừng ngành Ngoại giao về những thành tích to lớn và sự trưởng thành không ngừng của Ngành trong 55 năm qua.

Kỷ niệm 55 năm thành lập ngành cũng là dịp tốt để ngành ngoại giao tổng kết hoạt động ngoại giao. Những bài học kinh nghiệm, những kết luận rút ra từ công tác tổng kết này có ý nghĩa lý luận và thực tiễn hết sức to lớn vì nhiệm vụ của ngành Ngoại giao tới đây còn nặng nề, khó khăn và phức tạp hơn nhiều. Thế kỷ XXI đối với dân tộc ta là thế kỷ tiếp tục xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, thực hiện thành công công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước theo tinh thần Nghị quyết của các Đại hội Đảng gần đây và sẽ được khẳng định, được cụ thể hoá trong các Nghị quyết, văn kiện của Đại hội IX sắp tới. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ của Ngành trong giai đoạn cách mạng tới, ngành Ngoại giao phải kế thừa truyền thống cách mạng và ngoại giao vẻ vang, vận dụng sáng tạo và hiệu quả những bài học kinh nghiệm thành công của 55 năm qua, tư tưởng và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh. Những bài học về tính độc lập, tự chủ trong đường lối, chính sách đối ngoại ; về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại ; về tăng cường khối đoàn kết quốc tế, tranh thủ mọi lực lượng và thủy chung với bạn bè ; về kiên trì lập trường nguyên tắc và ứng xử linh hoạt, tinh tế, mềm dẻo, thuyết phục ; về đánh giá đúng mình và hiểu người trong nghiên cứu và thực tiễn hoạt động ngoại giao ; về sự hợp tác giữa các ngành, các cấp, phát huy mạnh mẽ ngoại giao Đảng, ngoại giao Nhà nước, ngoại giao nhân dân dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng ... phải được vận dụng nhuần nhuyễn để đưa nền ngoại giao nước nhà vươn lên tầm cao mới.

Nhiệm vụ bao trùm công tác đối ngoại của chúng ta trong thời gian tới là giữ vững hoà bình, ổn định cho đất nước, mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta tuyên bố với thế giới rằng : với chính sách đối ngoại rộng mở, Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại phải nhằm phục vụ chiến lược phát triển kinh tế, từng bước đổi mới cơ cấu sản xuất, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tạo điều kiện cho nền kinh tế nước ta phát triển nhanh chóng và bền vững. Chúng ta chủ trương mở rộng quan hệ đối ngoại về tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hoá, giáo dục, y tế, cũng như trên các tuyến Nhà nước, Đảng, các đoàn thể nhân dân và các tổ chức phi chính phủ. Đó là một nền ngoại giao tôn trọng triệt để các nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng, cùng có lợi, bảo vệ và phát triển kinh tế, tài nguyên, môi trường và an ninh quốc gia, gìn giữ và phát huy truyền thống và bản sắc tốt đẹp của dân tộc ta cũng như của mọi quốc gia - dân tộc trên thế giới. Ngoại giao phải đóng vai trò chủ lực, vững vàng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, tiếp tục nâng cao vị thế quốc tế của đất nước, đồng thời khai thác tác dụng của vị thế ấy sao cho có lợi nhất cho đất nước. Ngoại giao vẫn phải vừa là cầu nối đất nước với thế giới, vừa là người đại diện xứng đáng của đất nước trên thế giới. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự nghiệp cách mạng của chúng ta luôn sáng ngời chính nghĩa, nhân dân ta dũng cảm, kiên cường mà hoà hiếu, nhân hậu, thủy chung, sự tham gia và hỗ trựo của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân cũng như thành quả chung của đất nước, thành tựu ngoại giao 55 năm qua là những đảm bảo để ngành Ngoại giao hoàn thành được nhiệm vụ mới của mình. Tuy nhiên, trong công tác đối ngoại, người cán bộ ngoại giao có vai trò đặc biệt quan trọng. 55 năm qua, ngành Ngoại giao đã có nhiều thành tích trong công tác cán bộ và cán bộ ngoại giao đã có rất nhiều cố gắng, nhưng thời kỳ mới, giai đoạn cách mạng mới đòi hỏi năng lực, phẩm chất, ý thức trách nhiệm của cán bộ, nhân viên ngành Ngoại giao cao hơn nhiều ; mỗi người phải thực sự là một chiến sỹ cách mạng trên mặt trận ngoại giao. Người cán bộ ngoại giao cần phải có kiến thức rộng, phải nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, có quan điểm lập trường vững vàng, dũng cảm, kiên cường, tư thế đàng hoàng, tác phong khiêm nhường, hoà hiếu ; phải không ngừng học hỏi, thực sự cầu thị, không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức, tác phong lối sống của người cán bộ cách mạng, luôn hết lòng, hết sức lo phục vụ tốt nhất cho lợi ích của dân tộc, của đất nước. Thưa các vị khách quý, Thưa các đồng chí và các bạn, Đảng và Nhân dân vui mừng, tự hào về sự trưởng thành của ngành ngoại giao trong 55 năm qua, về sự đóng góp xứng đáng của ngành Ngoại giao vào sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc. Đảng, Nhà nước và nhân dân mong mỏi và tin tưởng ngành Ngoại giao sẽ tiến nhanh hơn, vững chắc hơn và đóng góp được nhiều hơn, hiệu quả hơn cho dân tộc và đất nước trong thời gian tới. Thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân, tôi chúc ngành ngoại giao thành công và tiến bộ hơn nữa ./.

 
Back Top page Print Email

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer